Đào Hùng nhìn từ phía tôi

Đào Hùng là một nhân cách đa dạng, nhiều trong một. Ở anh, nhà báo, nhà biên tập, nhà nghiên cứu, dịch giả, người biên soạn không hề mâu thuẫn nhau, trái lại được thống nhất với nhau bởi một người chơi: chơi mình, chơi người, chơi công việc, thậm chí chơi chơi, tức chơi cả sự chơi.

Năm 1981, từ lính về nhà xuất bản Ngoại Văn, tôi được phân công làm biên tập viên kinh tế, mảng sách tôi không biết gì cả, nhưng ban biên tập lại đang thiếu người. Hôm đến nhận việc, gặp anh Đào Hùng, trưởng phòng văn hóa, ở hành lang. Anh tự giới thiệu và hỏi chuyện tôi. Khi, qua câu chuyện, được biết giữa chúng tôi có một số người bạn chung như Tạ Đức, Nguyễn Ngọc Tuấn…, anh Hùng bảo, thôi để tớ nói với bác Viện cho cậu về phòng tớ. Ở đây tớ không được chơi với ai cả. Cậu sẽ là bạn tớ. Thế là tôi trở thành nhân viên của anh, được chơi với anh và được anh cho chơi với những người khác.

Sau mười năm quân ngũ, tôi thèm khát tự do chẳng khác nào một tên tù sổng. Hơn nữa, việc tái hòa nhập vào các cộng đồng dân sự với tôi gặp nhiều trục trặc. Còn anh thì đang ở giai đoạn khó khăn trong cuộc đời: công việc không ưng ý lắm và chị Mai, vợ anh, lại vừa mất. Thế là anh cứ kéo tôi đi chơi tràn. Thời bao cấp, người tài không có đất dùng. Việc cơ quan chỉ tốn một phần ba thời gian và một phần mười đầu óc. Thế là những “người thừa” ấy chỉ biết đổ vơi năng lượng của mình vào các cuộc tụ bạ bên chén rượu suông, kể chuyện giai thoại, đọc sách trinh thám và tiểu thuyết hoa tình bằng tiếng Pháp. Nhóm chơi của anh Hùng có Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Từ Chi, Thái Bá Vân, Nguyễn Tấn Cứ, Đặng Phong. Thỉnh thoảng cũng có người ngoại tỉnh về nhập bọn như Phạm Văn Hạng, Trần Kỳ Phương… Nhiều khi, tàn cuộc rượu, ai nấy đều say cả, tôi phải lấy xe đạp “dinh” từng “cụ” về nhà. Có lần vừa chở Văn Cao đến chân cầu thang thì đã bị vợ nhạc sĩ mắng té tát. Tuy vậy, những quán rượu tồi tàn ấy, với tôi, là không gian ngoài không gian, và những tửu đồ ấy là con người ngoài con người. Nó giúp tôi dần dần nhận ra bản chất nhị nguyên của đời sống, tính trò chơi của cuộc đời.

Nhà sử học, nhà báo, dịch giả Đào Hùng (tức Đào Thế Hùng) – nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay –  vừa qua đời hôm 17/12, sau một ca mổ tim bất thành, hưởng thọ 82 tuổi.

Sau này, có lần Từ Chi cho tôi biết, trước khi nhập hội chơi này, con người Đào Hùng còn nguyên khối lắm. Anh nhất phiến một cách đáng kinh ngạc. Từ Chi gọi đó là sự nghiêm túc ở Đào Hùng. Ông bảo: Đào Hùng nó nghiêm túc quá, nếu không thì đã trở thành nhà cổ sử số một của Việt Nam. Này nhé là con trai cụ Đào, học tổng hợp sử, tiếng Pháp chữ Hán đều giỏi, lại thông minh nữa, vậy mà bây giờ chỉ là một nhà báo tầm tầm. Thấy tôi lộ vẻ ngạc nhiên, ông giải thích: sau tốt nghiệp, do cụ Đào bị dính Nhân Văn, Đào Hùng phải lên Thái Nguyên xây dựng Bảo tàng Việt Bắc. Anh nghiêm túc làm việc hết mình. Sau vì xây dựng gia đình, anh được chuyển về Hà Nội, làm ở Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng lại nghiêm túc làm việc hết mình. Khi sắp được đề bạt lên trưởng phòng, bị một ông phó phòng rêu rao “bố chống Đảng con lại là trưởng phòng nghiên cứu sử Đảng”, Đào Hùng đành phải chuyển sang CP72 làm báo đối ngoại cho Chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam. Ở đây, anh cũng lại nghiêm túc làm việc hết mình. Đến khi miền Nam giải phóng, CP72 giải tán, Đào Hùng về Nhà xuất bản Ngoại văn thì anh đã gần 50 tuổi rồi. Giá Đào Hùng, cũng như tôi đây, bớt nghiêm túc đi một chút, vừa làm việc cơ quan, vừa làm chuyên môn cổ sử của mình thì mọi sự đã khác…

Anh em sang chơi với nhau được vài năm. Một hôm Đào Hùng kéo tôi ra quán cóc vỉa hè uống trà. Anh bảo: thôi, cậu chơi như thế đủ rồi! Cậu không còn trẻ nữa (tôi sinh 1948), nhưng tuổi cũng chưa phải đã nhiều, nếu muốn làm một cái gì đó thì vẫn còn kịp, đừng để đến khi về hưu thì chỉ biết suốt ngày lê la ở Bờ Hồ (chả là lúc ấy nhà tôi ở phố Lê Thái Tổ). May là khi anh nói câu ấy thì lòng yêu văn chương ở tôi từ thuở thiếu thời tưởng đã chết trong chiến tranh đang dần dần sống lại. Tôi quyết tâm “làm một cái gì đó” cho văn học. Nhưng mà làm gì bây giờ? Nhớ lại khi mới về Nhà xuất bản Ngoại văn thường nghe Đào Hùng chế giễu cái công thức của ông Hữu Ngọc: làm văn hóa đối ngoại là làm ngoại thương, biên tập đối ngoại là nghệ thuật đóng gói, bao bì. Hẳn không muốn làm một “nhai lại viên” (Đào Hùng hài hước gọi chức danh biên tập viên đối ngoại như vậy), anh sửa bài của cộng tác viên rất kỹ. Anh thường phàn nàn với tôi các bài viết của Trần Quốc Vượng gửi đăng Etuses Vietnamiennes là luộm thuộm, báo chí, chưa đúng quy chuẩn của một bài nghiên cứu. Thế rồi anh hì hục biên tập. Nhiều bài của cộng tác viên qua tay anh đã mang một bộ mặt mới. Công việc “bà đỡ” của anh, tuy có vẻ vụn vặt thêm bớt, lấy, bỏ hoặc xoay đào đảo quất, nhưng đều được định hướng bởi cái nhìn của người nước ngoài.

Câu nói cửa miệng của Đào Hùng với tôi thuở ấy là người nước ngoài không nói thế, người nước ngoài không nghĩ thế. Đây không phải là thói sùng ngoại, mà là biết ra khỏi mình để nhìn mình như một người khác. Có thể, nhờ sống trong cái tiểu khí hậu Ngoại văn này mà khi viết phê bình văn học, tôi luôn nhìn các sự kiện văn học Việt Nam bằng con mắt của người nước ngoài, cụ thể là các lý thuyết và phương pháp của họ. Có điều tôi không vận dụng, dù là vận dụng sáng tạo như người ta thường nói, mà chỉ để cho trực giác lý thuyết mách bảo, gợi hứng, rồi tham chiếu, diễn giải.

Đào Hùng có hai tính cách là biết nhiều, quen rộng. Đây là ưu thế của người làm báo. Người làm nghiên cứu quan trọng là biết sâu, quen sâu và chỉ cần vài người bạn để thỉnh thoảng gặp gỡ, trao đổi và truyền hứng cho nhau. Nhưng ở Đào Hùng có một sự kết hợp của cả hai loại người nay, tuy nhà báo có phần nổi trội hơn. Tức làm báo với phẩm cách của nhà nghiên cứu. Anh biết phát hiện vấn đề ở chiều sâu của nó, và không kém phần quan trọng, trình bày vấn đề ấy một cách hấp dẫn theo sự trải nghiệm riêng của mình hay như chính mình là chứng nhân. Trong năm mươi năm tuổi… báo của mình, Đào Hùng đã tạo ra được một uy tín rộng khắp, từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, kể cả ở nước ngoài. Đặc biệt là sau khi nghỉ hưu, anh nhận làm Phó tổng biên tổng phụ trách nội dung của Xưa & Nay. Sự năng động của anh trong việc đặt bài, tự viết bài, dịch bổ sung cho đủ bài, nhất là, tài tổ chức các số chuyên đề, đã làm cho tạp chí này giành được sự yêu mến, tin cậy của bạn đọc. Đào Hùng cũng còn là một dịch giả nhạy bén và cập nhật. Những bài báo anh dịch luôn mang lại cái mới hoặc ở thông tin, hoặc ở cái nhìn khiến người ta phải tư duy lại nhiều vấn đề tưởng như đã có tiếng nói cuối cùng do những quyền uy nào đó áp đặt. Anh cũng tham gia dịch những công trình lớn, đã trở thành kinh điển, như Người nông dân ở châu thổ Bắc bộ của Pierre Gourou. Nếu như anh dành nhiều tâm sức hơn cho mảng sách này thì sẽ là một đóng góp học thuật không hề nhỏ. Đào Hùng cũng còn là một cây bút biên soạn sách tài hoa do khả năng bao quát tư liệu và lối diễn đạt giản dị, sáng rõ, những cũng không kém phần hóm hỉnh. Cuốn Người Trung Hoa lưu lạc của anh đọc rất thích.

Tóm lại, Đào Hùng là một nhân cách đa dạng, nhiều trong một. Ở anh, nhà báo, nhà biên tập, nhà nghiên cứu, dịch giả, người biên soạn không hề mâu thuẫn nhau, trái lại được thống nhất với nhau bởi một người chơi: chơi mình, chơi người, chơi công việc, thậm chí chơi chơi, tức chơi cả sự chơi. Trước đây, vào thời chơi của Đào Hùng, anh nổi tiếng hay rượu. Tôi thường đùa anh: “Nhân hứng cũng vừa toan cất… chén/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”. Còn hôm nay, nghĩ về toàn bộ đời viết của anh, tôi xin “biên tập” lại câu đùa trên: “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút/ Nghĩ ra lại thẹn với anh Đào”. Chúc Đào Hùng thượng lộ bình an trong chuyến đi cuối cùng của Con Người.

Tác giả