Đất nước nhìn từ bảo tàng

Nếu thực sự coi “bảo tàng là thiết chế văn hóa” phản ánh “lịch sử như một dòng chảy trong truyền thống văn hóa” thì hệ thống bảo tàng nước ta cần được sắp xếp lại để hạn chế sự trùng lặp về nội dung và cả hình thức trưng bày, nhất là giữa các bảo tàng địa phương vì đều được xây dựng theo chung một “kịch bản” nặng về chiến tranh mà còn nhẹ về văn hóa – xã hội.


Những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam là do người Pháp thành lập vào khoảng đầu thế kỷ 20, trong đó
có Bảo tàng Henri Parmentier ở Đà Nẵng, nay là Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm.

 

Theo ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế thuộc UNESCO), “bảo tàng là một thiết chế phi vụ lợi, hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa đón công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của con người, vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức.” Theo định nghĩa trên, bảo tàng có ba chức năng quan trọng là nghiên cứu khoa học; sưu tầm và bảo quản; trưng bày giới thiệu đến công chúng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng các mẫu vật thiên nhiên.
Như vậy, căn cứ vào các bộ sưu tập hiện vật thì có hai loại hình chính là bảo tàng lịch sử xã hội và bảo tàng lịch sử tự nhiên. Ở Việt Nam, những bảo tàng đầu tiên do người Pháp thành lập vào khoảng đầu thế kỷ 20 cũng gồm hai loại hình trên, đó là Bảo tàng Hải dương học (Nha Trang, khoảng 1910), Bảo tàng Địa chất (1914, Hà Nội), Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm (Bảo tàng Henri Parmentier, 1918, Đà Nẵng), Bảo tàng Blanchard De la Brosse (1929, Sài Gòn), Bảo tàng L. Finot (1932, Hà Nội). Ngoài ra, Vườn Bách thảo Hà Nội và Thảo Cầm viên Sài Gòn cũng được coi là hai công viên – bảo tàng tự nhiên của Đông Dương lúc bấy giờ. Điều cần chú ý là các bảo tàng do người Pháp thành lập đều trên cơ sở ít nhiều đã có những bộ sưu tập hiện vật, mẫu vật, và xác định được “nguồn hiện vật” phù hợp có thể sưu tầm để luôn tăng cường cho bảo tàng. Cho đến nay, những bảo tàng này đều tạo được dấu ấn riêng và phát huy rất tốt vai trò của mình.
Việt Nam có một hệ thống hàng trăm bảo tàng tỉnh, thành, ngành… Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là hệ thống bảo tàng Việt Nam còn chưa khai thác hết tiềm năng của di sản văn hóa và thiên nhiên đa dạng và độc đáo để tạo sự khác biệt và hấp dẫn cho từng bảo tàng. Việc xây dựng bảo tàng thường bắt đầu từ mục đích chính trị rồi mới triển khai công tác khoa học nghiệp vụ, vì vậy không tránh khỏi hiện tượng “phong trào” trong xây dựng và trưng bày bảo tàng.

Xu hướng hiện đại “bảo tàng hóa” di sản văn hóa theo nghĩa rộng là bảo tồn và phát huy tất cả các di sản văn hóa đã bị/ được đưa ra khỏi môi trường tồn tại ban đầu và đặt trong một môi trường nhân tạo do con người tổ chức ra – đó là các bảo tàng. Còn theo nghĩa hẹp là một phương án tối ưu và hiện đại, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trực tiếp ngay trong môi trường sinh thái nhân văn, nơi di sản văn hóa được sáng tạo ra, hiện đang tồn tại gắn bó với cộng đồng cư dân là chủ thể của những di sản văn hóa ấy: một “bảo tàng sống – tại chỗ”, bao gồm trong đó tự nhiên, con người và di sản văn hóa vật thể – phi vật thể.

Ở nhiều nước, lịch sử đất nước thường được thể hiện ở bảo tàng quốc gia, hoặc một vài bảo tàng chuyên đề (bảo tàng quân sự/ chiến tranh chẳng hạn), còn bảo tàng các địa phương hầu hết thể hiện những di sản văn hóa, nhưng cũng không nhất thiết phải trình bày đầy đủ các thời kỳ văn hóa mà thường tập trung vào những thành tựu, di sản độc đáo nhất. Bên cạnh đó, hệ thống bảo tàng tư nhân (không quan trọng quy mô lớn nhỏ mà được đánh giá qua giá trị sưu tập hiện vật) theo những chủ đề khác nhau sẽ khai thác giá trị nhiều mặt của di sản văn hóa.
Hiện nay ở nước ta, loại hình bảo tàng lịch sử địa phương hay lịch sử các ngành nghề, lĩnh vực là chủ đạo, loại hình bảo tàng thiên nhiên cũng như bảo tàng văn hóa các cộng đồng tộc người ở từng vùng địa lý còn khá hiếm hoi. Nếu thực sự coi “bảo tàng là thiết chế văn hóa” phản ánh “lịch sử như một dòng chảy trong truyền thống văn hóa” thì hệ thống bảo tàng nước ta cần được sắp xếp lại để hạn chế sự trùng lặp về nội dung và cả hình thức trưng bày, nhất là giữa các bảo tàng địa phương vì đều được xây dựng theo chung một “kịch bản” nặng về chiến tranh mà còn nhẹ về văn hóa – xã hội.
Nên chăng xây dựng bảo tàng theo vùng văn hóa vì các tỉnh trong vùng thường có cùng đặc điểm về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa tộc người; quá trình lịch sử xã hội của các cộng đồng tộc người không có nhiều khác biệt. Nội dung lịch sử của vùng mang tính khái quát và phong phú hơn. Trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, những bảo tàng cấp quốc gia và một số bảo tàng đầu ngành thuận lợi cho việc đảm nhận vai trò bảo tàng vùng, miền. Bảo tàng các tỉnh phát triển theo hướng bảo tàng chuyên đề về đời sống xã hội, ngành nghề, nhân vật, sự kiện… Càng đa dạng hóa chủ đề, nội dung trưng bày thì sự hấp dẫn du khách đến với bảo tàng càng tăng lên, mang lại một nguồn thu không nhỏ từ vé bảo tàng và các dịch vụ như đồ lưu niệm, các tập sách, hình ảnh, băng đĩa về hiện vật bảo tàng, và các dịch vụ khác.
Ở bất kỳ quốc gia nào, hệ thống bảo tàng và di tích lịch sử – văn hóa luôn là “gương mặt” khả ái và tiêu biểu nhất mà quốc gia đó muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế. Không chỉ vậy, nó còn là tấm gương để chính quốc gia đó soi vào, nhìn thấy mình trong quá khứ để hiểu mình hơn ở hiện tại và tương lai. Chính vì vậy hệ thống bảo tàng và di tích – gọi chung là những di sản văn hóa – được nhà nước và nhân dân luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ đồng thời có nhiều hình thức giới thiệu và tôn vinh những giá trị của nó.

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)