Đầu Xuân, nên làm gì ?

Năm hết. Tết đến. Người ta đôi khi chạnh lòng nghĩ “nên làm gì?”.

Về tự nhiên, thì “chẳng nên làm gì”.

Chính vì đầu Xuân là thời điểm rảnh rỗi hơn cả trong đời sống nông nghiệp, cho nên nó mới là dịp để con người nghỉ ngơi, hưởng đời, và ngẫm đời.

Tháng Giêng, là tháng ăn chơi”.

Nghỉ ngơi, hưởng đời, và ngẫm đời là những thứ có thể như là chẳng đâu vào đâu, nhưng cũng có thể là thiết yếu trong đời sống con người – tùy theo cách thực hành.

Nghỉ ngơi là một trong những đích đến của cuộc đời, tất nhiên “cho ra nghỉ ngơi”. Ở thời buổi đầu của công nghiệp hóa, người công nhân phải làm việc đến 15-16 giờ một ngày. Người anh hùng Nga ông Stakhanov thi đào được 102 tấn than trong chưa đầy 6 giờ, sau đó bị vượt mức bởi ông Izotov đã đào được 640 tấn than trong một ca làm việc hồi những năm 1930 -trong điều kiện làm việc thô sơ gian truân nguy hiểm.. Con người về sau này đã nhận ra rằng không, không phải “làm chết thôi” để sẽ được sống trên thiên đường tưởng tượng sau này, mà phải gắng sống được tương đối tử tế ngay trong hiện tại trần thế. Họ đã đấu tranh, và cải tiến lại đời sống xã hội.

Nghỉ ngơi không phải là “không làm gì”, nếu quả là như thế thì đời sống đã vô vị, lại còn dễ sinh loạn.

Nghỉ ngơi tích cực là hoạch định được khoảng thời gian dành ra – cá nhân hóa được – để cho con người chuyển được sang các hoạt động khác về căn bản với hoạt động ngành nghề kiếm sống, nhằm phát triển những năng lực khác của mình vốn bị kìm nén lại vì sự ưu tiên cho hoạt động ngành nghề chủ yếu. Biết bao nhiêu hoạt động chờ đón người người trong đời sống để được thực hành, từ học tập ngoại khóa đến thể thao, nghệ thuật, du lịch, tổ chức hội hè. Một chuyến du lịch có vẻ như mất tiền, mất thời gian đâu đâu; không phải thế, nó có thể có tác động sâu sắc đến việc mở mang tâm hồn, đến việc tẩy đi những chai lỳ trong bộ não, nó thắp lên niềm vui “được sống” thay vì cái triết lý sợ hãi đau khổ “phải sống”. Ở nhiều khu cư dân nghèo, người ta đã có sáng kiến mỗi năm tổ chức một chuyến xe đi nghỉ không lấy tiền trong ngày, lần lượt dành cho những người nghèo, những người mà nhiều khi cả đời họ chỉ nghe thấy “biển” ở trên loa phường, mà chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy biển, được sờ tay vào cái “ao nước mặn khổng lồ”.

Cùng với nghỉ ngơi tích cực, các khả năng “hưởng đời” cũng được cải thiện và phong phú lên, con người vượt qua được câu hỏi triết học của muôn thuở “ăn xong, làm gì?”.

Ăn, ngủ, tăng trọng, rồi lại ăn, lại ngủ.. đấy không phải là đường sống bắt buộc của việc thực hiện lý cái tưởng ngàn xưa “ngồi mát, ăn bát vàng”.
**
“Nghỉ ngơi, hưởng đời, và ngẫm đời”, ta quên vế cuối cùng chăng? Thường thì quên đấy. Nhưng nào, cố gắng lên.

Đầu Xuân về, “ngẫm đời” là một công việc rất nên được cộng đồng đầu tư năng lượng và thời gian vào đó, một cách nghiêm chỉnh.

Cuộc sống là một cái nháy mắt. Nháy mắt một cái, nhiều người thân quen của ta đã rời bỏ cuộc đời. Nháy mắt một cái nữa, nhiều người chưa thân quen của ta lại đã rời bỏ cuộc đời.

Thế nhưng, chừng nào ta còn sống, luôn luôn còn là một lựa chọn căn bản: “sống thế nào đây?”.

“Sống thế nào đây” dẫn đến việc “tổ chức đời sống thế nào đây”.

Sau vài chục năm, Sàigòn, Hànội đã tổ chức được mấy tuyến phố đi bộ, hoặc toàn thời gian, hoặc một phần thời gian. Đã tắt được dần loa phường ở khu này khu kia. Ai bảo câu hỏi “sống thế nào đây?” là vô ích vô vọng?

Hãy tiến lên đi.

Những khu ven hồ, những quảng trường ở những thành phố đông đúc nơi con người cần tập thể dục và hít thở buổi sáng, những chỗ ấy hãy là phố đi bộ và đi xe đạp từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng chẳng hạn.

Bốn góc mỗi thành phố lớn, nhà nước thay mặt quyền lực công cộng của người công dân hãy đứng ra dùng tiền thuế công cộng mua -với giá thị trường công bằng- ruộng đất của bốn xã tương ứng chẳng hạn, và trồng các cánh rừng, cùng dựng ở trong đó các công viên, các “đảo văn hóa” để cho các công dân có chỗ nghỉ ngơi, học tập, vui chơi, hưởng đời. Phải làm càng sớm càng may, vì bê tông hóa là căn bệnh ung thư của mọi thành phố, đặc biệt là của các siêu thành phố.

Các cải cách đời sống ở “tầm đời thường”, tầm vi mô, rất quan trọng. Chúng là nền tảng của đời sống.

Mỗi cá nhân, mỗi gia đình nên ngẫm nghĩ đến hành xử của mình trong đời sống công cộng xóm giềng. Không thể vì nhà mình có đám tang mà tranh thủ “cậy thế” để thuê nhạc ỉ eo ầm ĩ xóm giềng suốt cả ngày được.

Nhiều can thiệp hỗ trợ của pháp lý và hành chính công cộng có thể có giá trị rường cột tích cực.

Nói ví dụ, việc đốt vàng mã, một hoạt động khuếch trương mê tín, ô nhiễm môi trường, dễ sinh cháy nổ, tổn hại của cải và năng lực sản xuất của xã hội, có thể và cần bị cấm hoàn toàn. Bước đầu tiên? Cấm tiệt việc này ở các công sở công quyền, những nơi vốn phải giữ bằng được tính thế tục của nền cộng hòa. Đơn giản như cấm hoàn toàn hút thuốc lá ở các nơi công cộng khép kín.

Tiến tới, hầu như toàn bộ nền hành chính ở phường xã sẽ phải được thực hành qua Internet, người công dân không phải “ra gặp” quan chức của phường nữa: các thủ tục chỉ cần được đề đơn qua website, được trả tiền qua Internet của Kho-bạc Nhà-nước nếu cần, và Nhà Bưu Điện gửi giấy tờ về cho người đề đơn.

Ngày nay không ai còn ảo tưởng về những cuộc đảo lộn quyền lực xã hội “dời non lấp biển”. Thay đổi mềm mại đời sống quyền lực công cộng là điều thiết yếu cho đời sống. Nhưng để thay đổi mềm mại được thì phải có viễn kiến và thực hiện viễn kiến, tựa như người lái xe tốt thì hầu như không phải dùng đến bộ phanh, càng không phải phanh chết gấp suốt đường đi. Không “sốt ruột lấy được”, nhưng phải có “lộ trình tường minh” cho đời sống xã hội, đo được bằng ngày tháng chứ không phải là phi thời gian.
**
Năm hết Tết đến mời gọi chúng ta hãy biết “nghỉ ngơi, hưởng đời, và ngẫm đời”.

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)