Dạy khoa học cho các tín đồ?

Nhà vật lý nổi tiếng Lawrence M. Krauss rất tích cực chiến đấu để bảo vệ thuyết tiến hóa trước sự tấn công từ phía nhà thờ. Trong một bức thư ngỏ, ông đã từng thuyết phục tòa thánh Vatican khẳng định lại sự chấp thuận của Nhà thờ Thiên Chúa đối thuyết chọn lọc tự nhiên, coi nó như một lý thuyết khoa học có giá trị. Richard Dawkins là một nhà sinh học tiến hóa và cũng là một cây bút tài năng. Ông cũng nhiệt tình đấu tranh chống lại những âm mưu huỷ hoại khoa học. Tuy nhiên, khác với Krauss, ông không tin lắm về khả năng "chung sống hòa bình" của khoa học và đức tin tôn giáo. Krauss và Dawkins bảo vệ khoa học theo những cách khác nhau, sự ứng phó của họ trước tôn giáo cũng khác nhau. Và cuộc tranh luận bắt đầu.

Krauss: Cả ông và tôi đều dành nhiều thời gian để lôi kéo mọi người yêu thích và tin tưởng vào khoa học. Cho nên tôi nghĩ là thích hợp khi đặt ra câu hỏi rằng: đứng trước tôn giáo, nhà khoa học cần làm gì? Sử dụng sự tương phản giữa khoa học và tôn giáo để dạy khoa học hay là cố gắng đặt tôn giáo vào đúng vị trí của nó? Có vẻ như tôi sẽ chọn cách thứ nhất, còn ông sẽ chọn cách thứ hai.
Tôi thường nói với các giáo viên rằng, sai lầm lớn nhất của họ chính là việc nghĩ rằng các học sinh đang quan tâm tới những gì họ sắp nói. Dạy học là một hành động dụ dỗ. Mặt khác, sẽ là thiếu tính sư phạm nếu nói thẳng với các học sinh rằng những niềm tin sâu sắc nhất của họ thực ra là rất ngớ ngẩn và rằng họ nên nghe chúng ta để học được những chân lý đích thực. Bởi vì làm như vậy không phải “dụ dỗ” mà là khiến mọi người bị sốc khi cố gắng giết chết những niềm tin của họ. Đối với tôi, khi muốn dạy mọi người, tức là muốn dụ dỗ mọi người tin vào khoa học, có lẽ là tôi cần phải hiểu  về họ và biết được họ từ đâu đến.
 

Dawkins: Trên thực tế, tôi nghĩ tôn giáo là một khoa học tồi, trong khi đó ông lại nghĩ nó lệ thuộc vào khoa học. Có thế đó là nguyên nhân khiến chúng ta đi theo những hướng hơi khác nhau. Tôi đồng ý với ông rằng, dạy học là một hành động dụ dỗ, và việc làm sốc các thính giả là một chiến thuật dở. Có lẽ tôi có thể nâng cao trình độ dụ dỗ của mình. Nhưng không ai lại đi ngưỡng mộ một “kẻ dụ dỗ” thiếu trung thực, và tôi cũng không biết ông cần phải chuẩn bị kỹ đến mức nào để “hiểu được các thính giả”. Chắc là ông sẽ không thể hiểu được một “Flat Earther” (người tin rằng bề mặt Trái đất là phẳng) hay một tín đồ của thuyết “Young Earth Creationism” (Sáng thế Trẻ, cho rằng toàn bộ vũ trụ được bắt đầu từ giai đoạn giữa thời Đá Cũ và Đá Mới.) Nhưng có lẽ là ông sẽ hiểu được một tín đồ của thuyết “Old Earth Creationism” (Sáng thế Già), người đó tin rằng Chúa khởi tạo nên mọi sự vật và tác động lên quá trình tiến hóa của chúng. Sự khác biệt giữa hai chúng ta chỉ là về mặt định lượng. Thực ra ông cũng chỉ tìm hiểu về các thính giả của mình sâu hơn tôi một chút thôi.

Krauss: Để tôi nói rõ hơn về chuyện tìm hiểu. Ý tôi là, tôi đi tìm một phương pháp thật hay để minh họa cho mọi người thấy được những nhận thức sai của họ chứ không phải là tôi chịu nhượng bộ trước những nhận thức sai đó. Tôi sẽ cho ông một ví dụ. Tôi đã từng có dịp tranh luận với các tín đồ của thuyết Sáng thế (Creationism) và những người cuồng tín tin rằng có sự bắt cóc của người ngoài hành tinh (alien abduction). Hai nhóm này giống nhau ở chỗ, họ đều nghĩ rằng chỉ có hai trạng thái hiểu: hoặc là hiểu được mọi thứ, hoặc là không hiểu gì cả. Họ cứ khăng khăng nói rằng, vào năm 1962, một nhóm người ở Mông Cổ đã từng nhìn thấy một chiếc đĩa bay lơ lửng trên nóc một nhà thờ. Khi đó tôi nói với họ rằng tôi không tin vì chưa từng thấy cảnh nào như thế. Họ lập tức phản đối tôi bằng một luận điệu muôn thuở: “Nếu ông không tìm hiểu về hiện tượng đó thì làm sao ông có thể nói được chuyện bắt cóc của người ngoài hành tinh là không có.”
 

Khi đó tôi đã tìm ra cách để buộc mỗi nhóm phải suy nghĩ về những gì họ đang nói. Đầu tiên tôi hỏi những tín đồ của thuyết Sáng thế: “Các anh có tin chuyện đĩa bay không?” Họ không tránh được câu trả lời: “không.” Sau đó tôi hỏi: “Vì sao? Các anh đã tìm hiểu về nó chưa?”. Tương tự như vậy, tôi hỏi nhóm còn lại: “Các anh có tin vào thuyết Sáng thế Trẻ không?”. Họ trả lời “không”, tỏ ra là những người hiểu biết khoa học. Khi đó tôi lại hỏi: “Vì sao? Các anh đã tìm hiểu kỹ chưa?” Tôi làm như vậy để các nhóm này nhận ra rằng, các lý thuyết cần phải dựa trên một số lượng lớn những bằng chứng hiện hữu, chứ không phải chỉ căn cứ vào một tình tiết mờ ám nào đó. Kỹ thuật “dạy dỗ” đó tỏ ra hiệu quả trong hầu hết các trường hợp. Với kỹ thuật này, tôi chỉ “bó tay” trong trường hợp thính giả vừa là một kẻ tin vào chuyện bắt cóc của người ngoài hành tinh lại vừa là một tín đồ của thuyết Sáng thế!

Dawkins: Tôi thích kỹ thuật của ông. Nhưng tôi cũng cần cảnh báo ông rằng, chuyện hiểu lầm là rất dễ xảy ra. Trong một bài điểm sách trên New York Times, tôi đã viết rằng: “Bạn hoàn toàn có quyền phán một người không tin vào sự tiến hóa là dốt nát, ngu si và điên rồ.” Câu đó đã được người ta nhắc đi nhắc lại để minh họa cho quan điểm rằng: tôi là một kẻ cố chấp, hẹp hòi và độc đoán thái quá. Nhưng hãy đọc lại câu của tôi. Nó không đủ khôn khéo để dụ dỗ người khác, nhưng Lawrence à, chắc chắn ông biểt rằng đó là cách đơn giản và nghiêm túc nhất để nói lên sự thật.
 
Dốt nát không phải là một tội. Cho nên việc bảo ai đó dốt không phải là xúc phạm hay lăng mạ họ. Tất cả chúng ta đều dốt trước hầu hết những thứ mà chúng ta chưa được học. Tôi hoàn toàn mù tịt môn bóng chày, và tôi dám chắc rằng ông cũng “dốt đặc cán mai” môn cricket. Nếu tôi chỉ dùng từ dốt (ignorant) để nói về một người vốn tin rằng thế giới chỉ 6000 năm tuổi, thì có nghĩa là tôi cũng đang ca ngợi anh ta vì có lẽ anh ta không phải là kẻ ngu si (stupid) hay điên rồ (insane).

Krauss: Tôi phải nói rằng, tôi hoàn toàn đồng ý với ông về điểm này. Với tôi, chuyện dốt là một vấn đề vẫn thường tồn tại, và sự dốt nát là dễ nhận xét nhất. Không phải là xấu khi bảo ai đó dốt vì họ không hiểu những vấn đề khoa học.

Dawkins: Để đáp lễ, tôi cũng vui lòng đồng ý với ông rằng, tôi có thể, và có lẽ nên ăn nói khôn khéo hơn. Tôi nên thuyết phục người khác một cách có nghệ thuật hơn. Nhưng chuyện này cũng cần có những giới hạn của nó. Tôi nghĩ là ông không nên nói theo kiểu như sau:  “Các tín đồ của thuyết Sáng thế Trẻ thân mến, tôi rất tôn trọng niềm tin của các bạn về một thế giới 6000 năm tuổi. Tuy nhiên, tôi xin đề nghị rằng, nếu các bạn đọc một trong những cuốn sách về địa chất, cách đo tuổi bằng đồng vị phóng xạ, vũ trụ học, khảo cổ học, lịch sử, hoặc động vật học, có thể bạn sẽ thấy rất thú vị (giống như quyển Kinh thánh mà các bạn đã đọc), và có thể bạn sẽ thấy tại sao hầu hết những người có học, kể cả những nhà thần học cũng đều nghĩ rằng tuổi của thế giới được tính bằng hàng tỷ năm, chứ không phải hàng nghìn năm.”
Cho tôi được đề xuất một chiến thuật dụ dỗ mới. Thay vì giả bộ tôn trọng những quan điểm ngu muội, tôi nghĩ ở đây nên áp dụng một chút phương pháp “yêu cho roi cho vọt” (“tough love”). Cần nói rõ cho những tín đồ của thuyết Sáng thế Trẻ thấy được sự khác nhau quá lớn giữa niềm tin của họ và niềm tin của những nhà khoa học: “6000 năm là khác xa so với 4,6 tỷ năm. Các tín đồ thân mến, nếu các bạn cứ khăng khăng rằng tuổi của thế giới là 6000 năm thì chả khác nào các bạn nói rằng khoảng cách từ New York đến San Francisco là 7,8 thước Anh chứ không phải 3400 dặm.”

Krauss: Tôi không nghĩ chiến thuật của ông là “yêu cho roi cho vọt.” Có những người luôn luôn mê muội và bất chấp thực tế, nên không thể thuyết phục được họ. Đối tượng mà chúng ta có thể thuyết phục được là một số lượng lớn những người chịu nghe khoa học và vấn đề đối với họ chỉ đơn giản là thiếu hiểu biết hoặc chưa bao giờ được tiếp xúc với bằng chứng khoa học. Về điều này, tôi có thể đưa ra một câu hỏi khác: “Khoa học có thể củng cố đức tin tôn giáo hay không, hay khoa học phải luôn luôn huỷ hoại nó?”
Câu hỏi này nảy sinh bởi vì gần đây tôi được mời đến một trường Công giáo để nói chuyện về chủ đề khoa học và tôn giáo. Có vẻ như người ta đã xem tôi là một nhân vật muốn dung hòa hai lĩnh vực này. Sau khi nhận lời đến nói chuyện, tôi phát hiện ra rằng, họ đã gắn cho tôi danh hiệu: “Nhà khoa học Củng cố Đức tin.” Lúc đầu, tôi cảm thấy rất băn khoăn, nhưng càng nghĩ tôi lại càng thấy cái danh hiệu ấy là có lý. Tôi không nghĩ là chúng ta nên rũ bỏ tính nhân văn của niềm tin tôn giáo, cũng như tính nhân văn của tình yêu lãng mạn, và nhiều những lĩnh vực khác, tuy phi lý nhưng lại là những điều căn bản trong cuộc sống tinh thần của con người.

Dawkins: Nhưng tình yêu lãng mạn, thơ ca hay những cảm xúc con người là những vấn đề tích cực của tính phi lý. Còn sự mê tín dị đoan lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Việc chấp nhận nó như một phần không thể thiếu được trong bản chất của con người hiển nhiên là không đúng, đối với cả ông, tôi, và thậm chí cả với hầu hết đồng nghiệp của chúng ta. Tôi không tin là không có cách giải thoát con người khỏi sự mê tín.
          
Krauss: Tôi thì lại không đủ tự tin để nói rằng tôi có thể rũ bỏ những niềm tin phi lý, ít nhất là những niềm tin phi lý về chính bản thân tôi. Nhưng nếu đức tin tôn giáo là một phần trung tâm trong trải nghiệm cuộc đời của nhiều người thì vấn đề được đặt ra không phải là chúng ta từ bỏ thế giới của Thượng đế như thế nào mà là khoa học có thể điều chỉnh niềm tin này tới mức nào để loại bỏ những khía cạnh phi lý và có hại nhất của nó. Đây chắc chắn là một cách để khoa học có thể củng cố được niềm tin tôn giáo.
Trong nhiều trường hợp, khoa học có thể trực tiếp chống lại những diễn giải xấu về kinh thánh, chẳng hạn như quan niệm cho rằng, phụ nữ chỉ là những đồ vật sở hữu. Và Sinh học đã đạp đổ quan niệm đó khi chứng minh rằng, vai trò sinh học cũng như những khả năng trí tuệ của phụ nữ và đàn ông là bình đẳng với nhau. Galileo đã từng lập luận rằng, Thượng đế sẽ không ban cho con người bộ não nếu “ông ấy” không muốn con người sử dụng nó để nghiên cứu tự nhiên. Và nói một cách “logic”, Thượng đế thực sự muốn con người nghiên cứu khoa học, bởi vì khoa học có thể củng cố niềm tin tôn giáo.
Còn một người nữa, giống như cả tôi và ông, không phải là một tín đồ trung thành, nhưng cũng đã chứng minh được một cách thuyết phục rằng khoa học có thể đem lại lợi ích cho tôn giáo, đó là Carl Sagan. Tuy nhiên, trong các bài giảng năm 1985 ở Scotland về khoa học và tôn giáo, ông đã chỉ ra rằng, những gì mà tôn giáo xây dựng nên thực ra vẫn còn quá thiển cận và quá hạn hẹp. Vật lý lý thuyết và các kính thiên văn đem đến cho chúng ta một cảm nhận về vũ trụ bao la và kỳ vĩ hơn nhiều so với cảm quan tôn giáo. Cho nên tôi phải nói thêm rằng, việc củng cố niềm tin tôn giáo là khác xa so với việc đem lại những bằng chứng thuyết phục cho niềm tin ấy. Về điểm này, tôi tin rằng khoa học không thể  đem lại những bằng chứng để chứng minh cho niềm tin tôn giáo.

Dawkins: Tôi cũng thích nhắc đến Sagan. Trên bìa cuốn sách tập hợp các bài giảng của Sagan có in lời giới thiệu của tôi: “Carl Sagan có phải là một tín đồ tôn giáo không? Ông ấy còn hơn cả một tín đồ. Ông ấy đã vượt lên trên cái thế giới lạc hậu, nhỏ nhặt, kém cỏi của hệ thống tôn giáo cũ, vượt lên trên tất cả sự nghèo nàn về trí tuệ cũng như năng lực tinh thần của các nhà thần học, linh mục, giáo sỹ. Ông vượt lên trên họ bởi vì ông hiểu tôn giáo sâu sắc hơn họ. Trong đầu của họ chỉ có những chuyện hoang đường từ thời đồ đồng, những chuyện mê tín dị đoạn từ thời trung cổ, và những suy nghĩ hão huyền kiểu trẻ con.” Tôi không thể bổ sung thêm điều gì cho việc trả lời câu hỏi của ông rằng liệu khoa học có thể củng cố niềm tin tôn giáo hay không. Theo ý ông và Sagan thì câu trả lời là có. Nhưng tôi rất không muốn điều đó bị hiểu lầm thành sự ủng hộ tôn giáo.

Krauss: Tôi muốn nêu ra một vấn đề cốt lõi trong các cuộc tranh luận của những nhà khoa học về tôn giáo, đó là: Có phải tôn giáo vốn là một thứ xấu hay không? Ở đây, tôi phải thú nhận là, những quan điểm của tôi đã thay đổi dần dần sau nhiều năm, mặc dù ông có thể trách rằng tôi đã trở nên nhu nhược hơn. Đã có hàng loạt bằng chứng cho thấy, tôn giáo phải chịu trách nhiệm trước nhiều hành động tàn ác. Tôi và cả ông vẫn thường nói rằng, không ai lại sẵn sàng lao cả chiếc máy bay vào những tòa cao ốc nếu trong đầu họ không có niềm tin rằng Thượng đế đang đứng về phía họ.
Là một nhà khoa học, tôi cảm thấy nhiệm vụ của tôi là phải đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực của tôn giáo khi nó nhồi nhét vào đầu mọi người những điều sai trái. Ở đây, tôi cho rằng, ta chỉ nên tôn trọng những tình cảm tôn giáo như những lý thuyết suông siêu hình không hơn không kém. Và đặc biệt, ta không nên tôn trọng chúng khi chúng sai. Sai ở đây nghĩa là chúng không đúng một cách hiển nhiên so với bằng chứng thực nghiệm. Cái chúng ta cần phải loại bỏ không phải là đức tin tôn giáo, mà là sự dốt nát của nó.

Dawkins: Tôi nghĩ, ở điểm này thì chúng ta có thể đồng ý với nhau khá nhiều. Gần đây, tôi có cuộc gặp gỡ trên truyền hình với một cựu chính trị gia người Anh tên là Tonny Benn, cựu bộ trưởng bộ khoa học. Ông ấy tự nhận mình là một tín đồ Cơ-đốc. Nhưng ông ấy không hề tỏ ra quan tâm đến chuyện liệu những niềm tin vào Cơ-đốc giáo có đúng hay không. Ông ấy thực ra chỉ quan tâm đến vấn đề đạo đức và giáo lý gắn với những niềm tin ấy. Benn phê phán khoa học vì cho rằng khoa học không có những bài học đạo đức. Khi tôi bảo ông ấy rằng những răn dạy về đạo đức không phải là nội dung của khoa học thì ông ấy lập tức vặn ngay: thế tác dụng của khoa học là gì?
Nhiều người vẫn nghĩ rằng chuyện đúng sai của những niềm tin tôn giáo không quan trọng bằng những sức mạnh tinh thần thiêng liêng mà tôn giáo mang lại cho họ, chúng mang lại cho họ mục đích của cuộc sống. Cả tôi và ông đều không có quyền phản đối cuộc sống riêng tư của người khác. Nhưng tôi vẫn phải nói rằng, đạo đức và giá trị nâng đỡ tinh thần của tôn giáo, bằng cách này hay cách khác, cần phải được tách biệt khỏi việc đánh giá đúng sai về nó. Cụ thể hơn, tôn giáo có thể đem lại cho bạn một cuộc sống tinh thần, nhưng như thế không có nghĩa là nó đem lại cho bạn những cái nhìn đúng đắn về thế giới. Tôi thường xuyên gặp khó khăn khi cố gắng thuyết phục các tín đồ hiểu được điều đó. Và như vậy, những kẻ “dụ dỗ khoa học” như chúng ta vẫn cần phải cố gắng thật nhiều nữa để có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

T.T. dịch từ Scientific American

 

Lawrence M. Krauss là giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiên cứu Vũ trụ và Thiên văn ở Đại học Case Western Reserve. Ông là tác giả của 7 cuốn sách phổ biến khoa học và hàng tá những bài phát biểu trên các hệ thống truyền thông. Các bài giảng của ông bao quát nhiều lĩnh vực khoa học và cả những chính sách xã hội. Ông là người duy nhất đồng thời được nhận những giải thưởng cao quý nhất của cả ba hội vật lý Mỹ. Trong thời gian rỗi, ông tham gia trình diễn tác phẩm The Planets (Tổ khúc giao hưởng Những hành tinh của Gustav Holst) cùng Dàn nhạc Giao hưởng Cleveland, làm thành viên ban giám khảo của Liên hoan phim Sundance và viết các bài báo cho Scientific American.
 

Richard Dawkins là một giáo sư nổi tiếng của Đại học Oxford. Là tác giả của 9 cuốn sách, ông đã nhận được các học vị tiến sỹ danh dự về văn học và khoa học. Ông là hội viên của cả hai Hội Hoàng gia Khoa học và Văn học. Ông đã nhận nhiều giải thưởng lớn như Giải Cosmos Quốc tế, Giải Nakayama cho Khoa học Loài người, Giải Shakespeare vì những đóng góp xuất sắc cho văn hóa Anh. Những chính sách trong trường học ở Anh thường khuyến khích các học sinh sinh viên noi theo tấm gương của những người như Galileo, Darwin và Dawkins khi tham gia tranh luận về khoa học và thuyết Sáng thế.
 
Carl Sagan (1934-1996)

, nhà thiên văn sinh học rất nổi tiếng người Mỹ, người khởi xướng ngành sinh học ngoài Trái Đất (exobiology) và tham gia phát triển Chương trình Tìm kiếm nền Văn minh ngoài Trái đất (SETI). Sagan từng nhiều lần bị bắt giữ vì tham gia rất quyết liệt phong trào phản chiến đòi hòa bình cho Việt Nam và chống thử nghiệm vũ khí hạt nhân. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)