Đến với nhạc cổ điển*

Nhà soạn nhạc Tartini đã kể rằng, trong mơ ông thấy quỷ sứ hiện ra và đề nghị được làm người hầu của ông. Cuối những bài học, ông trao cho quỷ sứ cây đàn violin của mình – ngay lập tức quỷ sứ chơi đàn với một trình độ bậc thầy khiến Tartini gần như nghẹt thở. 

Khi thức dậy, ông đã cố nắm bắt những gì còn nhớ trong mơ và viết nên bản sonata nổi tiếng Âm láy ma quỷ, tuy thành công nhưng ông luôn nói “vẫn còn kém xa những gì tôi đã được nghe”.

Đó là một trong những giai thoại bao hàm nhiều biểu tượng được thuật lại trong Đến với nhạc cổ điển – cuốn sách tập hợp 70 bài viết về các nhà soạn nhạc và các nghệ sĩ biểu diễn, tiêu biểu cho những thế kỉ huy hoàng của họ. Vì nhạc cổ điển chỉ có thể thường thức bằng âm thanh, nên một khi người ta không nghe vì coi đó là một thể loại quá xa cách, thì đó sẽ là một thiệt thòi vô cùng lớn. Sự e dè sẽ bị đẩy lui nếu khơi dậy được hứng thú, và cuốn sách này có thể làm được điều đó.

Thế giới như một ông vua, và cũng như một ông vua, nó thèm khát lời nịnh bợ để ban phát ân huệ; nhưng nghệ thuật thật ích kỉ và ngang bướng, nó không màng đến những lời nịnh bợ. – L.V.Beethoven

Bằng những bài viết có độ dài vừa phải, với nhiều giai thoại và lối thuật chuyện giản dị, cuốn sách là một cuộc hành trình qua lịch sử âm nhạc, từ Trung cổ, Phục hưng, Baroque, Cổ điển, Lãng mạn đến Đương đại. Các nhận xét chuyên sâu không quá nhiều, mà phần chủ yếu là cuộc đời các nghệ sĩ lớn và các tác phẩm. Những giai thoại là phần quan trọng làm nên sự nghiệp vĩ đại của họ. Các nhà soạn nhạc cũng như các nghệ sĩ biểu diễn đều có tâm hồn phức tạp, đầy đam mê, nên cuộc đời họ đa phần gắn với những biến cố dữ dội, đầy bi kịch có thể khiến con người suy sụp. Đó là cuộc chiến không ngừng giữa thiên thần và ác quỷ trong tâm hồn, trong khao khát đạt đến cái tuyệt đối nhằm tái tạo vẻ đẹp toàn bích của vũ trụ qua những nốt nhạc.

Bach đã đưa âm nhạc ra khỏi mái vòm nhà thờ như thế nào, Mozart đã ảnh hưởng đến nhạc kịch như thế nào, Mahler đã kết hợp phương đông và phương tây với việc sử dụng thơ của Lý Bạch, Vương Duy trong giao hưởng Bài ca Trái đất như thế nào, hay các nghệ sĩ đã bảo vệ sự độc đáo của mình trước các nhà cầm quyền ra sao v.v., tất cả cho chúng ta thấy những mối liên hệ tuyệt vời giữa nhạc cổ điển với tôn giáo, triết học, văn học, huyền thoại và những cội rễ âm nhạc dân gian. Beethoven cho rằng: “Thế giới như một ông vua, và cũng như một ông vua, nó thèm khát lời nịnh bợ để ban phát ân huệ; nhưng nghệ thuật thật ích kỉ và ngang bướng, nó không màng đến những lời nịnh bợ”. Quả vậy, cuộc đời riêng của các nghệ sĩ cũng vướng mắc vào những ưu phiền bình thường của con người, nhưng bản lĩnh sáng tạo đã đưa họ vượt lên để vươn tới “hạnh phúc thuần khiết, yên bình và trong sạch” của thiên đàng nghệ thuật. Đó là sự gần gũi cao nhất với bản chất cuộc sống, và là sự vinh danh con người.

Đến với nhạc cổ điển là cuốn sách thú vị, có thể lựa chọn đọc từng bài riêng rẽ mỗi khi quan tâm đến một nhân vật, một vấn đề nào đó. Phần thuật ngữ và bảng biểu rất bổ ích đối với ai mới bắt đầu tìm hiểu nhạc cổ điển. Những người viết và người dịch đều yêu thích nhạc cổ điển, nên những nhận xét xuất phát từ lòng ngưỡng mộ của họ, dù còn nhiều cảm tính, vẫn đáng trân trọng bởi sự nên thơ và chân thành.

Đây là cuốn sách thứ ba về nhạc cổ điển của diễn đàn nhaccodien.info. Một ấn phẩm khác của diễn đàn này, tuyển tập Những khúc dạo đầu (NXB Hội Nhà Văn, 2010), cũng là ấn phẩm có giá trị, giới thiệu những bài thơ được sử dụng trong các tác phẩm nhạc thính phòng và giao hưởng. Cuốn sách nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa âm nhạc với văn học, vốn tạo nên một số lượng lớn tác phẩm trong kho tàng nhạc cổ điển. Trong đó ta có thể tìm thấy lời thơ của những tác phẩm quen thuộc Khát vọng mùa xuân (Mozart), Tụng ca niềm vui (Beethoven), Cá hồi (Schubert)…

* Nhà xuất bản Trẻ và Tạp chí Tia Sáng, 2011

 

Tác giả