Di sản âm nhạc cổ truyền – Bảo tồn hay thả nổi?

Đã hơn hai thập kỷ tính từ khi đất nước đổi mới trong xu thế hội nhập kinh tế, văn hóa; và cũng tính từ thời điểm mà trong các bản nghị quyết Trung ương luôn thường trực nhấn mạnh vấn đề: Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong khi hầu hết các hoạt động văn hóa hướng về dân tộc chỉ còn là tác dụng duy trì sự tồn tại một cách ổn định về tính kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống thì đại bộ phận thanh niên những người “chủ tương lai” của đất nước lại mù mờ, thậm chí khù khờ với những giá trị văn hóa cổ truyền, điều mà ta thấy rõ nhất thông qua sự hiện diện về đời sống cổ nhạc.

Thực tế cho thấy di sản âm nhạc cổ truyền của nước ta khá phong phú, theo một phép tính đơn giản thì cứ 54 dân tộc anh em tính bình quân mỗi dân tộc sẽ giữ cho mình một thể loại âm nhạc. Với nguồn tài nguyên phi vật thể phong phú như vậy chả lẽ cứ giữ hết? Quan điểm của tôi nên phân di sản ra làm ba cấp độ:
 

Thứ nhất: Những di sản âm nhạc dân tộc tinh hoa: Nhã nhạc cung đình, Ca trù, Tuồng. Ba loại hình này có một đời sống lịch sử lâu dài, sự ảnh hưởng của nó trong đời sống tinh thần của người dân khá sâu sắc. Vả bản thân tính chất nghệ thuật của nó có khả năng chinh phục công chúng có trình độ thẩm mĩ cao. Những loại hình nghệ thuật này nhất thiết phải bảo tồn, và phải bảo tồn một cách cẩn thận nhất.
Thứ hai: Nhóm di sản âm nhạc dân tộc dân gian nhưng có sức lan tỏa rộng: Nghệ thuật Chèo, Quan họ, Cải Lương, Cồng chiêng Mường và Tây Nguyên. Nhóm này lịch sử phát triển của nó chưa được bao lâu, nặng về tính dân gian nên bảo tồn theo hướng “bó đũa chọn cột cờ”, còn lại để đời sống dân gian tự nuôi dưỡng, không nên can thiệp quá sâu.
Thứ ba: Nhóm di sản dân tộc dân gian mang tính vùng miền: Hát Trống quân ở vùng núi Trung du phía Bắc, hát Bài chòi, đờn ca tài tử ở phía Nam, hát Then của người Tày; nghệ thuật múa của người Chăm… Những di sản này nên giữ lại ở mức độ tư liệu và tuyệt đối không nên can thiệp trong đời sống phát triển hay tàn lụi của nó. Vì bản thân nó đã có một sức sống trong dân gian, gắn liền với những sinh hoạt văn hóa của người dân thôn quê, khi không gian văn hóa đó mất đi cùng với xu hướng đô thị hóa thì mặc nhiên ta phải chấp nhận.
Viết đến đây tôi mới nghĩ đến câu chuyện của giới khảo cổ trong một lần tiếp chuyện với giáo sư Hà Văn Phùng, ông có nói một ý: khảo cổ không có nghĩa là cứ đào lên rồi phải bảo tồn, có những cái bắt buộc phải bảo tồn vì nó gắn tư văn của dân tộc, còn có những cái đào lên chỉ có tác dụng trong nghiên cứu, nghiên cứu xong thì nên lấp đi nhường chỗ cho một công trình khác dựng lên thay thế nó. Di sản âm nhạc dân tộc cũng nên thế.
Thực sự đến bây giờ chúng ta phải sòng phẳng mà nhận ra một điều rằng, cổ nhạc phải sống trong không gian văn hóa của nó. Như Ca trù phải có không gian nhà hát với một số lượng thính giả đam mê và hiểu thật sự; hay như Nhã nhạc lại có không gian cung đình. Bây giờ liệu tìm trong số lượng học sinh sinh viên, mấy ai có đủ khoảng một trăm từ vựng Hán Việt để có thể sơ hiểu thơ văn Ca trù, không gian cung đình cũng chẳng còn, một ngày bốn suất diễn trong Duyệt Thị Đường không thể đủ tiền nuôi sống các nhạc công Nhã nhạc được. Mà trên thực tế thì không thể cưỡng bức công chúng phải nghe cái mà họ không hiểu, phải yêu những thứ đối với thời đại của họ chỉ còn là vang bóng.
Nhưng không vì thế mà chúng ta chấp nhận thực trạng công chúng quay lưng lại với văn hóa cổ truyền. Trong khi nhà nước càng bảo tồn càng làm biến dạng di sản thì có những tổ chức tư nhân tôi vẫn biết là càng ngày càng làm mới, và biết chưng cất những tinh hoa của di sản.
Tôi có được xem vở Chèo nàng Thiệt Thê kịch bản của nhà thơ Lương Tử Đức diễn tại Hội diễn Chèo Quảng Ninh vào năm 2002. Vở Thiệt Thê đã sáng tạo thêm một bước từ vở Chèo cổ Chu Mãi Thần khi tác giả cố ý minh oan cho nàng Thiệt Thê, không những thành công về mặt nghệ thuật và nội dung, cả không gian vở diễn cũng được đạo diễn khá tốt với một tấm bình phong sơn mài, nhẹ nhàng và sang trọng khác hẳn với việc người ta bê hẳn mái đình nặng nề lên sân khấu. Và một điểm nhấn của vở diễn là màn múa tứ bình trước màn giáo đầu, trong khi hồn chèo cổ truyền không bị mất đi. Đó là sự tiếp nối hoàn hảo sau vở Súy Vân mà trước đây vài chục năm cụ Hàn Thế Du đã chấp bút cải biên cũng từ vở chèo cổ Kim Nham.
Cách đây không lâu tôi lại được đến nghe một buổi hát của nhóm Ca trù Tràng An, và rất ngạc nhiên khi các quan viên ở đó có thể rất thoải mái ngồi ở chiếu, còn vị trí trên chiếc sập gỗ sang trọng kia dành cho người đào nương và chú kép đàn. Khi xưa đi hát, vị trí của quan viên bao giờ cũng được coi trọng, có người bảo tôi tiếng trống chầu là tiếng trống chỉ huy của một canh hát, quan viên là người trả tiền cho canh hát ấy, làm nghề phải lụy tiền âu cũng là một lẽ tất nhiên. Hồi đó quan viên được ngồi sập chạm còn đào nương chỉ được ngồi sập trơn. Nhưng nếu giờ có một quan viên mà dám ngồi chiếu để cho đào nương ngồi sập thì tôi thấy phục quá, vì họ mới là người biết thưởng thức và coi trọng nghệ thuật đích thực. Còn cách quăng tiền mà mua vui lấy một vài tiếng cười chỉ là cách ứng xử của anh trọc phú mà thôi.
Có người chê là đã có Chu Mãi Thần thì cần gì Thiệt Thê, có Kim Nham thì cần gì Súy Vân, chê nghệ sĩ Diễm Lộc vì cố gào cho đau đớn mà làm rách giọng đến khi diễn thì phải có người ở dưới hát cơi… Tôi lại cho rằng cái chê đó là cái chê của một anh thiển cận. Tôi vẫn tâm đắc với việc ai đó ví văn hóa như một dòng chảy của con sông, mà đã là dòng chảy thì đương nhiên phải chấp nhận nó làm lở bên này để bồi bên khác. Cái sinh nảy chồi từ cái tử. Chả thế mà đức Bồ đề đạt ma phải mất ròng rã những tháng ngày để cuối cùng ngộ đạo nhờ tảng đá trên đầu mình rơi hay sao?
Văn hóa cổ truyền hoàn toàn có thể làm mới để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Mà tôi lại nghĩ rất dễ có thể làm cho nó hòa nhập được vào dòng chảy hiện đại đó khi chúng ta biết giữ lấy tinh hoa của nghệ thuật và cải tạo không gian văn hóa. Con người hiện đại luôn luôn có xu hướng ham kỳ chuộng lạ và thường chết vì những thứ bề ngoài, giống như phong trào Âu hóa, Hàn hóa của người hiện đại ngày hôm nay. Tại sao chúng ta không thể tạo ra những thứ mật ngọt từ những cánh hoa sặc sỡ để kêu gọi muôn loài bướm ong. Muôn sự đổi mới, hãy bắt đầu bằng việc đổi mới không gian văn hóa cho di sản cổ nhạc. Đó là một lối thoát duy nhất hiện nay chúng ta có thể làm.

Trần Ngọc Linh

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)