Di sản kiến trúc –
phần đắt giá nhất của bất động sản?

Chương trình TV thời sự  đưa tin: Cuối cùng chính quyền thành phố Hà Nội cũng thông qua, đã quyết định bán mấy trăm căn biệt thự thời Pháp trên địa bàn thành phố. Lý do chính đáng là sử dụng không hiệu quả, không thể bảo dưỡng ,duy tu hoặc thực trạng đã hoang phế, xuống cấp. Tất nhiên thành phố sẽ  được một khoản thu không nhỏ. Song ai cũng thấy rằng  ‘khoản thu’ của những người được mua và mua được các biệt thự này còn lớn hơn nhiều.Bởi thứ nhất đó tất nhiên là những mảnh đất vàng giá không tưởng tượng nổi  và hai là trên đó có một di sản kiến trúc.  Ngay sau tin này là phóng sự với hình ảnh Phó CT Hội KTS Việt Nam GS. Hoàng Đạo Kính đứng trước hàng rào xây dựng tôn  xanh của một biệt thự đã bán. Máy quay hé một khe hở cho thấy ‘di sản’ đã bị đập bỏ, người ta đang đào móng cho một building gì đó. Ông Kính bức xúc cảnh báo một tương lai đáng buồn: Tất cả (biệt thự HN) sẽ như thế này! Như thế này là như thế nào?

Câu chuyện rất phức tạp chứ không đơn giản như người ta giải tỏa một hộ nông dân ngoại thành để thực hiện dự án, xây cái gì đó. Hà Nội 1000 năm tuổi, “trái tim” của cả nước, thực tế gồm “ba phần tươi đỏ” là phần  Hoàng thành cổ và Phố cổ – tức khu 36 phố phường có gốc gác từ thời Lý Công Uẩn. Phần  phố thời thuộc địa gồm các khu hành chính, khu  buôn bán, khu quan Tây và khu phố công chức ta theo quy hoạch của các KTS Pháp từ cuối thế kỷ 19 tới giữa thế kỷ 20 và phần các làng đan cài trong đô thị với các mặt nước và các vùng cây xanh. Các biệt thự là một dạng kiến trúc phương Tây được du nhập rất thành công vào Hà Nội (và Việt Nam nói chung). Nằm ở khu quan Tây và khu công chức ta trải rộng khắp thành phố, chúng tạo ra cả một “bảo tàng kiến trúc biệt thự địa phương Pháp” rất phong phú và độc đáo. Một số cái cũng là kết quả giao thoa Đông – Tây của phong cách Đông Dương, thành tựu nổi bật nhất của KT nước ta thế kỷ trước. Đập đi như thế này   là hủy hoại một di sản quý báu nhất. Trong khi các tòa nhà trụ sở mới đang mắc bệnh dịch nhái, nhại, copy kiến trúc Pháp và Đông Dương thì các bản gốc lại bị đập bỏ! Vứt hàng hiệu, bản gốc dùng hàng giả, bản sao thì thật là kỳ quái, lãng phí vô cùng. Thay vào đấy các building thực dụng rẻ tiền như thế này (dù được gắn 4-5 sao cũng vẫn chỉ là những sản phẩm hàng loạt như các “nhà tập thể” kiểu mới tràn lan khắp thế giới mà thôi) thì toàn bộ quy hoạch Hà Nội sẽ bị phá vỡ. Như thế này thì trước mắt ai mua được biệt thự, thành chủ đầu tư công trình mới trên nền đất vàng đó sẽ kiếm lời to nhưng về lâu dài thì cả họ lẫn thành phố sẽ mất đi những khoản tiền khổng lồ không dự báo nổi. Bởi giả dụ một biệt thự hiện nay bán được 2 triệu USD thì chỉ 20-30 năm nữa giá sẽ gấp 10 lần hoặc hơn, chả có đầu tư nào sinh lời bằng giữ được cái sẽ thành di sản! 

Biệt thự trên phố Lê Hồng Phong,

“Cuộc chiến” nóng bỏng nhất trong xã hội, kinh tế VN (cũng như ở bất kỳ các nước đang phát triển, nước đang CNH, ĐTH nào) là cuộc chiến bất động sản. Điều này góp phần gây ra những bất bình đẳng xã hội ngay từ khi bắt đầu chuyển từ KT bao cấp sang KT thị trường với việc cấp nhà, cấp đất, cấp căn hộ, hóa giá các villa cho cán bộ, công nhân viên một cách tự phát ở khắp mọi nơi và khắp các cấp từ xí nghiệp, phường, xã, quận, huyện  tới thành phố và Trung ương. Một “đặc lợi” mà khi đó mọi người cho là hợp lý, hiển nhiên. Chưa có công bố về việc ai sẽ được mua các biệt thự này nhưng người ta có thể lo ngại đây là bước tiếp theo của “hóa giá”!.
Để không như thế này các chuyên gia giới KTS  và giới văn hóa nói chung không lo lắng chuyện ai sẽ sở hữu các biệt thự có giá trị di sản, sẽ trở thành di sản vô giá trong tương lai gần mà là lo lắng các biệt thự này có bị phá hủy hay không? Hoặc sẽ được gìn giữ, sử dụng như thế nào?
Muốn gìn giữ được các giá trị của các biệt thự thì phải phân loại kỹ càng, định giá chuẩn xác. Hợp đồng bán mỗi biệt thự phải có các điều khoản cụ thể về việc giữ gìn, duy tu, có được biến đổi kiến trúc không, có được xây cất thêm không, có được đập bỏ xây mới không, xây mới phải xây trong khuôn khổ nào… Các biệt thự phải được sử dụng với những chức năng nào…(bởi nếu tất cả biến thành vũ trường, quán ăn hay siêu thị thì mặt bằng đô thị sẽ rối loạn chức năng!)
Tóm lại ta có thể thấy việc bán các biệt thự ở Hà Nội là một thí dụ tiêu biểu cho sự gắn liền xương thịt giữa kinh tế và văn hóa, giữa di sản và hiện đại hóa, giữa phát triển và bền vững. Cách sử dụng, cư xử với  biệt thự (và các kiến trúc cũ thời thuộc địa nói chung) ở Sài Gòn, và các thành phố khác từ Nam ra Bắc, nhất là ở Đà Lạt – thành phố villa châu Âu độc nhất vô nhị- là câu chuyện nóng bỏng trong bối cảnh hiện nay làm đau đầu mọi bên liên quan.

Một khu biệt thự cũ đang là chỗ ở của nhiều hộ dân tại phố Ngô Quyền

Nước ta thực ra không giàu có về các di sản kiến trúc đô thị, thực khối kiến trúc có giá trị di sản không lớn, so với thực khối KT xây mới ồ ạt thì tỷ lệ vô cùng nhỏ. Và chính vì thế là vô cùng quý giá .Nó sẽ như báu vật, món đồ quý mà những gì ta xây mới sẽ chỉ là cái hộp đựng ! Chỉ trong tương lai rất gần các kiến trúc cũ này sẽ là những hạt ngọc của đô thị hiện đại. Nên chăng cần điều tra xác lập một quỹ di sản kiến trúc hay quỹ kiến trúc cũ (việc này không khó, không tốn kém bao nhiêu), đưa ra một chiến lược ứng xử tối ưu với quỹ di sản này. Chiến lược đó phải được quán triệt tại mọi đô thị đang hiện đại hóa trong quy hoạch, xây cất và phát triển kinh tế và văn hóa.
Những cảnh báo về bệnh tật, bão lụt tất nhiên là cấp bách và được lắng nghe nhưng thiết nghĩ những cảnh báo về di sản văn hóa cũng cần được như vậy, là như vậy.
Chứ cứ “như thế này” thì đáng lo ngại thật.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)