DI SẢN QUÁ KHỨ VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA

Hiện nay, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc và những biến thể của nó đang là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm ở Việt Nam. Nỗi ám ảnh về bản sắc hiện diện ở khắp nơi, từ những diễn ngôn chính trị như "xây dựng nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc", "hội nhập nhưng không hòa tan" cho đến các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội như xây dựng thương hiệu Việt, tự kiểm điểm tính cách dân tộc hay phê bình văn học nghệ thuật. Không thể phủ định, đây là một định hướng đúng đắn, một mối quan tâm lành mạnh của toàn xã hội khi Việt Nam ngày càng tham gia một cách toàn diện hơn vào quá trình toàn cầu hóa nhưng tự bản thân những khát vọng bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc cũng đặt ra những câu hỏi hóc búa đối với toàn xã hội, trước hết là trong việc xác định bản sắc văn hóa dân tộc và sau đó là việc ứng xử với bản sắc văn hóa đó. Nhằm bước đầu góp phần xác lập một định hướng cho việc giải quyết những vấn đề nói trên, đầu năm 2007, Tạp chí Tia sáng đã tổ chức Tọa đàm Quá khứ và bản sắc trong đời sống đương đại ở Việt Nam với sự tham dự của một số cộng tác viên của tạp chí gồm các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, nhà phê bình, các nhà báo: Nguyên Ngọc, Phạm Duy Hiển, Lê Đạt, Nguyễn Quang A, Chu Văn Sơn, Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Lý Trực Dũng, Phạm Toàn, Nguyễn Hoài Nam...

1. Có hay không một bản sắc văn hóa Việt Nam? Liệu có thể tách bạch bản sắc, những đặc tính có tính đặc thù của dân tộc Việt Nam được tích lũy qua sự vận động lịch sử và tiếp tục tác động đến đời sống đương đại với những đặc tính phát triển có thể tìm thấy ở bất kỳ một dân tộc nào trong những điều kiện địa lý và lịch sử trong cùng một trình độ phát triển? Trước những câu hỏi này, đại đa số ý kiến tham gia tọa đàm đều thống nhất khẳng định: có một bản sắc Việt. Vấn đề là xác định bản sắc. Trước đây, việc xác định bản sắc văn hóa thường tập trung trong việc khẳng định một số nét thuộc về tính cách dân tộc mà trong những điều kiện lịch sử nhất định được thể hiện rõ nét: tình yêu nước, tinh thần dũng cảm chống ngoại xâm, tình yêu lao động… Định hướng này ngày càng tỏ ra bất lực khi tiến hành thao tác đối chiếu với những dân tộc khác trên thế giới. Trong cuộc tọa đàm, đại đa số các nhà nghiên cứu đều thống nhất trong việc cần xác định bản sắc văn hóa không phải là một yếu tố có tính đơn thể, một đặc tính tĩnh, mà là một “kiểu” (khái niệm nhà văn Nguyên Ngọc sử dụng lại của nhà nghiên cứu Phan Ngọc). Cụ thể hơn, trong lịch sử của một dân tộc, đã hình thành nên một kiểu sống, nói như J.P.Sartre là một “kiểu lựa chọn”. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, có hai yếu tố đặc biệt chi phối mạnh mẽ “kiểu lựa chọn” của người Việt: tính cách tiểu nông và Khổng giáo. Điều kiện địa chính trị, địa văn hóa cũng có những tác động đến sự hình thành nên “kiểu lựa chọn” này. Việt Nam là một nước bán đảo nằm bên rìa của khối đại lục đồng thời cũng ở ngã tư đường của những luồng di dân và những luồng ảnh hưởng văn hóa, chính vì vậy, vấn đề tồn vong chủng tộc luôn được đặt ra một cách bức thiết. Đặc điểm này đã hình thành nên một định hướng trong ứng xử dân tộc: đặt vấn đề sinh tồn lên hàng đầu trong những giá trị được ưu tiên và từ đó tạo nên một khả năng sinh tồn đặc biệt mạnh nơi người Việt. Điều này cũng đã góp phần xác lập nên một lối ứng xử mà Đào Duy Anh định danh là sự mềm dẻo, Cao Xuân Huy gọi là một thứ Thủy tính và Trần Đình Hượu giải thích là một lối ứng xử hướng đến sự linh hoạt, tránh mọi tâm lý kiền thành, cuồng tín, tránh mọi sự cực đoan. Đó là những nét mà giới nghiên cứu có thể dễ dàng thống nhất khi nhận định về bản sắc văn hóa của người Việt.

2. Những nét chủ yếu của bản sắc dân tộc? Các khách mời tham dự tọa đàm đều thống nhất cần phải tiếp tục tìm hiểu và xác định bản sắc dân tộc. Đây là một khái niệm có tính động. Nó là một tập hợp và cần chấp nhận một thực tế là trong tổng thể đó có những yếu tố mâu thuẫn (Lê Đạt). Một ví dụ, trong lịch sử, do điều kiện tồn tại người Việt thường chấp nhận lựa chọn những cái vừa phải, không thích xây dựng những công trình có quy mô vĩ đại, bất tử. Người Việt thường lấy sự thực tế làm chuẩn mực. Thế nhưng, trong chiều sâu của tính cách dân tộc không phải là không có sự hiểu đại mà ngày nay nét tính cách đó đang có điều kiện được hiện thực hóa qua những biểu hiện như thích xây dựng những tượng đài quy mô lớn, những phim lịch sử đòi hỏi kinh phí khổng lồ dù bản thân điều kiện thực tế chưa đầy đủ để xây dựng những công trình kiểu này. Không những thế, bản sắc không phải là một yếu tố nhất thành bất biến. Nó luôn mở và động, nó không phải là một thành tựu mà liên tục kết tinh, liên tục phá vỡ tìm kiếm giá trị mới tạo sự cân bằng trong phát triển (Chu Văn Sơn). Việt Nam lại là một quốc gia đa dân tộc, hơn nữa, bản thân nền văn hóa của dân tộc trung tâm (người Kinh) cũng có nhiều phiên bản khác nhau. Thế nên, tìm kiếm bản sắc văn hóa dân tộc không thể không tính đến mối quan hệ giữa bản sắc và những nền văn hóa có tính địa phương, vùng miền đó (Nguyễn Hoài Nam). Trong quá trình tìm kiếm và xác định bản sắc dân tộc cũng phải khẳng định nó là một thực tế không mang tính giá trị (Nguyễn Quang A). Trong nó có cả yếu tố tích cực lẫn yếu tố tiêu cực và tích cực cũng như tiêu cực một phần cũng là sự biểu hiện của bản sắc trong từng điều kiện cụ thể. Tích cực và tiêu cực cũng chỉ là những yếu tố có tính tương đối. Có thể trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, các yếu tố tiểu nông và Khổng giáo có giá trị tích cực trong việc ổn định xã hội nhưng hiện nay, trong xã hội đang chuyển đổi, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, những yếu tố đó có thể trở thành tiêu cực, kìm hãm sự phát triển (Đỗ Lai Thúy).

3. Bản sắc văn hóa là một khái niệm có tính động, vì vậy để xác lập nó chính xác một cách tương đối, cần có một quá trình nghiên cứu tiếp tục. Trong quá trình kiếm tìm bản sắc, vai trò của khoa học lịch sử giữ một vị trí quan trọng. Tuy nhiên, đến đây, một vấn đề được đặt ra: ứng xử với cái gọi là bản sắc. Việc xác định bản sắc dân tộc là một dữ kiện quan trọng để giải bài toán hiện đại hóa bởi lẽ bản sắc có thể là một bệ phóng nhưng hoàn toàn cũng có thể là một lực cản đối với sự phát triển. Cần phá vỡ những sự ngộ nhận về bản sắc (Nguyên Ngọc) và trong việc hình thành nên những ngộ nhận đó, có vai trò của một số khuynh hướng tiêu cực trong khoa học lịch sử (nhất thể hóa lịch sử, không chấp nhận những quan điểm đa nguyên về lịch sử) và cả của giới truyền thông. Điều quan trọng là cần phá vỡ tâm lý quá lưu luyến với quá khứ để có thể tưởng tượng và sáng tạo tương lai (Phạm Duy Hiển). Quá khứ và bản sắc không nên bị biến thành tín điều. Lịch sử chỉ có thể là một gợi ý (Lê Đạt). Cũng phải chấp nhận một thực tế là những cá nhân vĩ đại (những trí thức, triết gia, nhà tư tưởng, nghệ sĩ) cũng góp phần sáng tạo nên bản sắc. Vậy, đừng biến quá khứ cũng như bản sắc thành một bóng ma ám ảnh hiện tại mà hãy dũng cảm vượt qua và sáng tạo nên bản sắc.
P.V

Tác giả