Đi tìm Hành cung Lỗ Giang đời Trần: Phác dựng bức tranh đầu tiên

Bức tranh về đời sống cung đình dưới thời Trần, một triều đại rực rỡ huy hoàng trong lịch sử trung đại Việt Nam có thể được bổ khuyết nhờ vào những thông tin về hành cung Lỗ Giang. Hành cung này có vị trí rất quan trọng trong lịch sử nhà Trần, bởi Khâm từ Bảo thánh Hoàng Thái hậu, hoàng hậu của hoàng đế Trần Nhân Tông, hay Trần Hiến Tông hoàng đế mất cũng được tạm quàn tại đây. Nhưng đã bảy thế kỷ trôi đi, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, dường như không ai biết và nhắc đến Hành cung Lỗ Giang, càng không biết nơi đây có quy mô, diện mạo như thế nào.


Bản vẽ phục dựng giả định cung điện trong Hành cung Lỗ Giang. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành.

Nỗ lực “vẽ” thành quách xưa từ những dấu tích ít ỏi 

Hành cung là hệ thống cung điện được triều đình xây dựng bên ngoài kinh thành Thăng Long, nơi nhà vua nghỉ ngơi khi xa giá dời kinh đi tuần du ở các địa phương. Thời Trần, triều đình cho xây dựng khá nhiều hành cung, trong đó nổi tiếng nhất là hành cung Thiên Trường hay Tức Mặc (Nam Định), được đánh giá như kinh đô thứ hai sau Thăng Long. Nhưng trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, các hành cung xưa đều không còn tồn tại đến ngày nay. 
Vì thế, để “vẽ” được diện mạo của hành cung Lỗ Giang là không hề dễ dàng. Các nhà sử học cũng không có nhiều hiểu biết về Lỗ Giang mà chỉ có một vốn liếng chung rằng Thái Bình vốn là đất phát nghiệp đế vương và quê hương của các vua Trần, là nơi có các mộ tổ nhà Trần, hai hành cung Ngự Thiên và Long Hưng. Nguồn sử liệu thành văn về hành cung Lỗ Giang này chỉ là vài dòng ghi chép ngắn ngủi trong Đại Việt sử ký toàn thư, đó là sự kiện bà Khâm từ Bảo Thánh hoàng Thái hậu (hoàng hậu của Hoàng đế Trần Nhân Tông, mẹ hoàng đế Trần Anh Tông) mất vào năm 1293: “Quý Tỵ năm [Trùng Hưng] thứ 9 (1293)… mùa thu, tháng 9, Khâm từ Bảo thánh Hoàng Thái hậu băng ở cung Lỗ Giang, phủ Long Hưng, tạm quàn ở cung Long Hưng”; sau đó, hành cung được nhắc đến trong bộ quốc sử này với tên gọi mới là Hành cung Kiến Xương, gắn liền với sự nghiệp của vua Trần Hiến Tông – vị Hoàng đế này mất cũng được tạm quàn tại đây vào năm 1341.
Từ những ghi chép ít ỏi trong sử cũ này, mùa Đông năm 2014, PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành cùng các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (nay là Viện Nghiên cứu Kinh thành) đã lần tìm và phát hiện được dấu tích đầu tiên là những mảnh gốm, vật dụng đời Trần và cả vật liệu kiến trúc tại khu vực đền Thái (Thái lăng) hay còn gọi là đền Trần nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý, xưa thuộc xã Thâm Động, phủ Long Hưng, miền đất gắn bó với lịch sử phát tích của nhà Trần, nay là xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. 
Với những dấu hiệu ban đầu này, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tiếp tục đầu tư khai quật và nghiên cứu khảo cổ học vào các năm 2014, 2015 và 2016-2017. Qua ba cuộc khai quật, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được nhiều loại hình di tích, di vật đặc thù của hành cung Lỗ Giang này tại các cánh đồng Phủ Lỗ, Lạch Đường Cả, Càn Thiên Mã, Lăng Ngói, Lăng Sa Trong…, từng bước giúp hình dung được quy mô, kiến trúc và quá trình xây dựng Hành cung này.
Về mặt kiến trúc, Lỗ Giang có những đặc điểm riêng biệt. “Lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học đã phát hiện được dấu tích một công trình kiến trúc gỗ thời Trần có kỹ thuật xây dựng bằng hệ móng trụ kép, cột đôi với quy mô lớn – loại móng trụ có hình chữ nhật lớn gấp đôi móng trụ hình vuông thông thường. Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng đã tìm thấy loại móng trụ kép tương tự, nhưng là kiến trúc của thời Lý và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với kiến trúc ở Hành cung Lỗ Giang”, PGS.TS. Bùi Minh Trí cho biết, trong Hội thảo “Hành cung Lỗ Giang, Hưng Hà, Thái Bình trong lịch sử nhà Trần” ngày 30/11 do uBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Từ đó, ông đặt ra giả thuyết kiến trúc của hành cung rất có thể có nhiều tầng mái, bởi “móng trụ đôi ở đây rất lớn và theo kỹ thuật học, móng trụ lớn thì chân tảng lớn, chân tảng lớn thì dựng các cột lớn”.
Cuộc khai quật tại đền Thái còn tìm thấy một công trình kiến trúc gỗ rất độc đáo có mặt bằng hình chữ Công, gồm ba bộ phận cấu thành và có diện tích trên 554m2. Kỹ thuật gia cố móng trụ cột kép nói trên, cùng với hệ thống bó nền, sân gạch và các loại vật liệu lợp mái, trang trí mái phản ánh tin cậy rằng, kiến trúc ở đây được xây dựng rất quy chuẩn theo truyền thống kỹ thuật cung điện của thời Lý. PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo học Việt Nam lý giải về điều này: “Kiến trúc thời Trần nói chung và dấu tích hành cung Lỗ Giang nói riêng về cơ bản đã kế thừa và phát huy nghệ thuật thời Lý, nhưng vẫn có được những nét sáng tạo mang dấu ấn riêng của thời Trần. Chẳng hạn như việc xây dựng bằng móng cột kép ba, chỉ dùng ngói sen, các hình tượng trang trí có xu hướng khỏe khoắn và giảm các chi tiết cầu kỳ…”.
Dấu ấn vương quyền của công trình không những được nhận biết qua các vật liệu trang trí hình rồng mà ở đây còn tìm thấy viên ngói úp đầu bờ dải ở đầu trang trí mặt sư tử, trên trán khắc chữ Vương (王). Tư liệu này góp phần khẳng định rõ tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của công trình kiến trúc liên quan đến nơi ở và làm việc của nhà vua. Thêm vào đó, cuộc khai quật vào năm 2016-2017 tại Lăng Sa Trong đã làm xuất lộ rõ một nửa phía Tây của một khuôn viên kiến trúc quy mô lớn, khá hoàn chỉnh, trong đó đã tìm thấy hệ thông ba công trình kiến trúc gỗ ở bên trong, bao gồm kiến trúc cổng, kiến trúc hình chữ Công (工) và kiến trúc nhà dài có bộ vì 4 hàng cột. Phát hiện này rất quan trọng và có ý nghĩa rất to lớn trong việc nghiên cứu về quy hoạch không gian và hình thái kiến trúc thời Trần trong lịch sử, đồng thời khẳng định rõ Hành cung Lỗ Giang – Kiến Xương xưa có quy mô rất rộng lớn, được quy hoạch quy chuẩn như kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long.

Còn những điều thú vị chưa ngã ngũ

Những kết quả này quả thực là “một phát hiện lớn nhất của khảo cổ học lịch sử Việt Nam” trong khoảng chục năm trở lại đây, nhưng dù là cuộc khai quật “quy mô lớn nhất gần đây chỉ sau những cuộc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long” như PGS Tống Trung Tín nhận xét, thì còn nhiều điều mới mẻ đang chờ đón các nhà khảo cổ học ở phía trước. 


Các loại ngói lợp mái kiến trúc cung điện thời Trần khai quật được tại khu di tích Hành cung Lỗ Giang. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành.

Bên cạnh những phát hiện mới, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy những dấu tích rất lạ, đặt ra nhiều giả thuyết thú vị và chưa ngã ngũ. Vào giai đoạn 2016-2017, trong lúc tiến hành khai quật thăm dò khu vực Lăng Sa Ngoài, nằm ngoài đê sông Trà Lý, cách đền Thái khoảng hơn 120m về phía Nam, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã khai quật làm xuất lộ một phần của “Gò Sỏi” lớn trong diện tích khoảng 150m2 nằm dưới lớp cát và phù sa bồi đắp (tạm gọi đây là “Gò Sỏi” vì chưa xác định được tính chất di tích).
Gò Sỏi xuất lộ sâu nhất so với bề mặt khoảng 3m, chỗ cao nhất xuất lộ cách lớp mặt khoảng 0,5m. Gò được đắp bằng hỗn hợp sỏi, sét và ngói vụn, trong đó thành phần chính là sỏi và đất sét, gạch ngói vụn rất ít. Về vấn đề niên đại, dấu tích Gò Sỏi này có thể khẳng định nó có niên đại vào thời Trần, thế kỷ 13 – 14 và là một bộ phận của hành cung Lỗ Giang. Thế nhưng “chức năng của Gò Sỏi này là gì hiện vẫn chưa có câu trả lời bởi do phạm vi khai quật còn hẹp, dấu vết xuất lộ chưa đầy đủ và chưa kiểm chứng mặt cắt nên chưa thể đưa ra nhận xét đánh giá.” – PGS.TS Bùi Minh Trí chia sẻ. 
Tuy nhiên, theo ông, việc tìm thấy Gò Sỏi có quy mô to lớn như vậy là một hiện tượng rất lạ, rất hiếm gặp. Có giả thuyết cho rằng, đây có thể là dấu vết nền móng của một tòa tháp lớn. Có giả thuyết khác lại cho rằng, đây có thể là gò mộ cổ của thời Trần và nó có thể liên quan đến tên địa danh ở đây như Lăng Sa Trong, Lăng Sa Ngoài hay Lăng Ngói. “Những tên gọi địa danh này có thể gợi đến khu lăng mộ nào đó của các vua nhà Trần hay không? Đây là điều bí ẩn rất thú vị của Hành cung Lỗ Giang trong lịch sử.” Vì vậy, cần phải tiếp tục tiến hành dự án khai quật mở rộng khu vực Lăng Sa Ngoài, nhằm nghiên cứu khẳng định đây có phải là mộ cổ của nhà Trần hay không. 

Nhìn tổng thể, các phát hiện trên đã góp phần phác dựng rõ những hình hài đầu tiên của Hành cung Lỗ Giang, tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn địa điểm này thực sự là hành cung Lỗ Giang thời Trần như trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại, cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống, từ niên đại của vật liệu di vật, vật liệu xây dựng cho tới kiểu loại kiến trúc, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam. Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Ueno Kunikazu (Nhật Bản) cho rằng các nhà khảo cổ học cần tiếp tục phân tích, nghiên cứu và làm rõ hơn về mô hình kiến trúc này có phải là hành cung Lỗ Giang đã từng được nhắc đến trong lịch sử hay không.

Sớm lên phương án bảo tồn 

Song song với việc mở rộng nghiên cứu, cần có phương án bảo vệ các di tích đã xuất lộ và đưa ra kế hoạch bảo tồn nhằm phát huy giá trị khu di tích trong tương lai. Trước đây, các nhà khoa học đã đưa ra phương án cần phải bảo tồn có mái che với các khu đã khai quật và lên phương án quy hoạch, bảo tồn nguyên trạng toàn bộ hành cung Lỗ Giang. Năm 2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo UBND huyện Hưng Hà, phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh thành, các cơ quan nghiên cứu xây dựng dự án điều tra, khai quật và nghiên cứu tổng thể Khu di tích Hành cung Lỗ Giang và thực hiện dự án bảo tồn cấp thiết di tích kiến trúc thời Trần dưới mái che tại đền Thái và các di tích đã xuất lộ ở Lăng Sa Trong, Lăng Sa Ngoài; lập phương án thu hồi đất Khu di tích Hành cung Lỗ Giang nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích… Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đã nhấn mạnh cam kết “sau hội thảo này, UBND tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng Hồ sơ xếp hạng Di tích cấp Quốc gia, cấp Quốc gia đặc biệt; đồng thời cùng Viện Nghiên cứu Kinh thành xây dựng Đề án Điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học di tích Hành cung Lỗ Giang một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng”.
Đồng tình với việc cần nhanh chóng xây dựng Hồ sơ xếp hạng di tích, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, các nhà khảo cổ học nên tận dụng công nghệ số hóa để xây dựng bộ “hồ sơ số” hoàn chỉnh về di tích khảo cổ học hành cung Lỗ Giang. “Đây sẽ là cơ sở khoa học để dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng hành cung Lỗ Giang bổ sung thành hợp phần của Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Trần, Thái Bình.” Đồng thời cũng là “cơ sở bước đầu cho việc xây dựng các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy lâu dài giá trị lịch sử – văn hóa của Khu di tích phục vụ nhu cầu của cộng đồng cư dân địa phương cũng như du khách trong cả nước.” 
Tuy nhiên, lập hồ sơ hay bảo tồn mới chỉ là một phần, phần còn lại – làm sao để di sản thực sự “sống” là điều khiến các nhà khảo cổ học băn khoăn. Bởi vì giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản vẫn có khoảng cách lớn, mà “trong thực tế, không phải bao giờ cũng có thể tìm được lời giải đúng đắn”, từ phương diện là người đã có nhiều năm khai quật, nghiên cứu các di tích kinh thành, PGS Bùi Minh Trí trăn trở. Bài học từ Hoàng thành Thăng Long vẫn còn đó, từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khu di tích đã mở cửa phục vụ công chúng đến tham quan. Nhưng công chúng đã dần dần “quay lưng lại với khu di sản vì họ chỉ nhìn thấy ở đó những phần còn lại của nền móng các công trình kiến trúc gỗ với các ô vuông của móng trụ sỏi, các đoạn gạch sân gạch hay các giếng nước và cống nước… Họ không thể hình dung, càng không thể hiểu được quy mô, hình thái và vẻ đẹp vốn có của các công trình kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long được trưng bày hiện nay.” 
Vì thế, theo PGS. Đặng Văn Bài, cần kết hợp giữa “bảo tồn mở” – với những hiện vật, khu vực đã được khai quật và làm mái che có thể cho phép người dân tham quan. Đồng thời cần sử dụng các phương tiện hỗ trợ hiện đại như “bảo tàng trực quan/ thực tế ảo tăng cường” với tư liệu phục dựng về kiến trúc quy mô này, để giúp các thế hệ sau hiểu được tầm vóc lịch sử của Hành cung.
Như vậy, cần phải có quy hoạch những khu vực được phép tham quan, còn đối với toàn bộ hành cung, các nhà khoa học đề nghị phải tuân thủ nguyên tắc “khai quật phát lộ tới đâu phải có biện pháp bảo vệ tới đó bằng cách đóng di tích lại theo phương pháp lấp cát để giữ nguyên trạng”, PGS. Bùi Minh Trí nói.□

Tác giả

(Visited 159 times, 1 visits today)