ĐIỆN ẢNH VIỆT – Giai đoạn tiền hội nhập

Thời gian gần đây việc sản xuất phim khởi sắc hẳn lên với sự xuất hiện của nhiều hãng phim mới thành lập (hoặc các hãng phim đã “định hình” từ lâu, nhưng trước giờ chưa thật sự chú tâm vào lĩnh vực phim truyện). Điều này dễ dàng thấy rõ qua các “đầu phim” đã và đang sản xuất, hoặc sắp trình chiếu tại các rạp chiếu trong cả nước; với sự đa dạng về đề tài lẫn thể loại, rồi cả cách kể chuyện trong các phim Việt này. Nó cũng là sự đánh dấu cho giai đoạn “tiền hội nhập” của điện ảnh Việt Nam, một thành tố không thể tách rời trong việc phát triển về nhiều mặt của Văn hóa Nghệ thuật nước nhà.

TỪ DẤU HIỆU VUI NƠI RẠP CHIẾU…
Ngay từ đầu năm 2006, việc Hạt mưa rơi bao lâu (đồng đạo diễn Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa- Thủy Triều Films) được chính thức trình chiếu tại một rạp duy nhất ở Sài Gòn (trước đó, các nhà phát hành phim đều “lắc đầu” với bộ phim thuộc dạng kén khách này), và đường hoàng trụ rạp đến 3 tuần; đây có thể nói là một tín hiệu đáng phấn khởi cho một “mùa” phim Việt tiếp nối về sau. Bởi, theo thông lệ, các phim Việt gần như chỉ hiện diện tại các rạp chiếu nước nhà vào đúng một “mùa Tết”; hơn nữa, đó còn là một kỷ lục về thời gian “sống” tại rạp của một phim Việt, từ trước tới giờ! Hạt mưa rơi bao lâu vốn dĩ được thực hiện từ năm 2001, với kinh phí thực hiện hoàn toàn từ nỗ lực cá nhân của những người làm phim; với nhiều sự trắc trở ngoài mọi hoạch định và trù bị, bởi nó cũng là một dự án mang tính “tiên phong” trong công cuộc làm phim ở tư nhân, vào thời điểm đó (thật ra, trước đó nữa vẫn có nhiều phim tư nhân được tiến hành sản xuất; nhưng dưới một “góc nhìn” khác). Thành công của Hạt mưa rơi bao lâu ở rạp chiếu khiến cho những người theo đuổi dòng phim nghệ thuật dạng phim độc lập (Independent Film) này ít nhiều khấp khởi hy vọng, dù không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại trước đó Mùa len trâu (đạo diễn (ĐD) Nguyễn Võ  Nghiêm Minh, hợp tác Việt- Pháp- Bỉ) đã chịu cảnh “chợ chiều” ở nhiều rạp chiếu của Sài Gòn. Không khó để lý giải sự thất bại của Mùa len trâu

(dù phim đã đoạt được nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế), bởi sự “xuất hiện” của phim nhằm vào giai đoạn khủng hoảng niềm tin của điện ảnh Việt Nam! (cả từ người làm nghề lẫn công chúng). Cùng chung số phận “thảm thương” ở rạp chiếu quãng thời gian sau đó, là 1735 km (ĐD Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn- hãng phim Kỳ Đồng). Dù mang cái nhìn khá tươi trẻ về cuộc sống đương đại của thế hệ trẻ (ê-kíp làm phim gần như hoàn toàn là những người trẻ, được đào tạo từ nước ngoài), 1735 km vẫn chưa bắt nhịp được với “đời sống thực” của phim chiếu rạp tại Việt Nam. Rồi cả một phim “đầu tay” khác, Thập tự hoa (ĐD Lý Khắc Linh- hãng phim Á Châu) cũng từng “thua trắng” tại các rạp chiếu (không cạnh tranh nổi với những phim “Bom tấn” nước ngoài nhập về trình chiếu trong cùng thời điểm). Điều này dẫn đến một hệ lụy khác, là sự “chùng nhịp” của nhiều dự án phim sau đó, từ các hãng phim non trẻ khác. Tuy nhiên, “nốt lặng trầm” đó cũng không kéo dài, và nhanh chóng “nhường chỗ” cho nhiều cuộc “đổ bộ” tiếp tục của việc sản xuất phim Việt chiếu rạp, từ nhiều hãng phim tư nhân. Bởi, bên cạnh những nỗi buồn đó vẫn còn là sự đan xen về những chiến thắng “tưng bừng” doanh thu phòng vé, ở các phim đã trình chiếu vào các “mùa Tết” trước giờ, như: Gái nhảy (ĐD Lê Hoàng- hãng phim Giải Phóng); Những cô gái chân dài (ĐD Vũ Ngọc Đãng- hãng phim Thiên Ngân); Lọ lem hè phố (ĐD Lê Hoàng- hãng phim Giải Phóng); Nữ tướng cướp (ĐD Lê Hoàng- hãng phim Thiên Ngân); Hai trong một (ĐD Đào Duy Phúc- hãng phim Thiên Ngân); Đẻ mướn (ĐD Lê Bảo Trung- hãng phim Phước Sang); Hồn Trương Ba da hàng thịt (ĐD Nguyễn Quang Dũng- hãng phim Phước Sang, Phim Việt, HK Film hợp tác)… Và mới đây nhất, trong mùa Tết Đinh Hợi vừa qua là các phim cũng “đình đám” không kém: Chuông reo là bắn (ĐD Trương Dũng- hãng phim Giải Phóng, hãng phim Đào Thu hợp tác phát hành); Trai nhảy (ĐD Lê Hoàng- hãng phim Thiên Ngân); Võ lâm truyền kỳ (ĐD Lê Bảo Trung- hãng phim Phước Sang). Dù có nhiều ý kiến khen chê “trái chiều” nhau, những phim này cũng ít nhiều góp phần vào việc kích hoạt mạnh mẽ các dự án làm phim khác, của điện ảnh nước nhà.

ĐẾN VIỆC SẢN XUẤT PHIM “CẤP TẬP”…

Một lần nữa, cái bắt tay của ba “đại gia” trong lĩnh vực sản xuất và phát hành phim (hãng phim Phước Sang, công ty Ánh Việt và công ty BHD) đã cho ra đời một “xuất phẩm” điện ảnh khá ấn tượng là Áo lụa Hà Đông (ĐD Lưu Huỳnh), với tổng kinh phí thực hiện gần một triệu USD. Khi chính thức trình chiếu tại Việt Nam (khởi chiếu tại Việt Nam vào dịp lễ Quốc tế Phụ nữ 08/03/2007), phim đã gây nên một hiệu ứng cảm xúc mạnh khi đã “lấy đi không ít nước mắt” nơi người xem khắp cả nước, và cũng là phim Việt được khán giả nước nhà “truyền tai truyền miệng” rủ nhau cùng đi xem cho bằng được! Đây có thể nói là một hiện tượng mà rất lâu rồi mới xuất hiện trở lại, trong “làng” điện ảnh Việt. Trước đó, Áo lụa Hà Đông cũng đã được công chúng khu vực nồng nhiệt đón nhận khi tham dự LHP quốc tế Pusan (Hàn Quốc), và đoạt được giải khán giả bình chọn (Audience Award Pusan Film Festival 2006). Áo lụa Hà Đông cũng đã được chào bán cho các nước Malaysia, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Brunei, Pháp, Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ… thông qua sự đại diện của công ty Truyền thông Việt Nam (Vietnam Media Corp.). Hãng phim “mới toanh” Chánh Phương Films cũng khởi động một dự án phim “đầu tay” là Dòng máu anh hùng (ĐD Charlie Nguyễn) thuộc thể lọai võ thuật- hành động, với kinh phí dự kiến cũng không hề “khiêm tốn” là 800.000 USD (hiện tại khi hoàn thành phim, tổng chi phí sản xuất đã “đội” lên gần 1,5 triệu USD). Đoạn phim quảng cáo ngắn (trailer) 2 phút 46 giây của Dòng máu anh hùng khi được post lên website nổi tiếng toàn thế giới YouTube.com, đã được “cư dân mạng” download về, giới thiệu ầm ĩ và đầy thiện cảm trên các blog cá nhân. Phim cũng đã được hãng Weinsteins (Mỹ) nhận mua, phát hành trên tòan thế giới; và sẽ chiếu ra mắt trong ngày khai mạc LHP Việt Nam toàn thế giới 2007 (Vietnames International Film Festival- ViFF), tổ chức tại Mỹ từ 14/04/2007. Dòng máu anh hùng sẽ khởi chiếu tại Việt Nam từ 27/04/2007. Hãng phim Créa TV, vốn trước đây chuyên về phim Tài liệu và Quảng cáo, cũng nhanh chóng nhảy vào cuộc khi hợp tác cùng hãng phim Truyện 1, sản xuất Sài Gòn nhật thực (ĐD Othello Khanh), với dàn diễn viên đa quốc gia (Mỹ, Pháp, Singapore, Hong Kong, Việt Nam). Sài Gòn nhật thực công chiếu tại Việt Nam vào tháng 05/2007 (dù trước đó, phim này dự định phát hành vào mùa Giáng sinh 2006). Cuối năm 2006 vừa qua, Phước Sang Entertainment cũng vừa hợp tác cùng Bily Pictures (Hàn Quốc) sản xuất một phim Kinh dị đúng nghĩa tại Việt Nam với tên phim cũng rất Việt Nam: Mười (ĐD Hàn Quốc Kim Tae Kyeong- là ĐD trẻ triển vọng nhất của Hàn Quốc về thể loại này, sau phim đầu tay The Ghost đã được khán giả Hàn Quốc bầu chọn là Phim kinh dị xuất sắc nhất trong năm 2004). Dự án này được chính phủ Việt Nam chính thức cấp giấy phép sản xuất và Ủy ban Điện ảnh Hàn Quốc (Korean Film Council- KOFIC) hỗ trợ; đánh dấu một giai đoạn lịch sử về việc hợp tác liên quốc gia Việt- Hàn. Mười sẽ được công chiếu đồng loạt tại hai quốc gia Việt và Hàn, vào tháng 06/2007. Và cũng là phim “mở mũi” cho “mùa phim hè” ở Việt Nam, sau sự “độc lập tác chiến” đến đơn điệu của “mùa phim Tết”! Tiếp nối đường hướng này là các dự án phim kinh dị Khách sạn không đèn và Ngủ với hồn ma (đều của ĐD Bá Vũ) được tái khởi động lại, của một hãng phim tư nhân còn tạm thời “phong kín” tên. Cũng vậy, khi Dòng máu anh hùng còn đang chờ ngày ra rạp chiếu, hãng phim Chánh Phương đã lại nhanh chóng phát động một dự án “dài hơi” về phim kinh dị chiếu rạp. Loạt phim Chuyện lúc nửa đêm của hãng bước đầu vừa được nhà thơ Bùi Chí Vinh “chấp bút” cùng Nguyễn Chánh Tín, với series kịch bản 10 tập. Hai tập đầu của phim Ngôi nhà bí ẩnSuối oan hồn (đều do Nguyễn Chánh Tín đạo diễn), vừa hoàn tất việc ghi hình tại “căn nhà ma” nổi tiếng của phố núi Đà Lạt và ở suối thác vùng “rừng thiêng nước độc” Madagui (Lâm Đồng). Hai tập phim này sẽ được mang đi tham dự LHP Việt Nam toàn thế giới, cùng với Dòng máu anh hùng của cùng hãng phim, sau đó sẽ công chiếu “thăm dò” tại các rạp ở khắp Việt Nam vào mùa hè 2007 này, trước khi phát sóng trên Đài truyền hình TP. HCM vào năm 2008- với nguyên series hàng trăm tập (loạt phim này được quay bằng kỹ thuật số rồi chuyển sang phim nhựa chiếu rạp, như một cách thức mới hiện giờ). Bên cạnh đó, một dự án phim khác: Trăng nơi đáy giếng (chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn nữ Trần Thùy Mai, ĐD Nguyễn Vinh Sơn) cũng hứa hẹn là một phim “tầm cỡ” về nghệ thuật của điện ảnh Việt trong thời gian tới, nhưng không phải là do sự hoành tráng trong kinh phí đầu tư. Trăng nơi đáy giếng thuộc dòng phim độc lập (Independent Film), đã được hai nguồn Quỹ quốc tế tài trợ, dựa trên chất lượng kịch bản (Quỹ Fonds Sud là 150.000 euro, Quỹ Fonds Francophone là khoảng 80.000 euro- hai nguồn Quỹ này trước đây cũng đã tài trợ cho các phim Việt Nam “danh tiếng” như: Mê Thảo- Thời vang bóng; Thời xa vắng; Mùa len trâu); và điều này cũng là một “bảo chứng” đáng kể, khi phim tham dự ở các LHP quốc tế. Dù chưa bấm máy chính thức, Trăng nơi đáy giếng cũng đã có những cảnh quay “tiền trạm” trước, trong hai đợt: Tết cổ truyền Bính Tuất và Đinh Hợi, rồi lễ hội Hòn Chén- đều là ở Huế, bối cảnh chính của phim- để phim có “không khí” hơn.

SẴN SÀNG CHO TƯƠNG LAI

Nhìn chung, với các bước “tạo đà” đầy khí thế trong thời gian vừa qua; từ Mùa len trâu, Hạt mưa rơi bao lâu cho đến Áo lụa Hà Đông với nhiều giải thưởng đạt được ở các LHP khu vực và quốc tế; rồi các dự án phim chiếu rạp khởi động liên tục… có thể thấy điện ảnh Việt đã sẵn sàng cho một giai đoạn mới. Trên con đường còn dài và lắm khó khăn phía trước mặt, ít nhất điện ảnh Việt cũng sẽ mạnh mẽ “cất bước” sau những chuyển động đáng phấn khởi như vậy. Như một xác tín.

Châu Quang Phước

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)