Điều không được mất

Lửa vẫn chưa được nhóm lên. Người đàn ông nén lời nguyền rủa vào hơi thở. Những tia nắng cuối cùng đã sắp tắt hẳn rồi mà ông còn chưa đủ thì giờ để quay lại cabin lấy thêm chút đồ ăn. Sau khi chờ cho cơn gió xuân cuối cùng dịu xuống, ông quẹt que diêm cuối cùng còn lại. Ơn trời, que diêm bắt lửa, và trong vòng chưa đầy một phút, đống gỗ bạch dương cao tới 5 foot đã bắt đầu bắt lửa. Vân vê vài cọng râu xám ngắn ngủn, người đàn ông mỉm cười hài lòng.

 



Du khách tới thăm bảo tàng máy bay ở Ba Lan, nơi lưu giữ những mẫu chiến đấu cơ cổ nhất ở châu Âu. Ảnh: Omar Marques/SOPA Images/LightRocket/Getty Images.



Ông đang khoác trên mình bộ quân phục theo lối xưa, được trang hoàng đầy đủ dây dải và huân chương bóng loáng. Ánh lửa rọi lên đám nhôm kính xung quanh ông sáng rỡ, nhưng thế vẫn là chưa đủ để biết được có những gì còn đang ẩn giấu trong bóng tối.

Khi chút ánh sáng rớt lại từ bóng chiều chạng vạng đã rút hẳn khỏi bầu trời, một chiếc bus chuyên đón chở học sinh lăn bánh tới trước cổng bảo tàng. Tài xế cẩn trọng điều khiển xe qua chiếc gương chiếu hậu được người đàn ông mới lắp trong ngày. Chắc hẳn anh ta đang thấy bối rối lắm vì phải tiến xe vào giữa một khu triển lãm ngoài trời.

Khi chiếc bus đỗ lại gần đám lửa, người đàn ông ngó lên xe, vui vẻ chào đón cô giáo cùng nhóm học sinh chín tuổi: ‘Chào mừng các bạn tới Roninom. Xin tự giới thiệu, tôi là Thiếu tá Gerard Rovego. Tôi từng làm phi hành gia cho Lực lượng Không gian Hoàng gia trong chiến tranh. Hiện giờ tôi đang coi sóc những chiếc phi thuyền lớn nhất của đất nước chúng ta, và nhận nhiệm vụ giúp những cô bé cậu bé như các cháu hiểu thêm cũng như biết trân trọng hơn nữa giá trị của chúng.’ Ông đã giữ trọng trách trông nom những chiếc phi thuyền này phải đến gần một thập kỉ.

Người đàn ông dẫn các bạn học sinh tới gần đống lửa. Quanh đó đã kê sẵn những chiếc ghế gấp. Cô giáo phát cho lũ trẻ bánh quy và những bịch nước ép trái cây. Hiếm lắm mới có một dịp các bạn nhỏ được phát thêm bữa phụ như thế.

Lũ trẻ ban đầu còn hào hứng đặt câu hỏi. “Thưa bác, bay trong vũ trụ thì cảm giác thế nào ạ?”

“Chà! Đó là một trải nghiệm tuyệt vời! Cháu sẽ cảm thấy như mình là một chú chim đang sải cánh bay vút tới thiên đường.” Người đàn ông thực chất chưa bao giờ bay vào vũ trụ, hay nói đúng hơn thì, ông chưa từng rời xa mặt đất lấy một lần. 

“Những chiếc phi thuyền ở đây vẫn hoạt động tốt chứ ạ?”

“Đương nhiên rồi những người bạn bé nhỏ của ta! Đất nước vĩ đại của chúng ta còn trưng bày chúng làm gì cơ chứ, nếu chúng chẳng hoạt động nữa?” Những chiếc phi thuyền trông hoành tráng thế nhưng thực chất hầu hết chẳng còn lại gì ngoài lớp vỏ tàu.

Sau một hồi thi nhau đặt câu hỏi, lũ trẻ uể oải ngáp ngắn ngáp dài. “Đã tới giờ xem phi thuyền Miraz rồi phải không ạ?” một cậu nhóc hỏi, mi mắt gần như đã díu lại vì buồn ngủ. Những cô cậu nhóc khác thì khẽ mỉm cười. Ở trường, chúng đã được nghe các anh chị lớp trên kể mấy chuyện như thế không biết bao lần.





Những chiến đấu cơ thời Xô viết trong bảo tàng ở Nga. Ảnh: M. Blinov/Sputnik/AP



Chỉ đi vài bước là tới chỗ đặt tàu Miraz. Lơ lửng cách đầu lũ trẻ phải tới 15 feet, một con tàu hình bầu dục tối om nằm đó như chờ đợi. Bốn càng chân vững chãi lút vào giữa đám cỏ cao. Lũ trẻ thở dồn dập khi cửa hầm lặng lẽ trơn tru hé mở, để lộ một cầu thang dẫn sâu vào lòng đất.

Trước khi bước xuống hầm, mỗi đứa trẻ được phát một chiếc vé riêng kèm với gối và chăn. Nhóc nào nhóc nấy tròn mắt khi nhìn thấy dãy giường kê trong cabin phòng ngủ. ‘Chao ôi, còn mềm mại hơn cả giường ngủ của tớ ở nhà nữa ấy,’ một bé gái trầm trồ khi vừa đặt người lên đệm.

“Sau khi tốt nghiệp trường không quân,” người đàn ông tiếp tục nói khi lũ trẻ đều đã yên vị trong chỗ của mình, “bác đã được lái những chiếc phi thuyền như con Miraz đây. Hành khách ngủ trên những chiếc giường cực chất này trên hành trình tới Mặt trăng. Phải nói Miraz có một tốc độ phi thường. Từ Trái đất, các cháu chỉ cần nhắm mắt ngủ là tới lúc thức dậy đã thấy mình lên tới Mặt trăng rồi.

“Bác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một phi công, và vì sự tận tâm của mình, bác đã được Đế quốc thăng cấp lên thành thiếu tá.” Thật ra Đế quốc đã cưỡng ép tất cả các phi công dân sự tham gia nghĩa vụ vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh.

“Phi thuyền này thực sự đã lên tới tận Mặt trăng ấy ạ?” Một bé gái hỏi.

“Phải đến hàng trăm lần rồi ấy chứ!” Con tàu Miraz thật ra chưa bao giờ cất cánh, và nói đúng hơn thì, chỉ có vài mống phi thuyền ở đây là được trang bị thêm để trở thành máy bay ném bom trong nỗ lực cuối cùng hòng ngăn chặn thất bại.

“Sao trong này sáng trưng thế ạ?” Một cậu nhóc băn khoăn.

“Là do động cơ nhiệt học cực mạnh của tàu Miaz đó cháu! Chỉ cần một lượng nhiên liệu nhỏ cỡ hạt đậu thôi cũng đã đủ để cung cấp cấp năng lượng cho tàu Miraz đến cả một thế kỷ”. Người đàn ông này thực ra đã lắp thêm một chuỗi pin sạc dung lượng cao dành cho ô tô vào hệ thống điện của con tàu.

Nói rồi, ông bước chậm rãi trên lối đi giữa khoang tàu, vừa đi vừa ân cần dặn dò lũ trẻ. “Giờ các cháu hãy nghỉ ngơi đi. Ngày mai bác sẽ chỉ cho các cháu xem những phi thuyền không gian đẹp nhất ở đây.” Tàu vũ trụ những bằng chứng sót lại cuối cùng của lực lượng Không gian Hoàng gia hùng mạnh một thời.

“Chúng cháu sẽ được vào xem bên trong nữa chứ ạ?”Cậu nhóc vừa rồi lại đặt câu hỏi.

Người đàn ông đặt tay lên vai cậu bé và nhìn sâu vào đôi mắt cậu. “Cháu muốn vào bao nhiêu tùy thích”. Điều ấy đúng, nhưng phải nói là chỉ nên tham quan những con tàu đã được ông dùng đồng lương hưu ít ỏi của mình để chỉnh trang phục dựng.

Một bé gái e dè kéo kéo một bên quần của người đàn ông. Ông lập tức quay về phía cô nhóc.

“Thưa thiếu tá Rovego”. Cô nhóc dừng lại nuốt nước bọt. “Trong chiến tranh bác có sợ hãi không?”

Người đàn ông nhìn cô bé mỉm cười. “Không một chút nào! Không bao giờ bác sợ hãi cả! Bởi bác biết chắc chắn rồi có ngày sẽ được trở về nhà.” Thiếu tá Gerard Rovego thực ra đã thiệt mạng trong lúc thực thi nhiệm vụ, khi đang lái Realnos, một con tàu cùng thế hệ với phi thuyền Miraz.

Đợi đến khi lũ trẻ đã chìm sâu vào giấc ngủ, cô giáo mới gặp và trò chuyện riêng với người đàn ông. “Cảm ơn bác rất rất nhiều,” cô thì thầm. “các cô bé cậu bé ở đây sẽ ghi nhớ những điều này cho tới cuối đời. Không phải những câu chuyện về chiến bại, không phải nỗi kinh hoàng mà những người ông người bà của các bé đã phải trải qua, mà là những điều đáng tự hào này. Đất nước nào cũng có những người anh hùng, và những đứa trẻ cần phải biết điều đó”.





Trẻ em tham quan bảo tàng Hàng không Thái Bình Dương, Mỹ. Ảnh: https://visitpearlharbor.org



Người đàn ông nhận lấy mấy đồng thù lao từ tay người giáo viên.

‘Các bạn luôn được chào đón mà’. Trong đầu ông đã nhẩm tính sẽ dùng món tiền này để sửa sang làm mới thêm phần nội thất của con tàu Miraz.

Rồi ông quay về cabin của mình nằm khuất ở một góc bảo tàng. Ông cẩn thận cởi bỏ bộ quân phục của người anh trai đang mặc trên mình. Trong khi là lại chiếc quần cho thật phẳng phiu, ông nhận ra một vết nhăn nhỏ khi cô bé gái kéo ông lại để hỏi.

“Chắc hẳn anh ghét em lắm phải không, Gerard”, ông thì thầm. “Anh từng nói với em rằng trẻ nhỏ có quyền được biết sự thật về chiến tranh. Em biết chắc rằng chỉ cần anh nhìn thấy nơi này một lần, anh sẽ muốn thiêu rụi nó đi”.

“Nhưng nếu vậy em sẽ chẳng còn lại gì để nương tựa vào. Sẽ chẳng còn gì để mà gìn giữ.” Ông lúc nào cũng lo sợ khi nghĩ đến chuyện anh trai mình đã phải hi sinh một cách vô nghĩa.


Rồi bằng một động tác dứt khoát, ông là phẳng vết nhăn còn vương lại trên chiếc quần quân phục. □

Thái Hà dịch

Nature 573, số 156 (4/9/2019)

Ngoại truyện:

Thomas Broderick là một nhà văn tự do với rất nhiều tác phẩm đăng trên trang Twitter cá nhân. Trong Điều không được mất (What must remain), Thomas đưa chúng ta tới thăm một Viện bảo tàng đặc biệt. Trên trang blog của Tạp chí Nature, ông đã chia sẻ nguồn cảm hứng sâu xa đã chắp bút cho ông viết nên câu chuyện mới nhất này qua một tiểu truyện gợi dẫn:

Bảo tàng máy bay – cổ vật thời hiện đại: Nơi đây, tôi đã dành sẵn cho bạn một chỗ ngồi. Ngay cả khi phải lắc lư trên một con tàu điện cũ kĩ như thế này, thì ngồi cũng luôn thoải mái hơn là đứng. Chúng ta đang ở đâu đây? Thưa các bạn, đây chính là nơi tác phẩm Điều không được mất thành hình. Giống như trong câu chuyện, đây là nơi chốn của niềm vinh quang đã tắt, là nơi giáp ranh của sự thật và dối trá. Chúng ta phải mất tầm một tiếng để đi tới đó. Mời các bạn ngắm cảnh. Còn tôi, tôi sẽ ngủ một giấc ngắn.

***

Thành thực cảm ơn vì đã đánh thức tôi. Chúng ta chỉ còn phải đi bộ một dặm nữa thôi. Tôi biết, thị trấn này rất cần được quan tâm. Hầu hết những tòa căn hộ ở đây đều được xây vào thập niên 50, nhiều tòa đã bị hoang hóa hay thành nơi ở của người lao động nhập cư. Điều đó cũng tốt thôi. Lác đác đã xuất hiện những căn nhà mới và những quầy tạp hóa ở trung tâm thị trấn. Và nhìn mọi người kìa. Họ ăn mặc đẹp đẽ ra trò và gương mặt như toát lên niềm hạnh phúc. A, kia rồi, tôi đã trông thấy lối vào. Tôi sẽ vào trước để lấy vé. Xin chờ một phút.

***

Các bạn hãy đưa vé cho người phụ nữ gác cổng. Giống như trong truyện của tôi, cô ấy là một trong năm người giữ nhiệm vụ coi sóc nơi đây. Vâng, họ đều đang sống ở đây luôn – cũng trong những căn cabin nhỏ. Khi đến thăm, tôi trông thấy họ đang dùng những miếng bọt biển lau chùi vật trưng bày và nắn chỉnh từng vết lõm.

Thật siêu thực, các bạn có thấy thế không? Một trong những máy bay tân tiến nhất, rất nhiều trong số đó từng là vũ khí chiến đấu bí mật tới mức vào năm tôi được sinh ra, nếu có ai chẳng may nhìn thấy chúng như chúng ta lúc này đây, đều lập tức bị xử tử. Không như bây giờ, chúng ta có thể ngó nghiêng ngắm nghía và chụp ảnh.

Và đây – máy bay chở khách siêu thanh đầu tiên trên thế giới. Giống như Miraz, chiếc máy bay này chưa từng chở một chuyến hành khách nào, mới chỉ vận chuyển thư từ và hàng hóa với tốc độ siêu thanh 1.5. Nó được đặt ở đây vào năm 1980, đã bị tháo dỡ hoàn toàn nội thất. Mời các bạn nhìn lên màn hình – bên trong thân máy chỉ còn các thanh chống và dây dợ lủng lẳng. Chỉ đến mười năm trở lại đây, những người trông giữ nơi này mới bắt đầu kêu gọi quyên góp để phục dựng lại. Sơn sửa, lắp lại những bộ ghế kiểu cũ, rất nhiều công việc chi tiết như thế.

Để làm gì? Cứ 4 năm một lần, họ lại cho những đoàn học sinh đến thăm, được vào tận bên trong máy bay, giả vờ là hành khách. Sẽ có cả một phụ nữ mặc bộ trang phục tiếp viên phục vụ lũ trẻ đồ ăn nhẹ. Đây, các bạn hãy nhìn bức ảnh chụp những đứa trẻ đã tới đây trải nghiệm. Trông chúng có vẻ hồi hộp ra trò, phải không nào?

Nhìn gương mặt sáng ngời hạnh phúc của những đứa trẻ, tôi đã nghĩ “Đây chỉ là một trò bịp vô hại. Lũ trẻ sẽ có một kí ức đẹp và sẽ kể với mọi người rằng các em đã được ngồi trên một chiếc máy bay mỗi lúc một đưa mình lên cao và cao hơn nữa, với tốc độ mỗi lúc một nhanh hơn, cho các bé một chuyến đi xa chưa từng thấy”.

Khác với câu chuyện của tôi, ở đây không có bí mật tăm tối nào bị che giấu đi. Nó chỉ giống như một chứng tích u sầu, không kém gì một thành ngữ Latin hay thi phẩm Ozymandias của Shelley. Nhưng tôi tự hỏi liệu nó có mang một ý nghĩa nào nhiều hơn thế? Những người làm ở nơi đó thực chất có đang cố gắng làm những công việc ấy để tưởng nhớ và tôn vinh một người thân yêu đã mất của mình chăng? Và vì lòng yêu thương quá đỗi ấy mà họ từ chối nhìn thẳng cũng như từ chối không cho những người khách tới thăm bảo tàng trực diện đối mặt với sự thật? Điều ấy là có thể lắm chứ. Và nếu nó là thật, tôi thiết nghĩ, chúng ta cũng không nên lấy gì làm ngạc nhiên.

Dẫu thế nào, tôi nghĩ mình cũng nên dừng triết lí lại ở đây. Thôi hãy cùng quay trở lại thủ đô, làm vài chiếc bánh bao nhân thịt và mấy cốc bia. □

Tác giả