Đô thị sinh thái

Trong thời gian gần đây khái niệm "đô thị sinh thái" được nhắc đến nhiều ở Việt Nam. Khái niệm này xuất hiện trên thế giới vào cuối thập kỷ 80, đầu 90 của thế kỷ XX ở các nước phát triển đề cập đến vấn đề chất lượng môi sinh của đô thị với các tiêu chí rất cụ thế nhắm tới việc nâng cao điều kiện và chất lượng sống cho các cư dân1 đô thị. Khơi nguồn cho trào lưu này là hội thảo quốc tế của Liên hiệp quốc về "Thành phố và sự phát triển bền vững" diễn ra ở Rio de Janeiro, Brasil năm 1992. Sau đó Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế gới (Organisation de coopération et de développement économiques) chính thức ban hành một chương trình có tên là "Thành phố sinh thái" (Ville écologique)2 được đánh dấu bằng hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc năm 1996.

Theo định nghĩa của Tổ chức Sinh thái đô thị của Úc thì “Một thành phố sinh thái là thành phố đảm bảo sự cân bằng với thiên nhiên”3, hay cụ thể hơn là sự định cư cho phép các cư dân sinh sống trong điều kiện chất lượng cuộc sống nhưng sử dụng tối thiểu các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo quan điểm của Richard Register4 về các thành phố sinh thái bền vững, thì đó là các đô thị mật độ thấp, dàn trải, được chuyển đổi thành mạng lưới các khu dân cư đô thị mật độ cao hoặc trung bình có quy mô giới hạn được phân cách bởi các không gian xanh. Hầu hết mọi người sinh sống và làm việc trong phạm vi khoảng cách đi bộ và đi xe đạp.

 
Hình 1: Dự án tiểu khu đô thị sinh thái Christie Walk

Ý tưởng về một đô thị sinh thái ban đầu đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX dưới tên gọi Thành phố vườn (Garden-City), là một phương án quy hoạch đô thị của Ebenezer Howard5 nhằm giải quyết các vấn đề môi sinh của đô thị ở thời điểm khởi đầu quá trình hiện đại hóa. Ý tưởng này ngay lập tức trở thành một phong trào lan rộng trong cộng đồng Châu Âu và các nước công nghiệp trên thế giới, và lúc bấy giờ được xem như công cụ hữu hiệu để giải quyết các vấn đề môi trường đô thị đang là hậu quả của quá trình công nghiệp hóa. Đối với các nước công nghiệp, đây là bước tất yếu trong quá trình phát triển nhằm đạt đến một đô thị phát triển bền vững. Nhìn lại lịch sử phát triển, đô thị hóa ở quy mô lớn thực tế là hậu quả của quá trình công nghiệp hóa, phát sinh từ nhu cầu tập trung lực lượng sản xuất để phục vụ sản xuất công nghiệp, tạo thành các khu dân cư đông đúc. Đô thị hóa diễn ra làm phát sinh vô vàn các vấn đề về môi trường tự nhiên và xã hội và kết cục là đòi hỏi các phương án hiện đại hóa để giải quyết các vấn đề đó khi nhu cầu đòi hỏi và điều kiện cho phép. Cuối cùng thì việc quy hoạch sinh thái đô thị là khâu tiếp theo tất yếu của quá trình hiện đại hóa đô thị.
 


Một số hính ảnh của tiểu khu đô thị sinh thái Christie Walk

Ở các nước công nghiệp phát triển, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa rồi đến hiện đại hóa đã diễn ra một cách tự nhiên và tuần tự, nên khái niệm “sinh thái đô thị”, nghĩa là môi trường sinh thái của đô thị nghe quen thuộc, phổ biến hơn và là đối tượng nghiên cứu từ một thập kỷ nay. Trong khi đó ở các nước đang phát triển, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, và hiện đại hóa thường diễn ra đồng thời do sự phát triển quá độ thẳng từ những hình thái kinh tế – xã hội lạc hậu thành những hình thái có thể hội nhập được vào nền kinh tế toàn cầu dưới áp lực của toàn cầu hóa. Để giải quyết các vấn đề môi trường đô thị trong bối cảnh phức tạp như vậy đối với các nước đang phát triển, quy hoạch đô thị sinh thái là một giải pháp phù hợp. Đây là giải pháp quy hoạch có tính định hướng, áp dụng vào thực tế những kiến thức mới nhất và kinh nghiệm từng trải của các nước phát triển nhằm hướng thẳng tới một đô thị hiện đại mà không vấp phải những vấn đề của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa bùng phát trên diện rộng.
Tóm lại, “sinh thái đô thị” muốn nói đến các điều kiện sinh sống của đô thị mà đối tượng quan tâm là môi trường sinh thái, còn “đô thị sinh thái” là đô thị đạt được những tiêu chí về điều kiện và chất lượng môi trường sống sinh thái, và “quy hoạch đô thị sinh thái” là phương pháp quy hoạch đô thị nhằm đạt được các tiêu chí của chất lượng cuộc sống cao, hướng tới sự phát triển bền vững của đô thị đó.
Các tiêu chí quy hoạch đô thị sinh thái có thể được khái quát trên các phương diện sau: kiến trúc công trình, sự đa dạng sinh học, giao thông, công nghiệp và kinh tế đô thị6.
– Về kiến trúc, các công trình trong đô thị sinh thái phải đảm bảo khai thác tối đa các nguồn mặt trời, gió và nước mưa để cung cấp năng lượng và đáp ứng nhu cầu nước của người sử dụng. Thông thường là nhà cao tầng để dành mặt đất cho không gian xanh.
– Sự đa dạng sinh học của đô thị phải được đảm bảo với các hành lang cư trú tự nhiên, nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học và đem lại sự tiếp cận với thiên nhiên để nghỉ ngơi giải trí.
– Giao thông và vận tải cần hạn chế bằng cách cung cấp lương thực và hàng hóa chủ yếu nằm trong phạm vi đô thị hoặc các vùng lân cận. Phần lớn dân cư đô thị sẽ sống và làm việc trong phạm vi bán kính đi bộ hoặc xe đạp để giảm thiểu nhu cầu di chuyển cơ giới. Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nối liền các trung tâm để phục vụ nhu cầu di chuyển xa hơn của người dân. Chia sẻ ô tô con địa phương cho phép mọi người chỉ sử dụng khi cần thiết.
– Công nghiệp của đô thị sinh thái sẽ sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có thể tái sử dụng, tái sản xuất và tái sinh. Các quy trình công nghiệp bao gồm cả việc tái sử dụng các sản phẩm phụ và giảm thiểu sự vận chuyển hàng hóa.
– Kinh tế đô thị sinh thái là một nền kinh tế tập trung sức lao động thay vì tập trung sử dụng  nguyên liệu, năng lượng và nước, nhằm duy trì việc làm thường xuyên và giảm thiểu nguyên liệu sử dụng.
Để đạt được các tiêu chí trên, cần có những nghiên cứu sâu sắc về điều kiện tự nhiên và xã hội của khu vực hay vùng quy hoạch để đưa ra các giải pháp và quyết định phù hợp. Trong quá trình vận hành, để duy trì và đạt được mục tiêu sinh thái, cần có những biện pháp phối hợp liên ngành như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng, áp dụng công nghệ sạch, sử dụng các vật liệu xây dựng sinh học, sử dụng các nguồn thiên nhiên có thể tái tạo được (mặt trời, gió), giảm tiêu thụ năng lượng, tránh lãng phí và tái sinh phế thải.
Thực tế mô hình nhà ở “vườn, ao, chuồng” của Việt Nam chính là một không gian cư trú sinh thái có chu trình sinh thái khép kín cho các hoạt động kinh tế và sinh hoạt gia đình. Mô hình này chưa thành công vì nhiều yếu tố khách quan, song một phần do áp dụng một cách cứng nhắc vào các điều kiện thực tế khác nhau trên các khu vực địa lý khác nhau.
Theo nhật báo Le Monde của Pháp ngày 16 tháng 4 năm 2006 thì Trung Quốc có tham vọng xây dựng thành phố Dongtan thành đô thị sinh thái đầu tiên trên thế giới trong kế hoạch xây dựng 400 đô thị mới đến năm 2020. Đây sẽ là một thành phố “xanh” thử nghiệm, tái sinh nước và năng lượng, qui mô đến năm 2040 sẽ là 500 000 dân. Thành phố này nằm giữa biển, ở cực Đông của Chongming, không có một toà nhà nào cao quá tám tầng. Mái của các tòa nhà được che phủ bằng các bãi cỏ và cây xanh để điều nhiệt và để tái sinh nước. Thành phố giành cho mỗi người đi bộ một không gian rộng gấp sáu lần Côpenhaghen, một trong những thủ đô thoáng đãng nhất của Châu Âu7. Theo Nhật báo Nhân dân Trung Quốc ngày 18 tháng 10 năm 2001, Ủy ban khôi phục rừng của Bắc Kinh long trọng cam kết ngày 17 tháng 10 năm 2001 rằng sẽ biến đổi thủ đô Bắc Kinh thành một thành phố sinh thái quốc tế hạng nhất trước năm 2007 nhằm phục vụ tổ chức “Thế vận hội Olimpic xanh” vào năm 20088.
Sau đây là một ví dụ thực tế về quy hoạch đô thị sinh thái một khu dân cư của thành phố Adelaide ở Úc. Dự án quy hoạch phát triển tiểu khu Christie Walk9 nằm trong trung tâm buôn bán của thành phố Adelaide, đã phối hợp nhiều yếu tố sinh thái bền vững và nâng cao tính cộng đồng.
Diện tích khu đất khoảng 2000m2, giành cho 27 hộ gia đình với tổng số dân cư khoảng 40 người, địa chỉ số 105, phố Sturt, thành phố Adelaide. Các kết quả mong muốn thu được gồm: bảo tồn nước và năng lượng; tái sử dụng và tái sinh vật liệu; tạo ra các không gian công cộng thân thiện, có lợi cho sức khỏe.
Các đặc điểm chính của dự án là: các không gian thân thiện cho người đi bộ; vườn chung, bao gồm cả vườn mái; sản xuất lương thực địa phương trong các khu vườn lương thực công cộng tại chỗ; trữ nước mặt để sử dụng cho các vườn và nước xả vệ sinh; thiết kế thuận lợi với khí hậu/mặt trời để sưởi, làm mát và điều hòa độ ẩm bằng gió, ánh sáng mặt trời và hệ thực vật; nước nóng sử dụng mặt trời; năng lượng quang điện thu bằng các tấm panô lắp đặt vào các hệ khung giàn trên vườn mái; sử dụng các vật liệu tái sinh, không độc hại và tiêu thụ ít năng lượng; giảm thiểu sự phụ thuộc vào ôtô con do bối cảnh nội thành.
Dự án được thiết kế dựa trên quan điểm hầu hết dân cư của Úc sống trong các thành phố, do đó cách lựa chọn thiết kế và lối sống sẽ tác động rất lớn đến môi sinh và đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên quí báu có hạn. Được thiết kế theo các tiêu chí sinh thái, hai giai đoạn đầu của Christie Walk gồm có bốn nhà mặt phố, sáu căn hộ, bốn nhà ở truyền thống mái rơm, một vườn công có thể cho hoa lợi, một vườn mái (với các điểm nhìn đẹp vào thành phố và các quả đồi), tất cả được đặt trong một không gian đi bộ, được thiết kế cảnh quan đầy sáng tạo. Các phương tiện công cộng phục vụ người dân và thêm một số căn hộ được triển khai vào giai đoạn thứ ba. Nhu cầu năng lượng của các nhà ở được giảm thiểu bằng các cách sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng các vật liệu cách ly rất cao nhưng tiêu thụ năng lượng thấp để chế tạo, và cung cấp nước nóng mặt trời và nhiệt quang điện. Việc tái sinh nước mặt đã giảm nhu cầu sử dụng mạng nước cấp của thành phố. Việc tránh các sản phẩm chứa độc cho người và môi trường cùng với việc loại bỏ các thiết bị điều hòa nhận tạo đem lại các không gian nội thất có lợi cho sức khỏe.
——————————–

        
* Kiến trúc sư, Thạc sĩ khoa học về Quy hoạch đô thị
Nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu Đô thị Paris (Institut d’Urbanisme de Paris)

1 Cư dân ở đây muốn nói đến tất cả các loài trong tự nhiên trong phạm vi cư trú.
2http://www.urbanisme.equipement.gouv.fr/cdu/accueil/bibliographies/developpementdurable/note4.htm, 18/08/2006
3 http://www.urbanecology.org.au/, trc. 18/08/2006
4 Nhà thiết kế, nhà xây dựng, một người theo chủ nghĩa thực dụng, nhìn xa trông rộng, ông là người suốt ba mươi năm chống lại sự lộn xộn đô thị, trong khi ủng hộ việc tái thiết các thành phố hài hòa với thiên nhiên. Ông là tác giả của hai cuốn sách, trong đó có cuốn sách nổi tiếng là Village Wisdom : Future Cities và hàng loạt các bài viết về các vấn đề sinh thái đô thị.
5 Ebenezer Howard (1850 – 1928) được coi là một nhà quy hoạch đô thị nổi bật của Anh với cuốn sách nổi tiếng Garden Cities of To-Morrow, suất bản lần đầu năm 1898. Cuốn sách trình bày một dự án xây dựng các thành phố vườn với các điều kiện sống và làm việc lý tưởng cho cư dân. Ông là người ảnh hưởng mạnh mẽ đến các ý tưởng và lý thuyết quy hoạch đô thị của thế kỷ XX. Đã có nhiều thành phố vườn được xây dựng theo mô hình của ông. Nhiều hiệp hội quốc tế về quy hoạch cũng ra đời từ ý tưởng của ông. Hội thành phố vườn (Garden Cities Association), giờ được biến dưới tên gọi Hội Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Town and Country Planing Association), là tổ chức nhân đạo về môi trường cổ nhất ở Anh.
6 http://www.urbanecology.org.au/ecocities/, truy cập ngày 18/08/2006
7 LANGELLIER Jean-Pierre và PEDROLETTI Brice, Le Monde, “La première ville écologique sera chinoise”, số ra ngày 16 tháng 4 năm 2006
8 http://french.people.com.cn/french/200110/18/fra20011018_49957.html, 18/08/2006
9 http://www.christiewalk.org.au/, truy cập ngày 18/08/2006

Bùi Kiến Quốc*

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)