Đọc hay không đọc: ấy mới là vấn đề

Tựa bài này hiển nhiên nhái theo câu văn trích trong vở kịch Hamlet của Shakespeare: “To be or not to be, that is the question.” Động từ to be của tiếng Anh giống như chữ “Đạo” của Lão Tử, giải nghĩa thì không còn nghĩa nữa. Chẳng hạn nói “to be rich” có thể dịch “để giàu”, nói “to be alone” có thể hiểu “một mình”, còn “to be myself” có nghĩa “là chính tôi”.

Nguyên câu trích trên nếu dịch “là hay không là, đó là câu hỏi” nghe nôm na cạn nghĩa, giống như câu do máy dịch tự động của Google: “được hay không được, đó là câu hỏi”. Có người dịch “tồn tại hay không tồn tại, đó mới là vấn đề”, nghe có vẻ cao siêu, bác học. Càng cao siêu hơn khi người ta thay vế trước với những từ “hiện hữu hay không hiện hữu”, “hữu hay vô”, “hiện sinh hay phi hiện sinh”, “đạo hay bất đạo”,… Trải mấy trăm năm, câu tiếng Anh được trích nhiều nhất thế giới ấy, cũng bị nhái nhiều vô kể. “Yêu hay không yêu, đó mới là câu hỏi.” “Sống hay chết, đó mới là vấn đề.” Đại khái vậy. Khi người ta phân vân lưỡng lự như Hamlet.

Đọc hay không đọc? Đó không phải là câu hỏi khi tôi còn trẻ. Trong ngôn ngữ của cha tôi, đọc sách đồng nghĩa với học, là hành động hay ho nhất của con người, đặc biệt cần thiết nếu muốn làm người tử tế tốt đẹp, vì “kẻ sĩ ba ngày không đọc sách, soi gương mặt mũi khó coi”. Vì vậy mỗi lần thấy tôi cầm sách nhìn vào thì cha tôi để tôi yên, dù ông định rầy rà hay muốn sai bảo tôi làm gì đó. Tôi biết tận dụng điều đó, lúc nào cũng kè kè cuốn sách để trốn việc, đôi khi trốn cả thực tế. Từ tuổi nhỏ tôi thấy cái lợi trước mắt của việc đọc sách, rồi đinh ninh đến lớn là đọc sách có lợi, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, không học được điều hay thì cũng trốn được việc nặng. Công bằng mà nói, giả bộ đọc riết rồi cũng đọc hiểu được chút đỉnh, gặp sách hay đọc cũng thích thú, đọc say sưa rồi thành thói quen đọc thực.

Nhớ ông Sơn Nam. Khi gặp ông lần đầu tôi còn là một sinh viên, đầy lòng ngưỡng mộ các bậc văn nhân lão thành, và rất hăm hở bộc lộ mình như một tài năng trẻ có triển vọng. Nên khi trò chuyện với ông tôi nói mình đã đọc sách này báo nọ, và mong ông có lời khuyên về việc đọc. Ông bảo “Bây giờ không nên đọc gì nữa, để giữ vệ sinh tinh thần.” Tôi đã phân vân lúc đó và ngẫm đi nghĩ lại câu hỏi ấy nhiều năm, đọc hay không đọc. Khi quen biết ông Sơn Nam nhiều hơn, tôi khẳng định điều mình nghi ngờ: Ông nói vậy, nhưng ông đọc rất nhiều. Cho đến tận lúc trên tám mươi tuổi, nằm liệt trên giường bệnh, ông vẫn đọc mỗi ngày, có thể như một thói quen, hay một nhu cầu. Chẳng lẽ ông là người già mà xúi dại người trẻ? Hay ông biết tỏng mấy đứa trẻ và hãnh tiến có xu hướng làm ngược lại hay làm quá đi lời khuyên của người già, nên “nói vậy mà không phải vậy”?

Nhưng đến giờ thì tôi ngẫm ra: ông nói vậy và ngụ ý đúng như vậy. Có những thời mà thông tin bị nhiễu đến nỗi, đối với những người chưa nhiều kinh nghiệm đọc, chưa đủ bản lĩnh phê phán gạn lọc, đọc ít tốt hơn đọc nhiều, đừng đọc còn tốt hơn đọc. Và “kỷ nguyên thông tin” chúng ta đang sống là một thời như vậy. Thì còn phân vân lưỡng lự gì nữa? Đừng đọc quách cho lành. Những gã sáng say chiều xỉn tối đánh bạc nhan nhản từ nông thôn đến thành thị đã bắt con bỏ học đi bán vé số chẳng hóa ra là những người sáng suốt thức thời? Cái khó là thông tin ngày nay không chỉ được truyền bằng chữ, mà còn bằng hình ảnh âm thanh sống động hấp dẫn. Người ta dầu bưng tai bịt mắt mà sống giữa đời này cũng không thể gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của các loại truyền thông, nhất là những thứ tuyên truyền hay quảng cáo thương mại trá hình gọi là PR chẳng hạn. Đọc hay không đọc đều có thể bị ô nhiễm tinh thần.

Phương tiện nghe nhìn ngày nay nhờ hỗ trợ của kỹ thuật tác động sâu và rộng hơn chữ nghĩa, mức độ gây ô nhiễm văn hóa đối với xã hội lớn hơn sách báo đơn thuần. Khổ một cái là “môi trường văn hóa” ở xứ phát triển và đang hăm hở phát triển hầu như được định dạng bằng các phương tiện truyền thông, chủ yếu bằng nghe nhìn. Một xã hội càng kém thông tin càng bị coi là tụt hậu, người thiếu thông tin dễ bị o ép, lợi dụng, bóc lột. Nên Nhà nước nào cũng phải dạy dân biết chữ để đọc và biết sử dụng các phương tiện truyền thông khác để gạn lọc thông tin, tích lũy tri thức, hình thành quan điểm, biết phê phán hay sử dụng cái mình đọc, nghe, nhìn. Thông tin ngày nay là hàng hóa, có thật có giả, và đủ loại chất lượng. Thông tin cũng là cơ hội, thậm chí là tư bản, và còn là vũ khí. Xông pha trong trận mạc thương trường, chính trị, khoa học, nghệ thuật, người không có vũ khí hay vũ khí kém, vũ khí dỏm, thì hậu quả chỉ có từ chết tới bị thương.

Vậy chẳng phải là cần đọc, nghe, nhìn càng nhiều càng tốt? Tôi vẫn còn đầy nghi vấn như Hamlet. Sản phẩm văn hóa cũng giống thực phẩm bây giờ, tiềm ẩn đủ thứ chất độc hại, thức ăn càng có vẻ ngon lành bổ dưỡng, quảng bá rầm rộ, càng chứa nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Nhưng chẳng lẽ không ăn? Mà không lẽ chỉ ăn gạo lức muối mè? Ăn cái gì, như thế nào, đến mức độ nào, là câu trả lời riêng của mỗi người. Chứ ăn hay không ăn, đó không phải là câu hỏi.

Đọc hay không đọc, ấy mới là câu hỏi. Trong xã hội nước ta ngày nay, chắc không khó cho mỗi người tìm thấy quanh mình tấm gương của kẻ “thành đạt” (nổi tiếng, giàu có) mà không đọc. Nhưng sao trong xã hội người ta (Nhật, Mỹ, Âu, Úc, Ấn, Hoa) những người có ảnh hưởng (không chỉ trong cộng đồng của họ, mà với cả thế giới, và có thể vượt ra ngoài Trái đất) đều làm sách?

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)