Đọc sách: Nơi chốn đi và về

Tôi nghĩ, vì lý do quí trọng con người của nhau, nhà thơ Trần Tiến Dũng và họa sỹ Lê Thiết Cương đã cùng đứng tên trong cuốn sách NƠI CHỐN ĐI VÀ VỀ*. Khởi sự câu chuyện về cuốn sách in chung là thế. Nhưng khi hai con người này đứng bên nhau thì một câu chuyện khác của họ lại được mở ra.

Và câu chuyện vừa mở ra ấy của họ đã kéo tôi vào, biến tôi thành một kẻ hành hương về những vùng đất mà họ đã sống hoặc chỉ đi qua một lần. Đấy là cuộc hành hương tìm về những vẻ đẹp giản dị, bàng bạc, xa xôi và nhiều khắc khoải. Tôi đã nhìn thấy những vẻ đẹp ấy hiện ra trong cảm xúc và suy tưởng của họ về một đời sống bình dị của con người, về những giá trị văn hóa và lịch sử. Nhưng hình như lúc nào trong sự hiện ra của những vẻ đẹp ấy lại vọng tiếng kêu thảng thốt của họ. Tiếng kêu thảng thốt ấy giống tiếng kêu của mỗi chúng ta khi tuột tay làm rơi mất một vật gì đấy của mình mà không thể nào lấy lại được nữa.

Trong thơ ca và trong hội họa, cả hai người – nhà văn Trần Tiến Dũng và họa sỹ Lê Thiết Cương – là những người không lúc nào ngưng nghỉ kiếm tìm những cái mới trên con đường sáng tạo của họ. Nhưng trong thể loại mà tôi gọi chung là tản văn này, họ lại không làm thế. Họ thực sự không chọn lựa bất cứ một hình thức nào để bày tỏ. Vì sao thế? Vì đó là NƠI CHỐN ĐI VÀ VỀ của họ. Họ chỉ đơn giản ngồi xuống ở một đâu đấy và kể với một ai đó hoặc kể cho chính họ về những NƠI CHỐN ĐI VÀ VỀ trong cuộc đời họ. Họ kể một cách chân thực giống như họ giơ hai bàn tay của họ ra trước chúng ta và nói “Trên mỗi bàn tay tôi có năm ngón tay”.

Cả hai đều kể về những những NƠI CHỐN ĐI VÀ VỀ của họ, nhưng mỗi người lại mang đến cho chúng ta một cách kể riêng biệt của mình. Với nhà thơ Trần Tiến Dũng, tôi muốn lấy sự nở của bông hoa để nói về cách kể chuyện của ông. Cách nở của bông hoa là mở ra từng cánh, từng cánh để cuối cùng những cánh hoa làm đầy bông hoa. Nhà thơ Trần Tiến Dũng thường bắt đầu từ một hình ảnh, một chi tiết độc lập rồi cứ thế hình ảnh này sinh ra hình ảnh khác, chi tiết này sinh ra chi tiết khác. Cuối cùng tất cả các hình ảnh và chi tiết độc lập ấy lại gắn kết vào nhau trong một tổng thể hài hòa khó tách rời ra được. Và nếu bạn thử tách rời chúng ra thì tất cả lại cùng biến mất.

Còn với cách kể của họa sỹ Lê Thiết Cương chính là chặng đường của một bông hoa đi đến cái hạt. Họa sỹ Lê Thiết Cương thường đi từ một khái quát, một đại cảnh để từ đó kết dần, kết dần thành điển cuối cùng giống như nghệ thuật tối giản của ông trong hội họa. Khởi đầu là một bông hoa xum xuê với những cánh hoa và ông lược đi từng cánh, từng cánh theo “đời sống” tự nhiên của một bông hoa để cuối cùng sự hiện hữu của bông hoa đó chính là một cái hạt. Nếu chúng ta đặt một bông hoa bên cạnh một cái hạt, chúng ta sẽ nhìn thấy hai vẻ đẹp hoàn toàn khác biệt nhưng lại đồng nhất. Cũng như nếu tôi dùng hình vẽ trên mặt phẳng để mô tả cách kể chuyện của họa sỹ Lê Thiết Cương thì đó là một vòng xoáy trôn ốc đi từ vòng ngoài cùng cho đến điểm cuối cùng. Còn nhà thơ Trần Tiến Dũng lại là vòng xoáy đi từ cái điểm đầu tiên ở trong cùng và cứ thế rộng ra cho đến vòng ngoài cùng.

Đấy là cách nhìn của tôi về con đường mà mỗi người đi về nơi chốn của họ. Nhưng cuối cùng, một con đường cụ thể nào đó chẳng quan trọng gì nữa khi mà họ còn một nơi chốn để đi về.

Cuốn sách sẽ có buổi ra mắt vào 16 giờ, Chủ nhật, ngày 26/2/2017, LaCa Café 24-26 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

*140 trang, NXB Hội Nhà văn, 2016.

 

 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)