Đọc sách và leo núi

Đọc sách, như leo núi, không chỉ để “biết”. Hai người cùng leo tới đỉnh núi, có thể một người ngất ngây, một người bảo mệt quá chẳng có gì hay. Ý nghĩa/giá trị của hành động này ở sự trải nghiệm cá nhân. Một môn rèn luyện thể lực và một môn rèn luyện tinh thần.

Có một cách nói dối an toàn là nói ra một phần sự thật. Chẳng hạn, mười mấy năm trước, lúc tên tuổi tôi nổi lên cùng với Harry Potter, tôi thường bị báo chí và truyền hình phỏng vấn. Một trong những câu hỏi là hồi nhỏ tôi đã đọc những sách gì, câu trả lời đúng với sự thật: tôi đã đọc Vô gia đình, Trong gia đình, Quyển sách của bạn tôi, Tâm hồn cao thượng, Hoàng tử bé… Còn có những quyển sách không được kể tên nằm trong ba dấu chấm. Đâu có cần phải liệt kê tất cả. Nhưng sự lựa chọn nêu ra những quyển nào và không nêu ra những quyển nào là một cách tôi nói dối.

Những tựa sách tôi kể ra, không tới mười quyển, là một con số rất nhỏ so với những gì tôi đã đọc từ khi biết chữ cho đến hết tuổi thiếu niên. Đơn giản là vì tôi chỉ có sách để tiêu khiển ngoài giờ học và phụ ba tôi bán hàng. Hồi tôi còn nhỏ, ở gần góc đường Trần Hưng Đạo và Bùi Hữu Nghĩa (quận 5) có một ki ốt cho mướn sách, nằm ngay trên đường tôi đi từ nhà đến trường Chợ Quán (nay là Kim Đồng). Đó là “tủ sách” của tôi. Mỗi ngày tôi đều đến đó trả một quyển sách và mượn một quyển khác, thường là quyển tiếp theo của những bộ trường thiên tiểu thuyết. Từ Đông Châu liệt quốc đến Hán Sở tranh hùng, Tam quốc diễn nghĩa đến Phong thần, Thủy hử, Tây du ký. Tất cả các bộ truyện chưởng của Kim Dung và truyện ma các loại, từ Bồ Tùng Linh đến Người Khăn Trắng, cả tiểu thuyết diễm tình đương đại, và không ít truyện khiêu dâm. Tính ra trong khoảng từ 10 đến 15 tuổi, tôi đã đọc không dưới một ngàn quyển sách mà nội dung và nghệ thuật hoàn toàn khác với “Hoàng tử bé”. Nếu đúng “mình là cái mình đọc” thì tôi là sản phẩm của văn hóa bình dân ở Sài Gòn – Chợ Lớn thập niên sáu mươi và đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước.

Lúc trước tôi thành thật cho rằng trẻ con nên đọc những cuốn như Tâm hồn cao thượng hay Vô gia đình, và tôi coi Hoàng tử bé là cuốn sách duy nhứt mà mọi người đều nên đọc trong bất kỳ giai đoạn nào của đời mình. Tôi ý thức rằng những cái tựa mình nêu lên là gợi ý sách nên đọc cho trẻ nhỏ. Tôi không sợ người ta phản ứng là tôi xúi trẻ con đọc tầm bậy nếu tôi kể ra mình đã đọc chuyện ma chuyện chưởng. Con nít bây giờ tự biết tìm đọc chúng ở đâu, với nhiều phiên bản cập nhật. Tôi không hề áy náy gì với câu trả lời chỉ chứa một tí sự thật về việc đọc của mình. Vậy sao có bản “tự kiểm” này?

Bởi vì (nói về việc đọc) sau khi lặn ngụp trong “văn chương bình dân” tôi trèo lên những “đỉnh cao văn học”, lóa mắt với những giá trị “văn học đích thực”. Giờ là lúc tôi thong thả ngồi lại bên đường nhìn những cung đường ngoằn ngoèo mà mình đã qua. Có đèo cao có vực sâu mới tạo nên cảnh trí ngoạn mục. Thấy vực sâu sao mà thăm thẳm, hơi ghê sợ, nhưng thực ra mình đã từng ở đó, từ đó lần hồi đi lên. Lúc đi lên thấy đỉnh cao ngất ngưởng, hơi nể sợ, mà lụi hụi cũng tới nơi, cũng đi qua.

Leo núi thì tay níu từng nhành cây, chân giẫm lên từng cục đá, trèo lên trượt xuống, khi lạc trong hang tối, khi bất ngờ đứng giữa sườn núi nhìn ra trời đất bao la, khi mệt mỏi chùn chân ngao ngán, khi hào hứng thở hồng hộc, khi chùng lòng ngắm cảnh hoang dã tịch liêu… Người ta có thể đu dây cáp một cái vèo lên tới đỉnh núi cao nhứt (có máy bay chở tới cũng được) để nhìn bao quát và biết đỉnh này đỉnh nọ, cũng kể là có kiến thức về núi. Nhưng biết sao được cái thú leo núi. Một cuốn sách như một ngọn núi (hay đồi, gò, mô đất nếu muốn khiêm tốn) chỉ có một cách “hưởng thụ” nó, là đọc nó. Đọc sách, như leo núi, không chỉ để “biết”. Hai người cùng leo tới đỉnh núi, có thể một người ngất ngây, một người bảo mệt quá chẳng có gì hay. Ý nghĩa/giá trị của hành động này ở sự trải nghiệm cá nhân. Một môn rèn luyện thể lực và một môn rèn luyện tinh thần.

Tôi ví đọc sách với leo núi vì cả hai hành động này đều có tính khám phá và mạo hiểm. Có thể gặp tai nạn nếu người leo núi/đọc sách không có bản lĩnh hoặc xui xẻo. Thiên nhiên và chữ nghĩa đều có chỗ đáng sợ. Nhưng nếu sợ thì thời kỳ sống trong hang đá của loài người sẽ kéo dài đến hôm nay và chắc là mãi mãi. Con đường tiến hóa của loài người là vượt qua nỗi sợ. Người ta lại có tật kỳ cục là không sợ cho mình, mà sợ cho người khác. Mình trèo qua đèo lên tới đỉnh rồi bảo đàn em là nguy hiểm cơ cực lắm, đừng leo kẻo té gãy họng. Mới ngó qua đồi núi trập trùng, hoặc nghe nói về sơn lam chướng khí, bèn cấm em cháu mạo hiểm cái đã.

Đọc sách dường như hơi cổ lỗ trong thời đại internet. Nhưng có thời nào người ta viết sách nhiều như ngày nay? Hình thức cuốn sách có khác, nội dung phong phú vô thiên lủng. Việc đọc sách có khác chăng? Hồi xưa tôi cộng lại số sách mình từng mướn đọc, ra cả ngàn cuốn, không tin là cái ki ốt chút xíu lại có nhiều sách vậy. Nay tôi có cái nexus bằng bàn tay chứa cả ngàn cuốn sách! Có đủ thứ sách trong bàn tay, chỉ chạm đầu ngón tay là nhảy từ cuốn này sang cuốn khác, có thể đọc một lúc cả chục cuốn. Như đứng núi này trông núi khác. Phải có cuốn nào hay ghê lắm mới hấp dẫn mình đọc tới chữ cuối cùng.

Còn điều này cũng giống nhau nữa giữa đọc sách và leo núi. Núi này khác núi kia, nhưng núi nào cơ bản cũng như bà Huyện Thanh Quan miêu tả “cỏ cây chen đá lá chen hoa”. Vậy việc gì phải leo hết núi này tới núi kia? Vì trên những đỉnh núi khác nhau, tầm nhìn của mình khác, và mình nhìn ra chung quanh (chứ không phải nhìn cái đỉnh núi mình đang đứng) thì thấy được nhiều cảnh trí khác nhau.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)