Đọc thơ có bán vé

Cách đây gần nửa thế kỷ, năm 1964, Gary Snyder và người bạn học, cũng là nhà thơ trẻ, Philip Whalen, đọc thơ trong căn hầm dưới nhà của Don Carpenter, một nhà văn trẻ. Theo Don Carpenter kể lại, người đến nghe thơ đông đúc, nhưng sau khi đọc xong, cái nón chuyền tay khắp lượt chỉ thu về một đô la bảy lăm xu. 

Trong vườn hoa đỗ quyên đang nở. Tôi giăng võng dưới tán hoa và đọc thơ của Gary Snyder: “Tôi đã ngủ dưới     hoa đỗ quyên. Suốt đêm     cánh hoa rơi     run run ”. Đỗ quyên nở là trời đất đã sang xuân, ngày có nắng như hôm nay thì ấm áp, nhưng về đêm nhiệt độ thường tuột xuống dưới 10 độ C. Chàng trai chỉ có tấm giấy carton thay cho chăn nệm, đôi chân nhét trong cái ba lô, đôi tay đút sâu vô túi áo, thực khó mà ngủ. Ấy là sức khỏe dẻo dai nên chỉ khó ngủ chứ không bị cảm lạnh hay chết cóng. Nằm trằn trọc dưới hoa, chàng nhớ thuở còn đi học có người yêu “ngủ chung … trên giường ấm. Tụi mình     là những người tình non trẻ. Khi chia tay     còn chưa mười chín tuổi.” Giờ bạn bè đã lập gia đình cả, người tình ngày xưa làm cô giáo ở miền Đông. Nhà thơ thì lang thang hết những ngọn đồi xanh biếc đến bãi biển dài xanh lam, không than thở. “Nhưng đôi khi          màn sương gối đất     tôi nhớ về      thuở     tôi có em.

Gary Snyder là một nhà thơ Mỹ được nhiều giải thưởng, kể sơ sơ: Pulitzer, Guggenheim, Viện Hàn lâm Văn chương và Nghệ thuật… Thời trẻ ông từng ghé qua Bellingham khi đi bộ trong những núi đồi miền Tây Bắc Mỹ. Cách đây vài năm, ông có trở lại tiệm Sách Làng dưới phố để đọc thơ. Thông thường, những buổi giao lưu tác giả, đọc truyện, thơ, ký tặng sách đều miễn phí và diễn ra trong nhà sách (những hoạt động này nhằm dụ khán giả đến nhà sách mà). Nhưng buổi đọc thơ của Gary Snyder có bán vé và diễn ra trong hội trường lớn mượn của trường trung học thành phố. Khán phòng chật ních. Gary Snyder xuất hiện, râu tóc bạc lưa thưa, mặt mày hốc hác, dáng gầy gầy. Năm đó ông đã gần 80 tuổi, giọng đọc thơ vẫn ấm áp truyền cảm.

Ông đứng suốt buổi đọc thơ, dáng ung dung thanh thản, nụ cười bình an. Và khoảng 600 người có mặt đã từng lúc bật cười, có khi rộ lên những tràng vỗ tay, thường thì im lặng lắng nghe, hay miên man theo những ký ức mà câu chuyện và câu thơ của ông khơi gợi. Sau buổi đọc thơ, một cái bàn và một cái ghế được rinh lên sân khấu cho Gary Snyder ngồi ký tặng sách. Hàng người sắp hàng dài như vô tận, rồng rắn từ trên sân khấu xuống lối đi giữa các dãy ghế, ngoằn ngoèo năm bảy lớp. Có lẽ chừng một nửa số người ra về sau bài thơ cuối cùng, những người ở lại nếu không sắp hàng thì vẫn ngồi lại trên ghế khán giả, và có lẽ họ cũng như tôi đang thưởng thức một quan cảnh đẹp hiếm có.

Nhà thơ ký tên vào cuốn sách mới xuất bản, cám ơn người đọc đã mua sách. Gặp cuốn sách đã cũ, ông cầm lên ngắm nghía nở nụ cười mừng như gặp cố tri. Ai cũng muốn nói đôi lời với ông, hoặc lời cám ơn ông đã đến Sách Làng để cho họ được hưởng một buổi tối tuyệt vời không bao giờ quên, hoặc lời ngưỡng mộ tư tưởng và thi ca của ông – một thi sĩ thiền, hoặc lời giãi bày về cuốn sách cũ đọc hơn 30 năm đã làm thay đổi đời họ mà đến nay mới được gặp tác giả. Có người còn tự giới thiệu mình cũng là thi sĩ, hoặc cũng là người thiền, hoặc cũng là người yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, như Gary Snyder.

Tôi nhớ mình ngồi yên trên ghế ở gần cuối khán phòng, vị trí khá cao. Những người sắp hàng đứng dồn phía sau, từ từ di chuyển xuống từng bậc sàn, im lặng, bình tĩnh, sách cầm trong tay, mắt hướng về sân khấu, nơi ông già thong thả ký tên và từ tốn trò chuyện với từng người. Có người ý thức dòng người phía sau mình đang chờ đợi nên tới lượt mình chỉ đưa sách cho ông ký và nói cám ơn rồi đi ngay. Với người sốt ruột ấy, ông tặng theo một nụ cười.

Cách đây gần nửa thế kỷ, năm 1964, Gary Snyder và người bạn học, cũng là nhà thơ trẻ, Philip Whalen, đọc thơ trong căn hầm dưới nhà của Don Carpenter, một nhà văn trẻ. Theo Don Carpenter kể lại, người đến nghe thơ đông đúc, nhưng sau khi đọc xong, cái nón chuyền tay khắp lượt chỉ thu về một đô la bảy lăm xu. Thơ hay, buổi đọc thơ đầy ấn tượng và cảm xúc, nhưng những người bạn trẻ cảm thấy không được công bằng. Họ quyết định buổi đọc thơ tiếp theo sẽ bán vé, ai muốn thưởng thức thơ phải bỏ ra một dollas. Một dollas mà thôi, để cho người yêu thơ không có nhiều tiền vẫn có thể tham dự. Nhưng miễn phí cho mọi người trong khi các thi sĩ đói meo đọc thơ thì quá đáng. Có khoảng 800 người đến buổi đọc thơ có bán vé đầu tiên trong lịch sử đó. Nhiều người vẫn tỉnh bơ đi vô thính phòng mà không thèm trả tiền, khiến ban tổ chức thất thu không ít. Nhưng ba nhà thơ trẻ tham gia buổi đó, mỗi người cuối cùng được chia hơn một trăm dollas, một số tiền rất có ý nghĩa đối với họ vào thời điểm đó.

Dù vậy nhà thơ không thể sống bằng những buổi đọc thơ có bán vé, dù giá rẻ hay mắc. Danh tiếng nhà thơ cũng khác với tên tuổi ngôi sao trong các lãnh vực nghệ thuật khác. Gary Snyder kiếm sống chủ yếu bằng lương dạy học. Văn xuôi và sách của ông cũng bán được. Chắc những vụ đọc thơ, giao lưu độc giả, nhận được sự ngưỡng mộ của công chúng là chuyện bình thường đối với một người như ông. Tôi nhìn ông ký tên và trò chuyện với độc giả suốt buổi, cố gắng suy từ nét mặt dáng điệu ra cảm giác của ông lúc đó. Kiên nhẫn làm cho xong một công việc giúp nhà sách tiếp thị, hay đang hưởng thụ những khoảnh khắc hạnh phúc trong đời người? Tự hào là một nhà thơ mà đến giờ người ta vẫn phải mua vé để được nghe ông đọc thơ, hay đang nhớ tới những người bạn thơ cũ, người vì nghèo và say rượu đi lên núi mất tích luôn, người trở thành thiền sư, người đã qua đời.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)