Đời sống xuất bản nhìn từ tấm thẻ biên tập viên

Chiếc thẻ biên tập viên sẽ tạo ra viễn cảnh nào trong đời sống xuất bản?

1. Những ai làm kinh doanh xuất bản, khi ra bên ngoài giao dịch đều ít nhiều có cảm giác tủi thân, mặc cảm về không gian kinh doanh của mình. Dễ dàng nhận ra điều này: thị trường xuất bản trong nước đang rất chậm tiến so với thế giới. Một phần nguyên nhân nằm ở quy mô thị trường nhỏ, lẻ, manh mún. Nhưng nguyên nhân quan trọng và sâu xa hơn là ở chỗ cơ chế nhà nước quản lý xuất bản, phát hành – một phương thức quản lý tri thức, sáng tạo theo kiểu hành chính cũ kỹ, khống chế sự tự do của thị trường và hạn chế tính đa nguyên trong sáng tạo, tri thức.

Giữa lúc ngay cả những thị trường sách in ở các nước có ngành công nghiệp xuất bản phát triển mạnh trên thế giới cũng đang chịu áp lực trước những đợt sóng của hình thái xuất bản gắn với công nghệ tương tác; phải tìm cách thay đổi mô hình theo hướng cởi mở hơn, khai phóng hơn để thích ứng với xu hướng thị trường mới, thì kỳ lạ thay, Luật Xuất bản 2012 vừa đi vào thực tế lại là một bộ luật được cộng thêm những điều khoản “đóng”, gia tăng độ siết của cơ chế quản lý hành chính, tăng cường giám sát chính trị lên đời sống xuất bản.

Một trong những điểm phi lý và ấu trĩ đó, nằm ở chỗ cho ra đời và quản lý hoạt động kiểm duyệt thông qua tấm thẻ biên tập viên.

2.Trong tổ chức quy trình xuất bản hiện tại, ai cũng biết, biên tập viên là người rất quan trọng, nếu không muốn nói là kẻ có quyền sinh, quyền sát đối với tác phẩm. Anh ta sẽ là người thẩm định đầu vào, chọn lựa cơ hội cho những cuốn sách được phép xuất bản công khai, đồng thời, tìm cách chặn ngay những thứ mà theo anh ta là kém giá trị chuyên môn hoặc gây nguy hiểm cho sinh mệnh chính trị cá nhân và đơn vị cấp phép.

Dĩ nhiên, trên biên tập viên sẽ còn các “cửa” khác, đó là cấp bậc quản lý như trưởng ban biên tập, tổng biên tập, giám đốc nhà xuất bản, xa hơn, là cục xuất bản… Nhưng phải nói rằng, biên tập viên đầu vào được xem quan trọng nhất trong toàn bộ quy trình kiểm duyệt.

Một biên tập viên giỏi về nghiệp vụ, có cái nhìn tiến bộ, độc lập trong chuyên môn và có bản lĩnh nghề nghiệp sẽ là bà đỡ mát tay cho những tác phẩm giá trị. Cũng chính anh ta sẽ là người dám lấy sự an nguy nghề nghiệp của mình ra để đánh cược, tiến cử, bảo vệ những tác phẩm gai góc, những sáng tạo mới có thể gây tranh cãi đa chiều, thậm chí, sẵn sàng (và biết cách) đương đầu với những phản hồi tai bay vạ gió có thể gặp phải từ những cơ quan quản lý văn hóa có quyền lực khác bên ngoài ngành xuất bản (thường đầy nhiệt tình săm soi quy chụp nhưng không phải bao giờ cũng được trang bị đủ trình độ, tri thức và chuyên môn!)

Nhưng ngược lại, một biên tập viên kém về chuyên môn, lại yếu về bản lĩnh làm nghề, hạn chế tầm nhìn sẽ là những công chức ù lì, chẳng khác gì cỗ máy vô cảm trong một quy trình phi lý, chỉ làm nhiệm vụ soi lướt trên những trang bản thảo để tìm kiếm, gạch xóa, khước từ, ngăn chặn, suy diễn mọi dấu vết cấm kỵ để cho ra đời những cuốn sách vo tròn, phải đạo, đồng phục. Anh ta làm nghề trong trạng thái sợ hãi của kẻ cúi đầu tuân phục thay vì trong sự hứng thú của kẻ khám phá, phát hiện và thậm chí mạo hiểm cho những giá trị mới, khác biệt. Anh ta sẽ phát huy sự ngoan ngoãn ngoài mong đợi đối với cấp trên để tàn sát những cá tính sáng tạo, mài nhẵn mọi góc cạnh vì tinh thần cầu an trong nghề. Dàn neuron hèn nhát, bạc nhược của anh ta luôn được căng ra để cố gắng tìm cách ngăn chặn, triệt tiêu chúng cái mới, cái khác, cái va chạm, đổi lấy, cái ghế của anh ta được trụ vững trong căn phòng làm việc cũ kỹ sặc mùi hành chính của phòng biên tập nhà xuất bản.

Lúc bấy giờ, kinh nghiệm sẽ chỉ làm cho anh ta phung phí sự sợ hãi, hiểu biết chỉ làm cho anh ta dễ dàng thỏa hiệp.

Và còn tìm đâu nữa! Đây chính là điển hình của kiểu công chức biên tập viên mà chúng ta vẫn thấy phổ biến ở những nhà xuất bản, những nơi mà từ lâu rồi, không còn là bà đỡ mát tay thực sự của những giá trị đột phá sáng tạo, lại là nơi luôn lớn tiếng kêu gào vì sao khu vườn xuất bản “được chăm sóc kỹ như thế lại chưa có những mùa màng bội thu”?!

3. Vậy, chiếc thẻ biên tập viên ra đời sẽ tạo ra viễn cảnh nào trong đời sống xuất bản?

Chắc chắn, với những quy định nghiêm ngặt mang tính ràng buộc sinh mệnh chính trị, số phận nghề nghiệp của anh biên tập viên được đặt vào trong tấm thẻ. Nếu còn muốn trụ lại với nghề, anh ta sẽ bận tâm hơn đến việc làm sao để giữ chiếc thẻ như một giấy thông hành câu cơm thay vì tập trung cho chuyên môn, lý tưởng và bản lĩnh tiến bộ cho sách. Chiếc thẻ sẽ nhân bản vô tính cho ngành xuất bản thứ công chức biên tập luôn đặt nỗi ám ảnh sinh mệnh chính trị cá nhân lên trên các giá trị tự do, chuyên môn, tri thức hay sáng tạo.

Trong điều 20 của Luật Xuất bản mới 2012 quy định về việc Cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập, có khoản 3 a và b đáng chú ý, mà có lẽ trở thành thứ “kinh nhật tụng” của những biên tập viên xuất bản sẵn tinh thần cầu an: “a) Biên tập viên có xuất bản phẩm do mình biên tập bị cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy; b) Biên tập viên trong 01 năm có hai xuất bản phẩm hoặc trong 02 năm liên tục có xuất bản phẩm do mình biên tập sai phạm về nội dung mà bị buộc phải sửa chữa mới được phát hành”.

Xin nói thêm, thực tế hiện nay, không chỉ cơ quan được coi là quản lý chuyên môn về ngành xuất bản như cục xuất bản, nhà xuất bản là những nơi có khả năng ra văn bản “cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy” hay kết luận một cuốn sách có vấn đề “sai phạm về nội dung, mà buộc phải sửa chữa mới được phát hành”, mà ngoài ra, còn có một danh sách dằng dặc các cơ quan quản lý “liên ngành”: các phòng, sở văn hóa, ban tuyên giáo, sở thông tin truyền thông… cũng được cấp quyền tiến hành những chức năng này.

Gần đây, đã có những trường hợp các cơ quan quản lý văn hóa, tư tưởng cấp tỉnh ra văn bản buộc tội một cuốn sách vi phạm pháp luật, thậm chí cấm lưu hành trên thị trường hay một tổ chức quản lý chính trị địa phương ra văn bản xử lý kỷ luật một nhà văn chỉ vì một truyện ngắn chị ta viết bị coi là “phản ánh thực tế đen tối của tỉnh nhà”. Đây là những tai bay vạ gió mà khi sinh mệnh nghề nghiệp và chính trị cá nhân được đặt trong tấm thẻ, thì những biên tập viên sẽ phải để ý, lường trước và dè chừng, “quán triệt” hơn nếu muốn trụ lại với nghề.

Tấm thẻ trong trường hợp này là chiếc vòng kim cô mới, nó không còn nằm ở trên đầu ông giám đốc hay vị thế chính trị của một nhà xuất bản, mà đã đưa áp lực vào đúng trung tâm của quy trình kiểm duyệt nội dung sách – sự an nguy nghề nghiệp, cái ghế của anh biên tập viên.

Gỉả dụ tôi là một biên tập viên mẫn cán, yêu nghề. Nếu trước đây, một cuốn sách do chính mình biên tập bị quy kết có sai phạm nội dung, tôi có thể viết một bản phân tích ở góc độ chuyên môn để bảo vệ mình. Trong trường hợp kém may mắn nhất, cùng lắm, tôi sẽ chỉ viết kiểm điểm, chịu xử lý kỷ luật cùng với thủ trưởng. Còn bây giờ, theo điều 3 a, b thì tôi có thể bị tước thẻ, mất nghề ngay tức khắc.

Vậy thì những giá trị chuyên môn, sự bản lĩnh, sáng tạo của một biên tập viên xuất bản xem ra không cần thiết cho bằng khả năng “dò sóng”, thỏa hiệp với nhà quản lý bên trên để sinh tồn trong nghề, bảo vệ cho tấm thẻ – căn cước chính trị bản thân không bị tì vết.
Người đọc sẽ đọc gì từ những cuốn sách được xuất bản công khai sau một quy trình bếp núc ngày càng máy móc, bóp nghẹt sáng tạo và thù địch với sự khai phóng tri thức như thế?

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)