Đối thoại đa thanh trong các sử phẩm của Nguyễn Văn Tố

Đại Nam dật sự và Sử ta so với sử Tàu của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947) là hai sử phẩm tái thông diễn về lịch sử Việt Nam. Bản thân cái tên “Đại Nam dật sự” (大南逸事) có hàm nghĩa khôi phục lại những trang sử tản mát đã thất tán theo dòng thời gian1. Người đời nay lật lại những trang sách cũ trong các mảnh dật thư để soi chiếu lại những sự - những việc - những người đã phôi pha qua dòng đời. Còn cuốn Sử ta so với sử Tàu, ngoài thao tác hiệu khám sử liệu và phê phán sử liệu, còn là một tác phẩm góp phần làm nên những đối thoại đa thanh trong bối cảnh mưa Âu gió Á đầu thế kỷ XX.


Giám đốc EFEO George Cœdès, Nguyễn Văn Tố (mặc bộ quần áo dài trắng) và các thành viên, nhân viên Việt Nam tại EFEO. Ảnh chụp năm 1936, tại trụ sở EFEO (26 Đại lộ Carreau, nay là phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Ảnh lưu tại Thư viện KHXH. Nguồn: Ngô Thế Long/Thông tin KHXH,số 11.2016.

Nguyễn Văn Tố là một nhà Nho thông kinh sử, đằm mình trong cái học Hán văn, đồng thời lại là người có học thức phương Tây được xây dựng trên cơ sở Pháp văn. Ông được coi là một trong tứ kiệt “Quỳnh – Vĩnh – Tố – Tốn”2 của trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông biên soạn hai cuốn sách này3 với thao tác chính yếu là giải đọc, phiên dịch sử liệu từ Hán văn sang Việt văn đồng thời tiến hành các thao tác hiệu khám sử liệu, phê phán sử liệu. Ta cũng biết, thời điểm tác giả biên soạn cuốn này thì các bản dịch sử liệu Việt Nam hầu như chưa có.4 Thống kê các trích dẫn trong hai sử phẩm cho thấy Nguyễn Văn Tố là một nhà sử liệu tiên phong khi ông tiến hành phiên dịch và so sánh sử liệu nguyên cấp. Đó là các bộ sử và tư liệu Hán văn do người Việt Nam biên soạn như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký, Việt sử lược, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lĩnh Nam di thư, Việt sử tiêu án, Hoàng Việt giáp tý niên biểu, Sĩ Vương sự tích, Đại Nam nhất thống chí, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Tiền biên dã sử, Nghệ An thi tập, Vân Đài loại ngữ, Việt sử khảo lược, Đại Việt sử ký cải lươngTrung học Việt sử toát yếu, Việt Nam phong sử, Việt sử lược tứ tự kinh, Ngự chế Việt sử tổng vịnh,… trong sự đối chiếu các bộ sử Hán văn của Trung Quốc như Thủy kinh chú, Tư trị thông giám, Trần thư, Việt kiệu thư, Thanh nhất thống chí, Trần thư, Tùy thư, Nam sử, Nguyên Hòa quận huyện chí, Thái Bình hoàn vũ ký, Phương dư kỷ yếu, Đường thư, Lương thư, Tống sử, An Nam chí nguyên, Lĩnh ngoại đại đáp, Dư địa lý thắng, Ngô lục, Lĩnh biểu lục dị, Thông điển, Tấn thư, Tân ngũ đại sử, An Nam kỷ yếu, Văn hiến thông khảo, Thiếu vi thông giám, Ngự phê thông giám thọ lãm, Hán thư… Ở thời điểm 1943-1945, việc một sử phẩm trích dẫn và đối chiếu các nguồn sử liệu Hán văn (cho đến tận số trang nguyên bản) là điều tương đối hiếm hoi trong bối cảnh từ chương chuyên cậy nhờ các bộ não cường ký. Đúng hơn, việc trích dẫn sử liệu rõ ràng đã chịu ảnh hưởng từ thao tác nghiên cứu của các học giả người Pháp ở Viện Viễn Đông Bác cổ. Đây là các công trình khảo cứu sử liệu đầu tiên hiện biết mang đậm chất thao tác luận với những xử lý vi tế của những chuyện “bếp núc trong nghề”. Ở khía cạnh này, nếu không quá lời, có thể coi ông là nhà sử học bản địa đầu tiên đặt nền móng cho bộ môn sử liệu học ở Việt Nam thời hiện đại.
Điều đáng quý nữa là, Nguyễn Văn Tố còn thực hiện công tác phê phán sử liệu. Ông phân biệt giữa huyền thoại và lịch sử. Ví dụ khi viết về bài sấm ngữ báo điềm cho việc nhà Lê mất nhà Lý lên ngôi được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, ông cho rằng: “Tuy sử chép như thế, nhưng không nên tin là có thật; đại để cũng như chuyện Lê Lợi sai người lấy mỡ viết vào lá cây mấy chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”, nghĩa là Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi”. Mặc dù chưa đề cập đến chuyện sấm ngữ chỉ là một phương tiện truyền thông của người chiến thắng nhằm củng cố cho tính chính thống của phe giành quyền, song tác giả đã có lý khi cho rằng việc tồn tại sấm ngữ trước sự kiện lịch sử là điều không khả tín. Có nghĩa là, ông đã gạt bỏ tính thần bí tiên thiên của các sấm ngữ, coi đó một thủ pháp của sử chí Nho giáo, và nhích dần đến tìm hiểu sử thực.

Nhìn về tổng thể, nếu như Sử ta so với sử Tầu khảo sát các quốc hiệu từ Văn Lang, Giao Chỉ, Vạn Xuân đến Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam và một số vấn đề quan trọng của cổ sử như vị trí Tượng Quận, hay những cuộc khởi nghĩa thời Bắc thuộc, thì Đại Nam dật sự là một tác phẩm viết theo tuyến tính lịch sử, từ đời Hán qua Bắc thuộc đến cuối đời Lý. Trong đó tác phẩm sau chọn lối viết tiểu truyện tác giả (gồm người anh hùng nêu cao ngọn cờ độc lập, những người Nam làm quan bên Bắc, các vấn đề người cai trị, các vị vua đời Lý) làm xương sống cho toàn bộ cuốn sách. Mỗi chân dung của nhân vật hiện lên được miêu tả như là một biography biên niên theo hệ lịch Can Chi – Niên hiệu (được quy chiếu sang lịch Thiên Chúa). Nếu như các bộ sử cũ (như Toàn thư chẳng hạn), lấy sự tồn tại của các dòng họ cầm quyền làm cột mốc chính trong phân kỳ lịch sử, thì ở đây, tác giả đã đưa các nhân vật lịch sử (các anh hùng) lên làm mẫu hình chủ chốt chạy xuyên suốt trong các chương sách. Việc phân chia Ngoại kỷ và Bản kỷ từ Ngô Sĩ Liên – Lê Tung cũng không còn giá trị trong bối cảnh thời đại mới. Việc sử dụng khái niệm anh hùng và các diễn ngôn chính trị phức hợp cho thấy đây là một sử phẩm hòa trộn Tây – Đông, trong hòa trộn có cả đối thoại và đối kháng.5


Tri Tân là tạp chí có chiều sâu về học thuật và có đóng góp quan trọng về khảo cứu sử học, văn học cổ Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với nhiều bài viết và sự góp mặt của nhiều cây bút, trong đó đặc biệt là Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947). Trong ảnh: Bìa và Lời Phi lộ (tạp chí Tri Tân số 1, ngày 3/6/1941). Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Ông đã từng phát biểu rất hiển ngôn về quan điểm này như sau: “Nước Nam ta lập quốc đã lâu (2879 trước Thiên Chúa TC), không kể hơn hai nghìn sáu trăm năm của họ Hồng Bàng, là đời đã xa. Kể ngay trong khoảng hơn nghìn năm Bắc thuộc (207 tr. TC đến 905 sau TC), nước ta đã có các vị anh hùng – anh thư đứng lên chống cự những chính sách quận huyện và đô hộ để giữ lấy giang sơn, như Hai Bà Trưng (40-42 sau TC), Lý Nam Đế (541-602), Mai Hắc Đế (722), Bố Cái Đại Vương (791), đều là những bậc xây nền đắp móng cho tương lai,… Chỉ xin nhắc để độc giả nhớ rằng, dân ta đã biết trọng quyền độc lập từ bao nghìn năm nay, mà tinh thần thượng võ cũng đã cao lắm”.6 Phát biểu này là một hiện trường hiển minh cho quan điểm sử của thời đại ông. Các từ khóa đáng chú ý là anh hùng, anh thư, và đặc biệt là quyền độc lập. Chữ anh hùng – anh thư là một sự tiếp nối quan điểm sử về giới từ quá khứ Nho giáo. Còn chữ “quyền độc lập” là một từ khóa quan trọng của quan điểm sử được kiến tạo từ các học giả Pháp, Phan Bội Châu và các thế hệ Đông Du.

Phát biểu trên của Nguyễn Văn Tố đồng thời cũng cho thấy ông đã bảo tồn và kế thừa tư tưởng nhận đồng lịch sử từ các nhà Nho thời Trung đại để viết tiếp những trang sử mà thời đại ông cần có. Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã phải đối đầu với Pháp – một thế lực thực dân bành trướng còn mạnh mẽ hơn nhiều so với các triều đại Trung Hoa. Lịch sử nguồn gốc lâu dài được bảo lưu nhưng đã được tái cấu trúc dưới ngòi bút của ông. Các thế hệ lịch sử hiện lên dưới những gương mặt anh hùng – những người đã nổi lên chống lại sự đô hộ của các triều đại phương Bắc. Ông đã liệt kê các bậc anh hùng như Hai Bà Trưng (40-42 sau TC), Lý Nam Đế (541-602), Mai Hắc Đế (722), Bố Cái Đại Vương (791), để cho thấy một lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người Việt, và để chứng minh rằng “dân ta đã biết trọng quyền độc lập từ bao nghìn năm nay”. Những dòng bút sử này thuật lại một lịch sử đối kháng Nam-Bắc, nhưng đồng thời coi đó như là tiền lệ cho đối kháng hiện thời giữa người Việt và người Pháp.

Cấu trúc xương sống của cuốn sách đã làm nên đối thoại đa thanh trong tác phẩm này. Ông dùng khái niệm “người Nam” đối lập với “người Tàu” và “sử ta” – “sử Tàu”. Và chính ở đây, cuộc đối thoại đã diễn ra rất phức tạp. Trong bài “Đỗ Viện là người Nam hay người Tàu”, ông đã có những diễn ngôn cụ thể về giống nòi trong mối quan hệ với quốc gia và quê cha đất tổ. Nguyên ủy, Đỗ Viện làm quan ở Giao Châu, phần nhiều được coi là người Nam, nhưng cháu của ông này là Đỗ Hoằng Văn khi được vua Tàu triệu về thì có nói: “Ta ba đời cầm cờ tiết ở Giao Châu, thường muốn thân hành sang đế đình.” Ứng Hòe cho rằng: “Xem câu nói ấy cũng biết là vẫn nhớ quốc tịch, và nhớ quê cha đất tổ”. Ông phân tích tiếp: “Chữ “quê cha đất tổ” (patrie, terre de nos pères), sách Tây cắt nghĩa là “cùng một đất nước, cùng một giống nòi, cùng một tiếng nói, cùng một lễ giáo, cùng một phong tục, cùng một quyền lợi, cùng một luật pháp, cùng một lịch sử. Có người đã bẻ rằng về nòi giống thì không cứ đồng chủng, ví như nước Thụy Sĩ có nhiều giống người mà vẫn thành nước. Tiếng nói, thì Bắc Mỹ nói tiếng Anh, Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha, một phần Thụy Sĩ và Tỷ Lợi Thì nói tiếng Pháp, một phần nước Nga nói tiếng Đức; như thế thì không cứ gì phải đồng âm mới là quê cha đất tổ. Tôn giáo cũng thế: ngày xưa mới có tôn giáo quốc gia, chứ bây giờ thì khác, tôn giáo là việc của cá nhân, không cứ phải theo cùng một tôn giáo mới là cùng một nước. Còn như phong tục, tuy là thiên lý đồng phong, nhưng khắp trong nước không thể giống nhau hết cả. Luật lệ và lịch sử, cũng không cứ gì phải cùng nhau. Bởi thế, các nhà triết lý Âu châu cho tám cái tương đồng ấy chưa có thể gọi là nước được; phải cùng một tính tình, cùng một ý muốn mới gọi là nước. Ông Renan gọi nước là “một cái hồn, một mối tinh thần”, tức như bây giờ gọi là quốc hồn… Đương khi bên Tàu có loạn Lục triều, phía Nam có Lâm Ấp quấy nhiễu, thế mà ba ông cháu Đỗ Viện giữ được Giao châu làm một cõi thái bình thịnh trị, thì dù là người Tàu hay người Nam, cũng nên ghi chép”. Nhan đề bài viết cho thấy dấu vết rõ nét về quan điểm sử về nguồn gốc chủng loài. Đồng chủng (giống nòi) là một thuật ngữ mới được di thực vào Việt Nam bắt đầu từ sử phẩm của Phan Bội Châu (1906). Tác giả Nguyễn Văn Tố đã sử dụng tiêu chí “8 cùng” (cùng đất nước, cùng giống nòi, cùng tiếng nói, cùng lễ giáo, cùng phong tục, cùng quyền lợi, cùng luật pháp, cùng lịch sử” để biện biệt về vấn đề Đỗ Viện là người nước Nam hay người nước Tàu. Câu hỏi xuất phát từ một đối thoại Bắc – Nam, tiêu chí và thao tác khái niệm lại đến từ tư tưởng phương Tây, và kết quả thì lại mang tính dân tộc. Một cách hiển ngôn, ông cho rằng, dù Đỗ Viện là gốc Tàu hay gốc Nam, thì Đỗ Viện là một gương mặt anh hùng của lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc. Hai lý do để ông đưa ra nhận định này là vì Đỗ Viện – Đỗ Tuệ Độ đã xây dựng một xã hội Giao Châu đạt đến “hoàng kim thời đại”, và là một tấm gương “trung thành với đất nước”. Vẫn là một giọng viết đa thanh, pha trộn giữa các hệ tiêu chí và các quan điểm sử.

Có thể nói, Nguyễn Văn Tố đã sử dụng sử học để tái lập truyền thống đấu tranh giành độc lập, và lịch sử ái quốc của người Việt. Đại Nam dật sự và Sử ta so với sử Tàu là những đối thoại đa thanh giữa Nam với Bắc, giữa Đông với Tây, giữa cổ với kim. Các diễn ngôn chính trị đã được lồng ghép đan cài dưới các khảo cứu sử liệu công phu nhằm hướng mục đích duy nhất “bồi quốc hồn – bổ quốc não”, chấn hưng dân chí, phục hồi dân khí, phát dẫn lòng yêu nước thương nòi.

Song vấn đề quan trọng nhất mà Ứng Hòe hướng đến là âm hưởng của khái niệm “ái quốc” và “độc lập”. Những người mà ông muốn đối thoại là những học giả người Pháp. Nếu như các học giả Pháp cho rằng người Việt không biết ái quốc nhằm phục vụ cho công tác cai trị thuộc địa, thì Ứng Hòe chứng minh rằng ái quốc là một hiện tượng lịch sử lâu dài của Việt Nam. Hàm ý rằng lịch sử ái quốc là tiền đề cho những nỗ lực giành độc lập của Việt Nam vào thời điểm đó. A. Launay trong cuốn Histoire ancienne et moderne de L’Annam (trang 106) cho rằng: “Gọi là nước thì phải liên lạc các tỉnh với nhau thành đoàn thể, kết hợp bằng những mối hồi tưởng vẻ vang hay buồn rầu. Đối với người An Nam thì không thế: chỉ là luật lệ, chế độ và phong tục mà thôi. Có lẽ người An Nam ghét người ngoại quốc hơn là yêu nước, không phải ghét vì cớ người ngoại quốc giày xéo đất nước, hay là truyền bảo theo lệnh chủ khác: chính là ghét vì cớ người ngoại quốc bắt theo luật mới, đổi tục cũ, không cho tập quán vào đâu cả”. Cách giải thích của A. Launay dường như là một diễn giải đánh lạc hướng chủ đề, và xóa nhòa các ranh giới giữa chính trị và văn hóa. Còn Nguyễn Văn Tố đã thẳng thắn nhìn vào bản chất vấn đề, ông dẫn lại chính A. Launay để phản bác rằng “Nhưng dù vì yêu nước, hay vì ghét người áp chế, bao giờ dân An Nam cũng giữ vững và giơ cao lá cờ độc lập”. Nguyễn Văn Tố đã phản bác lại quan niệm phổ biến khi đó cho rằng “Người nước Nam không biết nghĩa ái quốc”. Đại Nam dật sự ở khía cạnh này là một minh chứng hùng hồn về “một lịch sử ái quốc” của người Việt. Lịch sử ái quốc ấy đi liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập, mà những anh hùng – anh thư được nêu trong sách này là những tấm gương tiêu biểu cho quá trình người Việt đấu tranh để thoát khỏi ách đô hộ của người Tàu. Rõ ràng, một sử phẩm trong không khí đối thoại học thuật đã mang trong mình sự đối kháng chính trị với những diễn ngôn lịch sử ẩn tàng phía sau.

Tác phẩm “Đại Nam dật sử” (68 số, từ số 104, ngày 22/7/1943 đến số 209, ngày 25/10/1945), là công trình Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố chưa viết xong. Tác giả mới viết được đến năm 1207, đời vua Cao Tông triều Lý, sau đó ít lâu thì ông hy sinh. Trong ảnh: Bài viết “Đại Nam dật sử” (Tri Tân số 105, ra ngày 29/7/1943). Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Từ những phân tích trên ta thấy, một thực hành sử học đồng thời là một hành vi chính trị. Ngay chính ở đây tính hữu dụng của lịch sử (the ultility of history)7 đã thể hiện minh bạch. Một ví dụ về tính hữu dụng của nghiên cứu lịch sử là ở những đoạn Nguyễn Văn Tố viết về “chính sách người Tàu đối với nước Nam”. Theo tiêu chí “bị cai trị”, lịch sử mất nước được ông phân làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là giai đoạn Bắc thuộc ở thiên niên kỷ thứ nhất; giai đoạn thứ hai là thời thuộc Minh (1413-1428). Cách phân chia này vừa tiếp thu từ các sử phẩm Nho giáo vừa mang ảnh hưởng từ Phan Bội Châu. Tám Điều thú vị là Nguyễn Văn Tố đã tiếp thu các tư tưởng phân loại của phương Tây, ông viết: “một nước lớn đối với các nước dưới quyền, chỉ có mấy cách như sau này: một là bá chủ, hai là lợi dụng, ba là thực dân, bốn là đồng hóa, năm là hợp tác, sáu là khai phóng. Nước Tàu lúc đầu sang ta không phải có nhiệt tâm khai hóa như người Ả Rập đi truyền giáo sang Âu châu vào thế kỷ thứ 17, cũng không phải chỉ tìm vàng như Tây Ban Nha sang Tân Thế giới vào thế kỷ thứ 16, lại cũng không phải vì trong nước thiếu chỗ ở phải di dân ra nước ngoài như người Anh ở thế kỷ thứ 17… Xem như thế, thì người Tàu lúc đầu sang ta đã gồm cả ba cách bá chủ, lợi dụng và thực dân. Còn như cách đồng hóa, hợp tác và khai phóng, sẽ xét sau trong chuyện những người sang đô hộ. Nhưng đại khái có thể nói tóm ngay rằng phần nhiều chỉ lợi cho họ, ít lợi cho ta.” Ta thấy, Nguyễn Văn Tố đã từ khước các khái niệm “Trung Quốc” – “Hoa Hạ” – “Thiên triều” – “phiên bang” – “chư hầu” của truyền thống sử chí Đông Á, ông sử dụng cặp khái niệm “nước lớn” – “nước dưới quyền”. Sự từ khước này còn hàm ý hướng đến “những người đang đô hộ”, ở thời điểm khi đó chính là người Pháp. Tiếc rằng, ông đã không có cơ hội để viết hết cuốn sử của mình.

Có thể nói, Nguyễn Văn Tố đã sử dụng sử học để tái lập truyền thống đấu tranh giành độc lập, và lịch sử ái quốc của người Việt. Đại Nam dật sựSử ta so với sử Tàu là những đối thoại đa thanh giữa Nam với Bắc, giữa Đông với Tây, giữa cổ với kim. Các diễn ngôn chính trị đã được lồng ghép đan cài dưới các khảo cứu sử liệu công phu nhằm hướng mục đích duy nhất “bồi quốc hồn – bổ quốc não”, chấn hưng dân chí, phục hồi dân khí, phát dẫn lòng yêu nước thương nòi. Tinh thần ái quốc của Nguyễn Văn Tố không chỉ thấm đẫm trong các trang sử bút mà còn thể hiện bằng cả sinh mệnh cá nhân và nhiệt huyết cuộc đời. Ông hy sinh năm 1947 trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng ngọn lửa ái quốc của ông còn truyền lại cho nhiều thế hệ sau này. Ông hiện lên với tư cách là một nhà sử học ái quốc, dùng lịch sử để thay đổi lịch sử của đất nước, dùng lịch sử như là một công cụ chính trị, và dùng cả sinh mệnh mình để cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

——-

Chú thích:

1 Hà Văn Tấn, Lời giới thiệu, trong “Đại Nam dật sử”, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 1997, tr.7.

2 Gồm bốn vị Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn.

3 Đại Nam dật sự  là tuyển tập từ những bài viết của ông trên 72 số báo Tri Tân từ năm 1943 đến năm 1945: 104, 105, 106, 107, 108, 109, 110, 111, 114, 115, 116, 117, 118, 121, 122, 124, năm 1944 : 128, 129, 130, 131, 132, 137, 138, 139, 140, 141, 142, 143, 144, 145, 146, 149, 150, 152, 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168, 169, 170, 171, 172, năm 1945 : 173, 174, 180, 181, 182, 183, 187, 188, 190, 191, 193, 195, 196, 198, 200, 202, 203, 207, 209 (thiếu một số, chưa hết) [Ngô Thế Long, Bùi Thị Thái, Thư mục sách, bài báo của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Viện Thông tin Khoa học Xã hội]

4 Đại Việt sử ký toàn thư mãi đến năm 1945 mới xuất bản bản dịch tập đầu của Nhượng Tống.

5 Nguyễn Trãi xưa viết về Hồ Quý Ly đã dùng viết: “Họa phúc duyên do đâu một buổi, Anh hùng để hận mấy nghìn đời.” (Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật, Anh hùng di hận kỉ thiên niên. 禍르唐첵렷寧휑,亶衿遺붸幾푤쾨)‭ ‬[Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Tập 1, 2001, tr.83-84].

6 Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Tinh thần thượng võ, Tri Tân số 211– thứ năm mùng 8 tháng 11 năm 1945, tr.722.

7 Trần Trọng Dương, 2019, Việt Nam thế kỷ X – những mảnh vỡ lịch sử, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 439tr.

Tác giả