“Đồng quê” của Beethoven

Giao hưởng số 6 “Đồng quê” của Beethoven là một bản tụng ca tự nhiên với sự hài hòa và cân đối muôn thuở của nó.

Miêu tả ngày cuối cùng của cuộc đời Beethoven, Romain Rolland đã viết: “Đó là một ngày bi thảm. Trên bầu trời có những đám mây nặng nề… khoảng 4 hay 5 giờ chiều, những đám mây u ám khiến căn phòng tối tăm hoàn toàn. Đột nhiên, một cơn giông tố bắt đầu với lốc và tuyết… sấm sét khiến căn phòng rung lên, chiếu sáng nó bằng ánh phản quang của tia sét trên nền tuyết. Beethoven mở mắt và bằng một cử chỉ hăm dọa, ông giơ cánh tay phải của mình lên trời với nắm đấm xiết chặt. Vẻ mặt ông thật khủng khiếp. Tay ông rơi xuống. Mắt ông khép lại. Beethoven đã không còn nữa.”

Bình luận về Chương IV – Giông tố, bão táp, chương nhạc mô tả một cơn giông mùa hè gây ấn tượng mạnh mẽ trong Giao hưởng số 6 “Đồng quê” của Beethoven, Hector Berlioz đã viết: “Beethoven đã bỏ xa phía sau tất cả những gì người khác thử sáng tác trong thể loại này”.
 
Chi tiết Beethoven giơ nắm đấm lên bầu trời giông tố trước khi trút hơi thở cuối cùng là do Huttenbrenner, người túc trực bên Beethoven đang hấp hối kể lại. Mọi suy diễn từ chi tiết này đều không thể nào chứng thực được. Nhưng thính giả hoàn toàn có thể chứng thực được nhận định của Berlioz nếu so sánh Chương IV – Giông tố, bão táp trong Giao hưởng số 6 “Đồng quê” của Beethoven với các tác phẩm cùng đề tài của các tác giả trước Beethoven.

Giao hưởng số 5 “Định mệnh” và Giao hưởng số 6 “Đồng quê” của Beethoven được công diễn lần đầu trong cùng một buổi hòa nhạc tại Vienna vào ngày 22/12/1808. Nếu như Giao hưởng số 5 “Định mệnh” nói về tiền định của con người, nghĩa vụ, đạo đức cao quý đối với nhân loại, cuộc chiến đấu của con người, thì Giao hưởng số 6 “Đồng quê” là một bản tụng ca tự nhiên với sự hài hòa và cân đối muôn thuở của nó.

Giao hưởng số 6 “Đồng quê” được đón nhận khá lạnh nhạt trong lần đầu công diễn, chủ yếu vì khán giả quá ấn tượng với người bạn chói lọi hơn của nó là Giao hưởng số 5 “Định mệnh”. Nhưng sau sự khởi đầu kém may mắn đó, Giao hưởng số 6 “Đồng quê” cũng trở thành một tác phẩm trung tâm trong vốn tiết mục thể loại giao hưởng. Trong bộ phim hoạt hình Fantasia (phiên bản năm 1940) của hãng Walt Disney, Bản giao hưởng “Đồng quê” được sử dụng để làm nhạc nền cho một câu chuyện về thế giới thần thoại Hy Lạp.
 
Thay vì 4 chương như hình thức giao hưởng chuẩn mực thời cổ điển Vienna, Giao hưởng số 6 “Đồng quê” gồm 5 chương nhạc hoàn toàn phù hợp với lời ghi chú của Beethoven là “những hồi tưởng về đời sống thôn quê… biểu lộ cảm xúc nhiều hơn là hội họa”:

Chương I – Sự bừng tỉnh của cảm xúc tươi vui khi về tới thôn quê
Chương II – Cảnh bên suối
Chương III – Cuộc họp mặt vui vẻ của dân làng
Chương IV – Giông tố, bão táp
Chương V – Bài ca mục đồng, niềm vui sau giông bão.

Trong chương I của bản giao hưởng, Beethoven miêu tả niềm vui sướng của con người khi về tới chốn đồng quê thoáng đãng, bao la, bát ngát. Dàn nhạc giao hưởng tấu lên một bài ca tươi vui không dứt và đầy thi vị.

Chương II là cảnh thanh bình bên một con suối mát lành, các nhạc cụ thể hiện tiếng nước chảy róc rách, tiếng cỏ cây hoa lá xào xạc, tiếng chim hót líu lo. Ở cuối chương nhạc, sáo flute thể hiện tiếng chim sơn ca, kèn oboe thể hiện tiếng chim cun cút, và kèn clarinet thể hiện tiếng chim cu gáy.

Ba chương nhạc cuối được biểu diễn liên tục mà không có tạm nghỉ giữa các chương. Một cơn giông chợt tới giữa lúc dân làng đang tụ họp vui vẻ.

Ở Chương IV, cơn giông được miêu tả sinh động bằng các phương tiện của dàn nhạc: những hạt mưa đầu tiên, sấm rung, chớp giật, gió gào, trận mưa như trút… Không chỉ thế, chương nhạc còn miêu tả cảm giác kinh sợ hoặc khoái trá của người chứng kiến sức mạnh của tự nhiên. Cơn giông tố cuối cùng cũng kết thúc với những tràng sấm thi thoảng vọng tới từ phía xa.

Chương V nối tiếp ngay sau đó với một chủ đề có thể được diễn dịch như sự miêu tả về một chiếc cầu vồng. Vạn vật lại tươi cười và người ta nghe thấy những tiếng kèn gọi bạn (horn và clarinet) của mục đồng. Bè violin tấu lên một giai điệu tươi mát, quyến rũ. Cả bản giao hưởng kết thúc bằng hai hợp âm mạnh mẽ.

Beethoven là một người yêu thiên nhiên và dành nhiều thời gian đi dạo ở miền quê. Theo ông hướng về thiên nhiên không phải là sự lẩn trốn đấu tranh trong cuộc sống như đặc tính của những người theo chủ nghĩa Lãng mạn. Mà chính trong sự hòa hợp với thiên nhiên, con người tìm thấy nguồn sức mạnh cho những hành động mới, quả cảm, anh hùng.

Hầu hết các nhan đề gắn liền với các tác phẩm âm nhạc của Beethoven là do người khác đặt. Giới phê bình, bạn bè và các nhà xuất bản đã hư cấu ra các cái tên “Ánh trăng”, “Bão táp” và “Appassionata”… cho các piano sonata nổi tiếng của Beethoven. Tên hiệu các nhà bảo trợ nổi tiếng của Beethoven như Archduke Rudolph, bá tước Razumovsky, bá tước Waldstein… được gắn liền với các tác phẩm do họ đặt hàng hoặc được nhà soạn nhạc đề tặng. Như vậy, vô hình trung các nhà bảo trợ đã giành được một kiểu danh tiếng muôn thuở nhờ việc ủng hộ Beethoven.

Trong số chín bản giao hưởng, Beethoven chỉ chủ động đặt tên cho hai bản số 3 và số 6. Chính tay Beethoven đã gạch xóa nhan đề “Bonaparte” trên trang bìa của bản Giao hưởng số 3 do mình đặt và về sau lại sửa thành “Sinfonia Eroica” (Giao hưởng Anh hùng). 

Những câu chuyện về “tiếng gõ cửa định mệnh” trong bản giao hưởng số 5 và chương hợp xướng của bản giao hưởng số 9 đã khuyến khích những liên hệ mang tính chương trình cho các tác phẩm này, khởi đầu ngay từ thời Beethoven. Riêng Giao hưởng số 6 – Giao hưởng “Đồng quê” – lại đứng tách ra khỏi các bản giao hưởng khác và thực chất là ra khỏi gần như toàn bộ các tác phẩm khí nhạc và nhạc cho đàn phím của ông do nội dung ngoài âm nhạc rõ ràng của nó. Tên đầy đủ của bản Giao hưởng số 6 do Beethoven đặt là: “Giao hưởng đồng quê, hay những ký ức về đời sống thôn quê.”

Tiêu đề của các chương nhạc trong Giao hưởng “Đồng quê” mà Beethoven đặt gần giống với các tiêu đề trong tác phẩm “Le Portrait musical de la nature” (Chân dung tự nhiên bằng âm nhạc) mà nhà soạn nhạc Justin Heinrich Knecht (1752-1817) soạn 25 năm trước đó. Không chắc Beethoven đã được xem tổng phổ tác phẩm này nhưng ông có biết đến các tiêu đề của nó. Trên bản thảo của bản giao hưởng “Đồng quê”, Beethoven bình luận rải rác: “thính giả nên được phép khám phá các tình huống… bất cứ ai có một quan niệm về cuộc sống thôn quê đều có thể tự nhận ra các chủ ý của nhà soạn nhạc mà không cần nhiều tiêu đề… không có các tiêu đề cũng vậy thôi, toàn tác phẩm sẽ được nhận ra như một vấn đề thuộc về cảm xúc hơn là tranh vẽ bằng âm thanh.”

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)