Dưới bóng một cây du cổ tích

Câu chuyện về một bộ giáp trụ hành động mở ra đằng sau nó câu chuyện về khoảng trống, về cái trống rỗng vô biên mà nếu không có một hình thức, một tập hợp các mặt giới hạn vào một khoảng không cụ thể thì khó bề nhận ra được.

Sau những Nếu một đêm đông có người lữ khách, Nam tước trên cây, Tử tước chẻ đôi – các tiểu thuyết của Italo Calvino đã xuất bản ở Việt Nam vài năm lại đây – có một cảm giác thú vị và sáng rõ đầy gợi ý khi đọc Hiệp sĩ không hiện hữu*, đặc biệt trong câu chuyện, thấp thoáng hình ảnh nhà hiệp sĩ xứ Mantra lừng lẫy, lại chứa đựng truyện của nhân vật người viết kể công cuộc viết chính câu chuyện này về chàng Hiệp-sĩ-không-hiện-hữu, tương tự cái kiến trúc ta đã thấy ở Nếu một đêm đông…, trong đó cả tiểu thuyết và người viết tiểu thuyết trở thành các nhân vật của một tiểu thuyết, chứa đựng lẫn nhau, tạo nên một đồ hình lộng lẫy và hóm hỉnh về tác-phẩm-mở, suy ngẫm về nơi mà thực tại với văn chương hòa lẫn như nước sông với nước thủy triều trong dòng chảy hòa nhất của trải nghiệm sống thăng hoa trong hư cấu; còn câu chuyện về sự-không-hiện-hữu-nhưng-hiện-diện ở đây đem trò chơi hình thức đó làm một lối tiếp cận, nhận biết phương diện không hiện hữu của (cõi được thấy là/cái được ý niệm là/hay cái ý tưởng về) tồn tại – một lối tiếp cận giản dị như cách “Tổ tiên của chúng ta” đã làm: kể những câu chuyện cổ tích.

Chương I, mở đầu, hết sức hài hòa vững chãi và trọn vẹn đẹp như một chủ đề âm nhạc: chương này chia hai phần, phần đầu là cuộc điểm binh của Hoàng đế Charlemagne dẫn đến chỗ vị Hoàng-đế-của-Phương-Tây đối mặt với bộ giáp trụ trắng không tì vết che kín cả diện mạo xưng danh là Agilulfo Emo Bertrandino nhà Guildiverni (…); ông Hoàng đế chỉ hơi tỏ vẻ ngạc nhiên và yêu cầu nhà hiệp sĩ tự nhận “tôi không hiện hữu ạ” hãy lật tấm che mặt lên – “Chiếc mũ chiến trống rỗng. Không có ai bên trong bộ áo giáp trắng toát cài lông vũ óng ánh”; cuộc hỏi han chóng vánh rồi Hoàng đế bảo: “Ờ ờ, trong cương vị một kẻ không hiện hữu, ông quả là tài ba!” (tr.10-11); phần còn lại của chương này tường thuật ngắn gọn rất sinh động việc Agilulfo không-hiện-hữu thi hành bổn phận một cách chu toàn, chuẩn xác, tận tụy và cô đơn như thế nào – “… chắc chắn là một chiến binh gương mẫu; thế mà chẳng hiệp sĩ nào có thiện cảm với chàng”(tr.13).

Hoàng đế Charlemagne thì hiện hữu. Ông là một nhân vật lừng lẫy của lịch sử. Nhưng ông cũng còn là cả một biểu tượng và một huyền thoại. Ở đây thì hơn cả việc hoàng đế là điều kiện cần cho các nhà hiệp sĩ được là hiệp sĩ, Charlemagne nhận ra Agilulfo có nghĩa cái hiện hữu xác nhận cái không hiện hữu như một phần hợp thức của cái tổng số hiện hữu kia; Hoàng đế là cái đối lập để cho phép nhận ra sự hiện diện trống rỗng của Hiệp-sĩ-không-hiện-hữu; và câu nhận xét ưu ái Hoàng đế dành cho Agilulfo hàm chứa một tuyên bố: trò chơi đã bắt đầu.

Cần phải nói rằng những cuốn tiểu thuyết đã nhắc đến trên đây, gồm cả cuốn này của Italo Calvino, có phong vị rất khác biệt, một sự khác biệt mà khái niệm “phong cách” là không đủ để biểu đạt. Các tiểu thuyết này rất khác nhau, nhưng chúng có đặc điểm chung ở chỗ chúng hoàn toàn không có mùi tục lụy, chúng trong trắng như kiểu tình yêu Romeo-Juliet, chúng sinh động và rất mực hiện thực theo kiểu Voltaire, cũng theo cách ấy mà đi lại như con thoi giữa hài hước và đạo lý, và chúng là trò chơi theo nghĩa môn toán học là một trò chơi. Nếu cần đến một thí dụ minh họa cho quan niệm tinh hoa về thẩm mỹ, thì đây là một minh họa hiển nhiên.

Phải chăng cũng cần có ít ra một lần đứng bên những giáp trụ hiệp sĩ cổ xưa trong một nhà bảo tàng, để cảm nhận chúng như những ẩn dụ về hiện hữu? Bọc kín cầu kỳ và hoa mỹ từ đỉnh đầu đến gót chân, bộ giáp mang hình người, như là một biểu tượng sự hoàn hảo của hình thức, của một lối sống, và do đó, dĩ nhiên, của một tinh thần – thực lạ lùng nếu ta không thấy điều ấy là hiển nhiên, nhưng còn lạ lùng hơn nếu lại coi điều hiển nhiên ấy là vốn dĩ đã hiển nhiên rồi. Ta sẽ không suy đoán chủ ý của tác giả, nhưng, như trong các trình thuật về Agilulfo trong tiểu thuyết này, bộ giáp trắng tinh khôi đó tham gia hầu như mọi hành động cuộc chiến giữa quân Charlemagne và quân phương Đông “ngoại giáo” mà chẳng bao giờ bị vấy bẩn hay hư hại – nó cứ luôn luôn tề chỉnh hoàn hảo: truyện viết rằng nó chỉ là tinh thần, cái anh Agilulfo ấy, và là thứ tinh thần đặc biệt hay nói khác đi, là một biểu tượng của tinh thần, bởi nó không tỏ ra vương vấn hỉ nộ ái ố mỹ miều tự tín, mà chỉ chăm chú vào bổn phận, vào sự chính xác của kỹ năng hành động, ghi nhớ, suy tính theo các quy tắc và nhiệm vụ, như thể nó xa với con người còn hơn một bộ giáp là cái thứ còn có hình người; tức nó chỉ là cái-lý-tưởng, một thứ động-cơ-vĩnh-cửu biết nói; và thế là nó đã luận giải vì sao nó chỉ có thể không-hiện-hữu.

Câu chuyện về một bộ giáp trụ hành động mở ra đằng sau nó câu chuyện về khoảng trống, về cái trống rỗng vô biên mà nếu không có một hình thức, một tập hợp các mặt giới hạn vào một khoảng không cụ thể thì khó bề nhận ra được; và ở đây Italo Calvino đưa ra cái hình thức đối vị với trống rỗng ấy: giống như đã trước hết để cho Hoàng đế Charlemagne đối diện bộ giáp trụ trống rỗng Agilulfo, rồi trong hai chương tiếp đó để cho bộ giáp-hiệp sĩ này giao cắt với thế giới hiện hữu qua chàng Rambaldo khát khao nhận thức cũng như gã Gurdulù đói khát một giao diện, một bản sắc cho hiện hữu của chính mình – cả hai vấn đề mà Agilulfo đảm đương một cách hiểu biết và không chút nao núng, như biểu hiện trong cuộc đối thoại ngắn với Rambaldo khi cậu này hỏi ngài có thấy khổ vì thao thức suốt đêm và vì bộ giáp không bao giờ cởi khỏi người hay không, thì, rất à la Voltaire, chàng hiệp sĩ đáp: “Đào đâu ra người. Cởi hay mặc, với ta đều vô nghĩa. … – Sao vậy hả ngài? – Còn sao nữa hỡi cậu?” (tr.35); thế rồi chương truyện thứ tư ngay tiếp đó mở ra trên phong cách cổ tích điển hình: “Câu chuyện này diễn ra vào một Kỷ nguyên thế sự vẫn rối ren…”(tr.53), và người kể chuyện xưng “tôi” xuất hiện – nhân vật “xơ” Teodora nữ tu dòng Thánh Columba, chùm âm đối vị của chàng Hiệp sĩ bộ giáp rỗng.

Cái kiến trúc truyện từ đây hé lộ dần sự cấu tạo khác thường của nó: lối viết như cổ tích hay như sử chí mà các chương của tiểu thuyết này triển khai căn bản từ đầu đến cuối, một thứ cổ văn có thể thấy rõ dấu vết chẳng hạn như trong ba đoạn độc thoại với xác chết (ở tr.90-91) vang lên giọng bi kịch hùng hồn, triết lý, và hài hước – lối viết ấy vốn không có xuất hiện nhân vật kể xưng “tôi”; vậy nên cô tự xưng nữ tu Teodora bước êm ra ngoài văn bản; nhưng, một bất ngờ lớn của tiểu thuyết này chính là việc cô ta không tường thuật từ bên ngoài, mà tường thuật từ bên trong dòng sự kiện của truyện, với một vai trò xuyên suốt, một vai trò thuộc nhóm nhân vật chính; và cô ta lại bước vào văn bản trong một bản chất hai mặt: thuộc loại “các nhà biên niên sử và các nhà du ca” (tr.121), những người tường thuật về thời đại, đẻ ra những huyền thoại giai thoại và cổ tích, cùng lúc thì cô ta thuộc lớp nhà văn hiện đại sau này, những người viết hư cấu và có tự ý thức về việc hư cấu – những đoạn suy nghĩ và mô tả việc “Tôi viết nó trong tu viện, suy ra từ những thư tịch để lại, từ những câu chuyện phiếm, … , tôi cố gắng tưởng tượng, …” (tr.54) ở các phần mở đầu chương từ Chương IV đến Chương IX là những đoạn tuyệt vời hiếm có về văn chương, và xoáy sâu hun hút vào chủ đề, chẳng hạn: “nghệ thuật viết truyện là ở chỗ biết rút ra toàn thể phần còn lại của cuộc sống từ cái sự-không-là-gì-cả lĩnh hội được từ nó; nhưng khi trang viết kết thúc, thì cuộc sống lại lên đường, và ta nhận ra rằng những gì mình biết quả là một sự-không-là-gì-cả” (tr.98) – một người viết như thế đúng thực có thẩm quyền để nói về cái không hiện hữu; và Italo Calvino, giống như trong Nếu một đêm đông…, lại rũ áo bước ra ngoài khỏi vai tác giả, tựa như ông không-hiện-hữu trong cái kiến trúc tiểu thuyết này.

Câu hỏi then chốt đặt ra từ chuyện ấy đã được trình bày ngay từ đầu, như đã dẫn ở trên: tại sao con người vĩ đại như Hoàng đế Charlemagne lại có thể tin lời kẻ đứng trước mặt mình, mà mình không thấy được, rằng y không hiện hữu, tuy nhiên vẫn phụng sự?

Nhưng ai bảo ta rằng Hoàng đế tin một kẻ không-hiện-hữu? – Không. Ông ấy có vẻ như tin vào danh hiệu Hiệp sĩ mà bộ giáp rỗng kia xướng lên, theo đúng nghi thức, với những bằng chứng theo nghi thức đã kiến lập cái danh hiệu đó. Việc này chẳng khác gì việc ta tin những chuyện Anh em Grimm viết lại đúng là những chuyện đã được kể qua nhiều đời ngày xửa ngày xưa.

Tất cả các hiệp sĩ được kể đến trong truyện này, đặc biệt một nhân vật có liên quan trực tiếp đến danh hiệu và tước vị của Agilulfo – tay hiệp sĩ tập ấm, chiến binh trẻ tên là Torrismondo – đã sẵn lòng ngờ vực Hiệp-sĩ-không-hiện-hữu, không phải nghi vấn sự trống rỗng bên trong bộ giáp trụ tinh khôi có một không hai ấy, mà nghi vấn về nguồn hợp thức của cái danh hiệu ấy, rồi sẽ nhân dịp đứng lên tố giác Agilulfo trước mặt Hoàng đế Charlemagne. Và tình tiết này chính là nút thắt trong câu chuyện của “xơ” Teodora – ta hãy cứ gọi thế, dẫu bạn cũng (hoặc sẽ) biết cô ta chỉ khoác tấm áo nữ tu theo nghi thức vậy thôi.

Hãy quay lại một chút, khi bắt đầu xưng vai kể chuyện, “xơ” Teodora đã nói cô “kể ra câu chuyện này … để thực hành hạnh-sám-hối” (tr.55) và ta biết rằng, trong ngữ cảnh Kitô giáo, “sám hối” nguyên nghĩa là “thay đổi tinh thần và tâm trí mình”. Không thể nghi ngờ, cuộc kể chuyện và suy ngẫm suốt năm chương tiểu thuyết, như đã dẫn ở trên, đã biểu đạt rõ ràng những bước đi “sám hối” đó,cho đến lúc kể về sự biến xảy đến với Agilulfo, sự đổi thay trong tâm trí “xơ” Teodora đạt đến chín muồi, khi cô ngẫm thấy “vạn vật dịch chuyển và không có gì thay đổi trên lớp vỏ xù xì của thế giới”, trên đó, duy chỉ có Agilulfo thật sự chuyển động, và khi nói điều đó “tôi không hàm ý con tuấn mã, không hàm ý bộ áo giáp, mà điều gì đó đơn độc, tư lự về chính mình, nôn nóng, rong ruổi trên lưng ngựa và bên trong bộ áo giáp” (tr.165-166).

Tình tiết sự cáo giác của Torrismondo đe dọa lật nhào một huyền thoại: Agilulfo can trường và thông tuệ nhưng không chống lại được sự đe dọa đối với tính hợp thức của tước vị hiệp sĩ của chàng; dẫu chàng rồi sẽ chứng thực mình một cách tài ba đảm lược, thì điểm yếu chết người đã phơi lộ một lần cho mãi mãi – nếu không chính danh Hiệp sĩ, thì ngay cả không-hiện-hữu cũng không xong. Và dẫu Torrismondo ngộ nhận một cách cuồng tín, lại chịu cám dỗ rất cảm tính và trần tục, thì cái thách thức cậu ta ném ra vẫn là cái giá phải trả để kết thúc câu chuyện: bộ giáp trắng tinh khôi giải giáp trong rừng; và ở chỗ trước đây là cái không-hiện-hữu thì bây giờ là cái không-gì-cả: câu hỏi hàm ẩn lúc mở chuyện thì bây giờ là một câu hỏi hiển hiện, chỉ khác là ta đã trải nghiệm nó, thứ trải nghiệm vô song, chẳng hạn như trải nghiệm đọc câu chuyện “Ông lão đánh cá và Con Cá Vàng”, để rồi khi nào gặp sự bất ưng trong đời sống gia đình, một người đọc có thể sẽ nhớ lại, và tự bảo, việc này mình biết rồi.

Tiểu thuyết kết thúc happy-ending đúng như một cổ tích sau khi nhân vật chính là Hiệp-sĩ-không-hiện-hữu tan biến, ra đi, và “xơ” Teodora sẽ quay lại làm chính con người mình vốn có: xinh đẹp, tài ba, yêu một người-đàn-ông-trong-Bộ-giáp-trụ-trắng tinh khôi nọ…

Nhưng, điều này thì có chút gì đó khác với cổ tích – những lời kết thúc trang sách cuối cùng, cô ta kêu lên hứng khởi với tương lai, những lời xao xuyến, rạng rỡ, đầy tình yêu. Với tương lai vô nhân xưng mập mờ. Và tương lai là một trong những thứ khi nói đến ta biết chắc nó vẫn đang Không-hiện-hữu.

* Dịch giả: Vũ Ngọc Thăng; Nhã Nam – NXB Văn học; Giá bìa: 56.000 VNĐ

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)