Fidelio – hiện thân của bản giao hưởng “Anh hùng”

Mùa xuân năm 1804, Beethoven đặt bút hoàn thành những giai điệu cuối cùng của bản giao hưởng số 3 đồ sộ mang tên “Anh hùng”. Trước đó, các tác phẩm sonata “Kreutzer”, sonata “Appassionata”, sonata “Bình minh” đã ra đời với xúc cảm mãnh liệt đúng như thời đại của chúng – thời đại “Bão táp và Xung kích”. Tất cả dồn dập và ồn ã để chuẩn bị cho sự xuất hiện một trong những tác phẩm quan trọng nhất của nhạc sĩ - tác phẩm mà trước khi qua đời Beethoven từng gọi là “đứa con đầy nước mắt và vinh quang” - vở opera Fidelio.


Sự nhen nhóm

Tuổi trẻ của Beethoven gắn liền với đời sống âm nhạc thành Vienna với những sinh hoạt trong các sân khấu vừa và nhỏ. Thời gian này ông sáng tác khá nhiều các tác phẩm sân khấu tiêu biểu như vở ballet Creatures of Prometheus, âm nhạc cho vở kịch Coriolan của Collin và một số ca khúc nghệ thuật (Lied), tiểu phẩm thanh nhạc trên sân khấu kịch mà ngày nay phần lớn đã bị quên lãng.

Nhạc sĩ đương thời nổi tiếng người Pháp, Luigi Cherubini đã khuấy động thính giả các nhà hát bằng những vở opera có nội dung mới phần lớn là bi kịch thay thế dần các thể loại hài hước và thần thoại như Lodoiska, Médée, Elize, Les deux journées… Đặc biệt vở Les deux journées (Người chở nước) với phần lời của nhà văn Bouilly được dựng ở Nhà hát Hoàng gia năm 1802 đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Beethoven. Ông rất tâm đắc với phần kịch bản và luôn ca ngợi Cherubini là nhạc sĩ vĩ đại nhất. Chính từ đây ý tưởng hình thành một vở opera tiếp bước thần tượng của mình đã được Beethoven nhen nhóm.

Bước khởi đầu của vở opera bắt nguồn từ đơn đặt hàng của Nhà hát Vienna năm 1804 với Beethoven, và ông lập tức chú ý đến tác phẩm cũng của Bouilly mang tên Tình nghĩa vợ chồng. Đây là một câu chuyện dựa trên sự kiện có thật những năm Bouilly giữ chức nghị viên ở Tua, kể về một người phụ nữ dũng cảm cứu chồng khỏi sự trả thù đê tiện của tên tỉnh trưởng. Trước Beethoven, đã có hai nhạc sĩ là Pierre Gaveaux và Ferdinando Paer cùng sáng tác opera trên cốt truyện đó nhưng chúng nhanh chóng bị rơi vào quên lãng do âm nhạc quá xáo mòn. Tuy nhiên Beethoven đã lấy phần lời tác phẩm của Paer làm cơ sở cho bản thảo đầu tiên của mình, dưới tên gọi Leonora.

Cốt truyện của vở opera kể về Leonora, người phụ nữ đã cải trang thành đàn ông dưới tên gọi Fidelio để tìm cách cứu chồng. Chồng nàng là Florestan do tố cáo những việc làm phi pháp của tên tỉnh trưởng Pizarro đã bị hắn bỏ tù với âm mưu thủ tiêu. Leonora cải trang thành nam giới và xin vào làm trợ lí cho viên quản ngục Rocco để cứu chồng, nàng tìm cách đưa tin về hành động ti tiện của Pizarro cho Bộ trưởng Fernando, vốn là bạn cũ của Florestan. Được lệnh phải đào huyệt để chôn người tử tù ấy, Leonora đã gặp được chồng dưới hầm tối. Tên tỉnh trưởng xông vào đòi đâm chết Florestan nhưng Leonora đã xông ra đứng chắn trước hắn làm Pizarro ngỡ ngàng. Đúng lúc đó tiếng kèn trumpet vang lên báo hiệu viên Bộ trưởng đã tới giải cứu cho những tù nhân vô tội. Họ ùa ra quảng trường và hát bài ca vui bất tuyệt.

Những thất bại phủ đầu và sự vật lộn của thiên tài

Vai diễn chính đầu tiên được giao cho giọng soprano nổi tiếng là Anna Milder lúc đó mới 20 tuổi. Buổi công diễn đầu tiên vào ngày 20 tháng 11 năm 1805 tại nhà hát Kaerntnerthor, Vienna. Tuy nhiên đây là thời kì đen tối của thành Vienna khi trước đó 1 tháng, quân đội của Napoleon đã tràn vào thành phố và xua đuổi đám quý tộc. Nhà hát tràn ngập binh lính Pháp. Vở opera đã ra mắt ở phiên bản thứ nhất trong hoàn cảnh như vậy. Ở phiên bản này nhạc sĩ vẫn giữ nguyên phiên bản 3 màn của Paer, nhưng thực sự âm nhạc đã không lôi cuốn được khán giả mặc dù ông đã sửa chữa rất nhiều. Beethoven đã thay hẳn khúc overture đầu tiên và viết một overture khác mà ngày nay ta vẫn gọi là Overture “Leonora” No.2. Các khán giả chân chính còn lại hiếm hoi ở Vienna cũng hờ hững với tác phẩm. Điều này làm Beethoven rất khổ tâm. Trong một buổi họp ở nhà hoàng thân Karl Lichnowsky – người bảo trợ thân thiết của Beethoven, bạn bè ông đã ra sức thuyết phục nhạc sĩ sửa chữa lại một số chỗ trong tác phẩm. Ban đầu Beethoven đã kiên quyết bảo vệ tác phẩm “như một con sư tử bảo vệ đàn con của mình”, và phải rất vất vả những người bạn của nhạc sĩ mới thuyết phục được ông sửa chữa lại phần âm nhạc và kịch bản. Sự khó tính của Beethoven có lẽ bắt nguồn từ căn bệnh điếc lúc này đang gây cho ông những cực hình khi ông bắt đầu không thể phân biệt các bè trong dàn nhạc được nữa.

Năm 1806 vở opera được chỉnh sửa hoàn thiện. So với nguyên tác, nó đã được rút gọn lại chỉ còn 2 màn như chúng ta thấy ngày nay, quan trọng nhất ở lần chỉnh sửa này tác giả đã viết 1 overture đồ sộ cho tác phẩm, đó chính là khúc Overture “Leonora” No.3, một tác phẩm khí nhạc đặc biệt quan trọng mà Xerov đã gọi là “kì quan vĩ đại của nghệ thuật giao hưởng”. Tuy lần công diễn này có vẻ đã được công chúng đón nhận cởi mở hơn nhưng Beethoven lại gặp chỉ trích vô cùng gay gắt bởi các nhà phê bình và các nhạc sĩ đương thời mà điển hình là Cherubini – thần tượng của Beethoven. Cherubini đã công kích dữ dội khúc Overture “Leonora” No.3, cho rằng nó quá lộn xộn, dàn nhạc lấn át lời ca. Trong một lá thư viết gửi Beethoven, Cherubini đã khẳng định Beethoven không hiểu gì về thanh nhạc cả. Còn giới thượng lưu thì kịch liệt đả kích tác phẩm như họ đã từng làm với vở Đám cưới Figaro của Mozart trước đây. Chính vì vậy chỉ sau đêm diễn thứ hai, vở Leonora đã bị rút khỏi kịch mục của Nhà hát. Các năm sau đó Beethoven đã cố gắng để nó được trình diễn trên sân khấu ở Berlin, Praha và Bonn nhưng tất cả đều thất bại.

Đứa con vinh quang

Nếu so sánh với  bản Giao hưởng số 9, một tác phẩm cũng được phôi thai trong thời gian khá dài nhưng lại thành công ngay lần công diễn đầu tiên, thì vở Fidelio quả thật kém may mắn hơn nhiều. Bởi vì mãi đến năm 1814, sau lần chỉnh sửa thứ ba, Beethoven mới nhận được những đền đáp xứng đáng so với trí lực mà ông bỏ ra suốt 10 năm trời.


Anna PaulineMilder – Soprano đầu tiên thể hiện vai Fidelio

Kết quả của sự thành công đó chính là sự kết hợp giữa Beethoven với Georg Friedrich Treitschke – nhà văn nổi tiếng cùng thời. Beethoven đã gọi con người này là  Fernando – vị cứu tinh của Fidelio. Treitschke đã viết lại phần lớn lời ca và Beethoven cũng đã chỉnh sửa âm nhạc rất nhiều, một lần nữa nhạc sĩ đã viết một overture khác phù hợp hơn cho tác phẩm và nó đã gắn bó chặt chẽ với vở opera dưới tên gọi chính thức – Fidelio. Đặc biệt trong lần sửa chữa này Beethoven đã có những cách tân quan trọng với dàn nhạc cũng như hợp xướng. Và đây chính là tác phẩm Fidelio mà chúng ta vẫn thưởng thức ngày nay.

Một học trò của Beethoven đã kể lại rằng nhạc sĩ đã rất say sưa và hứng khởi khi chỉ huy buổi tổng duyệt và công diễn lần này, mặc dù lúc đó Beethoven đã bị điếc trầm trọng. Ngày 23 tháng 5 năm 1814, cũng tại nhà hát Kaerntnerthor nơi trước đây tưởng như đã chôn vùi tác phẩm, Fidelio trở lại huy hoàng với giọng hát của nàng Milder do chính tác giả chỉ huy. Michael Umlauf (người sau này đã giúp Beethoven chỉ huy bản Giao hưởng số 9) đã trợ giúp nhạc sĩ. Vở nhạc kịch đã thu được thành công mỹ mãn.

Ngày 18 tháng 7 cùng năm, Beethven đã tổ chức buổi biểu diễn doanh thu đầu tiên của vở. Và trong lớp khán giả nô nức đến xem có chàng trai trẻ Franz Schubert khi ấy mới 17 tuổi và sau ngày “chàng trai” ấy nhớ lại “tôi đã bán cả những cuốn sách quý của mình để mua được vé”.

Khởi nguồn của kỉ nguyên Lãng mạn

Nếu Giao hưởng “Anh hùng” đã đưa lịch sử giao hưởng sang một trang mới thì opera Fidelio cũng có ảnh hưởng vô cùng to lớn tới nghệ thuật opera của Đức thế kỉ XIX. Nhạc sĩ đã làm công việc rất quan trọng mà sau này thường được nhắc đến với thuật ngữ “giao hưởng hóa opera”. Dàn nhạc lúc này không còn đóng vai trò là một “nhạc cụ lớn” đệm cho giọng ca nữa mà đã tham gia trực tiếp vào tuyến phát triển của tác phẩm, thậm chí còn trực tiếp bộc lộ những dòng nội tâm của nhân vật. Các aria được xây dựng theo cấu trúc sonata, hợp xướng được xây dựng theo tính chất khí nhạc. Điều này ta có thể nhận thấy rõ ràng qua các aria của Leonora, Pizarro hay đoạn song ca (duet) của vợ chồng Florestan, nhất là “Hợp xướng tù nhân” ở đầu màn 2. Phần hợp xướng chiến thắng cuối vở được coi là tiền thân đầu tiên của chủ đề “Niềm vui” trong chương kết của Giao hưởng số 9, và Beethoven cũng đã trích hai câu trong bài  thơ An die Freude của thi hào Schiller “Ai tìm được người bạn đời yêu dấu/ Hãy tới đây cùng hát khúc hoan ca”. Nhạc sĩ đã đưa vào tác phẩm này tất cả các tư tưởng quan trọng nhất đời ông – tình yêu, sự chung thủy, tình bạn, sự hy sinh cá nhân, chủ nghĩa anh hùng và niềm vui bất tuyệt.

Richar Wagner sau này đã kế tục Beethoven trong việc xử lí dàn nhạc nhưng theo một cách cực đoan hơn. Schubert và Brahms luôn coi Fidelio là một sự mẫu mực còn M. Glinka – người đặt nền móng của opera Nga thì gần như tôn sùng nó khi ông nói với Xerov: “Tất cả các vở opera của Mozart cũng không thể so sánh với Fidelio”. Năm 1944, nhạc trưởng Arturo Toscanini đã chỉ huy vở Fidelio trực tiếp qua sóng phát thanh NBC như một thông điệp của phe Đồng minh gửi đến Adofl Hitler và Benito Mussolini.


Bản phác thảo Fidelio với những sửa chữa chằng chịt

Fidelio chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự miệt mài, tỉ  mỉ và cẩn thận của Beethoven. Ông đã bỏ công sức cho nó nhiều hơn hết thảy các tác phẩm của mình. Ngày nay người ta vẫn lưu giữ cuốn vở nháp gần 300 trang ghi dày đặc các phác thảo của tác phẩm, cũng như những dị bản của các aria và hợp xướng. Aria của Florestan có tới 18 dị bản khác nhau, hợp xướng tù nhân có tới 8 dị bản, khúc hoan ca có tới 10 dị bản… tất cả đã đủ nói lên tình yêu của Beethoven với tác phẩm này. Có người đã hỏi Beethoven tại sao ông không viết thêm một vở opera nào nữa, ông đã trả lời rằng “Tôi cũng rất muốn viết opera, nhưng thực sự tôi không tìm được kịch bản nào thích hợp cả…” Thực ra Beethoven đã khởi thảo một số kịch bản như Machbeth hay Werther và Faust của Geothe nhưng càng về sau, ông càng không tìm được tiếng nói chung trong tư tưởng của mình, thậm chí Beethoven đã tỏ ra khá thất vọng với cái kết mang tính “thỏa hiệp” trong kiệt tác Faust.

Romain Rolland đã viết rằng trước khi qua đời, cầm bản tổng phổ trao cho một học trò của mình, Beethoven đã nói: “Trong tất cả các tác phẩm của mình, chính vở nhạc kịch này mang cho tôi những xúc động mãnh liệt nhất và cũng là những nỗi phiền muộn nhất, và bởi thế tôi yêu quý nó hơn hết thảy các tác phẩm của mình…”

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)