Francesca Woodman -điều bí ẩn còn mãi

Francessca Woodman (1958 – 1981) được biết đến như một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của nước Mỹ với những tấm ảnh đen trắng chụp chính mình. Dù cuộc đời ngắn ngủi nhưng Francesca đã kịp để lại một kho báu các tác phẩm nhiếp ảnh có một không hai, gồm 800 âm bản và 120 bức ảnh đã được công bố. Chặng đường sáng tạo của cô như một bản tuyên ngôn khẳng định sự lạc lõng và cô đơn của con người trong thế giới,  được thể hiện qua nhiều trạng thái, bản thân - lúc khi trốn tránh, lúc dày vò, lúc cô độc.


Đến với một thiên thần

Francesca Woodman sinh năm 1958 tại Denver, Colorado. Cha mẹ cô đều là những nghệ sĩ nổi tiếng – họa sĩ, nhiếp ảnh gia George Woodman và nghệ nhân gốm Betty Woodman. Gia đình Woodman sở hữu ngôi biệt thự mùa hè cũ kỹ gần Florencia, Ý. Nét duyên dáng của ngôi nhà cũ, những mảng tường đổ nát về sau này luôn xuất hiện trong các tác phẩm của cô. Francesca đã học tại hai trường nữ sinh công lập lâu đời, danh tiếng là Học viện Abbot và Phillips.

Từ năm 1975 đến 1979, Francesca sống ở New York và làm nghiên cứu tại trường Thiết kế Rhode Island. Trong thời gian nghiên cứu, cô cũng dành một năm làm việc ở Roma và một số tác phẩm trong thời gian này đã được trưng bày tại một hiệu sách chuyên về chủ nghĩa vị lai và chủ nghĩa siêu thực. Tháng 1/1981, sau thời gian dài bị trầm cảm, cô đã tự chấm dứt cuộc đời bằng cách thả mình xuống từ một cao ốc.

Phong cách của Francesca là nguồn cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia sau này như Cindy Sherman, Hannah Wilke và Nan Goldin. Họ đều sử dụng cơ thể của mình trong các bức ảnh. Tác phẩm của Francesca hiện đang được trưng bày tại các gallery và các bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới: Gallery Nhiếp ảnh, Bảo tàng nghệ thuật hiện đại (Anh), Viện Detroit, Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (Mỹ), Bảo tàng nghệ thuật Guggenheim (Tây Ban Nha) và Kunsthall (Đức). Quá trình sáng tạo của Francesca cũng là mối quan tâm lớn đối với các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật hiện đại tại Mỹ.

Nhiếp ảnh và sự thử nghiệm bản thân
Cuộc đời của Francesca thật ngắn ngủi, 23 năm, nhưng số lượng tác phẩm nhiếp ảnh cô để lại hoàn toàn không nhỏ, và đến bây giờ ý nghĩa của các tác phẩm cũng như những điều cô muốn thể hiện vẫn còn nhiều bí ẩn.

Lớn lên trong môi trường nghệ thuật kết hợp với bản năng nhạy cảm của mình, Francesca hội tụ đầy đủ tố chất để trở thành một nghệ sĩ tài năng.

Tác phẩm đầu tay của Francesca được thực hiện năm cô 13 tuổi, mang tên Thirteen (1972). Chúng ta thấy cô ngồi ở một đầu chiếc ghế sofa trong một không gian không xác định, người mặc chiếc áo quá khổ với quần jean, cánh tay đặt lỏng lẻo trên tay ghế, tay kia cầm điều khiển máy ảnh, khuôn mặt bị một bức màn tóc che khuất. Còn tiền cảnh bị mờ đi bởi những chuyển động bất ngờ. Hình ảnh đầu tiên của cô cho thấy sự tinh tế trong cách tiếp cận với nghệ thuật. Với Francesca, không có những bức hình tham quan với bạn bè, gia đình hay hình ảnh vật nuôi. Những bức ảnh của cô đều được thực hiện cẩn trọng cho dù vẫn còn chút gì ngây thơ, nhưng như các nhà phê bình nghệ thuật khẳng định, đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật.


Một tác phẩm trong bộ ảnh On being an angel (Mùa xuân 1977)


Ảnh chụp năm 1976

 

Tác phẩm Thirteen cũng như một tuyên bố về phong cách của cô trong các bức ảnh sau này: lấy bản thân, cơ thể mình làm đối tượng chính.

Trong nhiều bức ảnh của Francesca, cô xuất hiện hoàn toàn khỏa thân, hoặc đi kèm với vài phụ kiện. Cơ thể của nữ nghệ sĩ có lúc như biến mất đâu đó, ẩn giữa những lớp vôi vữa trên tường, hay đằng sau đồ nội thất của các tòa nhà bỏ hoang. Dường như cô đang chơi với chính chiếc bóng mà mình tạo ra; có lúc cô lại treo mình lên cửa sổ hoặc cửa ra vào. Trong một số tác phẩm, cô khỏa thân cùng những đạo cụ đơn giản như bề mặt tường, mặt sàn thô ráp, tấm gương cũ nứt, bàn ghế hỏng. Ở một vài tấm ảnh khác, Francesca xuất hiện như một cái bóng mờ thể hiện những chuyển động chớp nhoáng, luôn không rõ mặt. Nhìn vào một trong những bức ảnh thuộc bộ ảnh Tự dối mình (1978 – 1979), chúng ta thấy Francesca trong gương, bán khỏa thân, hình thể, khuôn mặt tựa như rõ ràng, nhưng càng nhìn kỹ lại càng mờ nhạt so với các vật thể xung quanh.

Những bức ảnh của Francesca tạo ra một tấm màn mỏng ngăn cách cô với xã hội. Nhà nghiên cứu nghệ thuật hiện đại Martin Hammer đã viết: “Những hình ảnh lu mờ dần, để rút lui khỏi thế giới bên ngoài ngột ngạt, đi sâu vào nội tại u sầu, rồi tự trần trụi tìm kiếm bản thân”.


 Tắm – Bath (1980)

Không gian 2 – Space 2 (1977)

Trạng thái cô đơn cũng thường hiện diện trong các tác phẩm – Francesca khỏa thân đi mỗi đôi giày, ngồi trên một chiếc ghế trong góc phòng, hai bàn tay kẹp giữa đùi, đôi chân hơi kiễng. Dù không chụp hết toàn bộ thân hình, cũng không thấy mặt nhưng tâm trạng lo lắng, luẩn quẩn không tìm ra lối thoát hiện lên rõ rệt trong khuôn hình.

Những hình ảnh báo trước sự ra đi
Nói về câu chuyện này, chúng ta phải bắt đầu, có lẽ hơi miễn cưỡng từ cái chết của cô. Francesca đã nhảy từ mái một cao ốc ở New York năm 23 tuổi. Liệu tự sát có phải là lựa chọn đúng? Câu trả lời ở đây không quan trọng. Nhưng chúng ta thấy rõ ràng, Francesca tự sát là hành động không thể tránh khỏi. Một số bức ảnh của cô có vẻ giống như báo trước hành động đó. Sự thông minh, tham vọng trong Francesca quá sớm, và hoàn toàn không bình thường – chúng ta có thể nói đó là một món quà Chúa trời ban cho thiên thần của Người, và Người sẽ sớm đưa thiên thần quay lại với mình. 13 tuổi Francesca đã có những thử nghiệm đặc biệt với nhiếp ảnh, tìm kiếm rồi lại làm nhòa mờ hình ảnh của mình, và cố gắng “ẩn đi”, “biến mất” trong nhiếp ảnh.

Đam mê của Francesca nhiều hơn so với tuổi của mình. Đó không hẳn là một điều tốt. Nó như sự đe dọa, sự dày vò, hỗn loạn mà chính bản thân cô không kiểm soát được. Hiện diện trong những bức ảnh, cô dường như không phải là một thiếu nữ, mà là Francesca – một phụ nữ trưởng thành. Trong một bức ảnh, Francesca nằm trên chiếc ghế dài, quay lưng lại máy ảnh, cô mặc đồ lót đặc trưng của phụ nữ phương Tây, phía trên là những đôi tất giấy dài. Nếu những đôi tất này nằm ở trên ghế, hay dưới sàn nhà thì bức ảnh trở nên rất bình thường. Ở đây bốn chiếc tất giấy dài được treo lên nhìn như bức rèm đang buôn xuống, màu trắng và đen của tất tạo ra cảm giác bí ẩn, có chút gì đó hơi ma quái.

Hay như trong bộ ảnh Không gian chụp vào những năm cuối cùng của cô, nhắc đến không gian chúng ta thường hình dung ra một khoảng không rộng lớn. Nhưng ở đây không gian với Francesca là như thế nào? Là những hộp kính nhỏ chỉ vừa đủ thân thể, một góc lò sưởi hẹp… Trong con người đều có những khoảng thời gian mệt mỏi, muốn tìm một góc kín để chìm vào nó, để trốn tránh thực tại… Những người bình thường tự tìm cách cân bằng lại và tiếp tục cuộc sống thường nhật, nhưng những nghệ sĩ lại thường nghiêng về mặt cực đoan hơn… và khi không vượt qua được những giành giật trong nội tâm, họ chọn tìm đến cái chết như sự giải phóng, sự tự do không bao giờ có được nếu tiếp tục sống.

Cũng như vậy, với chúng ta Francesca vẫn luôn là một điều bí ẩn và chúng ta sẽ không ngừng đặt câu hỏi khi chiêm ngưỡng những bức ảnh của cô. Vâng, Francesca như một cuốn sách không có hồi kết.
                      Phan Tường Linh

Tác giả