Francis Poulenc – Người khám phá kho tàng mênh mông giai điệu

Francis Poulenc (7/1/1899 – 30/1/1963) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano người Pháp và thành viên Nhóm Sáu. Trong nửa đầu sự nghiệp, tính mộc mạc và thẳng thắn trong những sáng tác của ông đã khiến nhiều nhà phê bình không coi ông là một nhà soạn nhạc nghiêm túc. Dần dần, từ thế chiến thứ hai, người ta thấy rõ rằng sự thiếu vắng tính phức tạp ngôn ngữ âm nhạc của ông không hề tương ứng với sự thiếu vắng cảm xúc và kĩ thuật; và rằng khi đó, ở mảng âm nhạc tôn giáo Pháp, ông cạnh tranh uy thế với Messiaen, ở mảng mélodie ông là nhà soạn nhạc nổi bật nhất kể từ khi Fauré qua đời.

Sinh ra trong một gia đình tư sản phong lưu và sự di truyền từ cả cha lẫn mẹ được coi như chìa khóa cho cá tính âm nhạc của Poulenc: lòng tin Cơ đốc giáo sâu sắc từ gốc rễ Aveyron của cha và năng khiếu nghệ sĩ từ mẹ, một nghệ sĩ piano nghiệp dư. Hai mạch nguồn thế tục và tôn giáo đó đã cùng tồn tại trong tác phẩm của ông. Ông vừa là tác giả của Chansons gaillardes (Những khúc ca phóng túng) vừa là tác giả của bản Mass, vừa là tác giả của opera Les mamelles de Tirésias (Bầu ngực của Tirésias) vừa là tác giả của bản tụng ca tôn giáo Stabat mater. Claude Rostand tổng kết điều này trong một nhận xét trứ danh: “Trong Poulenc có cái gì đó của thầy tu và cái gì đó của tên lưu manh”.
Poulenc được mẹ đưa đến với đàn piano năm lên 5 tuổi và theo học Ricardo Vines từ năm 1914 đến 1917. Ảnh hưởng của Vines đã quyết định sự nghiệp làm nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc của Poulenc, nhờ có Vines mà ông được làm quen với những nhạc sĩ danh tiếng khác như Auric, Satie và Falla. Cũng trong khoảng thời gian ấy ông được một người bạn đưa tới hiệu sách của Adrienne Monnier trên phố l’Odéon. Tại đây ông đã có đặc ân gặp gỡ Apollinaire, Eluard, Breton, Aragon, Gide, Fargue, Valéry và Claudel rồi trở nên quen thuộc với tác phẩm của họ.
 

Nỗ lực sáng tác đầu tiên vào năm 1914 của Poulenc đã bị chính ông hủy bỏ. Năm 1917 ông khởi đầu lại tại Paris với Rapsodie nègre (Rhapsody người da đen), đề tặng Satie và được biểu diễn tại Théâtre du Vieux Colombier trong một buổi hòa nhạc tiên phong do Jane Bathori tổ chức. Đây được xem là một sáng tác thử nghiệm, bắt chước phong cách hội họa của Paul Gauguin. Nhưng cũng vì nó ông bị Paul Vidal đuổi khỏi nhạc viện Paris. Theo lời Poulenc thì Vidal tuyên bố: “Tác phẩm của anh thật ghê tởm, tai tiếng… Anh muốn chạy theo nhóm Satie và Stravinsky chứ gì? Thế thì tạm biệt anh luôn”. Stravinsky, người mà Poulenc cảm thấy rõ ảnh hưởng, sau khi hay chuyện đã giúp ông in tác phẩm tại nhà xuất bản Chester, Luân Đôn.
Việc nhập ngũ bắt buộc từ tháng giêng năm 1918 đến tháng giêng năm 1921 không cản trở Poulenc sáng tác và trình diễn, đặc biệt là tác phẩm Trois mouvements perpétuels thu được thành công ngay lập tức và Le bestiaire – tập mélodie đầu tiên dựa trên thơ Apollinaire. Các tác phẩm của Poulenc thường được biểu diễn trong những buổi hòa nhạc tại xưởng vẽ của họa sĩ Emile Lejeune ở phố Huyghens thuộc khu Montparnasse, nơi chương trình cũng gồm tác phẩm của Milhaud, Auric, Honegger, Tailleferre và Durey. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của “Nhóm Sáu” vào năm 1920, tên do Henri Collet đặt trong bài bình luận một buổi hòa nhạc có tác phẩm của cả sáu tác giả. Còn hơn cả việc có chung nguyên tắc thẩm mĩ chống lại ảnh hưởng của hai trường phái âm nhạc có ảnh hưởng lớn ở Pháp thời bấy giờ là Hậu lãng mạn và Ấn tượng, Nhóm Sáu đã đoàn kết bằng một tình bằng hữu bền chặt.

Năm 1921, Poulenc xin theo học Charles Koechlin vì cho đến lúc đó ông đã “tuân theo tiếng gọi của bản năng hơn là trí óc”. Ông tiếp tục theo học Koechlin khi nhận hợp đồng từ Diaghilev cho vở ballet Nga Les biches, biểu diễn lần đầu tại Monte Carlo năm 1924 và được cả công chúng lẫn giới phê bình đón nhận. Là người của cả giới trí thức lẫn nghệ sĩ, Poulenc hay lui tới với giới thượng lưu Paris, vào thời kỳ mà những nhà bảo trợ tư nhân vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc. Phu nhân Edmond de Polignac đặt ông viết Concerto cho hai piano và Concerto cho organ. Còn Aubade và Le bal masqué được sáng tác cho những sự kiện do Marie-Laure và Charles de Noailles tổ chức. Poulenc nhanh chóng nhận thấy rằng máy hát sẽ đóng một vai trò lớn trong việc truyền bá âm nhạc và những bản thu âm đầu tiên của ông đã được thực hiện từ năm 1928.
Poulenc đã phải chịu đựng cơn suy sụp nghiêm trọng đầu tiên vào cuối những năm 1920, chính vào khoảng thời gian ông nhận thức đầy đủ về tình trạng đồng tính của mình. Nỗi đau do cái chết của Raymonde Linossier vào năm 1930 rất lâu sau mới thành sẹo. Những bức thư của ông đã tiết lộ rằng cô là người phụ nữ duy nhất ông muốn kết hôn. Trong suốt cuộc đời, những bức thư của ông đã chứng thực sự phức tạp của đời sống tình cảm, điều liên quan gần gũi với sáng tạo của ông. Chúng cũng tiết lộ việc ông có một cô con gái sinh năm 1946. Tùy thuộc vào chu kỳ rối loạn thần kinh, Poulenc luôn hồi phục từ suy sụp để bước vào những giai đoạn hăng hái và lần lượt bị ám ảnh bởi hoài nghi và toại nguyện.
Các bước ngoặt cuộc đời của Poulenc vào những năm 1930 là việc hình thành duo sáng tác – biểu diễn với baritone Pierre Bernac và sự ra đời những tác phẩm tôn giáo đầu tiên. Sự cộng tác với Bernac kéo dài từ năm 1934 đến 1959 và Poulenc đã viết khoảng 90 mélodie dành riêng cho những buổi recital của họ. Nhịp điệu cuộc sống của Poulenc từ đó được luân phiên bằng những thời kỳ sáng tác. Ông chia cuộc sống giữa Paris, nơi ông duy trì những liên hệ gan ruột và ngôi nhà tại Noizay ở Touraine, nơi ông ẩn dật để sáng tác. Cái chết của nhà soạn nhạc Pierre-Octave Ferroud ảnh hưởng sâu sắc đến ông nhưng một cuộc hành hương tới Nhà thờ Đức Bà ở Rocamadour vào năm 1936 đã làm hồi sinh lòng tin Cơ đốc giáo, kết quả là tác phẩm Litanies à la vierge noire (Kinh nguyện cầu Đức mẹ da đen).
Poulenc trải qua phần lớn thế chiến thứ hai tại Noizay, thuộc vùng Đức chiếm đóng. Tại đó ông đã sáng tác, đáng kể nhất là Les animaux modèles, công diễn lần đầu tại Paris Opéra năm 1942 và tác phẩm hợp xưởng cho 12 giọng Figure humaine, phổ những bài thơ mà Eluard bí mật xuất bản được. Vở opera đầu tiên của ông, Les mamelles de Tirésias, được công diễn lần đầu tại nhà hát Opéra-Comique vào năm 1947 và là khởi đầu cho sự cộng tác với soprano Denise Duval, người trở thành nữ ca sĩ diễn chính ưa thích của ông. Năm 1948 chứng kiến việc mở rộng sự nghiệp quốc tế của Poulenc khi ông tiến hành chuyến lưu diễn đầu tiên tại Hoa Kỳ. Ông còn quay lại đó thường xuyên cho tới tận năm 1960 để tổ chức hòa nhạc với Bernac hoặc Duval, hay để tham dự buổi công diễn lần đầu một số tác phẩm của mình, đặc biệt là Piano Concerto do dàn nhạc giao hưởng Boston đặt viết. Giữa những năm 1947 và 1949, ghi nhận ảnh hưởng quan trọng của radio, ông lên kế hoạch và thực hiện một loạt chương trình trên sóng đài phát thanh quốc gia Pháp.
Trong những năm 1950 ông là một nhà soạn nhạc tận tâm với tính độc lập cao, chủ tâm giữ khoảng cách với xu hướng âm nhạc của thời đại trong khi vẫn chú ý tới những gì đang diễn ra. Trong số những sáng tác của ông thập niên này, opera Dialogues des Carmélites (Đối thoại của những nữ tu dòng Carmelite) do nhà hát La Scala ở Milan đặt viết đã nhanh chóng thu được thành công quốc tế và opera La voix humaine (Giọng người) đánh dấu 50 năm tình bạn với Jean Cocteau.
Poulenc đột ngột qua đời tại căn hộ của ông ở Paris và để lại một gia tài sáng tác khá lớn: 3 opera, khoảng 150 mélodie, nhiều tác phẩm cho piano và dàn nhạc, concerto cho 2 piano, concerto cho organ, concerto cho harpsichord, 4 bản sonata cho các nhạc cụ hơi với phần đệm piano, nhiều mass… Dù không có sáng tạo nào đặc biệt về kết cấu, nhịp điệu, hòa âm, nhưng Poulenc đã tìm thấy con đường của mình để tới một kho tàng mênh mông những giai điệu chưa được khám phá trong một vùng mà theo bản đồ âm nhạc mới nhất thì đã được khảo cứu, khai thác và kiệt quệ. Trong một bức thư năm 1942 ông viết: “Tôi biết một cách thấu đáo rằng tôi không phải là một trong những nhà soạn nhạc đã làm nên những cách tân về hòa âm như Igor (tức Stravinsky), Ravel hay Debussy, nhưng tôi nghĩ có một phạm vi cho âm nhạc mới mà không ngại sử dụng những hợp âm của dân tộc khác. Đó không phải là trường hợp của Mozart – Schubert ư ?” Và nếu Poulenc không hoàn toàn là một Schubert thì ông nằm trong số những ứng cử viên xứng đáng nhất của thế kỉ 20 cho vị trí kế tục này.

Ngọc Anh

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)