Gánh nặng của chuyển dịch ngôn từ

Thực ra nên mừng, khi một tác phẩm ra mắt và được đông đảo người đọc góp ý phê bình, theo nghĩa tích cực hay tiêu cực cũng được, vì không gì buồn hơn nếu nó rơi tõm như đá ném ao bèo. Đoàn hộ nhẫn* đang chứng kiến một cuộc tranh luận rộng rãi, trước tiên là một tín hiệu đáng mừng.

LẤY ĐÀ XA XA MỘT CHÚT, ĐỂ BIẾT RẰNG
khi giáo sư Anh ngữ John Ronald Reuel Tolkien đặt bút viết Chúa tể những chiếc nhẫn, thực ra ông nể nhà xuất bản đang muốn tận thu thêm chút ít từ dư âm của Hobbit, một cuốn sách thiếu nhi rất thành công cùng tác giả. Chắc hẳn cả nhà xuất bản lẫn Tolkien đều không ngờ rằng bảy thập kỷ sau, tác phẩm này vẫn khiến thiên hạ tốn nhiều giấy và mực (hay bit và byte). Tâm điểm của những tranh cãi nhiều chiều đó lại không phải nội dung, mà là cách dịch. Vì nói cho cùng thì truyện cổ tích kiêm giả tưởng mang màu sắc tín ngưỡng kiểu này chẳng có gì để bàn về nội dung cả. Tuy nhiên, được coi là Phúc âm đời mới, nó được đón nhận ở khắp nơi – nghĩa là chúng ta cần đến các thợ chuyển ngữ.
Giờ mà bàn đến các quan điểm dịch thuật thì hết ngày cũng chưa xong. Người thì cho là phải dịch từng chữ cho sát để nhận ra ngay tác giả mắt xanh mũi lõ, kẻ muốn dân tộc hóa 100% theo kiểu Mr Phlegm biến thành Ngài Đờm Vĩnh Hưng, đám trung dung ở giữa đánh nhau vỡ đầu vì tiêu chí Tín-Đạt-Nhã…

May mà ở đây địa bàn giao chiến hẹp hơn, quanh quẩn mấy cái tên người và địa danh. Và đây chính là vấn đề đang được độc giả quan tâm khi Đoàn hộ nhẫn chào đời. Để tỏ lòng tôn kính với tác giả – vốn là tư tưởng chủ đạo khi dịch sách – ta nên nhắc đến chuyện bếp núc của các biên dịch viên là những người thừa hiểu ra áp lực từ một tác giả
KHÓ TÍNH NHƯ TOLKIEN.

Là người dạy văn học và ngôn ngữ, tác giả Tolkien ý thực rõ rệt được khoảng giao thoa khá rộng giữa tiếng Anh với các tiếng German nằm trong nhóm ngôn ngữ Ấn-Âu, bao gồm chừng 15 thứ tiếng (Hà Lan, Afrikaans, Thụy Điển, Đan Mạch, Yddish…) với 0,7 tỉ người dùng, trong đó tiếng Đức được coi là có họ hàng thắm thiết nhất, và tôi xin phép lấy (các) bản tiếng Đức để mổ xẻ vấn đề đang được xơi đá. Người Đức băn khoăn rất lâu, không muốn dịch Lord of the Rings vì nhiều lý do không liên quan đến chủ đề hôm nay. Đùn đẩy mãi mới có một nhà xuất bản chuyên làm sách giáo khoa dám nhận, cũng chỉ vì họ đang đứng trước bờ vực phá sản nên chẳng còn gì để mất. Margaret Carroux, một nữ dịch giả nổi tiếng, được chọn làm công việc khó khăn này, nhất là khi cuốn sách đã ra mắt ở nhiều tiếng German khác và đều bị Tolkien vùi dập vì tội phóng tác quá trớn. Được báo là Đức và Đan Mạch (do Ida Nyrop Ludvigsen dịch) mua bản quyền, Tolkien lập tức viết thư mời trợ giúp và nhấn mạnh là ông làm miễn phí, cốt để đứa con tinh thần của mình đừng… bị hao hao giống ông hàng xóm. Đây cũng là những bản dịch duy nhất được tác giả trực tiếp nắn cho từng dòng, vì sau khi sách ra sạp một thời gian thì Tolkien cũng qua đời. Trong sự cộng tác quý hiếm ấy, Tolkien đặc biệt nhấn mạnh cách
DỊCH TÊN NGƯỜI TÊN ĐẤT
bởi vì, như đã nói ở trên, tác giả như con sẻ bị thương sợ cành cây cong. Bản dịch sang tiếng Hà Lan và Thụy Điển làm ông rất phiền muộn vì người ta đã tự tiện dịch quá thoáng các tên mà ông mất nhiều năm để phát triển chứa đầy hàm ý và hợp với logic ngữ cảnh của câu chuyện. Riêng chuyện này, người đọc Việt Nam có thể tìm ra vô thiên lủng ví dụ song song. Đã nghe Nguyễn Du tả Mã Giám Sinh bằng hai câu Quá niên trạc ngoại tứ tuần / Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao thì biết đó nhất định là một kẻ phong tình, hoặc một Hợp tác xã Quyết Thắng thì ắt phải ra đời ngay sau cải cách ruộng đất. Nhưng bây giờ hãy quay lại với Tolkien. Ông thảo hẳn một phụ lục với danh mục các tên cấm không được thay đổi (!), nhấn mạnh các tên trong ngôn ngữ Tiên cũng vậy. Những tên còn lại cũng được ông gợi ý dịch ra sao cho hợp cốt truyện. Cả quá trình dịch, thư từ đi lại như bươm bướm. Ví dụ chữ Elves vốn hay được dịch thành Elfen của tiếng Đức, nhưng Tolkien ép dịch thành Elben cho gần với chữ Alb của tiếng Đức cổ, nhằm tạo một không khí đậm tính lịch sử hơn. Hoặc chữ Shire chỉ một đơn vị địa lý đang bị nhiều bạn đọc thắc mắc, trong tiếng Đức có một chữ trùng hợp tuyệt đối là Gau, song cả Tolkien lẫn Carroux đều muốn tránh vì thời phát xít Đức đã quá lạm dụng từ này.

Tại sao những nhân vật nước ngoài mà lại có tên Bõ Già, Hai Chân, Mỏ Cộ…, thì người dịch đã giải thích rõ cả rồi, có lẽ không cần nhắc lại. Chính Tolkien đã chọn ra những tên mà ông khuyên nên dịch nghĩa! Tóm lại,
KỂ DÔNG KỂ DÀI TỪ NÃY ĐẾN GIỜ
cũng chỉ nhằm nhấn mạnh là tôi tin nhóm dịch giả đã không tùy tiện khi chọn cách dịch tên người tên đất, mà họ đã suy nghĩ cẩn thận để chuyển tải với độ mất mát tối thiểu tinh thần câu chuyện. Còn mất mát thì đã đành, và dịch hay đến mức nào thì lại là một đề tài khác.
Người Đức sống yên lành với bản dịch của Carroux ba chục năm liền, cho đến khi tác phẩm này được đưa lên màn bạc. Họ giật mình khi nhận ra giới trẻ rất mê Tolkien, và vội vàng cho ra bản dịch “xì tin” hơn để đón đầu bộ phim. Thoát khỏi bóng của Tolkien, dịch giả Wolfgang Krege vạch ra một số khiếm khuyết của người tiền nhiệm trong bản dịch cũ, ví dụ như quá câu nệ cách hành văn của Kinh thánh từ thế kỷ 16, ít nêu ra vẻ dị biệt giữa cách nói của người nông thôn và thành thị, lại còn cố gắng làm dịu bớt mức tục tĩu của tiếng Anh hè phố thời thập kỷ 40… Tiếc thay, Krege hơi quá đà khi dịch Sir (như Sam thưa với Frodo) thành sếp (Chef hay Boss), là một từ thông dụng trong quan hệ chủ tớ, nhưng chỉ thịnh hành trong thời hiện đại. Một số lỗi tương tự đã khiến bản dịch mới không được lòng độc giả Đức, và phim Lord of the Rings khi ra rạp ở Đức đã quay lại dùng bản dịch cũ.

Một sự “xui xẻo” cho nhóm dịch giả của Nhã Nam là bộ phim thâm nhập thị trường Việt Nam sớm hơn sách. Ấn tượng thị giác vốn dễ chiếm ưu thế, đó là một điều chắc chắn, nhất là trong khung cảnh chợ chiều của sách in và văn hóa đọc, không những ở đất ta. Do vậy mà một số người đọc tương đối ngỡ ngàng khi thấy những cái tên có vẻ như bị chắp vá hổ lốn Tây-Ta trong bản in, khác với phụ đề phim.

Chủ quan tôi thấy không khí truyện cổ gần gũi hơn khi đọc tên Bao Gai thay vì Baggins. Thật khó hiểu vì sao một số độc giả lại tỏ ra khó tính ở đây, trong khi từ bao năm nay Mít Đặc và Biết Tuốt lại được nhiều thế hệ người đọc hân hoan đón chào?

Chỉ có thể đoán mò là thời nay nhiều người học tiếng Anh quá! Xin các bậc cao nhân đọc nguyên bản, vì bản dịch tốt đến mấy cũng ít nhiều hàm chứa một sự mất mát. Nhưng đối với 90% người đọc thì Trung Địa vẫn dễ tiêu hơn The Middle Earth, phù thủy gần gũi hơn Wizard, và niềm vui ngóng đợi tập II & III không hề giảm sút là minh chứng cho sức cuốn hút của tác phẩm tuyệt diệu này.

Delaware, 7/2/2013

* Dịch giả: Nguyễn Thị Thu Yến – Đặng Trần Việt, Nhã Nam và NXB Văn học, 1-2013

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)