Giải ảo huyền thoại Chăm trên đất Đại Việt

Tôi đã từng viết bài “Dấu ấn Chăm trong văn hóa Đại Việt”. Dù là dấu ấn trong ngôn ngữ như “Bành voi/ bành la nga” hay “lúa Chiêm- vụ Chiêm” hay những làng Chăm ở chốn kinh kỳ xưa, thì đó là những biểu hiện cụ thể của giao thoa văn hóa hay dấu vết tù binh Chăm đã phải sống trên đất Đại Việt trong một chu trình Việt hóa diễn ra trong suốt nghìn năm. Bài này, tôi sẽ trình bày về những chi tiết ngộ nhận về sự ảnh hưởng của văn hóa Chăm với văn hóa Đại Việt. Việc “giải huyền thoại” này chỉ là công việc cụ thể của nghiên cứu lịch sử, nhằm lọc ra những yếu tố chưa hợp lý, để tránh đến việc tôn sùng sự “Chăm hóa” quá đà, dẫn đến việc ảnh hưởng đến nhận thức lịch sử. Trước nay có nhiều người, vì quá say sưa với Chăm, nên vô tình hay hữu ý đã diễn giải chưa thực sự hợp lý về các dấu vết khảo cổ, hay biểu tượng văn hóa. Ở đây, tôi chỉ bàn đến những sử liệu cụ thể, và những luận điểm lớn.


Tháp Po-Kalung, Chăm, thức bát úp, năm đỉnh. Ảnh: TTXVN.

Có hay không việc người Chăm xây chùa tháp Đại Việt?

 

Câu trả lời rằng có. Các nhà khảo cổ học gần đây đã đào được viên gạch viết chữ Chăm (?) ở trong Hoàng thành Thăng Long. Các dòng chữ viết ở đây chưa được xác định là chữ Chăm cổ hay là một loại chữ nào đó thuộc hệ thống chữ Sanscrite? Cũng chưa ai dịch được các dòng chữ này. Nếu tạm cho đó là chữ Chăm thì cũng chỉ có thể xác định là có sự tham gia của một tù binh Chăm biết chữ trong quá trình đúc gạch để xây thành Thăng Long. Mọi kết luận, suy luận khác xa hơn cứ liệu, như về kiến trúc sư người Chăm, đều chưa thể đứng vững.

Quan niệm người Chăm xây thành trì và chùa tháp cho Đại Việt thực ra được ghi chép khá sớm trong An Nam chí lược của Lê Trắc (1333, tr.67): “Báo Thiên tự Pháp: xưa Lý Thánh Vương đánh Chiêm Thành, được người thợ giỏi, bảo xây một ngôi tháp cao 13 tầng, đặt là Thiên Tư Vạn Thọ Tháp, lại lấy đồng đúc các biển ngạch, gọi là “Đao Lị thiên”, bị sét đánh mất, không biết rơi nơi nào. Sau đó, có người làm ruộng thấy được, đem dựng lại, sét đánh thêm một lần nữa.” Từ đoạn sử liệu này, nhiều người đã tin tưởng cho rằng người Chăm đã tham gia thiết kế và xây dựng tháp Báo Thiên- một biểu tượng quan trọng của Đại Việt – trong đó có đỉnh tháp bằng đồng, được đời sau gọi là An Nam Tứ Đại Khí.

Thực tế thì, với mô tả của sử liệu, hình thái “lầu gác” của tháp Báo Thiên là một đặc trưng của tháp Phật giáo Đông Á, với 13 tầng. Trong đó tầng thứ 13 được đúc bằng đồng nguyên khối. Hình thái của tháp này hoàn toàn tương đồng với tháp Bích Chi (xây dựng 994-1057) đời Tống, cao 52.4m, chu vi 48.9m, chín tầng cũng có đỉnh tháp bằng sắt hợp thành từ bát úp, tướng luân, viên quang, ngưỡng nguyệt, bảo châu và có tám đoạn xích sắt do tám vị Kim cương kéo ra gia cố trên mái tầng thứ chín (Hân Mẫn 2002, tr.61). Về hình dáng, tháp này là một dạng kiến trúc vươn cao chọc trời tượng hình cho núi Tu Di, với đỉnh Đao Lị Thiên ở tầng trên cùng. Đây là dạng thức tháp lầu gác mô phỏng núi thiêng Tu Di trong thế giới quan Phật giáo được chép trong các bộ Hán tạng như Pháp Hoa kinh, A Hàm kinh, Phật tổ thống kỷ, Pháp giới an lập đồ.

Theo ghi chép của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án trong Tang thương ngẫu lục, “Đại Thắng Tư Thiên Tháp tại chùa Báo Thiên dựng từ đời vua Lý Thái Tông (1054-1072). Tháp này xây 12 tầng, cao mấy chục trượng … Khoảng năm Tuyên Đức nhà Minh, Đức Thái Tổ Hoàng đế tiên triều (Lê Lợi) tiến binh vây Đông Đô. Viên quan giữ thành là Thành Sơn hầu Vương Thông phá hủy cây tháp [lấy vật liệu] chế ra sung đồng để giữ thành (1414). Tiên triều nhân nền cũ, đắp các núi đất phủ lên trên … Năm Giáp dần (1791) lại cho đào lấy những gạch đá ở nền tháp cũ để tu bổ thành lũy Thăng Long. Khi phá nền tháp thấy có tám pho tượng Kim Cương chia ra đứng bốn cửa, ngoài ra còn có tượng người tiên, chim muông, cả đến những giường ghế, chén bát, các thứ lặt vặt khác không kể xiết, toàn bằng đá. Những hòn gạch hoa, hòn nào cũng thấy khắc những chữ “Lý gia đệ tam đế, Long thụy Thái Bình tứ niên tạo” (1057). Như vậy, Tháp có tám vị Kim Cương đứng canh ở bốn cửa. Có thể so sánh với các hiện vật tượng Kim Cương trấn giữ cửa tháp ở Sùng Thiện Diên Linh, tháp Phật Tích. Ngoài ra các tượng tiên nhân, chim muông là phỏng theo quy chế trang trí kiến trúc và trang trí mái của các loại hình tháp Phật giáo ở Đông Á.

 

Có thể thấy rằng, sử liệu trong An Nam chí lược chỉ nói đến một tù binh bắt được ở Chiêm Thành, sau đó người này có tham gia vào việc xây dựng tháp Báo Thiên. Sử liệu không hề nói đó là một tù binh người Chăm. Theo suy luận dựa trên hình thái tháp Báo Thiên, tôi cho rằng đó có thể là một tù binh người Tống. Thêm nữa, tôi cũng đặt ra một giả thuyết rằng, rất khó có khả năng nhà Lý chỉ sử dụng một tù binh Chăm để xây dựng các ngôi quốc tự, dùng để thờ tín ngưỡng Phật giáo hoàng gia, bởi vì triều đình đã có hẳn một Bộ Công chịu trách nhiệm cho công việc quan trọng này.

Sử liệu hiện còn như bi ký thời Lý, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược đều ghi về chức năng của các ban bệ trong Bộ Công. Ví dụ, bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi minh (1107) có nói về công sư (thợ cả) đo đạc nhà cửa. Bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh (1118) nói về thợ mộc (tử tượng), công tượng (thợ thuyền). Bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi minh (1362) ghi “công tượng, thổ mộc đều do quan cấp”. (Phạm Lê Huy 2018) Ta biết thời Lý đã có mô hình lục bộ, trong đó Bộ Công chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến xây dựng hoàng cung, hành cung, các chùa tháp hoàng gia, các công trình tôn giáo tín ngưỡng của vương quốc, như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, các chùa tháp nổi tiếng như Phật Tích, Sùng Thiện Diên Linh, chùa Diên Hựu, chùa Chương Sơn,… Văn bia Sùng Thiện Diên Linh (1121) còn ghi ông Lý Bảo Cung- giữ chức Thượng thư Bộ Công đích thân viết chữ trên văn bia chùa tháp Long Đọi. Ta còn biết đến một ông Thượng thư Bộ Công khác là Đoàn Văn Khâm giữ chức này vào thời Lý Nhân Tông (1072-1127). Bộ Công chính là cơ quan chuyên trách thiết kế các bản vẽ kỹ thuật cho các công trình lớn của nhà nước, cũng là nơi đưa ra các bản vẽ, các motif, đồ án mang tính “quốc định”. Ai cũng biết đến một nền mĩ thuật- kiến trúc Lý đỉnh cao vừa tinh mĩ vừa hùng tráng, tạo thành một phong cách đột khởi của văn minh Đại Việt. Phong cách tinh mĩ thêu dệt trên từng thớ đá, tỉ mỉ ở từng chi tiết, rất khác với phong cách tượng pháp hình khối của Chăm. Vì vậy, với những sử liệu và hiểu biết hiện thời, tôi đồ rằng, yếu tố Chăm tham gia vào kiến trúc Hoàng gia Đại Việt là ở một tầm mức rất hạn chế, đúng hơn, họ – những tù binh Chăm chỉ tham gia vào nhóm thợ sản xuất gạch (những việc nặng nhọc của nô lệ). Hàng ngàn viên gạch mang niên đại nhà Lý là sản phẩm của thợ ngõa nhà Lý- và tù binh nhà Lý, và trong “khe hở” sản xuất, có thể một tù binh nào đó đã lén viết lại dòng chữ của mình, là điều có thể hiểu được.


 

Những biểu tượng Chăm trên công trình Hoàng gia Đại Việt?

 

Trước nay, rất nhiều học giả đã đưa ra những chứng cớ không thể chối cãi về những biểu tượng Chăm được tiếp thu vào trong văn hóa Việt Nam, đó là các hình tượng Kinari, Garuda, linga-yoni. Ở đây, tôi sẽ phân tích từng biểu tượng một để thấy rõ quá trình biến đổi phức tạp của các diễn giải lịch sử.

 

Trước tiên là về linga-yoni (dương vật- và âm vật). Văn hóa Chăm và Nam Á nói chung có chung một dạng thức văn hóa thờ thần, trong đó bộ thần chủ quan trọng là linga-yoni, biểu tượng cho tam vị nhất thể gồm ba phần: đế vuông tượng trưng cho thần Brahma; trụ giữa hình bát giác tượng trưng cho thần Visnu; đỉnh hình tròn tượng trưng cho thần Siva. Bộ sinh thực khí này tượng trưng cho thần Siva (biểu tượng dương tính) kết hợp với yoni (biểu tượng âm tính) biểu thị cho năng lực sáng tạo. Để chứng minh cho sự ảnh hưởng của văn hóa phồn thực Chăm- Nam Á đến Đại Việt, nhiều học giả đã cho rằng: cột đá chùa Dạm là linga-yoni lớn nhất của Hoàng gia Đại Việt, Đài Nghiên- Tháp Bút của Nho giáo là một cặp linga-yoni nằm ở Hồ Hoàn Kiếm, Liên Hoa Đài chùa Một Cột là một chiếc Linga cắm trên hồ nước yoni. Chu Quang Trứ (2012, tr.386) lý giải rằng: “cột biểu vươn cao giữa các khu đất tròn bè đã gợi hình cặp Linga-Yoni với triết lý âm-dương theo tín ngưỡng phồn thực, được hòa vào tư tưởng Phật giáo”. Trần Lâm Biền (2000, tr.63) cho rằng đây là hiện tượng “Phật hóa linga” với các kiểu “Bụt đực, Bụt cái” trong ngôi chùa của người Mường. Giáo trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (1996, tr.265, 295) cho rằng “ở chùa Dạm (Hà Bắc) có một cột đá hình sinh thực khí nam có khắc nổi hình cặp rồng đời Lý”. Tạ Chí Đại Trường thì gọi cột đá chùa Dạm là một kiểu linga đế vương (mukhalinga) trong văn hóa Đại Việt. Tôi cho rằng cột đá chùa Dạm – hay tháp Một Cột chùa Diên Hựu là một loại hình tháp độc đáo của Phật giáo Đại Việt. Tháp này mô phỏng ngọn núi Tu Di- ngọn núi Hoa sen trong một tiểu vũ trụ Phật giáo với đồ hình mandala đồng tâm đa tầng được ghi chép cụ thể trong các bộ kinh điển còn lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hiện nay, khi tới tham quan cột đá chùa Dạm, chúng ta vẫn có thể nhìn rõ đồ án cửu sơn bát hải tại chân cột đá và đồ án song long hiến châu ở hai bên cột đá.

 

Trong phong trào “giải Hoa” từ năm 1979 về sau, nhiều học giả đã dùng linga-yoni để lý giải lịch sử và văn hóa Đại Việt, vô tình họ đã “giải Việt” mà không hề hay biết (xem thêm Cột đá chùa Dạm có phải là linga? Tia Sáng, 2013).

 

Thêm nữa, hình tượng kinara và Garuda trong kiến trúc chùa tháp thời Lý Trần, cũng được giải thích như là sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Chăm đến văn hóa Đại Việt. Nhận định này được ủng hộ bằng hàng loạt cổ vật hiện tồn tại các bảo tàng Chăm và các di chỉ khảo cổ Lý- Trần. Cứ liệu chắc chắn dường như không còn gì chối cãi. Song, chính ở đây, vấn đề phức tạp hơn những gì ta nhìn thấy. Khi Kinara và Garuda xuất hiện trong các chùa tháp thời Lý, thì chúng không phải là ảnh hưởng từ Chăm mà lại ảnh hưởng từ Phật giáo Bắc tông. Các kinh điển Hán tạng đều ghi hai loài này thuộc bát bộ chúng của Phật giáo. Phật Quang đại từ điển ghi: “Bát bộ chúng 八部衆: cũng gọi là Thiên long bát bộ, Long thần bát bộ, chỉ các vị thần hộ pháp của Phật, gồm: Thiên (Phạm: deva), Rồng (nàga), Dạ Xoa (yakwa), Càn Thát Bà (gandharva), A Tu La (asura), Ca Lâu La (garuda – chim Kim Sí), Khẩn Na La (kinara), Ma Hầu La Già (mahoraga). Các loài trên đây đều do đức của Phật cảm hóa mà qui phục và trở thành quyến thuộc của Phật, thường ở các cõi Thụ dụng của chư Phật để che chở, giữ gìn Phật pháp.” Nếu nhìn từ góc độ nghiên cứu so sánh, tôi đã gặp hàng loạt các tranh vẽ, tượng pháp của Phật giáo Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, …) có khắc họa hình tượng Khẩn Na La và Ca Lâu La. Nguồn gốc của chúng đều bắt nguồn từ Ấn Độ đi qua ngả Tây Tạng, Thổ Phồn, Đại Lý, băng qua vạn dặm của con đường tơ lụa, hiện hình trong các bản Hán dịch kinh điển Phật giáo, in dấu trong văn hóa Đôn Hoàng- Mạc Cao, trong các kiến trúc chùa tháp ở Bắc Á, rồi sau đó theo Đại Tạng Kinh truyền nhập vào Đại Cồ Việt- Đại Việt thời Đinh – Lê – Lý – Trần. Và ngẫu nhiên, Khẩn Na La – Ca Lâu La gặp lại Kinnara- Garuda trên mảnh đất chữ S ngày nay, vốn hợp lại từ Đại Việt và Chăm pa. Trong khi Kinnara- Garuda vào Chăm qua ngả đường văn hóa Nam Á, thì Khẩn Na La và Ca Lâu La vào Đại Việt qua ngả đường Bắc Á. Hình dáng thì vẫn vậy, nhưng nội hàm có khác biệt, ngả đường truyền nhập và chủ thể văn hóa thì khác nhau. □

 

Tài liệu tham khảo:

1. Chu Quang Trứ, Sáng giá chùa xưa mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội. 2012.

2. Hân Mẫn – Thông Thiền (biên dịch), Từ điển Thiền tông Hán Việt, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 61.

3. Phạm Lê Huy, “Thợ thủ công và kỹ thuật, dụng cụ xây dựng thời Lý Trần”, Kinh thành cổ Việt Nam, Nxb. KHXH. H. 2018, tr.75-93.

4. Trần Trọng Dương, Kiến trúc Một cột thời Lý. Nxb. Hồng Đức, TP.HCM, 2013.

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)