Gió Phương Nam

Tôi không còn nhớ rõ ngày tôi gặp Maramu lần đầu tiên. Tôi vừa bước ra khỏi tuổi thơ, còn cô, cô đã là một phụ nữ. Cô tên là Jehanne, nhưng người ta gọi cô bằng cái tên maohi(1) của cô, Maramu, Gió Phương Nam.

Hồi đó cha và tôi sống trong căn nhà bên bờ biển, ở Punaauia. Ông làm bác sĩ tại bệnh viện Mamao. Cha ly thân với mẹ khi tôi lên chừng sáu hay bảy tuổi. Kỷ niệm tôi còn lưu giữ là tiếng cười, là giọng nói khẽ ngân nga của bà. Chính vì bà mà cha tôi đã đến đây lập cư, thế rồi bà bỏ ông để đi theo một ông người Mỹ đến Los Angeles. Cha bảo mẹ bỏ đi là vì cha không còn làm mẹ vui cười nữa. Ông dẹp bỏ tất cả những gì có thể nhắc ông nhớ về mẹ, những bức thư, những tấm hình, kể cả những món đồ mỹ nghệ bà mua. Dẫu vậy, một hôm tôi tìm thấy một bức ảnh cũ, chụp hồi họ mới cưới nhau. Hai người đứng trên boong một con phà, giữa những người khác. Bên ông, trông bà bé nhỏ và mảnh khảnh, với khuôn mặt Á Đông và mái tóc màu đồng. Tôi đã giữ bức ảnh trong phòng mình, bỏ vào một chiếc hộp bí mật mà tôi dùng để đựng những thứ quan trọng. Rồi cuối cùng tôi quên bẵng nó đi.

Maramu là con người kỳ lạ nhất mà tôi từng biết. Cô có thể bất chợt vào nhà chúng tôi, như một nữ thần với làn da sẫm, khuôn mặt thơ trẻ, đôi mắt hiền từ và cách xa nhau, và khi cái nhìn của cô trở nên mệt mỏi, con mắt trái lảo đảo khiến cô nhuốm vẻ thẫn thờ. Đặc biệt nhất là cô có mái tóc đẹp tuyệt trần, bồng bềnh và đen nhánh, nó trùm lấy người cô và buông ngang hông như một món đồ trang sức hoang dã.

Cô chuyên đời đi chân đất, chỉ mang một chiếc váy quấn thắt lại trên ngực. Cô vào nhà từ lối bãi biển, không gây tiếng động, với vẻ vô tư lự bất cần của những người không có gì trong tay. Một hôm cha nói cho tôi biết cô là hậu duệ của các thần Ta’aroa và Temeharo(2), thuộc số các công chúa đảo Raiatea, những nàng công chúa không có đất phong. Cô đặt cho tôi một cái tên maohi, cô gọi tôi là “Tupa”, tôi không còn nhớ tại sao, có lẽ tại những vệt cháy nắng của tôi, hoặc tại tôi đi lại loạng quạng như những con cua đất. Cô ôm hôn tôi. Cô đến gặp cha tôi để ông đưa thuốc cho con trai cô. Tôi ngỡ ngàng khi nghĩ rằng cô đã trải qua biết bao kinh nghiệm, chúng tôi xấp xỉ tuổi nhau, thế mà cô đã trải nghiệm tất cả những thứ ấy, tình yêu, sinh nở, cuộc đời. Tôi chưa bao giờ gặp con trai cô. Nó là con một tay người Mỹ tên là Sumner, và được cha mẹ Maramu ở Raiatea chăm nom. Nó tên Johnny. Hình như bây giờ nó đang làm việc trong một khách sạn, ở Hawaii. Thời gian đã trôi qua.

Tôi còn nhớ, cô vào nhà, lấy thuốc cho con trai như lấy những chiếc kẹo, không để ý nghe xem cha tôi nói gì. Tôi phải lòng cô, phải lòng đôi mắt cô, mái tóc cô, dáng đi lặng lẽ của cô, đôi chân chai cứng bước bằng chằn chặn trên nền xi măng. Cô trò chuyện cùng tôi, cô xưng hô thân mật với mọi người, những quy ước của người Pháp làm cô chán ngán. Tôi còn nhớ cái cách cô ngồi xếp bằng tròn dưới đất, bàn chân trái tì lên đùi. Cha tôi bảo đó là cách ngồi của người Khmer và Maya cổ. Một tay đặt trên đùi, lòng bàn tay kia mở ra hướng lên trời, để kể những câu chuyện.

Cô kể tôi nghe về những điều phi thường, mà cô đọc được trong sách, có lẽ thế, hoặc do cô tự nghĩ ra, về tổ tiên mình, những con cá biển, hoặc về những cây đại thụ mọc dưới chân núi lửa, có bộ rễ là những xúc giác, rung rinh vì tất cả những thứ được nói ra ở đời.

Buổi sáng, khi tôi không đến trường trung học, cô đưa tôi ra bãi đá ngầm. Chúng tôi thong dong thả bộ, giống như đang dò tìm điều gì, trên một tấm thảm mượt mà sống động, và ngọn sóng dập dồn vờn đẩy chúng tôi, tung bọt vào mắt chúng tôi. Rồi chúng tôi trở về căn nhà mát rượi. Cha tôi đã mang hoa quả về. Tôi còn nhớ rõ là Maramu cất lời hát, nhớ về ánh chiều ấm áp, có cảm giác rằng tất cả những thứ đó sẽ mãi mãi bất diệt.

Khi mặt trời xuống thấp, Maramu ra tắm ở hồ nước mặn. Cô ngồi xuống trong nước, bất động. Cách cha tôi bơi làm cô bật cười. Cô biết lặn, từ từ chĩa thẳng lên trời hai bên gan bàn chân sáng trắng. Sau đó, cô về nhà, thẹn thùng tráng người bằng nước vòi, không cởi bỏ chiếc váy quấn. Cô có bắp chân, tấm lưng dày, bộ ngực nhỏ xíu nhẹ nhõm. Người cô óng ánh dầu. Cô lắc lắc mái tóc dày, làm bắn ra một chùm tia nước.

Với Maramu, mọi thứ thật đơn giản. Chẳng có gì làm tôi bất ngờ. Tôi nghĩ mình đã biết ngay cô là người tình của cha tôi. Thỉnh thoảng cô qua đêm ở nhà chúng tôi, cô ngủ dưới đất trong phòng lớn, cô bảo nằm trên giường cô thấy nóng lắm. Cha tôi tên là André, nhưng cô gọi ông là Bob, tôi không rõ vì sao, có lẽ vì cái mũ nhỏ ông đội khi đi câu vào các dịp cuối tuần. Cô không bao giờ nói về ông, ông cũng gần như chẳng biết gì về cô. Cô là một con chim di trú.

Và rồi một ngày, mọi chuyện thay đổi. Cô thôi không đến nhà chúng tôi nữa, và ngày lại ngày tôi ngóng đợi cô. Tôi rình chờ tiếng chân trần của cô nhẹ bước trên nền xi măng, tôi ngỡ nhìn thấy bóng dáng cô phía xa xa, đứng trên gờ vách đá, một ảo ảnh.

Tôi hiểu đã xảy ra chuyện nhưng không rõ là chuyện gì. Cha vắng mặt, cáu bẳn, về nhà muộn. Một hôm, ông nói chuyện với tôi về nước Pháp, ông bảo chúng tôi sẽ trở về, sau kỳ nghỉ tôi sẽ đến học một trường ở Lyon. Ông đã tìm được việc nơi đó, tại một bệnh viện.

Rồi Maramu trở lại. Khi đó là vào cuối kỳ nghỉ, tôi ở nhà một mình. Cô vào mà không gây ra tiếng động, theo thói quen của mình. Cô ngồi xuống ngoài sân thượng để trông ra biển. Cô có vẻ thất thểu, mái tóc rối bời. Chừng như cô say rượu. Cô mặc một chiếc váy xanh ngăn ngắt. Cô đã tô son môi, miệng cô trông rộng hoác, một vết thương.

Cô rủ rỉ với tôi cứ như chúng tôi vừa mới từ biệt hồi sáng. Cô siết chặt tay tôi, ngả đầu vào vai tôi. Tôi ngửi thấy mùi dầu dừa trên da cô, một thứ mùi của mặt trời sẫm vào bóng tối đang lan tới. Có những đám mây là lạ trên đường chân trời, phía đảo Moorea.
“Tupa, vì sao biển làm chị muốn khóc?”

Tôi rủ cô ra tắm biển. Tôi sợ cô nói với mình một điều khủng khiếp, rằng chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại. Maramu đi bộ với tôi trên cát. Cô hút thuốc. Hoàng hôn làm biển tắt lịm, có những chú chim ủ rũ. Cô bảo:

“Đi nào, mình đi đập phá đi.”

Tôi viết lời nhắn cho cha, để nó lại trên bàn ăn. Tôi đi ra không khép cửa.

Trên đường, một chiếc xe đang đợi. Lái xe là một người Hoa, ông Wong, một ông “lai” ngồi hàng ghế sau cùng một cây đàn ghi ta nhỏ. Ông ta quen Maramu. Tôi nghe thấy cô gọi ông là Tomy. Cô ngồi xuống cạnh ông. Đó là một người da nâu sậm, gầy gò, có đôi bàn tay thanh mảnh. Ông mặc một chiếc quần màu lông chuột sẫm, một sơ mi kẻ ca rô cổ cồn là cứng. Tôi không hiểu ông là ai, mà cũng không biết Maramu muốn tôi cùng đi làm gì.

Tomy khẽ gảy ghi ta, nhạc jazz, một bản của Billie Holiday. Trời nóng bức, chiếc xe bon nhanh. Maramu cất tiếng hát hòa cùng Tomy, rồi chuyển sang những bài hát maohi, những bài hát của người Ute. Giọng cô không còn khàn khàn nữa, mà mảnh như một làn khói. Tôi ngượng ngùng vì không biết hát, và có cảm tưởng mọi nỗi sợ và đau đớn đều tan biến trong làn âm thanh du dương ấy. Maramu kéo quai váy tuột xuống hai cánh tay, khuôn mặt nghiêng đi, mái tóc dày che kín nửa người. Tomy nhìn cô.

Đêm đã xuống, chúng tôi vẫn lăn bánh, chúng tôi đi xuyên qua những khu dân cư. Ánh đèn pha loang loáng trong đêm. Chúng tôi đi trên một con đường đê, biển là một khoảng không đen thẫm mênh mông bên tay trái. Về phía mũi Vénus, cuối con đường gồ ghề, đỗ đầy xe ô tô, có một quán bar. Đó là một nhà kho lợp mái tôn, được chiếu sáng bằng những ống đèn nê ông dài. Một dàn nhạc đang chơi ầm ĩ một điệu nhạc êm dịu, bài All Kinds of Everything của Dana. Tôi vẫn nhớ vì đó là một bài hát mà tôi yêu thích. Trời oi nồng. Chúng tôi ngồi xuống bên một cái bàn, gọi bia Hinano, và Maramu kêu một chai vang đỏ.

Có rất nhiều tiếng ồn, đầu óc tôi quay cuồng. Có những con người kỳ dị, lính lê dương, những cô gái ăn mặc sặc sỡ. Đó là lần đầu tiên tôi đến một nơi như thế. Tôi nhảy với Maramu. Chúng tôi va vào những đôi nhảy khác, vào những chiếc ghế. Maramu tập cho tôi, đó là một điệu valse, điệu pa-xô-đốp, một điệu vũ xa xưa. Cô cười, mái tóc cô lơi lả quanh người cô. Tôi ngửi thấy mùi mồ hôi của cô, cảm nhận đường cong của eo cô nơi ngón tay. Ngồi bên bàn, Tomy tiếp tục uống, khuôn mặt bình thản. Đôi mắt ông trũng xuống vì mỏi mệt, làm ông như thể mang mặt nạ thần chết. Maramu cũng có vẻ bơ phờ. Cô ngồi xuống bên cạnh, tay chống lên bàn. Tôi thấy cô có hai nếp nhăn hai bên khóe miệng, và một dấu hình sao giữa hai lông mày. Người lái xe đã ra khỏi quán bar. Ông bị ngộp, ông thấy nhàm.

Rồi một trận ẩu đả xảy ra, ngay cạnh bàn chúng tôi, nguyên nhân là một anh lính say bí tỉ. Maramu sợ cuống lên. Cô khẩn khoản xin Tomy ra khỏi đó. Cô đi chân đất trên đường, chiếc váy xanh lấp lánh trong đêm như ngọn lửa Saint-Elmo(3).

Tôi dừng lại bên một cái hố mà nôn. Maramu dìu tôi ngồi xuống hàng ghế sau, rất mực dịu dàng, bằng những cử chỉ gần như mẫu tử. Cô lướt đôi tay mềm mại trên mặt tôi. Các ngón tay cô thoảng mùi thuốc lá.

“Tupa tội nghiệp, em không chịu nổi! Chị thì quen rồi, chị làm thế từ khi còn bé xíu.”

Ông Wong lái xe thong thả, để tôi có thể ngủ được. Chúng tôi dừng lại bên bờ biển, phía xã Pirae, Maramu muốn xuống tắm. Gió mơn man thổi, biển đen thẫm một màu, thật hiền hòa. Hai người đàn ông ngồi lại chỗ cao trên bãi biển. Tomy chơi ghi ta. Tôi nhìn thấy đốm điếu thuốc lập lòe của ông. Tôi trần truồng đi vào lòng biển, khỏa bơi mà không nhìn xem mình trôi đi đâu. Không còn thời gian, không còn không gian. Khi tôi ra khỏi nước, Maramu ngồi xuống cạnh tôi trên bãi cát.

“Chị định lấy ông ấy à?” tôi hỏi.

Cô bật cười.

“Tomy?”

Cô bảo:

“Anh ấy tốt bụng, anh ấy khá giả, anh ấy có một khách sạn ở Hawaii. Ngày mai, chị sẽ già, Tupa ạ. Chị sẽ đến đó, anh ấy sẽ là tané của chị, chị không còn ai khác.

–    Nếu chị đi, Maramu, có lẽ em sẽ chết mất.”

Tôi nói thế để chọc cho cô cười, nhưng nó không làm cô cười.

“Có khi chị sẽ đi Pháp cũng nên. Bob muốn chị cùng anh ấy đến đó, đến Lyon. Chỗ ấy xa quá, chị mới là người sẽ chết.”

Chúng tôi ngồi lại trên bãi biển, bên mép nước. Maramu lần sờ gan bàn chân phủ đầy những vết chai của mình.

“Em có nghĩ chị đi bộ được bằng giày ở đó không?

– Chị sẽ đi giày.

– Chị sẽ đi chân đất, họ phải quen thôi.”

Tôi gắng cười, gắng đùa, nhưng bỗng nhiên tôi thấy đau quặn giữa người, phía dạ dày, hơi chếch về bên phải. Tôi chống người lên cùi tay, cảm thấy mình run lên. Maramu nhận ra. “Em lạnh à?” Cô ghì chặt tôi vào người để truyền hơi ấm cho tôi. Không hiểu sao, tôi nghĩ đến mẹ. Tôi muốn cô nói về bà, và cô đã đoán ra. Maramu là như thế, cô biết nhiều thứ. Cô bảo:

“Bà ấy tên là Tania, chị vẫn nhớ, hồi ấy chị lên mười hai tuổi. Bà đẹp lắm, ông gặp bà ở Bali, chị nghe người ta kể thế. Thỉnh thoảng chị nhìn thấy bà trên tàu, cùng cha em và em. Em là một cậu bé xinh xắn, chị nghĩ mình đã phải lòng em. Em có mái tóc cùng một màu với Tania. Khi bà bỏ đi, Bob buồn lắm. Nhưng bà không chịu nổi nữa. Mãi mà người ta vẫn cứ tưởng bà sẽ trở lại, vì Bob chỉ có một mình với em, ở Punaauia. Có thể ông sẽ về Pháp, ở đó, cái thành phố xa xôi ấy, ở Lyon, Tania sẽ trở lại sống cùng bố con em.”

Bầu trời quang đãng, chi chít sao. Tôi nhớ về những câu chuyện Maramu đã kể tôi nghe, trên sân thượng của căn nhà, trong lúc ngắm những vì sao, đám mây Magellan lừng danh, và đôi cánh con chim lớn mà người ta gọi là Thập Tự phương Nam. Có tiếng sóng vỗ ì oạp vào bãi đá ngầm. Ngày bừng tỉnh, ông Wong bảo phải đi. Maramu ra nói với Tomy, họ hơi to tiếng, tôi chỉ nghe thấy loáng thoáng giọng người. Tôi không hiểu điều họ nói. Rồi Tomy và ông Wong đi. Tôi nghe tiếng xe xa dần trên đường Mũi Vénus. Maramu trở lại bên tôi. Cô choàng tay qua vai tôi. Tôi ngửi thấy mùi của cô, tỏa ra từ mái tóc phi thường của cô.

Cô hòa làm một với bình minh. Thật tuyệt diệu và khủng khiếp bởi tôi vừa hiểu ra rằng đó là lần cuối cùng. Cô nói rủ rỉ, sát cạnh tai tôi, như một lời hát:

“Mọi thứ đều là những cái vỏ ốc, Tupa à, thế giới là một cái vỏ ốc, bầu trời là một cái vỏ ốc còn rộng hơn nữa. Đàn ông là những cái vỏ ốc, và bụng đàn bà là một cái vỏ ốc đựng tất cả đàn ông.”

Cô cũng nói về những chiếc thuyền độc mộc, những chiếc lá là những ngón tay của cây, và những hòn đá mọc rễ đâm vào lòng đất. Cô nói những điều đó như để truyền lại cho tôi tri thức của mình, bởi hẳn là tôi sẽ không gặp lại cô nữa. Khi ánh bình minh chiếu xuống, tôi nhận ra mình đã thiếp đi. Còn dấu của Maramu trên cát. Tôi tưởng cô đã ra đi cùng những người kia khi tôi đang ngủ, tôi cảm thấy một nỗi kinh hoàng vô tận. Tôi gọi: “Mara-amu!”

Cô đi ra từ sau các bụi cây, chỗ cô ngồi xổm xuống để tiểu tiện. Tôi run cầm cập, tôi bị sốt. Mặt trời ló ra từ dãy núi. Có những đám mây hình cái đe phía chân trời, về hướng đảo Raiatea. Maramu lóng lánh trong chiếc váy xanh lá cây. Khuôn mặt sẫm màu của cô mịn màng, cái nhìn của cô sâu thăm thẳm. Chậm rãi, cô chải hất mái tóc ra phía sau và cuốn thành búi, cố định bằng một chiếc lược gitan. Khi đi về phía con đường, tôi trông thấy xe của ông Wong đang đợi. Ở ghế sau, Tomy đang hút thuốc. Dưới ánh ban mai, mọi thứ nhuốm một màu lạnh lẽo và nhàn nhạt.

“Em sẽ đi phà về Raiatea.” Maramu dịu dàng nói. Đó là quyết định của cô. Không ai có thể làm cô thay đổi.

Chúng tôi lăn bánh về bến cảng. Tomy không nói gì, ông không gảy đàn nữa. Ông có vẻ bơ phờ, ông cũng vậy, có lẽ ông bị trầm uất. Đến cảng, Maramu đi lấy đồ để tại một khách sạn người Hoa, gần bến phà. Tôi ra khỏi xe và đợi cô dưới bóng cây. Khi trở lại, cô đã thay quần áo. Cô mặc một chiếc quần và áo sơ mi nam, và đi một đôi giày cao gót làm chân cô đau dữ. Cô ôm hôn tôi.

“Tạm biệt. Có thể chúng mình sẽ lại gặp nhau, một ngày gần đây.”

Tôi nói: “Tạm biệt.” Cổ họng tôi thắt lại, tim tôi nhói đau. Ông Wong ngồi lại trong xe, không nhìn ra. Chắc chắn là ông bàng quan trước tất cả những thứ đó, những người đến, những người đi. Nhưng tôi, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ gặp lại Maramu nữa, sẽ không còn được nghe cái giọng trong trẻo của cô khi cô hát những bài ca của người Ute nữa. Tôi sẽ không còn được hít hà mùi hương trên da cô nữa. Bởi thế hôm ấy ánh ban mai thẫn thờ.

Tomy xuống xe. Ông lẳng lặng nhìn tôi không nói. Ông xách theo một chiếc va li đen. Cùng nhau, cùng với Maramu, họ đi xa dần, về phía con phà. Tôi lại leo lên xe, và ông Wong đưa tôi về Punaauia. Ông không muốn nhận tiền tôi trả. Tôi nghĩ chính Tomy đã yêu cầu ông thế.

Khi tôi về nhà, cha không nói, không căn vặn gì tôi. Chúng tôi không bao giờ nói về cái đêm tôi ở ngoài ấy. Ông không bao giờ nhắc đến tên Maramu nữa.

Sau đó, chúng tôi quay về Pháp, về thành phố Lyon, nơi những ngày đông dài quá một mùa, nơi người ta không bao giờ nghe tiếng biển, nơi gió Nam không thổi đến nơi. Tania trở lại sống cùng cha tôi. Tôi nghĩ đó là điều Maramu hằng mong mỏi. Tôi không biết gì nhiều về Maramu nữa. Tôi nghe nói cô đã lấy Tomy và đi vòng quanh thế giới. Thời gian trôi đi. Bạn nói bao điều, bạn sầu muộn và bạn nghĩ mình đến chết đi được vì chúng, rồi một vài năm sau, đó chỉ còn là một kỷ niệm.

(Rút từ tập truyện ngắn Những nẻo đường đời và những bản tình ca khác
của Le Clézio – Dịch giả: Hồ Thanh Vân;
NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành năm 2010)

—-

(1) Một tộc người sống trên quần đảo Polynésie.
(2) Theo thần thoại Polynésie.
(3) Hiện tượng tích và phóng điện trên các vật thể có đầu nhọn (đỉnh cột buồm, đầu cánh máy bay…), thỉnh thoảng xảy ra ở những khu vực có giông bão, được đặt tên theo thánh Elmo, thần hộ mệnh của thủy thủ.

 

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)