Giữ gìn và phát triển văn hoá Hán Nôm

Văn hoá Hán Nôm do người Việt sáng tạo, phát triển là một nhân tố quan trọng góp phần hình thành bản sắc văn hoá Việt. Do vậy trong bối cảnh hội  nhập toàn cầu, nếu muốn xây dựng được một nền văn hóa hiện đại “đậm đà” bản sắc dân tộc thì việc gìn giữ và phát triển văn hoá Hán Nôm cần được nhìn nhận một cách nghiêm cẩn và có những giải pháp thiết thực.

Người Việt hôm nay, hầu như dùng các âm Hán-Việt một cách tự nhiên, vốn dĩ đã tồn tại từ trong văn hoá truyền thống và thơ ca của cha ông: Hịch Tướng Sỹ, hừng hực tính chiến đấu của Hội nghị Diên Hồng, Bình Ngô Đại Cáo sâu nặng tính nhân văn và những áng thơ trác tuyệt giao hoà giữa thiên nhiên và thi nhân của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Cha ông chúng ta – các bậc quân vương, những anh hùng dân tộc chống ngoại xâm không chỉ là những nhà văn hoá Hán Nôm hết sức uyên thâm, tinh tế mà còn phát triển văn hoá Đại Việt một cách độc đáo bằng việc “hội nhập“ có chọn lọc với văn hóa Trung Hoa qua những tháng năm thăng trầm và biến động của lịch sử giữ và dựng nước…
Gần đây, nhiều nước trên thế giới đã âm thầm và mặc nhiên công nhận sự tồn tại của nhiều nền văn hoá. Đặc biệt, Singapore với 2 ngôn ngữ Hoa-Anh. Mấy ai biết rằng 30 năm trước, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã gặp khó khăn thế nào khi từng bước thuyết phục người dân đảo quốc này công nhận cơ chế 2 ngôn ngữ (tiếng Hoa cho các trường PTTH/CS) và một phần tiếng Anh tại một số trường ĐH. Ngày nay, có thể nói rằng ngoài những yếu tố về địa lý, thiên nhiên thì yếu tố thức thời trong việc sử dụng và phổ cập tiếng Anh đã là yếu tố quyết định biến Singapore thành một trung tâm thương mại, du lịch và văn phòng của Châu Á.
Nhiều người  đã biết đến một siêu cường về  kinh tế và quân sự như Mỹ; ở vào thời điểm của đầu thế kỷ 21, trong khi Việt Nam vẫn còn đang hưởng thụ một phần của nền văn minh Pháp ngữ thì  bạn có thể tưởng tượng được rằng từ điện thoại Ericsson hay Nokia mà bạn đang dùng cho đến các phương tiện thông tin vệ tinh của Satcom… đều do các hãng nổi tiếng trong ngành viễn thông của xứ Bắc Âu cung cấp.  Cũng chính Bắc Âu là những nước đã từ rất lâu sử dụng thành thạo tiếng Anh trong tất cả các trường ĐH cũng như các trường PTTH và thương gia Bắc Âu là những người nói tiếng Anh thậm chí “không ắc săng-non accent-Tiếng Pháp: Không trộn âm”.
Còn ở ta, việc giảng dạy tiếng Anh phát triển rất nhanh, góp phần quan trọng giúp cho thế hệ tương lai của đất nước có đủ tri thức và phương tiện để có thể hội nhập với thế giới tốt hơn. Trong khi đó chúng ta lại coi nhẹ thậm chí bỏ quên việc dạy văn hóa truyền thống- một cấu thành của văn học Hán Nôm đã là một nguyên nhân dẫn đến việc con em chúng ta khiếm khuyết trong nhận thức tổng thể về  văn hoá. Điển hình từ việc chữ viết cẩu thả, thiếu nét như rô bốt, cho đến những lỗ hổng nghiêm trọng về kiến thức xã hội và dân tộc học…
Vì vậy trong chương trình giáo dục phổ thông cần giảng dạy cho học sinh những kiến thức Hán Nôm tối thiểu để có thể hiểu được tinh thần văn hoá truyền thống chứa đựng trong Hịch Tướng Sỹ, Bình Ngô Đại Cáo… giúp con em chúng ta vẫn có thể được khai tâm bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình.
Trong khi chúng ta có một đội ngũ sinh viên hùng hậu tốt nghiệp đại học nước ngoài rất “Tây” với các loại tiếng Anh, Pháp… thì rất ít sinh viên tốt nghiệp đại học thông hiểu văn hóa Hán Nôm. Và như vậy trước sự “xâm thực“ ồ ạt của các thế lực bên ngoài luôn rình rập và toan tính làm “hoà tan” chúng ta, các thế hệ tương lai của chúng ta có nguy cơ mất dần năng lực thấu hiểu một cách sâu sắc và tự hào về lịch sử và văn hóa dân tộc mình.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)