Gốm Bàu Trúc

Dù bà con biết nước đựng trong lu palei Hamu Crauk uống có vẻ “ngọt” hơn, “mát” hơn, thế nhưng dạo qua khắp làng Chăm hiện nay không còn tìm đâu ra bóng dáng đồ gốm tròn trĩnh thân thương ấy.

Hiện nay, nhắc đến gốm Chăm, không ít người nghĩ ngay đến gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận. Không sai, mặc dù hiện tại, ở Bình Thuận cũng có hai làng còn làm gốm Chăm, là: thôn Bình Đức xã Phan Hiệp và thôn Bình Minh thuộc xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình. Nhưng có thể nói, sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước – Ninh Thuận được sản xuất nhiều và đang thịnh hành, từ đó làng gốm này trở nên nổi tiếng hơn cả.

Với giới chuyên môn, gốm Chăm không chỉ đó thế. Lịch sử gốm Chăm ít nhiều có liên quan với kĩ thuật xây tháp, ở đó gạch nung có vai trò lớn, nếu không nói là lớn nhất. Hiện nay các dấu vết lò nung gạch tháp vẫn còn có mặt khắp các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Bàu Trúc trong tiếng Chăm là palei Hamu Crauk, trước 1964, làng nằm cách vị trí hiện nay khoảng một cây số về hướng Bắc. Lũ lụt, chính quyền mới dời làng lên. Đây được xem là một trong vài làng ít ỏi có cách chế tác gốm cổ nhất Đông Nam Á còn được bảo lưu. Người Bàu Trúc chế tác gốm theo một lối rất đặc trưng, từ thao tác tạo dáng gốm đến cách nung, từ nguyên liệu đến lối tạo hoa văn… Tất cả đều còn rất nguyên bản. Và chính cái nguyên bản gần như là “cổ lỗ sĩ” ấy đã thu hút đặc biệt khách thập phương đến với Bàu Trúc.

Nguyên liệu chính của gốm Chăm là đất sét. Đất sét được lấy từ các đám ruộng vùng sông Quao cách làng khoảng hai cây số. Sau khi phơi khô, đất sét được đập nát vụn và rây nhuyễn rồi mang ngâm nước trong hố đất đào sẵn cho qua đêm. Sau đó đất sét được mang trộn với cát mịn. Tỉ lệ pha trộn là 1 đất sét – 1 đến 2 cát, tùy sản phẩm có kích thước lớn hay nhỏ. Sản phẩm lớn thì tỉ lệ cát được pha ít hơn. Tiếp đó, hỗn hợp này được đạp cho nhàu, sau đó được nhồi nhuyễn bằng tay.

Bộ dụng cụ làm gốm Chăm Bàu Trúc rất đơn giản. Còn cách chế tác, bà con không dùng bàn xoay mà dùng bàn kê. Người thợ có thể tận dụng bất cứ thứ gì có sẵn, như một cái bàn, một khúc gỗ, hoặc một sản phẩm gốm cũ.

Đất sét được tạo dáng hình quả bí đặt lên bàn kê; người thợ vừa đi giật lùi xung quanh bàn kê, vừa dùng tay tạo hình dạng sản phẩm ban đầu cho khối đất sét, nặn thành dáng gốm cơ bản (tiếng Chăm: ppadơng taduk). Sau đó, người thợ dùng từng lọn đất sét khác ráp nối với phần gốm cơ bản ban đầu để nâng thân gốm cao dần lên, tạo kiểu gốm theo ý. Công đoạn này gọi là nống vai và thân gốm (ppathik tagok). Tiếp theo là thao tác bẻ miệng gốm (bbaik cabbwai gauk); công đoạn này người thợ dùng vải cuộn xếp thành 2-3 lớp để thấm nước chà láng thân gốm, tạo hình miệng gốm.

Để làm láng thân gốm bên ngoài, người thợ dùng vòng quơ làm bằng nhánh cây nhỏ uốn hình vòng cung, đường kính chừng một gang tay. Riêng làm láng bên trong, người ta dùng vòng cạo bằng thanh tre mỏng uốn vòng cung. Công đoạn gạt hết mấy mảnh đất sét thừa và tạo hình đáy sản phẩm được gọi là nống đáy. Đây là công đoạn cuối trước khi bước vào phần trang trí sản phẩm.

Hoa văn gốm Chăm rất đơn giản, cho nên công cụ dùng cho công đoạn tạo hoa văn cũng rất thô sơ. Với vài cây que nhỏ hay răng lược, vỏ sò, vân vân, người thợ có thể tạo được vài hoa văn hình sóng nước, hình con thoi…

Sản phẩm được phơi khô trong nhà khoảng 3 – 4 ngày, sau đó, mang phơi nắng để chuẩn bị nung. Điểm đặc biệt của gốm Chăm là chúng có thể nung ở bất cứ đâu ở ngoài trời, miễn có khoảng đất trống. Tùy lượng gốm “ra lò”, mỗi nhà có thể tự nung riêng, hoặc tập hợp lại nung chung một “lò tập thể”.

Nguyên liệu nung gốm là củi, chà gai, phân trâu bò khô, rơm rạ… Thời gian nung kéo dài khoảng 2 – 3 tiếng đồng hồ; nhiệt độ không cao, từ 600-8000C. Nhiều sản phẩm có độ dày mỏng và kích cỡ khác nhau nung cùng một lúc, nên một ít sản phẩm bị vỡ. Sau cùng người thợ dùng cây sào móc sản phẩm ra, dùng dung dịch thực vật chiết từ da cây săng, trái thị để tạo màu lốm đốm cho gốm ngay khi gốm còn nóng. Do nung ngoài trời với nhiều nguyên liệu khác nhau, nên lửa ăn không đều, cách tạo hoa văn cũng tùy hứng, do đó sản phẩm gốm Chăm mang rõ dấu ấn của thủ công.

Trước kia gốm Chăm làm ra chỉ để dùng trong sinh hoạt của cộng đồng. Kiểu dáng gốm cũng rất đơn giản. Có thể chia gốm Chăm làm hai nhóm: Nhóm để nấu gồm nồi nấu cơm, nấu canh, lò, ấm, đĩa… Nhóm để đựng gồm chậu rửa, thạp gạo, lu nước, khương đồ ăn… Từ hai thập niên qua, gốm Chăm đã đi xa hơn hàng rào cộng đồng, nhờ bà con Chăm đã biết chế tác nhiều mẫu mã khác nhau. Công dụng chính của loại gốm mới này là trang trí. Bình hoa, giá đèn,… thuộc dạng này. Gốm Chăm còn đi vào nghệ thuật đương đại. Họa sĩ Đàng Năng Thọ, đứa con Bàu Trúc, đã sáng tạo nhiều bức tượng giá trị từ gốm quê hương.

Hiện nay, khi sản phẩm dân dụng bằng nhôm, nhựa, inox đang tràn ngập thị trường, gốm Chăm sinh hoạt gần như mất đất đứng trong đời sống cộng đồng. Hình ảnh bà mẹ Chăm với giành gốm băng cánh đồng trưa quen thuộc ngày nào đã biến mất:

Ai đang đi kia?
Băng cánh đồng khô chân trần hối hả
Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ
Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?

        (Inrasara, Tháp nắng, 1996)

Ngay cả sản phẩm thông dụng nhất là lu đựng nước uống, và cho dù bà con biết nước đựng trong lu palei Hamu Crauk uống có vẻ “ngọt” hơn, “mát” hơn, thế nhưng dạo qua khắp làng Chăm hiện nay không còn tìm đâu ra bóng dáng đồ gốm tròn trĩnh thân thương ấy. Có chăng chúng chỉ còn xuất hiện trong các ảnh chụp lưu niệm, các phim tư liệu. Và cả các vật dụng “bắt buộc” trong phong tục tập quán cũng đã được thay thế bằng sản phẩm hiện đại rồi.

Thương thay!

Tác giả