Grigory Sokolov – Người khổng lồ cuối cùng

Cách đây vài năm, tôi mới lần đầu được nghe Grigory Sokolov chơi đàn. Và tất cả những gì tôi biết, tôi nghĩ hay cảm nhận về cây đàn piano và những màn trình diễn bằng thứ nhạc cụ này đều tan thành khói.

Mặc dù là một bí mật được giữ kín, nhưng với nhiều người, Sokolov là một trong số những nghệ sỹ piano vĩ đại nhất còn sống. Sokolov là Dostoyevsky của piano, tiếng đàn của ông mở ra những phạm vi rộng lớn, hư ảo và vắt ra những giọt cuối cùng của ý nghĩa.

Sau những nỗ lực của chuyên viên báo chí ở Nhà hát Barbican và người đại diện của Sokolov, tôi đã trở thành nhà báo Anh đầu tiên phỏng vấn ông trong suốt 9 năm qua. Cuộc phỏng vấn bắt đầu với buổi độc tấu của ông tại Palau de la Musica Catalana ở Barcelona. Đây chắc hẳn là phòng hòa nhạc rực rỡ màu sắc nhất thế giới: một kiệt tác kiến trúc hiện đại với kính màu, những họa tiết điêu khắc và kiến trúc. Xem Sokolov biểu diễn độc tấu ở đây giống như xem một bộ phim đen trắng chồng lên nền phim màu: người đàn ông có mái tóc xám trong trang phục đen – trắng ngồi bên cây đàn gỗ mun với những phím ngà voi, chơi nhạc theo cách mà chỉ một vài nghệ sỹ vĩ đại từng chơi từ “thời đại vàng” của những năm đầu thế kỷ 20. Âm nhạc của ông đưa ta trở về với một kỷ nguyên khác, như trong những bộ phim kinh điển. Nhưng sắc màu trong lối chơi của ông sống động và mạnh mẽ tới mức khán phòng Palau vốn rực rỡ là thế, lập tức bị át vào trong bóng tối.

Chúng tôi trò chuyện ở sau sân khấu khi buổi hòa nhạc kết thúc, với sự trợ giúp của một nghệ sỹ cello Nga trong vai trò phiên dịch. Tây Ban Nha vẫn là Tây Ban Nha, buổi hòa nhạc bắt đầu từ 9 giờ tối; và Sokolov vẫn là Sokolov, phần bis đầy hào phóng bất chấp màn đêm đã buông. Khi chúng tôi ngồi trò chuyện trong phòng thay đồ cũng là lúc nửa đêm nhưng Sokolov vẫn còn hưng phấn sau màn trình diễn. “Bây giờ vẫn là sau buổi biểu diễn”, ông nhận xét, “nhưng ba hoặc bốn giờ nữa sẽ lại là trước buổi biểu diễn tiếp theo”. Giống như Sviatoslav Richter hay Glenn Gould, Sokolov là một nghệ sỹ được bao quanh bởi bầu không khí huyền hoặc. Không thể trông đợi ở ông điểm gì chung với những siêu sao thời hiện đại, ông dường như bước ra từ một vũ trụ khác biệt, một thế giới xa xăm và thuần khiết. Nếu ông chưa nổi danh toàn cầu như lẽ ra ông phải như vậy, thì đó là bởi ông không thích sự phô trương, các buổi phỏng vấn, hay thật ra là tất cả những gì xa lạ với âm nhạc. Trí tuệ của ông sắc sảo và quảng bác đến phi thường. Tôi nói với ông rằng, có phải ông không nhượng bộ trước những đòi hỏi ngoài âm nhạc của giới kinh doanh âm nhạc. “Đó không phải là câu hỏi mà là một lời khen”, ông nói. “Vâng, tôi không thích bất kỳ vấn đề nào không thuộc về âm nhạc. Quả thật, tôi ghét nó. Bất kỳ điều gì làm nhiễu loạn âm nhạc đều chống lại âm nhạc và không thể cùng tồn tại với âm nhạc. Một cách tự nhiên, nếu chị yêu âm nhạc, chị sẽ không thích bất kỳ điều gì khác nữa. Nếu chị không yêu âm nhạc, chị sẽ làm việc trong một lĩnh vực khác. Nếu chị yêu âm nhạc, chị sẽ chấp nhận rằng âm nhạc là quá đủ cho toàn bộ cuộc đời mình rồi”.

Sokolov sinh ra tại St Petersburg và bây giờ vẫn sống ở đó – “về lý thuyết. Trên thực tế, tôi sống trên máy bay và ô tô.” Ông không nhớ khi nào thì mình bắt đầu đam mê âm nhạc: “Tôi chỉ có thể giải thích bằng những gì tôi biết qua lời cha mẹ tôi. Họ nói nếu tôi nghe thấy âm nhạc trên đường phố, tôi sẽ dừng lại ngay lập tức. Ở nhà chúng tôi có một số bản thu âm, và tôi có một cái bục nhỏ cùng một cây gậy chỉ huy. Tôi chỉ huy tất cả mọi thứ ở đó. Sau đó bố mẹ tôi hỏi một giáo viên piano là phải làm gì với tôi. Bà bảo họ ‘Hãy chờ đến khi cậu bé được 5 tuổi thì cho học piano.’ Đến khi tôi được mua đàn, tôi đã quên biến giấc mơ trở thành nhạc trưởng và chỉ muốn chơi đàn. Tất cả mọi thứ diễn ra theo chiều ngược lại với thông thường: nhiều nghệ sỹ piano bắt đầu bằng chơi đàn và sau đó chuyển sang làm chỉ huy. Còn tôi chỉ muốn làm chỉ huy khi lên bốn thôi.”

Sokolov giải thích về việc hiếm khi thu âm: “Thông thường, khi một buổi hòa nhạc kết thúc, mọi thứ đều sẽ trôi qua, ngoại trừ ký ức. Nhờ có CD, người ta có thể đem những ký ức về buổi hòa nhạc quay trở lại, điều đó thật vĩ đại. Một điều thú vị với những bản thu âm cổ là có thể âm thanh không thực sự hoàn hảo nhưng nó lại ẩn chứa bầu không khí riêng biệt, nhưng ngược lại quá trình chỉnh sửa dần dần khiến nó trở nên nhân tạo hơn. Điều đó xảy ra khi người ta cắt ghép các phần trong bản thu âm để tìm ra một bản thu hoàn hảo. Hơn nữa, các bản CD chứa những dải âm thanh vô trùng, bạn không nghe thấy bất cứ điều gì khác ngoài âm nhạc, không có tiếng ồn, không có không khí, không sức sống, chỉ có những âm thanh sạch sẽ. Đáng chú ý là một nghệ sỹ bậc thầy thường có những buổi biểu diễn trực tiếp tốt hơn nhiều so với các bản thu âm của. Với ngành công nghiệp CD như hiện nay, anh có thể thu âm mọi thứ âm nhạc nhưng ngay cả khi đã thực hiện được điều đó thì việc nghe trực tiếp bao giờ cũng vẫn tốt hơn”.

Năm 1966, khi mới 16 tuổi, Sokolov chiến thắng tại Cuộc thi piano Tchaikovsky quốc tế. Năm đó, chủ tịch của ban giám khảo chính là Emil Gilels. Mặc dù đã có giải thưởng danh tiếng nhưng ông vẫn còn tương đối vô danh ở phương Tây: dưới thời Soviet, các chuyến lưu diễn của ông bị hạn chế. Sau Perestroika, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Giờ đây ông có khoảng 80 buổi hòa nhạc mỗi năm và người hâm mộ vồ vập những đĩa CD hiếm hoi của ông – hiếm khi ông thu âm trực tiếp các buổi biểu diễn, ông cũng không thích các phòng thu. Đạo diễn người Pháp, Bruno Monsaingeon đã may mắn đưa được buổi độc tấu huyền thoại của ông ở Paris lên phim vào năm 2002.

Người ta cho rằng Sokolov là nghệ sỹ piano vĩ đại cuối cùng từ “trường phái Nga” huyền thoại, sau những người khổng lồ như Tatiana Nikolaeva, Richter, Gilels, nhưng bản thân Sokolov lại phản đối điều đó. “Thật kỳ quặc nếu tất cả các nghệ sỹ piano từ một đất nước rộng lớn như nước Nga lại có thể được đặt cạnh nhau dưới một cái biển chung là “trường phái Nga,” ông nói. “Tất cả các nghệ sỹ đều khác biệt, và bản sắc của mỗi người cũng hết sức khác biệt. Nếu chúng ta đến bảo tàng, chúng ta sẽ thấy tranh Rembrandt hay Rubens và cả những bức tranh bị quy vào “trường phái Rembrandt” hay “trường phái Rubens”. Điều đó có nghĩa là về cơ bản, những người thuộc về một “trường phái” nào đó không hề có cá tính để chúng ta có thể nhớ về họ như một nghệ sỹ riêng biệt. Cá tính là tất cả những gì quan trọng trong nghệ thuật.”

Chắc hẳn, Sokolov bị cho là “kẻ lập dị”. Ông không thỏa hiệp ngay cả với các tiêu chuẩn của mình và vì vậy, với người khác, yêu cầu của ông dường như có vẻ cực đoan. Ví dụ, ông thích cả một ngày làm việc với cây đàn piano trước mỗi buổi hòa nhạc, và yêu cầu người lên dây đàn xử lý những tiểu tiết mà ông đòi hỏi phải có ở cây đàn. “Chị cần nhiều giờ để hiểu cây đàn piano bởi vì mỗi bên đều có cá tính riêng, mà cả hai lại biểu diễn cùng nhau”, ông giải thích.

Bản tính đòi hỏi cao của ông đã dẫn đến quyết định giảm đáng kể số bản concerto trình diễn với dàn nhạc. Điều này nghe như một sự uổng phí lớn, nhưng Sokolov nói: “Hoàn toàn bình thường thôi. Số tác phẩm viết cho piano như một đại dương, mà có chơi nhạc cả đời cũng không hết được một phần nhỏ của nó. Với dàn nhạc lại không dễ gì tìm được thời gian để luyện tập 10 lần, hoặc tìm được những nhạc công sẵn lòng luyện tập đến cùng mà không nhìn đồng hồ. Với các nhạc trưởng cũng không dễ dàng bởi chị phải kết hợp được với người có tài năng đặc biệt để có thể đi theo và hiểu âm nhạc theo cách mà chị hiểu. Điều đó rất hiếm khi xảy ra, tôi phải nói như vậy. Nhưng đây có thể mới là điều tồi tệ nhất: nếu chị chơi một tác phẩm độc tấu nhiều lần qua nhiều ngày, chị sẽ tiến lên một trình độ cao hơn. Nhưng với một bản concerto, chị luôn phải luyện tập nhiều hơn, thế nhưng với mỗi dàn nhạc và mỗi nhạc trưởng mới, chị lại phải bắt đầu lại từ con số 0 ngay từ buổi tập đầu tiên. Vậy, nếu chị có thể dùng năng lượng của mình một cách hiệu quả hơn khi biểu diễn độc tấu thì sao chị lại phải chơi với dàn nhạc? Tôi rất thích một sự thật là tất cả những gì tôi làm đều chỉ phụ thuộc vào chính tôi. Với 100 người thì điều đó hầu như là bất khả”.

Với Sokolov, âm nhạc luôn tươi mới ở mọi buổi diễn. Thực ra là ông cảm thấy không thể chơi hai lần một tác phẩm theo cùng một cách. “Trước hết, bởi chúng ta đều khác đi mỗi ngày,” ông nói. “Thứ nữa là, chị chơi trên một cây đàn khác, ở một khán phòng khác. Ngay cả trong cùng một khán phòng và trên cùng một cây đàn thì cách chơi cũng không thể như cũ được”.

Chương trình biểu diễn của Sokolov tại Barcelona phần đầu bao gồm các tác phẩm của Bach và Beethoven, phần sau là bản sonata giọng Fa thăng thứ của Schumann– một tác phẩm khác thường và mơ hồ nhưng dưới đôi bàn tay của Sokolov, đã bộc lộ hết chiều sâu, những giọng nói ma mị và những gì mỏng manh ngoài sức tưởng tượng. Nhưng ông không dùng lời lẽ bóng bẩy để nói về tác phẩm này: “Đó là một tác phẩm đẹp”, ông nói ngắn gọn. “Schumann là một thương hiệu rất tốt!”

Còn Bach trong lối chơi của Sokolov đầy những chi tiết tinh xảo và những khoảnh khắc nên thơ bất ngờ, cùng với sự trong trẻo có thể khiến nhiều nghệ sỹ chơi đàn harpsichord phải ghen tị.

Một nhà phê bình âm nhạc Mỹ cho rằng, cách Sokolov chơi đàn không hề bị ảnh hưởng bởi những bậc thầy trong quá khứ. Tuy nhiên, Sokolov thường nhắc đến những nghệ sỹ nổi tiếng đem lại cảm hứng cho ông trong suốt thời gian học tập: “Tất nhiên người tôi muốn được nghe trực tiếp trên sân khấu nhất là Emil Gilels. Còn khi thu âm, đó sẽ là Rachmaninoff, Sofronitsky, Gould, Solomon và Lipatti. Tuy nhiên về thẩm mỹ âm nhạc, tôi cảm thấy mình gần gũi hơn cả với Anton Rubinstein”.

Mặc dù trong quá khứ Sokolov thỉnh thoảng có chơi các chương trình của riêng một nhà soạn nhạc nào đó, nhưng đến giờ ông vẫn không có kế hoạch gia nhập danh sách các nghệ sỹ piano thực hiện trọn bộ các tác phẩm theo cùng chủ đề, chẳng hạn như các sonata của Beethoven. “Tôi không hiểu cách mà mọi người vẫn nghĩ khi bỗng dưng đặt ra mục tiêu ‘OK, bây giờ tôi sẽ chơi toàn bộ các bản sonata’, và sau đó họ xem danh sách những gì họ muốn chơi. Nếu họ muốn chơi một bản sonata nào đó, họ cứ cố phải chơi bằng được. Nhưng một nghệ sỹ piano chỉ nên chơi những gì anh ta cảm nhận được từ bên trong. Đó phải là cảm nhận tự nhiên. Tôi không muốn chơi tất cả 32 sonata; tôi đã từng chơi nhiều bản trong đó và có thể chơi ghép chúng cùng nhau cũng được. Nhưng mỗi bản sonata của Beethoven lại thể hiện một thế giới hoàn toàn khác biệt”.

Các buổi độc tấu của Sokolov thường kết thúc trong cảnh khán giả đứng cả dậy nhiệt thành hoan hô và những bài bis hào phóng. Tại Barcelona, chúng tôi đã được nghe những tác phẩm lạ lùng của Rameau; ba impromptu, một mazurka, và một waltz của Chopin. Sao lại nhiều vậy? Sokolov cười lớn: “Tôi thích được chơi piano, vì vậy nếu mọi người muốn…”. Và tất nhiên là ai cũng muốn. Phép thuật của Sokolov cuối cùng đã đến được với người yêu nhạc trên toàn cầu, biến tất cả những gì chúng ta kỳ vọng một buổi độc tấu piano có thể đem đến thành hiện thực. Ấn tượng cuối cùng của tôi về người cuối cùng trong số những người khổng lồ Nga là cách ông uống trà cũng hệt như cách ông đến với cây đàn piano: nhúng túi trà lọc một cách cương quyết, sau đó vắt ra cho đến những giọt cuối cùng của hương vị.
     
       Thanh Nhàn dịch
     

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)