GUSTAVE COURBET và bức tranh gây sóng gió

Bất kỳ du khách nào đến Paris biết chút đỉnh về hội họa, cũng đều cố đến Viện Bảo tàng Orsay xem cho được bức tranh độc đáo của Gustave Courbet (1819-1877) vẽ vào năm 1866, để rồi từ đó cả cuộc đời và sự nghiệp ông gắn liền vào các tai ương cho đến chết. Hoạ phẩm mang tên “Cội nguồn trần thế“ (L’origine du monde).  

Là con trai duy nhất của điền chủ nửa nhà quê nửa tư sản được cha mẹ cùng 3 chị nuông chiều, Gustave Courbet có tính ngang tàng phóng khoáng của dân du mục, không nghi ngờ bất kỳ cái gì và không điều gì làm nản chí.
Sinh ngày 10 tháng 6 năm 1819 ở làng Ornans (tỉnh Doubs, vùng Franche-Comté, biên giới Thụy Sĩ) miền Ðông nước Pháp, sau khi học sơ sài ở tỉnh Besançon, ông lên Paris năm 1840, 20 tuổi đẹp trai, cao ráo thanh tao với đôi mắt nhung và bán diện có nét đông phương, tính tình vui vẻ, khôi hài sống động, là một đứa con hiếu kính, một người bạn trung thành và một người tình ưu tú. Ông tự học vẽ thay vì học luật như đã dự định.

Chân dung tự họa

Vào thời đó, Viện Mỹ thuật hàn lâm quyết định mọi việc: chọn giáo sư, tổ chức các cuộc triển lãm mỗi hai năm định giá trị tranh không thì khó lòng bán được, và quyết định sẽ mua bức nào cho các viện bảo tàng… Có hai trường phái rất chia rẽ: trường phái lý tưởng – khách quan, và trường phái lãng mạn. Họa sĩ trẻ muốn sống còn bắt buộc phải như bột nhuyễn nằm gọn vào một trong hai khuôn này.
Vì không theo trường phái nào nên Courbet bị Viện Hàn lâm làm nản chí. Courbet tự học một mình, vẽ cóp theo các bức tranh nổi tiếng, nhất là theo trường phái Tây Ban Nha và Flamand (người Bỉ nói tiếng Hà Lan) và tạo ngạc nhiên cảm phục ngay cả những người chống đối ông. Ông đã tìm ra mạch vẽ của mình. Mặc kệ lãng mạn, ông vẽ sự thật như nhìn thấy bằng chính mắt mình, không tưởng tượng màu mè, tự cho mình có khuynh hướng xã hội và tuyên bố là “vẽ như thần”.
Ông làm việc cật lực và năm 1849 nhận được mề đai hạng nhì. Nhưng chưa phải là thành công. Năm 32 tuổi, Courbet về làng sinh trưởng và đưa dân làng vào tranh để năm 1850 hiên ngang trở lại phòng triển lãm  Hàn lâm với bức tranh vĩ đại 7m x 3.50 mang tên “Ðám tang ở Ormans“ (Enterrement à Ornans), đã để lại dấu ấn trong lịch sử hội họa. Cho tới bấy giờ, khổ lớn chỉ dùng cho những đề tài “sang trọng, cao quý”,  Courbet chỉ giới thiệu buổi tang lễ nhà quê, màu tối tăm đen là chính, từ ông Thị trưởng đến người đào huyệt mộ, từ nông dân đến tiểu tư sản… đều có mặt, những khuôn mặt  tỉnh lẻ xấu xí như cảnh vật chung quanh. Tất cả đều không đẹp đẽ hài hoà trong bức tranh. Nhưng đó là mục đích.
Sự công phẫn vô cùng to lớn. Các nhà phê bình hết lời. Chính trị chen vào. Và huyền thọai nảy sinh. Ðược mệnh danh “Họa sĩ của sự xấu xí”, nhưng ông hài lòng: vị trí ông đã định hình rồi. Càng hài lòng hơn khi bức tranh không bán cho Chính phủ, mà bán cho các nhà sưu tập. Ông tiếp tục sáng tác và bán chạy. Và ông tự cho phép mình từ chối những đề nghị của Giám đốc Viện Hàn lâm. Cuộc triễn lãm năm 1855 ông vẽ bức “Phòng tranh họa sĩ“ (L’Atelier du peintre), nghệ nhân làm trung tâm xã hội, bị từ chối vì không có chỗ, ông sáng chế  kiểu thương mại đầu tiên là thuê một biệt thự cạnh phòng triển lãm chính thức, dành riêng cho tranh hiện thực. Không những tranh bán chạy, mà kể cả hình chụp tranh và Catalog nữa. Các nhà phê bình không còn lời nào đủ mạnh để nói, giá tranh Courbet cứ tăng lên. Các nhà quý tộc kín đáo mua tranh đồng quê, cảnh sinh họat và tranh loã thể càng lúc càng táo bạo của ông.

“Cội nguồn trần thế“

Ðám tang ở Ormans – 1849

Năm 1866, Khalil Bey, nhà ngoại giao sưu tập tranh người Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ông bức tranh khiêu khích nhất, bức “Cội nguồn trần thế”, vẽ bộ phận sinh dục đàn bà, trông thật và sống động tới nỗi nó được giấu mãi, ngay cả đến những năm 1950. Vừa vẽ xong là bức tranh biến mất. Ban đầu nhà sưu tập treo trong phòng tắm, sau đó treo tấm màn che. Rồi họa phẩm này được bán đi bán lại, và người mua cuối cùng là nhà phân tâm Jacques Lacan vào những năm 1950, phải làm khung đôi, bên trên vẽ bức tranh khác.
“Cội  nguồn trần thế” bị xem là khiêu khích vì  nó quá thực, vì nó gợi lên ý nghĩ “những gì bạn trông thấy và nắm bắt được”, đây là trường hợp áp dụng thực tế: “hãy gọi con mèo là con mèo”.
“Cội nguồn trần thế“ bị xem là xấc xược vì cho thấy một đỉnh vú cương cứng, tức là người mẫu vừa qua cơn thoả mãn hoặc sắp sửa đạt được. Họa sĩ đã dám phô bày cái ham muốn của người mẫu, điều này chưa ai làm.  Cũng bị cho là xấc xược vì nó là bức tranh. Nếu là quyển sách hay truyền hình thì nguời ta có thể khép sách hay tắt truyền hình – trừ phi phải che bằng tấm màn như nhà sưu tập. Và rằng những gì phô bày hết trong vòng kín đáo thì không thể phơi bày ra trước công chúng.

Phòng tranh của họa sĩ- 1855

“Cội nguồn trần thế” cũng bị xem là điếm nhục (ngay cả đến ngày nay đối với một số người) vì hội họa là loại nghệ thuật cao, có vai trò phải đưa tâm hồn con người hướng thượng, không được hạ xuống các chuyện xung năng. Trái lại nghệ thuật khiêu dâm có thể chấp nhận được trong chừng mực đạo đức vào thời đó.
“Cội nguồn trần thế” cũng bị một số người quan niệm là hạ giá đàn bà vì nó đã giảm đàn bà xuống thành đàn-bà-đồ-vật; cũng là hạ giá hội họa vì dù là vẽ, bức tranh này không còn là một biểu tượng nghệ thuật nữa.

Cuộc đời Courbet
Thời đó, trừ số người hâm mộ tài năng, phần đông thiên hạ mọi giới đều xem ông như kẻ thù. Ðến nỗi tại quảng trường Vedôme ở Paris (gần quảng trường Concorde và Champs Élysée), nơi cây trụ sừng sững đại diện cho nền quân chủ mà Courbet có “khuynh hướng đỏ” thường mong muốn triệt hạ đi, vì cho đó là “một khối đồng hỗn độn kéo dài truyền thống chinh phục, cướp bóc và sát nhân” – bị đập phá ngày 16 tháng năm 1871, và dù không tham dự, có nhân chứng và luật sư biện hộ, ông cũng không thoát được cảnh tù đày.
Ngày 14 tháng 8 năm 1871, cả Paris, nghệ sĩ, chính trị gia và dân tư sản chen lấn vào toà án Versailles trong cái nóng nung người. Người ta hả hê nhìn ông quằn quại đau đớn bị trĩ hành, ngồi nhấp nhổm trên chiếc gối mang theo đặt trên ghế. Trên đường phố Versailles, một bà đập cán dù vào đầu ông, quán cà phê ném vỡ cái cốc ông vừa uống, báo chí vẽ hình ông tóc tai xum xuê, u tối, nham hiểm… Tại quê nhà Ornans, người ta chặt bức tượng đồng người câu cá mà ông đã tặng trang hoàng quảng trường. Người ta khinh bỉ ông. Toà kết án ông 6 tháng tù giam. Lúc này ông 52 tuổi.
Ra tù, các tai họa khác bắt đầu. Các nghị viên muốn xây lại cây trụ và tịch thu tài sản ông làm chi phí. Ở Paris người ta tránh né hoặc canh chừng ông. Ở Ornans phòng tranh ông bị tàn phá. Mẹ chết, bạn bè thời thơ ấu cũng chết, thiên hạ lợi dụng thời cơ vơ vét hết: bà chủ nhà cũ ăn cắp của ông hai thùng tranh, chủ nợ, thương gia, nhà sưu tập cố tạo nhiều khó khăn, bắt trả tiền ngay tức khắc, ngay chị ruột của ông cũng báo trình với cảnh sát. Ông hoàn toàn kiệt quệ vì kiện tụng.
Tháng 5-1873, Hạ Nghị viện quyết định ông phải trả 330.091,68 quan vàng (tương đương 800.000 Euro hiện tại) cho cột trụ bị phá. Họ xiết hết tài sản ông, nếu không trả đủ sẽ phải đi tù. Ông miệt mài vẽ nhưng còn lòng dạ đâu, khi biết là bức nào xong cũng sẽ bị tịch thu?
Chỉ còn giải pháp lưu vong. Ngày 22 tháng 7 năm 1873, ông sang Thụy Sĩ, ở La Tour-de-Peilz, một cảng nhỏ quận Vaud. Tại đây ông sản xuất hàng loạt, nhưng con tim không đi cùng nữa. Ông sa đà vào rượu. Thần kinh suy nhược. Ông xin trở về Pháp nhưng bị từ chối. Tài sản ông đã hoàn toàn bị tịch thu hết. Mọi người đều quay lưng. Chỉ có bố ông là người duy nhất tiếp tục tranh đấu cho ông.
Ông mất năm 1877 tại La Tour-de-Peilz, bệnh xơ gan và thủy thũng, thọ 56 tuổi. Courbet để lại cho đời hơn 600 bức tranh. Bức cuối cùng bán với giá 2,45 triệu Euro.
Năm 1994, cảnh sát Besançon buộc tiệm sách lấy khỏi tủ kính quyển sách mà tác giả đã dùng bức “Cội nguồn trần thế” làm hình bìa. Và đến năm 1995 bức tranh này mới được công khai trưng bày ở Viện Bảo tàng Orsay. Trước tường treo họa phẩm độc đáo này là hàng ghế luôn luôn có quý ông an toạ. Và đàn bà con gái đi ngang qua đấy tình cờ nhìn phải bức tranh đều vội vã quay chỗ khác, âm thầm đỏ mặt hoặc hốt hoảng kêu “My God!” quýnh hơn gặp ma. Bởi vì bức tranh sống động đến nỗi nếu đặt nằm ngang tầm chiếc giường, hai bên che màn, người nhìn sẽ bắt gặp một người đàn bà đang nằm trần truồng trước mặt.

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)