Hạ Long đá và nước

... Có thể lang thang suốt đêm, đêm này qua đêm khác trên mặt vịnh, để mà nhìn, mà xem, mà biết, mà say mê sự giàu có kỳ lạ của biển Hạ Long. ... Và, có phải không, trong những đêm như vậy, trôi dạt giữa các đảo đá muôn đời vẫn bí ẩn này, ta lại nghe thức dậy từ trong đáy sâu tâm trí nỗi nhớ về những con người Soi Nhụ hàng vạn văn trước - từ Bắc Sơn hay Hòa Bình, hay là từ những rừng núi âm u nào phía Tây xa xôi kia - những con người can trường của Mẹ Âu Cơ, đã đi cuộc đi dài hàng vạn năm, gian nan bao nhiêu, vất vả bao nhiêu, tiến rồi lùi, lùi để mà tiến lên... chinh phục, làm chủ cả vùng nước non đẹp giàu này cho chúng ta hôm nay.

Đêm hạ tuần, trăng lên muộn. Trăm nghìn đảo đá chập chờn như cùng nhảy múa trong đêm.
Và nhìn kia, có một thứ ánh hào quang kỳ lạ nào kia đang ánh lên ở các chân đảo ta đang đi qua, lung linh, chập chờn, như thực như hư, có lúc tưởng chừng óng ánh cả một khu mặt vịnh.
Người lái thuyền sẽ nói cho ta biết: ta đang đi qua một khu vực nổi tiếng tập trung trai ngọc và diệp: các đảo Minh Châu, Ngọc Vừng. Ta bỗng phát hiện ra thêm một diện mạo nữa chưa chừng được biết đến của Hạ Long: tưởng có bàn tay người thợ tài hoa, vị hóa công kỳ ảo nào đó, những đêm trăng muộn như đêm nay, đã chạm khảm cả một vùng biển ẩn hiện mà rực rỡ những bức chạm khảm lóng lánh, một bức tranh khảm chìm dưới nuớc, và ánh lên trên mặt nước chập chờn…
… Bây giờ thì trăng đã lên, và thuyền ta lại đang trôi qua một vùng kỳ quan khác: các bãi san hô dày đặc mạn Hòn Rồng, Hòn Trắng. Một rừng hoa dưới nước. San hô cành. San hô quạt. San hô trắng. San hô hồng. San hô đỏ rực một vùng như huyết. San hô màu xanh cẩm thạch. Gió lên và kia là nước xao động hay cả cái vườn hoa, cái rừng hoa dưới biển kia xao động. Chỗ này là những cành san hô đong đưa như cành cây trong gió, chỗ kia là những cành san hô xoè ra như chiếc quạt, dập dờn như cánh bướm, hay uốn cong nghiêng ngả tựa cánh sen…
Giá được lặn xuống đấy, lạc vào cái vườn Thượng Uyển thuỷ cung ấy. Có thể lang thang hàng ngày trong cái thế giới phong phú, mênh mông, biến ảo lạ thường ấy. Vừa qua khỏi những vườn san hô trùng điệp, ta lại sẽ lạc vào những vườn tảo bát ngát. Có đến hàng chục hay hàng trăm loài tảo khác nhau, đủ các màu, chỗ này lục, chỗ kia xanh, chỗ kia nữa vàng hay nâu sẫm. Chính trong những rừng tảo ấy, nếu ta “rong chơi” ở đây vào đúng mùa trên kia chim tu hú đang gọi vào hè, thì ở đây ta sẽ gặp từng đàn đông vô tận những con “tu hú” của biển: từng đàn cá chuồn kéo nhau đến làm tổ và sinh nở ở các bè rong câu…
 

Rồi hải sâm, bào ngư. Rồi các loài mực, mực ống: những chiếc phản lực cơ nhanh vun vút của biển. Mực ngang, mực sim, mực cơm. Tháng Giêng Hai là vụ rộ của mùa mực. Có những đàn mực kéo đi như một đoàn đại hùng binh, mỗi mẻ lưới buông xuống đúng luồng có thể kéo lên hàng tấn.
Vô số đảo đá Hạ Long cũng tạo nên cả một rừng hang hốc chằng chịt, vô tận, kín đáo và rợp bóng dưới nước: nơi cư trú sinh sản của hàng ngàn loài cá phong phú lạ thường. Từ những loài cá lớn, cá đáy, cá dữ,  cho đến những loài ngon quý nhất như chim, thu, nụ, ré…
Và kìa, trước mắt ta, xa xa lại đang có hội hoa đăng nào vậy? Ta đang đi vào vùng Hòn Miếu, Hòn Đũa, Đầu Bề. Hãy đến gần hơn. Ra là vô số thuyền giả dày kín, đèn duốc liu riu sáng dày mặt vịnh. Người ta đang vào hội “xiếc” tôm. Mỗi người một ngọn đèn đất, một tay vợt. Cảnh “xiếc” tôm náo nhiệt suốt đêm…

*
Ở cửa sông Bạch Đằng, gần mạn Bến Rừng, chính tại nơi Hưng Đạo Vương đã chống kiếm búi tóc đứng nhìn giang sơn 700 năm trước, có một hòn đảo mang tên bình dị: đảo Hà Nam. Dòng sông Bạch Đằng từ mạn Tràng Kênh đổ xuống, qua khỏi bến Rừng thì tách ra một nhánh lớn, nhánh sông này lại tách đôi ra nữa, một bên là Sông Chanh, bên kia là Sông Cồn. Hai con sông tách ra rồi hợp lại cùng lúc đổ ra biển đúng sát mép phía nam Hạ Long, tạo thành một hòn đảo, một cù lao lớn, dài đến hơn chục cây số, chỗ rộng nhất đến 5 cây số.
Ngày Hưng Đạo Vương đến đây và đánh trận đại thắng Bạch Đằng, cả cái cù lao mênh mông ấy còn là một bãi lầy rậm dày sú vẹt, lúc triều lên thì ngập chìm mất tăm dưới mặt nước mênh mông.
Trong trận đại thủy chiến Bạch Đằng, có một vị tướng hay một chiến binh nào, quê từ Thăng Long theo đoàn quân lớn đến đây, đã chăm chú nhìn ngắm và ngẫm nghĩ về vùng đất lầy sú vẹt ngập nước ấy chăng?
Và đại thắng trở về, đêm đêm họ lại kể lại cho con cháu về dải đất xa xôi ấy. Cha kể cho con. Ông truyền cho cháu. Nếu ta tính trung bình mỗi thế hệ dài 25 năm thì câu chuyện về dải đất lầy ngập mặn ấy đã được truyền kể lại trong những gia đình nào đấy ở Thăng Long suốt 6 thế hệ. Gần 150 năm. Sáu thế hệ để điều ngẫm nghĩ và suy tính của vị tướng hay người chiến binh Thăng Long nọ ngấm sâu, bắt rễ, lên men, nảy mầm. Và trở thành hành động.
Cho đến năm 1434, đời Lê Thánh Tông, niên hiệu Thiệu Bình, khi vua có chủ trương mở rộng thành Thăng Long, cho dân tự nguyện đi tìm vùng đất mới khác để sinh sống, 17 con người Thăng Long, họ Lê, họ Vũ, họ Nguyễn, họ Ngô, họ Phạm, họ Dương, họ Bùi, đã khăn gói lên đường, tìm về miền đất chiến trường xưa của cha ông.
Đảo lầy sú vẹt Hà Nam lúc triều lên nằm sâu đến 3 mét rưỡi dưới mực nước biển.
Nhưng 17 con người Thăng Long là con cháu của những người anh hùng Bạch Đằng. Cha ông họ đã đại thắng giặc Nguyên. Đến lượt họ, họ quyết thắng biển.
17 con người.
Và chắc cả một số con cháu, họ hàng, xóm giềng.
Họ tìm ra được một gò đất cao, đêm neo thuyền lại đấy, khuya bổng nghe có tiếng ếch kêu. Có tiếng ếch kêu tức là có nước ngọt. Họ liền ra tay đắp đê…
Biển cao hơn họ đến 3 mét rưỡi. Thì họ quyết đắp đê cao hơn 4 mét, rồi 5 mét, 6 mét. Lại một lần nữa, những con người Soi Nhụ!…
Nửa thiên niên kỷ đã qua.
Trên đường về Hạ Long hôm nay, ta có thể ghé thăm Hà Nam. Chẳng có gì khó. Từ thị xã Quảng Yên, qua một con phà nhỏ, gọi là Phà Chanh, là đến Hà Nam. Có lẽ tốt nhất nên đến vào một ngày nước lớn. Để có thể nhìn rõ cái hòn đảo kỳ lạ ấy, cả một vùng đất phì nhiêu, đông đúc, rộn rịp, mênh mông, 7 xã, hơn 5 vạn dân, đến tận hôm nay vẫn nằm dưới mực nước biển đúng 3 mét rưỡi. Ba mươi tư cây số đê, vững chắc như trường thành, bao quanh.
Ngay giữa đảo Hà Nam, tại chính nơi ngày xưa 17 con người Thăng Long đầu tiên đi mở mang bờ cõi đã tìm thấy nguồn nước ngọt và neo thuyền lại, bắt đầu cái kỳ công vĩ đại của mình, nay có một ngôi miếu thờ, gọi là Miếu Tiên Công.
Hàng năm, đúng vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch, tại đây diễn ra lễ hội tạ ơn Tiên Công. Cả vùng đảo, 5 vạn con người, đều vào hội. Người bốn phương đổ về.
Nhưng thay mặt tất cả con cháu để chính thức làm lễ tạ ơn Tiên Công tại miếu, thì phải là những con người đặc biệt, những người được kính trọng nhất và tự mình cũng đã một đời dày công tiếp tục xây dựng mảnh đất này: các cụ thượng thọ. Chỉ có các cụ thượng thọ tròn đúng 80, 90 hay 100 tuổi mới được lên miếu làm lễ trong ngày trọng thể này.
Chính vì vậy mà trước đó một ngày, ngày 6 tháng giêng âm lịch, trong từng gia đình, từng thôn xóm, người ta làm lễ chúc thọ các cụ trước. Lễ chúc trang trọng và cảm động. Con cháu dâng lễ chúc mừng và bái lạy tế sống các cụ. Trên bàn thờ bày các thứ lễ vật, và bao giờ cũng nhất thiết phải có một con long mã kết bằng các thứ hoa quả: Long mã là tượng trưng cho cuộc đấu tranh vật lộn kiên cường chinh phục sông nước biển cả.
Ngày hôm sau, con cháu và dân làng rước các cụ, võng điều, lọng vàng, cờ hiệu, và cả bàn thờ bày long mã cùng lễ vật, có lân múa dẫn đường… lên miếu Tiên Công.
Trước khi vào tế trong miếu, các cụ sẽ dùng những hòn đất nhỏ do con cháu mang đến, tự tay đắp một con đê tượng trưng ngay trước cửa miếu. Và hai cụ, thường là cao tuổi và tráng kiện nhất, cùng vào một keo vật, cũng là tượng trưng, giữa tiếng trống giục và tiếng hò reo của con cháu….
Các chàng trai vác cờ ngũ sắc.
Các cô gái đội những mâm cỗ, bày bánh chưng, bánh dày. Có những chiếc bánh dày lớn, to bằng cả chiếc mâm, trên dán chữ Thọ điều. Cũng có chiếc bánh dán hàng chữ giấy điều “Đời đời biết ơn các Tiên Công”…
Có lẽ lễ hội Tiên Công Hà Nam, ở cửa sông Bạch Đằng ngay lối vào vịnh Hạ Long, là một trong những lễ hội cảm động và đẹp nhất còn mãi giữ được, quý giá biết bao, của dân tộc ta. Có thể nhận ra ở đấy, lắng đọng sâu lắm, một nét đẹp nhất của tâm hồn Việt, văn hóa Việt…

Bên bờ Vịnh Hạ Long, ngay phía Thành phố Hạ Long hiện nay, có một ngọn núi đá đẹp, leo lên đỉnh núi có thể phóng cái nhìn bao quát cả vùng vịnh rộng lớn, tận Vân Đồn, Vân Hải, tận Cái Bầu, Soi Nhụ, tận Cẩm Phả, Uông Bí, tận Bạch Đằng, Yên Hưng, Hà Nam, và cả Yên Tử vời vợi trên kia.
Năm 1468, Lê Thánh Tông, một trong những vị vua anh minh nhất của lịch sử nước ta, đã đến ngọn núi này, ngắm nhìn khắp giang sơn và dõng dạc truyền:
“Mùa xuân tháng Hai, năm Quang Thuận thứ chín, ta thân đem sáu quân duyệt võ trên sông Bạch Đằng. Hôm ấy gió lành, cảnh đẹp, biển không nổi sóng, bèn lướt thuyền trên biển Hoàng Hải, đi tuần du An Bang, đến đóng quân dưới núi Truyền Đăng, mài đá mà đề một bài thơ…”
Bài thơ lịch sử của Lê Thánh Tông “mài đá” khắc lên bên bờ Hạ Long 600 năm trước nay còn đó. Tám câu bảy chữ, long lanh một ngọn đuốc sáng cháy mãi trong thời gian, như tiếng vọng ngàn đời của tâm linh dân tộc, hào hùng mà sâu lắng. Thơ viết:
… “Cuộc chiến tranh vùng Hải Đông đã tắt ngọn khói báo hiệu
Muôn thuở trời nam, núi sông còn mãi
Chính là lúc sửa sang việc văn, tạm ngưng việc võ”
“Sửa sang việc văn”, tức là dựng xây đất nước, chấn hưng dân tộc, sửa sang giang sơn.
Từ thuở Soi Nhụ vạn năm xa tít, từ thuở Bạch Đằng 700 năm trước ba lần huyết chiến…, khát vọng dựng xây cháy bỏng da diết biết chừng nào trong bao nhiêu thế hệ con người Việt.
Hạ Long, với tất cả vẻ đẹp vô song và chiều sâu lịch sử thăm thẳm của nó, đã khiến vị vua anh minh, trong một phút xuất thần, bằng những dòng thơ hùng tráng mà thâm trầm, nói lên khát vọng lớn lao nhất, đời đời của dân tộc anh hùng mà rất đỗi hiền hòa.

Nguyên Ngọc

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)