Hai cống hiến lớn của Phạm Quỳnh

Học giả Phạm Quỳnh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nước nhà, trong đó có hai cống hiến ông tự coi là phát minh đáng kỷ niệm trong một đời.

Học giả Phạm Quỳnh sinh ra vào thời đại văn minh phương Tây ồ ạt tràn vào châu Á, va chạm với văn minh phương Đông. Giới trí thức Á Đông bừng tỉnh trước sự vượt trội của văn minh phương Tây và sức mạnh quân sự hơn hẳn của các nước Âu Mỹ. Tự đắc với nền văn minh 5000 năm, triều đình nhà Thanh ra sức chống lại các đế quốc phương Tây, kết cục thất bại nhục nhã. Giới trí thức Trung Quốc giận dữ đổ tội cho nền văn hóa truyền thống nước mình. Người Nhật khôn ngoan vội “bái địch vi sư”, bỏ ông thầy Tàu, dốc lòng học ông thầy Tây, tiến nhanh lên con đường hiện đại hóa, trở thành cường quốc.

Khi ấy Việt Nam đã trở thành thuộc địa của Pháp. Sau khi bình định xong các cuộc nổi dậy của nhân dân ta, thực dân Pháp bắt đầu thi hành chiến lược đồng hóa dân tộc ta bằng văn hóa. Chính quyền thuộc địa dùng các biện pháp hành chính mở rộng giảng dạy chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, hạn chế giáo dục chữ Hán. Tây học bắt đầu hưng thịnh, Hán học dần suy tàn. 

Tình hình lúc đó được Phạm Quỳnh diễn tả như sau (đại ý):Ta đang ở chỗ giáp giới hai nền văn minh. Văn minh phương Đông cũ kỹ nhưng là cái vốn có của ta, bỏ đi không nỡ; văn minh phương Tây mới mẻ nhưng tự ngoài đem lại, thâu lấy cũng khó…Tuy cứ bề ngoài mà xét, tựa hồ như có bên thắng bên bại, tình thế đã rõ ràng, nhưng người mình đối với bên nào cũng còn lúng túng chưa quyết hẳn theo một phương châm nhất định, không biết nương tựa vào đâu. Các nhà cựu học chán đời không biết làm gì. Phái tân học chủ trương chỉ theo về một đường Tây học. Số nhiều trong quốc dân ta thì mơ màng, có khuynh hướng cứ nhắm mắt mà theo các nước Âu Tây cường thịnh, hà tất phải nghĩ quanh nghĩ quẩn…1.

Ông gọi đó là cái bi kịch về tinh thần, cái thảm trạng trong các bậc thức giả nước ta.

Là người nặng lòng với Tổ quốc, dân tộc, lại giỏi cả Hán học lẫn Tây học và được làm việc ở hai trung tâm văn hóa cao nhất nước là Viện Viễn đông Bác cổ và tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh cảm thấy khổ tâm trước thảm kịch trên và tự thấy mình có trọng trách góp phần định hướng sự phát triển nền văn hóa nước nhà. Cho rằng văn hóa quan trọng hơn chính trị, ông chủ trương nước ta phải tìm cách gây dựng một nền văn hóa riêng, điều đó rất cần cho lẽ sinh tồncủa dân tộc ta

Trên thực tế, học giả Phạm Quỳnh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nước nhà. Dưới đây sẽ bàn về hai cống hiến ông tự coi là phát minh đáng kỷ niệm trong một đời.

Thứ nhất là đưa ra quan điểm đúng đắn về đường lối phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Phạm Quỳnh cho rằng trước hết phải xác định thái độ đối với hai nền văn hóa Đông và Tây. Muốn vậy phải biết được giá trị chân chính của hai nền văn hóa này, từ đó chọn lấy phần bổ ích cho sự phát triển của nước ta. Qua nghiên cứu, ông nhận định: Văn minh phương Tây chuộng vật chất, khoa học, văn minh phương Đông chuộng tinh thần, đạo đức. Người Âu mê tín khoa học, chỉ chuyên chú khảo sát sự vật, lợi dụng khoa học để làm cho nước họ giàu mạnh. Người Á mê tín đạo đức, cho rằng có thể lấy đạo đức để mưu sự hạnh phúc cho nhân quần và sự hòa bình cho thiên hạ. Văn hóa phương Tây là khoa học, văn hóa phương Đông là đạo học.  

Ông cũng nói sự tiến bộ của văn minh nhân loại có động lực chủ yếu là trí thức, mà ít chịu tác động của đạo đức. Trong lịch sử, nhiều người đạo đức tốt mà trí thức tầm thường đã làm hại rất lớn cho nhân quần. Văn minh phương Tây chú trọng tri thức khoa học. Vì thế khi xung đột với văn minh khoa học của phương Tây thì văn minh đạo đức của phương Đông không sao địch nổi, ngày một sa sút, hầu như không còn có cơ hưng thịnh.  

Ông kết luận: Để gây dựng nền văn hóa Việt Nam, ta cần biết phân biệt và dung hòa hai nền văn hóa Đông và Tây, bỏ mọi cái dở, chỉ chọn lấy cái tốt bổ ích cho ta mà thôi.

Phạm Quỳnh tâm sự: Điều đó dường như tầm thường mà riêng tôi phải suy nghĩ trong nhiều năm mới hiểu thấu. Tôi cho đấylà một phát minh đáng kỷ niệm trong đời mình.

Dung hòa hai nền văn hóa Đông và Tây, chọn lấy các mặt tốt để xây dựng nền văn hóa dân tộc mình là quan điểm hoàn toàn đúng. Ở thời Phạm Quỳnh không phải nhà trí thức nào cũng có thể đưa ra quan điểm như vậy. Cùng thời đó, một số nhà trí thức phái Tân Văn hóa ở Trung Quốc lại hoàn toàn phủ nhận nền văn hóa truyền thống của dân tộc họ. Có người hô hào vứt hết sách cũ vào hố xí, không đọc sách Trung Quốc, tiêu diệt chữ Hán… Rốt cuộc các quan điểm cực đoan đó đều không thực hiện được. Công cuộc cải cách chữ Hán kéo dài suốt một thế kỷ tới nay vẫn chưa đạt kết quả mong đợi. 

Phạm Quỳnh đã suốt đời phấn đấu thực hiện quan điểm của mình. Ông viết rất nhiều trên báo Nam Phong, đi khắp nơi diễn thuyết, giải thích, tuyên truyền cho việc xây dựng nền văn hóa độc lập của nước ta, kêu gọi toàn dân yêu quý và học chữ Quốc ngữ, khuyến khích viết báo viết văn bằng chữ Quốc ngữ, sáng tạo từ ngữ tiếng Việt, phê phán thái độ khinh thường chữ Quốc ngữ, nạn say đắm chữ Tàu, tiếng Pháp của giới trí thức nước ta…  

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai của học giả Phạm Quỳnh tại cuộc tọa đàm “Tạp chí Nam Phong: 100 năm nhìn lại” Thư viện Quốc gia, do Hội khoa học lịch sử VN, Tạp chí Xưa & Nay tổ chức năm 2017. Ảnh: Nguyễn Thị Trâm/ Vietbao.

Nhờ phát triển theo phương châm sử dụng các mặt tốt của hai nền văn hóa Đông Tây, văn hóa Việt Nam nhanh chóng phát triển theo hướng hiện đại hóa. Công cuộc phổ cập chữ Quốc ngữ thành công mỹ mãn, nạn mù chữ được nhanh chóng xóa bỏ, trình độ văn hóa của toàn dân được nâng cao đáng kể. Ngôn ngữ Việt Nam “thoát Hán” nhẹ nhàng nhưng triệt để, không chút luyến tiếc, trở thành một ngôn ngữ Latin hóa hoàn hảo, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, có kho từ ngữ phong phú, khác hẳn mấy nước “đồng văn đồng chủng”. Sau mấy nghìn năm phụ thuộc văn hóa nước ngoài, văn hóa Việt Nam nhanh chóng tách ra và đứng vững một mình, có bản sắc riêng không thể pha trộn. Độc lập văn hóa góp phần quan trọng giúp đất nước giữ gìn độc lập chính trị, như chân lý được Phạm Quỳnh tổng kết: Tiếng ta còn thì nước ta còn….

Ông còn sáng tạo ra phương pháp dùng tiếng ta để diễn đạt mọi khái niệm, tư tưởng, học thuyết–  phương pháp giúp hấp thu, “tiêu hóa” các giá trị văn hóa tiên tiến của nước ngoài, biến thành cái của ta. Ông gọi đó là phát minh thứ hai của mình.

Lập thân bằng nghề viết báo, viết văn, Phạm Quỳnh thạo dùng ngôn ngữ nói và viết, và rất quan tâm mối quan hệ giữa tư duy của con người với ngôn ngữ. Tư duy hoặc suy nghĩ  (ông gọi là tư tưởng), tất phải biểu lộ ra bằng ngôn ngữ nói hoặc viết. Người bình thường dĩ nhiên chỉ có thể suy nghĩ bằng tiếng mẹ đẻ. Nhưng Phạm Quỳnh đi sâu phân tích, đặt câu hỏi: Người trí thức Việt Nam xưa nay tư duy những vấn đề cao sâu bằng ngôn ngữ nào ? Và trả lời : Thời xưa hầu hết các nhà cựu học đều tư duy bằng chữ Hán ; thời nay phần lớn các nhà tân học đều tư duy bằng tiếng Pháp

Vì sao vậy? Nguyên nhân căn bản nhất là do dân tộc ta thời cổ chưa có chữ viết. Phạm Quỳnh cho rằng đó là tình trạng chung: bất cứ nước nào ở trong cái vòng khuôn một nền văn hóa cổ (như văn hóa Hán) thì đều phải làm nô lệ cho thứ văn tự cổ ấy (chữ Hán).

Ông viết: Ông cha ta ngày xưa chỉ biết một cái văn minh học thuật của Trung Hoa mà thôi, coi nó như một nền văn hóa riêng của nước mình, cúc cung tận tụy, thành thực phụng thờ. Các cụ say đắm chữ Tàu, lãng bỏ tiếng Nôm, đời đời học mướn viết nhờ, vì thế con cháu ngày nay khổ vì có nước mà không có quốc văn, có người mà không có cách nói cho nhau nghe ngoài những câu nhật dụng thường đàm. Ở đây học mướn viết nhờlà nói học tư tưởng Khổng giáo của văn hóa Trung Hoa, viết bằng chữ của người Hán. 

Ông phê phán giới trí thức nước ta xưa sùng bái chữ Hán, nay sùng bái tiếng Pháp, chung kiếp làm nô lệ tinh thần cho nước ngoài

Phạm Quỳnh phân tích: Vào khoảng cuối đời Trần nước ta (thế kỷ XV), người Pháp đã tỉnh ngộ quyết bỏ hẳn chữ Latin mà chỉ dùng tiếng Pháp, cho dù tiếng Pháp thời ấy chưa hoàn thiện, các nhà văn Pháp cũng khốn nạn [khó khăn] như bọn mình viết Quốc ngữ bây giờ. Nhưng vì họ có những người nhiệt thành bênh vực chữ quốc âm nên quốc văn Pháp mới chóng độc lập. Còn ở ta thì sao ? Ông viết :Từ đời nhà Trần, ta đã có Hàn Thuyên[ông tổ chữ Nôm]mà đến đời nhà Nguyễn cũng chỉ thêm được Nguyễn Du [viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm] nữa mà thôi. Suốt 400 năm văn Nôm ta nín hơi lặng tiếng. Vì sao tiếng quốc âm của ta thiệt thòi kém cỏi như thế ?… Vì các cụ đời trước quá sùng thượng chữ Hán, không chịu viết bằng tiếng nước nhà. Thành ra nền văn học ta chậm kém nước Pháp hơn 300 năm.

Đúng vậy. Chữ Nôm ra đời trong sự ghẻ lạnh của giới trí thức, những người nghĩ rằng dưới gầm trời này duy nhất chỉ có chữ Hán là thâm thúy. Họ chỉ dạy chữ Nho, không dạy chữ Nôm. Ngay cả chữ Quốc ngữ rõ ràng trội hơn hẳn chữ Hán, nhưng lúc đầu vẫn bị giới hủ Nho tẩy chay, chê là “ngoằn ngoèo như con giun, lại chẳng có ý nghĩa gì”. 

Khi không ai lo dùng tiếng ta, thì tiếng ta sao có thể phát triển được. Do đó dĩ nhiên tiếng Việt thiếu từ ngữ diễn tả các khái niệm trừu tượng, tân tiến của văn minh nước ngoài. 

Tuy giỏi tiếng Pháp vào loại nhất nước ta hồi ấy, nhưng Phạm Quỳnh lại cho rằng thói quen nói tiếng Pháp trong giới Tây học ở ta rất có hại cho tiếng Việt. Ông viết : Phái tân học nước ta ngày nay say đắm tiếng Tây quá đến nỗi nhãng bỏ hẳn tiếng nước mình, không biết bắt chước người Nhật. Hồi mới duy tân, nước Nhật cũng gặp cái khổ thiếu từ ngữ như ta, nhưng phái tân học của họ là những người có chí, trong hai ba mươi năm gắng công dịch hết những từ ngữ mới của phương Tây ra tiếng Nhật. Các từ mới đó dùng lâu thành quen, thông dụng trong cả nước, hơn nữa vì lẽ đồng văn, người Tàu đến sau cũng bắt chước dùng các từ ấy để dịch thuật sách phương Tây.2

Tóm lại Phạm Quỳnh đã tìm ra nguyên nhân chủ quan của tình trạng tiếng ta bị kìm hãm mấy nghìn năm không phát triển. Phát hiện này đã bác bỏ quan điểm sai lầm thời đó cho rằng vì tiếng ta nghèo nàn nên mới phải dùng tiếng nước ngoài.

Ông cho rằng việc tư duy bằng chữ Hán hoặc tiếng Pháp đều lợi bất cập hại. Như thế thời dẫu là tư tưởng riêng của mình mà một nửa thành ra Tây hay Tàu vậy… Khổ tâm vì điều đó, ông bèn nghĩ ra một cách (ông gọi là phương tiện) để bổ cứu. Ông đặt câu hỏi : Vì sao người trí thức nước ta không suy nghĩ bằng tiếng ta ?Và ông làm một thí nghiệm riêng cho mình: Cố gắng dùng tiếng mẹ đẻ để diễn đạt bằng được các suy nghĩ, tư tưởng của mình; tư tưởng nào không nói ra được bằng tiếng ta thì ông coi đó chưa phải là tư tưởng của mình, vẫn là thứ đi mượn. 

Sau một thời gian dài thí nghiệm và có kết quả tốt, ông nhận thấy khi diễn đạt được bằng tiếng Việt một tư tưởng Tây Tàu nào đó thì nó sẽ được đầu óc ta lọc đi một lần, vì thế dễ bị ta “tiêu hóa”, biến thành tư tưởng của ta. Như vậy việc dùng tiếng mẹ đẻ để diễn tả mọi tư tưởng, khái niệm, để sáng tác mọi tác phẩm văn hóa, văn học sẽ giúp cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc ta. 

Thượng Chi Phạm Quỳnh suốt đời lo giữ gìn và phát huy tiếng Việt cùng chữ Quốc ngữ. Ông đi đầu sử dụng tiếng Việt để viết văn và để chuyển ngữ mọi khái niệm, tư tưởng, học thuyết tiên tiến, làm phong phú kho từ ngữ tiếng Việt. Trong tổng số 1391 bài tiếng Việt đã đăng trên tạp chí Nam Phong, ông viết nhiều nhất với 458 bài, chiếm khoảng một phần ba, chưa kể 33 bài tiếng Pháp và các bài chữ Hán. Ông hăng hái tổ chức việc dạy chữ Quốc ngữ cho đồng bào. Những việc làm đó đều nhằm xây dựng một nền văn hóa độc lập, tiên tiến của nước nhà. Hai cống hiến nói trên chứng tỏ ông là một người giàu lòng yêu nước, luôn lo lắng cho vận mệnh của Tổ quốc, dân tộc.  

——–

Ghi chú 

1Những chỗ in nghiêng là trích dẫn đại ý lời Phạm Quỳnh, lấy từ sách Phạm Quỳnh: Luận giải văn học và triết học. Nxb Văn học, 2016.

2Xem bài: “Người Nhật phát triển Hán ngữ hiện đại”. Nguyễn Hải Hoành. Nghiencuuquocte.org/2017/02/07/nguoi-nhat-phát-trien-han-ngu-hien-dai.

Tác giả

(Visited 38 times, 1 visits today)