Hai cuốn sử liệu về quan hệ Việt -Trung
Qua hơn hai ngàn năm điều khiển ngòi bút của các sử quan và sử gia Trung Hoa, điều ta phải thừa nhận ở họ là đặc tính quan sát các nơi bên ngoài phạm vi cai quản của đế chế. Những ghi chép nối tiếp bền bỉ về các nơi bên ngoài cương vực Trung Quốc được coi như một bộ phận trong chính sử- như một thể lệ - với mục tiêu ít nhất là cai quản trên tinh thần đối với các nơi khác biệt văn hoá hoặc/và khác biệt chủng tộc.
Ngày ra mắt các bản Việt dịch Minh, Thanh Thực lục, ông Dương Trung Quốc thổ lộ một niềm vui và một nỗi buồn [đại ý]: “Vui vì có những tập hợp sử liệu dày dặn hoàn chỉnh về những thời kỳ lịch sử của đất nước, buồn vì các cơ quan hữu trách chưa mấy quan tâm đến việc tổ chức khai thác các nguồn sử liệu từ anh bạn láng giềng, nơi đang cất chứa rất nhiều điều liên quan đến lịch sử nước ta”. Cũng cần nói thêm hoặc buồn thêm là, một trăm năm qua chúng ta luôn lẽo đẽo theo sau các sử gia phương Tây trong việc sử dụng, xử lý và nghiên cứu sử thư Trung Quốc.
Đời Minh mở rộng hơn sự giao thông về phía biển Nam, tức vùng Đông Nam Á ngày nay, khiến cho Việt Nam từ chỗ quan hệ đất liền với Trung Hoa lại thêm phần quan hệ trên biển. Do chồng chất bởi điều kiện lịch sử ấy nên đối với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước chiếm một số lượng lớn trong các loại sử liệu Trung Quốc. Minh Thực lục và Thanh Thực lục là hai bộ sử biên niên lớn bậc nhất trong các loại sử thư, lần đầu tiên Minh Thực lục được dịch toàn bộ những điều mục có liên quan đến lịch sử Việt Nam và Thanh Thực lục được dịch phần liên quan đến cuộc chiến chống Thanh.
Tuy cùng được biên chép bởi sử quan nhưng về thể loại và tính chất, Thực lục khác với Chính sử: Thực lục thuộc thể biên niên, Chính sử thuộc thể kỷ truyện; Thực lục là một trong những nguồn tư liệu để soạn quốc sử, Chính sử là quốc sử. Các triều đại trước Minh và Thanh không còn Thực lục, vì vậy việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Minh và Thanh ngoài hai bộ Minh sử và Thanh sử cảo còn có thêm nguồn tư liệu bổ trợ là Minh Thực lục và Thanh Thực lục.
Về sách Minh Thực Lục, quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XIV-XVII
Minh Thực lục được biên soạn trong suốt 13 triều vua nhà Minh, từ Thái Tổ (Hồng Vũ) đến Hoài Tông (Sùng Trinh), cộng được 3.070 quyển. Bắt đầu từ năm 1368, là năm Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế Trung Hoa, sự kiện có liên quan đến Đại Việt và Chiêm Thành được ghi chép đến năm 1640. Thời gian ấy (1368-1640) Đại Việt trải qua Trần – Hồ, Lê – Mạc, Lê – Trịnh– Nguyễn.
Tham khảo tư liệu từ Minh Thực lục vào việc biên soạn hoặc nghiên cứu sử Việt Nam sớm nhất là vào khoảng năm 1950, qua công trình “An Nam Sử nghiên cứu” của học giả Nhật Bản Yamamoto Tatsuro (Sơn Bản Đạt Lang), công trình này thu thập khá nhiều văn bản Minh Thực lục với hình thức sao y nguyên bản.
Đến khoảng những năm 1955, 1956, học giả Đào Duy Anh bắt đầu tham khảo “An Nam sử nghiên cứu I ” để bổ sung cho quyển “Lịch sử Việt Nam” (1955). Tư liệu Minh Thực lục đã giúp tác giả bổ sung nhiều sự kiện và tình tiết, số liệu quan trọng thời thuộc Minh và kháng chiến chống Minh. “An Nam sử nghiên cứu I” chủ yếu nghiên cứu về hai cuộc chiến tranh chống Nguyên và chống Minh của nước ta; các trích lục Minh Thực lục trong đó chỉ nhằm phục vụ cho chủ đề ấy, vì vậy các học giả Việt Nam như Đào Duy Anh và cả sau này chỉ tham khảo được một số văn bản trong phạm vi của thời kỳ thuộc Minh và cuộc chiến chống Minh. Ngoài ra, do khảo cứu sâu về các địa danh liên quan đến chiến sự và vấn đề lịch sử địa lý nước ta thời thuộc Minh cũng được Sơn Bản Đạt Lang lưu ý, nên một số văn bản thời Vĩnh Lạc (Thái Tông Thực lục) về tình hình dựng đặt hành chánh cũng được sao lục.
Trước đây, trong một số chuyên đề về lịch sử cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn, một số ít tư liệu Minh Thực lục đã được khai thác, những dữ liệu về quân số, về nhân vật tham chiến hoặc những tình tiết thuộc phạm vi nội tình quân Minh đã làm sinh động hơn trong việc phục dựng lại các chiến trường cách nay đã gần 600 năm. Tuy nhiên khi tham khảo trực tiếp tất cả các văn bản liên quan đến cuộc chiến chống Minh, nhiều chi tiết khá đắt giá khác sẽ được biết đến, thí dụ như trong văn bản ngày 26/12 năm Tuyên Đức thứ nhất [23/1/1427], một sắc lệnh của hoàng đế Tuyên Đức điều động quân lực cả hai Kinh Nam, Bắc, các đô ty của 13 hành tỉnh trong toàn quốc, luôn cả Trung đô Lưu thủ ty [Lâm Hào, An Huy] vốn là đội quân bảo vệ lăng… tất cả gom được 7 vạn, giao cho Liễu Thăng và Mộc Thạnh. Số phận của đạo quân này chúng ta đều đã biết, nhưng đằng sau thông tin của văn bản ấy và một vài văn bản liên quan đã bộc lộc sự mòn mỏi sức dân, sự kiệt quệ kinh tế và cũng là niềm hy vọng cuối cùng của triều Minh nhằm duy trì sự đô hộ nước ta.
Sau “An Nam sử nghiên cứu I”, năm 1985 ra đời một nghiên cứu chuyên đề (hoặc có thể gọi là đoạn đại sử) viết về triều đại Hồ Quý Ly, chuyên đề này đã sử dụng khá nhiều tư liệu Minh Thực lục của hai triều Thái Tổ (Hồng Vũ) và Thái Tông (Vĩnh Lạc), “Việt Nam, Hồ Quý Ly và triều Minh (1371 – 1421)” của John. K. Whitmore [Viện Nghiên cứu châu Á, ĐH Michigan, USA] là một sử phẩm khá hiếm về đề tài và thể loại này, và hình như công trình này được biết đến rất ít ở Việt Nam.
Buổi ra mắt sách sáng 20/11 tại Hà Nội |
Những điều mới mẻ có thể thấy được qua nhiều đoạn văn bản Minh Thực lục là số liệu không nhỏ về các cuộc di tản – mang tính chất mà ngày nay gọi là tị nạn chính trị- của giới quan lại người Việt từng cộng tác với chính quyền đô hộ đã mang thân quyến bộ thuộc theo Vương Thông rời bỏ Tổ quốc. Hay như một văn bản đề cập việc các quan lại nhà Minh trong thời gian đô hộ đã triệu tập những nhà buôn muối bản xứ họp bàn việc ấn định giá muối ở Giao Chỉ, văn bản tuy ngắn nhưng cũng phần nào gợi lên sự ảnh hưởng của giới thương nhân trong giai đoạn lịch sử ấy. Trong vài thời điểm, việc các vua Đại Việt và Champa cứ hằng năm liên tục sang cống nhằm tranh thủ ủng hộ khiến vua Minh phải ngăn lại bằng những văn bản quy định ba năm một lần, đến nỗi có khi từ chối tiếp kiến sứ đoàn Đại Việt, có lẽ đây là những dấu lặng buồn bên cạnh những phấn khích về những chiến công muôn đời truyền tụng trong dòng sử Việt.
Minh Thực lục là tập hợp sử liệu về nhà Minh, được viết bởi các sử quan đương thời, nội dung bao quát cả chế độ chính trị và những hoạt động xã hội một triều đại. Với một khối lượng đồ sộ, Minh Thực lục là một kho tư liệu cơ bản giúp ích rất nhiều cho việc biên soạn và nghiên cứu sử ở Trung Quốc. Trước đây, giới sử học Việt Nam đã từng biết đến nguồn tài liệu Minh Thực lục và đã trích dịch phần nào để ứng dụng vào việc biên soạn lịch sử nước nhà. “Minh Thực lục, quan hệ Trung Quốc –Việt Nam thế kỷ XIV-XVII ” là bản dịch tập hợp hầu hết các sử liệu Minh Thực lục có liên quan trực tiếp đến lịch sử Việt Nam; tập tư liệu này, ngoài mục đích bổ sung cho sử Việt, còn khơi gợi những nghiên cứu lâu dài về nhiều lĩnh vực, trong đó có cả việc phải nghiên cứu chính nó, tức nghiên cứu về nội hàm sử liệu Minh Thực lục.
Về sách Thanh Thực Lục – Quan hệ Thanh -Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX
Thanh Thực lục còn có tên Đại Thanh Lịch Triều Thực Lục chép việc từ vua Thái Tổ nhà Thanh Nỗ Nhĩ Cáp Xích [niên hiệu Thiên Mệnh] đến vua Đức Tông Tải Điềm [niên hiệu Quang Tự] gồm 11 triều vua, 11 bộ, riêng triều Thái Tổ có thêm Mãn Châu Thực Lục, cộng chung là 12 bộ, phụ thêm Tuyên Thống Chính Kỷ 1bộ (là 13), tổng cộng 4.433 quyển.
So với thực lục các triều vua Minh, văn bản Thanh Thực lục hoàn hảo hơn, tình trạng chất lượng khá tốt, ngoài trọn bộ định bản [30.190 cuốn với 3 loại văn tự Hán, Mãn, Mông] tập trung ở Thực lục quán được bảo tồn nguyên vẹn, còn có thêm một số cảo bản [5.168 cuốn các loại] giúp ích rất nhiều cho việc khảo chứng. Trước chiến tranh Trung- Nhật, một phần đáng kể của toàn bộ Thanh thực lục đã được các thư viện công và tư ở Nhật Bản thu thập tàng trữ.
Thanh Thực lục – Quan hệ Thanh –Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII- đầu thế kỷ XIX là bản dịch từ một sưu tập sử liệu, tập sử liệu này được trích lục từ một nguồn Thanh Thực lục, gồm hầu hết những ghi chép có liên quan đến lịch sử quan hệ Trung Hoa – Việt Nam trong khoảng 15 năm [1788-1803]. Trong phạm vi thông sử hoặc đoạn đại sử, sự việc trước sau về một sự kiện như cuộc chiến chống Thanh của vua Quang Trung chẳng hạn, có thể chỉ chiếm mươi trang viết, sự chọn lọc tài liệu đòi hỏi sự tinh tế, trường hợp tài liệu tham khảo là ngoại văn lại cần thêm nhiều thời gian và điều này thường là trở ngại lớn đối với một số sử gia hiện nay. Bản dịch sưu tập sử liệu này có thể sẽ giúp đỡ phần nào cho người làm sử trong quá trình tham khảo.
Đối với việc nghiên cứu chuyên sâu về đề tài chiến tranh Thanh –Tây Sơn trong thời Càn Long, hoặc sự bang giao giữa Thanh và Nguyễn Tây Sơn – Nguyễn Gia Long trong thời Gia Khánh thì sưu tập này cung cấp được nhiều sử liệu quan trọng. Ngoài hai loại sử liệu thường được chú ý nhiều là về chiến tranh và bang giao, độc giả cũng có thể bắt gặp một chân dung Càn Long được biểu hiện qua những lời sắc, dụ và phê duyệt, những tình tiết được ghi chép đến độ tẳn mẳn về sự chỉ đạo từ xa của Hoằng Lịch gửi đến mặt trận đôi khi khiến ta khó hiểu, bởi sự nhập nhằng giữa vai trò một hoàng đế với một tướng lĩnh; những tiểu tiết khác thấy qua sự đối đãi với chúa tôi Lê Duy Kỳ, việc ép nhóm người này gọt đầu thắt bím trước giờ nhiều nguồn tài liệu cho rằng là mưu mẹo của Phúc Khang An, Cao Tông thực lục cho thấy việc này lại là chủ trương của Hoằng Lịch… Độc giả cũng có thể thấy được vài mảng của khung cảnh chính trị, xã hội Trung Hoa thời Càn Long qua cuộc hành trình của đoàn giả vương Nguyễn Quang Bình v.v
Thanh Thực lục là nguồn sử liệu phong phú và gần như liên tục trong quan hệ bang giao Đại Thanh – Đại Nam, đặc biệt là đối với Cao Tông Thực lục, các chi tiết về những sự kiện quan hệ trong [trước và sau] cuộc chiến 1789 tuy phong phú nhưng những điều sai lạc cũng chiếm phần đáng kể. Trên thực tế, qua những nghiên cứu về văn bản của các học giả Nhật Bản cho thấy Thanh Thực lục có nhiều bộ được sửa đổi nhiều lần, thậm chí vài nơi còn biểu lộ sự mâu thuẫn, Thực lục triều Càn Long cũng không ngoài các vấn đề đã nêu, lịch sử về cuộc xâm lược của nhà Thanh và thắng lợi của vua Quang Trung qua Cao Tông Thực lục sẽ có thêm nhiều tư liệu cụ thể, nhiều chi tiết phía sau chiến trường. Tuy nhiên người đọc sử và nhà làm sử hẳn sẽ tiếp nhận chúng một cách chọn lọc để có thể đưa ra những phân tích, nhận định khách quan.
Hai tập sử liệu này được ghi chép bởi các sử quan dưới chế độ quân chủ Trung Hoa, có những lúc nhằm vào những triều vua được thời đắc chí bậc nhất trong lịch sử cai trị, như Chu Nguyên Chương nhà Minh và Hoằng Lịch nhà Thanh, vai trò của thiên tử và vị thế của vương triều được khuếch đại quá mức cũng là điều bình thường. Nhu cầu sử liệu trong nghiên cứu thường không giới hạn, hai công trình này dừng ở mục tiêu sưu tập có hệ thống các sự kiện trong một giai đoạn lịch sử. Việc chọn lựa, phân tích để sử dụng chúng vào các vấn đề có lợi cho lịch sử nước nhà, cho mục tiêu phát triển học thuật là thuộc về công việc sắp tới của số đông các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến lịch sử nước nhà.
Những người làm sách không biên giới
Minh Thực lục và Thanh Thực lục được thực hiện trong một thời gian dài (2000-2010), trải trên một không gian rộng lớn (New Jersey, Sài Gòn, Hà Nội). Dịch giả và người hiệu đính, bổ chú thậm chí chưa từng gặp gỡ. Trong nhiều năm trời, đều đặn hằng ngày, bất chấp nắng mưa gió tuyết, nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo (1940) đã lái xe trên nhiều dặm đường, tới thư viện ĐH Princeton để đọc, tuyển chọn, dịch và chú thích hàng ngàn trang tư liệu trích từ hai bộ sử khổng lồ Minh Thực lục và Thanh Thực lục. Ông kể: ở khu vực tôi sống [một bang miền Đông nước Mỹ], chỉ có hai gia đình người Việt; vậy nên nhớ quê hương, nhớ Việt Nam tôi chỉ còn biết tìm vào các thư viện đại học Mỹ, lục tìm sách sử liên quan tới nước nhà để đọc và ghi chép lại. Vốn tốt nghiệp ngành Hán-Nôm của ĐH Văn khoa Sài Gòn đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước; sau khi xong nợ áo cơm, nuôi nấng các con khôn lớn, thành đạt ở xứ người, dần dần, ông tiến tới trước tác và dịch thuật. Cho tới nay, ông đã cho ra đời các tác phẩm:
* Việt sử: Tư liệu cùng lời bàn, 2 tập, Thư ấn quán, NJ, 2009. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân (1966), người hiệu đính, bổ chú và viết bài nghiên cứu sâu sắc cho cuốn Minh Thực lục, lại mang đến một hình ảnh khác. Khi đề cương hai cuốn sách Minh-Thanh Thực lục được bảo vệ trước Hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu về lịch sử và Hán Nôm tại Hà Nội, mặc dù nội dung sách được chào đón nhiệt liệt nhưng “tư cách tác giả” của ông Quân lại bị nghi ngờ. Thật dễ hiểu cho các bậc hàn lâm khoa bảng “Bắc Hà”: Một người không bằng cấp và chưa từng làm việc ở bất kỳ một cơ quan Nhà nước nào chứ đừng nói tới các Viện, Trường như ông Quân thì cần có thêm “bằng chứng” để “tâm phục, khẩu phục”. Theo yêu cầu của Hội đồng, ông Quân đã “biểu diễn tay nghề” khoảng vài chục trang, và từ chỗ bị thuyết phục ngay lập tức, Hội đồng đã không tiếc lời khen ngợi (“thật lòng” – theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường) sau khi bài nghiên cứu của ông Quân về Minh Thực lục được hoàn thành. Khối lượng tri thức khổng lồ về Cổ sử Trung Quốc – Việt Nam của ông hoàn toàn là do tự học. Đọc phần chú thích trong sách Minh-Thanh Thực lục, một nhà chuyên môn đã thốt lên: [ông] Quân đã có quá nhiều sách tham khảo! Đó mới chỉ là một phần nhỏ trong nhiều thùng sách chất trong nhà một người kiếm sống bằng công việc nghiên cứu cổ sử, một thứ nghề kiếm được rất ít tiền trong thời buổi này. * Thư pháp Chữ Hán- Lý thuyết và Thực hành – NXB Mũi Cà Mau, 2004. * Dấu tích Thăng Long (bút danh Hồ Viên, dịch và chú thích từ nguyên tác Hà Thành Kim tích khảo của Sở Cuồng Lê Dư), NXB Lao Động, 2007. * Mục lục phân tích các bài viết Hán văn tạp chí Nam Phong (sẽ xuất bản). * Mục lục Đề yếu Thư tịch Trung Quốc quan hệ đến lịch sử Việt Nam – Từ khởi thủy đến năm 1949 (sẽ xuất bản). * Nam Hải chư đảo lịch sử địa danh khảo luận (sẽ xuất bản – công trình này dùng hoàn toàn sử liệu Trung Quốc để chứng minh Trường – Hoàng Sa vốn không thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong lịch sử). Ngoài ra, ông Quân còn được biết đến như một nhà thư pháp tài hoa. |