HANIFF 2012: Cọ xát mới biết mình dở

Một trại sáng tác được đầu tư nghiêm túc cho các tác giả trẻ, một chương trình chiếu phim với nhiều tác phẩm quốc tế xuất sắc, và sự tham gia của nhiều bộ phim dự thi đáng xem - chừng đó đủ để ghi nhận nỗ lực của những người tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ hai, diễn ra từ ngày 25 đến 29/11. Nhưng cũng từ liên hoan phim (LHP) này, những điểm yếu của điện ảnh Việt càng lộ rõ.

Thấm nỗi thiếu phim dự thi

Ngay từ khi tiêu chí phim tham dự LHP được đưa ra, so bó đũa đã không thấy được bao nhiêu phim Việt Nam có thể chọn. Câu chuyện về một nền điện ảnh thiếu phim dự liên hoan lại được đặt ra. Một năm phim ra rạp không thiếu, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, không có phim nào đủ tự tin sánh vai phim các nước. Một vài cái tên được đề cử như Mùa hè lạnh (đạo diễn Ngô Quang Hải), Những người viết huyền thoại (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), Mỹ nhân kế (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), nhưng tất cả đều không kịp hoàn thành trước hạn đăng ký dự thi. Đam mê (đạo diễn Phi Tiến Sơn) và Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ), hai tác phẩm cuối cùng được chọn dự thi, xét cho cùng đều không xuất sắc ở ngay trong nước. Ấy là chưa kể tới bộ phim nửa thị trường, nửa “cúng cụ” của đạo diễn Lê Hoàng chiếu khai mạc – Cát nóng. Phim có thể khá so với Tối nay 8 giờ hay Lọ Lem hè phố, nhưng sẽ làm người ta nhớ nhung khôn nguôi cái thời Ai xuôi vạn lý, Lưỡi dao của đạo diễn này. Nghe nói, một nghệ sỹ xem xong Cát nóng, đã phải thốt lên rằng: “Việt Nam hết phim rồi hay sao mà mang phim này chiếu khai mạc liên hoan!” Nhưng chẳng nhẽ chua chát thừa nhận, đúng là hết thật?

Đam mê, dù có kịch bản được đánh giá tốt, vẫn bị rơi vào điểm yếu muôn thuở của phim Việt: ôm đồm quá nhiều thông điệp, chi tiết đưa ra mà không được xử lý rốt ráo, nhân vật không sắc nét. Thiên mệnh anh hùng, dù “nóng” ngoài rạp, chưa bao giờ được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Cả Victor Vũ và Phi Tiến Sơn đều nhằm tới dòng phim thị trường. Thành thử đem đi đọ sức tại một liên hoan mà phim nghệ thuật áp đảo, thì càng lộ rõ sự khập khiễng. Bản thân đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng lo lắng, nếu cứ cái đà như hiện nay, người ta sẽ theo phim thị trường hết mà bỏ hẳn dòng phim nghệ thuật. Đam mê là phim nhà nước đầu tư, cũng phải chạy đua với thời gian để kịp dự liên hoan. Thành thử mấy cảnh kỹ xảo cuối phim bị làm vội, lộ rõ mấy con hổ chỉ là sản phẩm kỹ thuật số.

Dấu ấn Việt Nam ở đâu?

Đạo diễn Phi Tiến Sơn thừa nhận, “Cái độc đáo của mình là tính chất Á Đông, nhưng ở HANIFF [chỉ trong phạm vi châu Á –Thái Bình Dương] thì cái đó chẳng có ý nghĩa gì.” Đặt cạnh các bộ phim như Đêm yên lặng (Night of Silence, đạo diễn Reis Celik, Thổ Nhĩ Kỳ), Oán hận (Hatred, đạo diễn Reza Dormishian, Iran), Talgat (đạo diễn Zhanna Issabayeva, Kazakhstan), Bị còng (Posas, đạo diễn Zig Dulay, Philippines), thì Thiên mệnh anh hùng hay Đam mê dường như thừa rườm rà mà lại thiếu tinh tế. Trong khi có thể tìm thấy ở những bộ phim nước ngoài một câu chuyện dữ dội về danh dự; một bức tranh nhỏ nhưng trọn vẹn về cuộc sống nhiều hoang mang và lo âu của người nhập cư; một lát cắt sắc bén về những mặt trái của đời sống xã hội như tham nhũng, sự vi phạm nhân quyền của chính những người nắm giữ luật pháp; hay một bài ca thường hằng về một làng quê nghèo, thì hai phim dự thi của Việt Nam, một lịch sử cổ trang, một có đề tài đương đại, chủ yếu chiều chuộng khán giả bằng hình ảnh màu mè và kỹ xảo, mà thiếu một bộ mặt tinh thần riêng độc đáo.

Cần nói thêm rằng Đam mê dự thi trong nghi vấn bị cắt gọt quá tay. Đạo diễn Phi Tiến Sơn hết sức tránh né vấn đề này bằng những lời đầy ẩn ý: “Sau mỗi bộ phim người ta hay nói giá như. Nhưng khi đã làm phim là dám đương đầu, dám chấp nhận mọi việc. Tôi không nói phim có bị cắt hay không. Tôi đã hèn một lần rồi nên tôi sẽ không hèn lần thứ hai.”

Nhiều phim nước ngoài dự thi lần này đều thuộc dạng phim kinh phí thấp, thậm chí siêu thấp như Tồn tại (Existence, đạo diễn Juliet Bergh, New Zealand). Hiếm phim nào trong số đó có những đại cảnh đông người như trong Thiên mệnh anh hùng của Việt Nam. Ngay cả Ranjana, tôi sẽ không quay trở lại đến t kinh đô điện ảnh châu Á Bollywood, trong trường đoạn nói về liveshow lớn để đời của một ca sĩ nổi tiếng, cũng chỉ dừng ở trung cảnh với bóng mấy cánh tay khán giả giơ lên tượng trưng, còn chủ yếu là cận cảnh ca sĩ diễn trên sân khấu.

Mặc dù được đầu tư nhiều hơn, phim Việt vẫn lạc hậu, nếu xét về mặt kỹ thuật. Phim Việt Nam trình làng mỗi định dạng 35mm, mà ông Ian Riches (Giám đốc của Golden Duck International) dự báo sẽ chết vào năm 2013 tại một hội thảo trong khuôn khổ LHP. Phim dự thi các nước khác nếu không có định dạng DCP thì cũng là H264. Ngay phim của nước bạn Lào gửi sang trình chiếu (không dự thi), Phía chân trời (At the horizon), cũng dùng định dạng Open DCP. Riêng phim Ranjana, tôi sẽ không quay trở lại của đạo diễn Anjan Dutt dùng định dạng 35mm là do chủ ý, như ông nói, “Các bạn xem phim của tôi sẽ thấy nó rất cũ.” Còn trường hợp của phim Việt Nam, theo lời đại diện nhà sản xuất của Thiên mệnh anh hùng cho hay, “Thiên mệnh anh hùng quay bằng máy digital. Nhưng phải phát hành 30 bản bằng định dạng 35mm để phù hợp với các rạp chiếu trong nước.”

Tuy nhiên, không quá bi quan, TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, “Phải cọ xát thì mới biết mình yếu như thế nào. Lần này chúng tôi đẩy phim ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thế đã cũng khá là mạnh bạo rồi, lần trước chúng ta chỉ tổ chức thi trong khu vực Đông Nam Á thôi.” Bà cũng bày tỏ hy vọng, qua những cuộc cọ xát như vậy, điện ảnh Việt Nam sẽ bật ra được những bộ phim mới đáng xem. Nhớ lại trước đây, hễ cứ có sự kiện phim quốc tế nào, ta lại mang Bao giờ cho đến tháng Mười, Cánh đồng hoang ra giới thiệu, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, còn phải than, “Tôi mong lần sau sẽ có phim khác để nói.”

HANIFF được tổ chức hai năm một lần. Năm nay có 37 bộ phim được sản xuất từ sau tháng 10 năm ngoái của các nước Châu Á – Thái Bình Dương dự thi, trong đó Bị còng (Posas, đạo diễn Zig Dulay, Philippines) giành giải Phim truyện xuất sắc. Giải Phim do Ban giám khảo lựa chọn dành cho tác phẩm mà Ban giám khảo muốn khích lệ và giới thiệu tới đông đảo khán giả thuộc về Thiên mệnh anh hùng của Việt Nam.

Ngoài các phim dự thi, còn khoảng 70 phim khác được trình chiếu, trong đó có những phim nổi tiếng như A Separation (Iran), The Iron Lady (Anh), We Need to Talk About Kevin (Anh-Mỹ), Fly me to the moon (Bỉ)…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)