Hilma af Klint – Người vẽ cho tương lai

Như thể Af Klint cứ đột nhiên mà xuất hiện, một cách thách thức các nhà sử học nghệ thuật. Câu hỏi mà cô tạo ra vẫn còn ở đó: Liệu cô là một kẻ ngoài cuộc kì lạ, hay cô chính là họa sĩ trừu tượng đầu tiên của châu Âu - trung tâm của lịch sử nghệ thuật trừu tượng?

Hilma af Klint tại xưởng vẽ của mình, Stockholm, Thụy Điển, 1895. Nguồn: Stiftelsen Hilma af Klints Verk.

Hãy nhìn vào bức ảnh, Hilma Af Klint (1862-1944) trong một căn phòng được sắp đặt nhiều bàn và ghế. Chính tại nơi này, vào mỗi tuần trong suốt mười năm (từ 1896 đến 1906), Af Klint tổ chức các buổi gặp gỡ bốn nữ nghệ sĩ khác, tạo thành một nhóm gọi là “The Five” (Năm). Cô là người sáng lập cũng như dẫn dắt nhóm; các thực hành của The Five tập trung vào việc viết và vẽ lại những gì xuất hiện trong tiềm thức – và họ làm công việc này từ trước khi có những họa sĩ theo chủ nghĩa Siêu thực hàng thập kỷ. Cũng tại căn phòng này, vào năm 1904, Af Klint nhận được “nhiệm vụ” vẽ về “cõi trung giới” và khắc họa lại “những khía cạnh bất diệt của con người”. 193 bức tranh lần lượt ra đời sau đó, trong khoảng thời gian từ năm 1906 đến năm 1915, với tên gọi “Paintings for the Temple” (Những bức tranh cho đền thờ). Dù người đời có đặt ra nghi vấn về những điều huyền bí, Af Klint vẫn làm việc say sưa đến ám ảnh trong một sự kìm kẹp của cảm hứng. Cô từng giải thích, những bức tranh được vẽ bởi một sức mạnh đi xuyên qua mình, một mệnh lệnh thần thánh: “Tôi không biết chúng muốn mô tả điều gì… Tôi đã vẽ một cách nhanh chóng và chắc chắn, không thay đổi bất cứ nét vẽ nào”.

Như thể Af Klint cứ đột nhiên mà xuất hiện, một cách thách thức các nhà sử học nghệ thuật. Câu hỏi mà cô tạo ra vẫn còn ở đó: liệu cô là một kẻ ngoài cuộc kì lạ, hay cô chính là họa sĩ trừu tượng đầu tiên của châu Âu? Và tại sao đến tận bây giờ, chúng ta mới biết về cô ấy?

Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm “Hilma af Klint: Paintings for the Future” tại New York năm 2019. Nguồn: artandobject.com

Hilma Af Klint tự trả lời được điều này. Trong khi những nghệ sĩ cùng thời luôn cố gắng mở triển lãm rộng rãi tới công chúng, Af Klint lại giữ kín các bức tranh đột phá của mình. Cô hiếm khi trưng bày chúng và tin rằng thế giới khi đó vẫn chưa sẵn sàng hiểu tác phẩm của mình. Năm 1944, Af Klint qua đời ở tuổi 81, cô để lại di chúc trong đó yêu cầu toàn bộ các tác phẩm của mình – 1.200 bức tranh, 100 văn bản và 26.000 trang ghi chép – sẽ không được phép trưng bày cho đến 20 năm sau nữa. Mãi đến tận năm 1986 tại Los Angeles, các tác phẩm của cô mới lần đầu được công chúng biết đến trong triển lãm “The Spiritual in Art” (Cõi thiêng liêng trong nghệ thuật). Năm 2013, tại Stockholm, một cuộc triển lãm gây chấn động với tên gọi “Pioneer of Abstraction” (Người tiên phong của nghệ thuật trừu tượng) đã khiến tên tuổi Hilma Af Klint thu hút sự chú ý khắp quốc tế. Cho đến nay, đó cũng là cuộc triển lãm tiếng tăm nhất mà Bảo tàng Moderna Museet từng thực hiện.

Nếu cần mô tả ngắn gọn về các tác phẩm của Af Klint, có lẽ William Blake là phù hợp nhất “Năng lượng là niềm vui vĩnh cửu”. Những bức tranh sơn dầu của cô, có những bức còn cao hơn ba mét, thể hiện sự tự do, tính phiêu lãng… Sự tiến hóa của loài người là chủ đề chính của nhiều tác phẩm, nhưng đồng thời tinh thần vui tươi ở trong đó lại gợi nhớ đến Henri Matisse (Af Klint cũng xuất hiện trước Matisse).

“A Map of Great Britain”. Nguồn: Albin Dahlström/SERPENTINE GALLERY.

Vẽ cho tương lai

Müller-Westermann, người giám tuyển cho các triển lãm của Af Klint, kể lại về cuộc triển lãm ở Stockholm năm 2013 “Những người phụ nữ phong thái nhã nhặn và phục trang hoàn hảo đã bật khóc mà không thể lý giải được trạng thái tình cảm này của mình”. Vị giám tuyển không nhận ra Hilma Af Klint sẽ “chạm” vào con người theo cách ấy. “Hilma không quan tâm mình có phải là họa sĩ trừu tượng đầu tiên của châu Âu hay không, điều cô ấy tha thiết là, những tranh cãi về lịch sử nghệ thuật không nên cản trở các tác phẩm cần được chiêm ngưỡng”.

Müller-Westermann nói thêm: “Sự sáng tạo quan trọng hơn lịch sử nghệ thuật. Hilma giống như Leonardo da Vinci – cô ấy muốn hiểu được chúng ta là ai với tư cách là con người trong vũ trụ rộng lớn”. Với Müller-Westermann, sự quan trọng của Hilma đối với Thụy Điển cũng giống như Edvard Münch đối với Na Uy.

Nhiều nhận định cho rằng, Hilma bắt đầu quan tâm đến những điều huyền bí sau khi em gái 10 tuổi của cô qua đời vì bệnh cúm. Nhưng theo Müller-Westermann, đây là một nhận định hời hợt. “Hilma vốn là một con người của toán học, khoa học, âm nhạc; một con người ham hiểu biết”. Vào thời kỳ của Hilma, chủ nghĩa Duy linh khi đó đã được coi trọng nhiều hơn về mặt trí tuệ. Hội Thông thiên học được sáng lập năm 1875 tại Mỹ, hay Nhân trí học ra đời năm 1912 bởi triết gia người Áo Rudolf Steiner – Hilma đã tham gia cả hai hoạt động này. “Cần phải hiểu rằng đây là thời kỳ mà khoa học tự nhiên đã vượt xa những gì mắt thường có thể trông thấy: Heinrich Hertz khám phá ra sóng điện từ năm 1886, Wilhelm Röntgen phát minh ra tia X năm 1895”, Müller-Westermann bổ sung.

Sẽ hấp dẫn hơn nếu kể câu chuyện của Hilma qua góc nhìn nữ quyền, nhưng thực tế, cô không phải người theo chủ nghĩa nữ quyền. Hilma trở thành học giả của chính những tác phẩm cô vẽ, tự tạo ra một từ điển mang tính biểu tượng đẹp đẽ và chính xác về mặt thực vật. Hình xoắn ốc – sự tiến hóa, U – thế giới tâm linh, W – vật chất, những đĩa chồng lên nhau – sự đồng nhất. Màu vàng và hồng tượng trưng cho tính nam. Màu xanh dương và hoa tử đinh hương nghĩa là tính nữ. Màu vàng “kề bên màn đêm”. Xanh dương “ở cạnh bóng tối”. Xanh lá là sự hài hòa hoàn hảo. Hilma khám phá tính hai mặt – bao gồm cả tính nam và tính nữ – nhưng sự đồng nhất mới luôn là đích đến của cô. 

Hilma sinh ra trong một gia đình tư sản Thụy Điển theo đạo Tin Lành. Cô lớn lên ở lâu đài Karlberg – một học viện hải quân, cha của cô là một nhà toán học và nghệ sĩ vĩ cầm nghiệp dư. Khi Hilma mất, cô chẳng sở hữu một đồng Krona nào mà chỉ có những tác phẩm nghệ thuật. Eric, cháu của Hilma, là người đã được Hilma bàn giao lại toàn bộ các tác phẩm của mình trước khi cô qua đời. Nhưng ngay sau thời điểm đó, người chủ của mảnh đất nơi Hilma xây dựng xưởng vẽ quyết định sẽ phá bỏ nơi này. Eric đã phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn: 1.000 bức tranh của Hilma lập tức được vận chuyển về nhà của Eric và sống trên phòng gác mái. Trải qua những mùa đông âm 15 độ rồi mùa hè 30 độ, thật may mắn rằng những bức tranh đã tồn tại được trong căn nhà bé nhỏ của Eric.

Người nghệ sĩ luôn cần có những người khác. “Picasso sẽ ra sao nếu không có những nhà phê bình, những tình nhân, những người chủ phòng trưng bày?”- Daniel Birnbaum, Giám đốc của Bảo tàng Moderna Museet bày tỏ. Ai cũng hiểu rằng Hilma đã rất may mắn khi có một người tâm huyết như Eric giúp giữ gìn các tác phẩm. “Trong suốt cuộc đời mình, Hilma Af Klint không có bất cứ cuộc vận động gây chú ý đến con đẻ nghệ thuật nào của mình, hoàn toàn không. Nghệ thuật của cô ấy giống như một cuộc thử nghiệm tư duy: nếu một cái cây bị đổ trong rừng và có ai nhận thấy cây đổ không?”.

Trở về vùng đất của Hilma

Đó là một khung cảnh rất Thụy Điển. Khi đi qua những rặng thông, bạch dương và tuyết rơi dày đặc để đến Tofta nơi Hilma từng ở (và làm việc), thật dễ để cảm nhận được sự tự do mà cô ấy đã có được ở đây. Bạn có thể tản bộ đến bất cứ đâu mình muốn. Johan, con của Eric, kể về việc trồng việt quất, trồng nấm, chèo thuyền, rồi hươu, nai và những loại chim mình từng yêu thích khi ở đây hồi nhỏ. “Nhưng ánh sáng mới là thứ có ảnh hưởng nhiều nhất. ‘Khung giờ xanh’, bình minh và hoàng hôn. Vào đầu mỗi mùa hè, mọi thứ trở nên tinh khôi. Điều kì diệu nằm ở đó: từng năm chết đi rồi lại tái sinh”.

The Ten Largest, Youth, 1907

Niềm đam mê của Hilma đối với thế giới tự nhiên đã kết nối tính truyền thống và trừu tượng trong tác phẩm của cô. Cô hiểu thực vật (cô đã nghiên cứu Linnaeus, nhà thực vật học người Thụy Điển) và động vật (cô từng làm việc cho một viện thú y). Trong căn phòng khách của ngôi nhà Hilma từng ở, khung cảnh màu xanh dương mờ ảo hiện ra một cách thanh nhã, thấp thoáng sau những cành cây vàng. Có thể thấy rõ sự thay đổi của khung cảnh theo hướng trừu tượng, như giám đốc của Moderna Museet đã giải thích hoàn hảo: “Đào sâu vào trong thiên nhiên và cấu trúc của tế bào, ta tìm thấy cái trừu tượng ở đó. Cô ấy đam mê sự trừu tượng hình học; góc nhìn của cô gắn liền với thuyết tiến hóa và hình thái sinh học”.

Nhưng con người cá nhân của cô ấy thì sao? Qua kí ức của bố mình, Johan kể lại: Hilma khá nhỏ bé, chỉ cao khoảng 1m52 – điều này khiến cho những tác phẩm cao đến ba mét của cô càng trở nên phi thường. Cô hay vẽ tranh trên mặt đất – Johan thậm chí phát hiện trên một bức tranh còn in dấu chân nhỏ, một “dấu vết” của Hilma. Cô là người ăn chay, hay mặc đồ màu đen. Cô từng tuyên bố “Nếu con người không phục tùng sự thật, cuộc đời sẽ chỉ là một trò hề”. Cô cũng chưa bao giờ kết hôn. 

Hilma không hề xa cách khỏi gia đình mình (như người ta thường hời hợt nhận định). Hilma là người vẽ bản đồ linh hồn. Cô có nguồn năng lượng, sự nhiệt huyết và tính cầu toàn không khác gì ông nội mình, Gustav af Klint với tấm bản đồ “Sea atlas of Sweden and its islands” (Bản đồ biển và đảo của Thụy Điển), một công trình phức tạp, đẹp đẽ và đáng kinh ngạc. Trong một bức tranh màu nước khá rùng rợn, “A Map of Great Britain” (Một bản đồ Anh quốc, 1932), cô vẽ một khuôn mặt nhợt nhạt đang thổi lửa vào nước Anh, bóng tối như nhen nhóm bao trùm tất cả. Hilma đã nhìn thấy trước cuộc Thế chiến Thứ hai. 

Trong nghĩa trang hải quân cũ Galärvarvskyrkogården, nơi chôn cất Hilma, một tảng đá nhỏ nằm trên đất – quá khiêm tốn so với những ngôi mộ hoành tráng xung quanh. Tuyết bắt đầu rơi đến mức không thể đọc được những dòng chữ trên phiến đá, phải dùng găng tay phủi đi lớp tuyết và dòng chữ hiện ra: “Viktor af Klint”. Vậy là Hilma được chôn cùng với cha mình. Tên của cô thì đã biến mất. “Chúng tôi đến, rồi chúng tôi tan biến”, Johan nói.

Nhưng nào phải Hilma đã biến mất không để lại dấu vết. Bảy mươi năm sau khi qua đời, thời khắc của Hilma cuối cùng đã đến. □

Lan Oanh tổng hợp

Nguồn: https://www.theguardian.com/artanddesign/2016/feb/21/hilma-af-klint-occult-spiritualism-abstract-serpentine-gallery

https://www.guggenheim.org/exhibition/hilma-af-klint

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)