Họa sĩ Hương Giang và câu chuyện về “Những mảnh ghép”
"Với tôi, cuộc sống là vô vàn những mảnh ghép. Những mảnh ghép không hoàn chỉnh tạo nên một hay nhiều câu chuyện," họa sĩ Nguyễn Hương Giang, tác giả triển lãm tranh khắc trên gỗ mang tên "Những mảnh ghép" sắp ra mắt tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội), tự bạch.
Dễ nhận thấy Hương Giang không phải là người đầu tiên thực hiện kiểu tranh khắc và tô mầu trên gỗ tấm này. Chất liệu và cách thức thực hiện như thế đã được một họa sĩ nữ đồng nghiệp trùng tên, và cũng là bạn của Hương Giang thực hiện (họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang). Nhưng chủ đề quan tâm của hai họa sĩ khác hẳn nhau. Hương Giang quan tâm nhiều đến tình yêu, nỗi ám ảnh của tình mẫu tử, những đứa trẻ trong hoài niệm và mong ước của người đàn bà. Tất cả được thực hiện bằng một “đao pháp” (phương pháp khắc vẽ) rắn rỏi và bố cục mạch lạc, trên bảng mầu kiệm sắc dồn nén dữ dội và tha thiết.
Dưới đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi với họa sĩ tại xưởng vẽ.
* Tuổi thơ của chị có dấu ấn gì đặc biệt để chị đi vào con đường nghệ thuật? Những điều gì còn đọng lại đến bây giờ?
Cũng như hầu hết mọi đứa trẻ khác, tôi cũng thích vẽ và tự mình đăng ký đi học vẽ ở Cung Thiếu nhi. Tuy nhiên thời gian học không lâu. Tôi là đứa trẻ ít hòa nhập được với các bạn do vậy tôi sống nhiều với thế giới tưởng tượng của riêng tôi. Tôi không có nhiều khả năng diễn đạt bằng ngôn từ hay văn viết do vậy tôi đã chọn hội hoạ.
Tôi nhớ rằng tôi đã từng là một đứa trẻ ít nói, khó gần, dễ xúc động và cũng dễ tự ái (một nửa trong số tính cách này tôi vẫn còn giữ đến bây giờ). Tôi già trước tuổi và luôn tự ý thức rằng mình cần phải bảo vệ bạn yếu dù có phải đánh nhau và sự thật là tôi cũng đã từng đánh nhau để bảo vệ một bạn nữ học cùng lớp. Quan niệm đó theo đúng kiểu trẻ con dù rằng so với các bạn cùng tuổi thì tôi cũng có đôi chút người lớn hơn. Tôi trải qua tuổi thơ trong những cảm giác cô đơn và lạc lõng. Tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi cho bản thân và rồi tìm cách để tự trả lời, tôi thích được tự mình làm điều đó, tất nhiên là không phải tất cả hoặc là không chính xác nhưng điều này đã tạo cho tôi một thói quen quan sát cũng như phân tích.
* Các chặng đường nghệ thuật của chị? Đâu là điểm mốc thay đổi?
Tôi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 2003, từ đó đến nay tôi đã tham gia một số triển lãm chung, chủ yếu là triển lãm cùng với nhóm Hanoilink ở trong nước và nước ngoài. Hai lần triển lãm cá nhân của tôi đều tổ chức ở Melbourne, Australia. Và đây là lần đầu tiên tôi triển lãm ở Việt nam.
Tôi đã từng thử nhiều chất liệu nhưng khi sử dụng chất liệu tổng hợp thì tôi thấy đó là sự lưạ chọn đúng và thích hợp với tôi. Cách thức biểu hiện và chất liệu tôi đang sử dụng kết hợp với nhau để tôi biểu đạt được nhiều những điều tôi muốn. Thời điểm trước tôi thường vẽ trừu tượng nhưng thời gian gần đây tôi vẽ theo phong cách biểu hiện trừu tượng.
* Câu chuyện về mình trong bộ tranh “Những mảnh ghép” là như thế nào? Ý tưởng cho “những mảnh ghép” bắt đầu từ đâu?
Tôi thích quan sát con người, những điều diễn ra trong cuộc sống, những biểu cảm của người xung quanh và quan sát cả cuộc sống của tôi. Tôi cũng như mọi người, cũng buồn vui, sướng khổ, đau buồn hay hạnh phúc. Những gì đã qua trong cuộc sống của tôi, những câu chuyện tình cảm đã đến với tôi, tạo nên cuộc đời tôi như những mảnh ghép cảm xúc, có “mảnh dài mảnh ngắn”, những mảnh ghép ít nhiều và không có kết thúc…
Tôi “kể” về cuộc sống của tôi trên những miếng gỗ ghép lại như những hàng rào – như cuộc sống là vô vàn những mảnh ghép. Những mảnh ghép không hoàn chỉnh tạo nên một hay nhiều câu chuyện. Câu chuyện tôi đang nói đến là câu chuyện về đời sống tình cảm của tôi. Những câu chuyện đã qua, về những người đã đến và đi trong cuộc đời tôi, về đứa con tôi chưa từng biết mặt. Tất cả xuất hiện như câu chuyện của số phận và ra đi để lại trong tôi những mảnh nhỏ về kỷ niệm, về hạnh phúc hay những mất mát đau buồn. Những mảnh ghép tạo nên những hàng rào như là giới hạn của cảm xúc ngắn dài, nhỏ to, đã đến và đi…
Cuộc sống có những điều đã mất đi và không bao giờ có lại và đó là điều tiếc nuối nhất. Tôi đã mất đi đứa con và nhất là câu chuyện về đứa con đó là một chuỗi những ngày buồn đau trong cuộc sống của tôi, một dấu vết cứ in hằn mãi không phai như một vết xăm trên cơ thể. Tôi thích những bức tranh liên quan đến đứa bé của tôi, về sự mong manh của con người trong thế giới này và thế giới bên kia. Những bức tranh vẽ về những người phụ nữ cũng là một mạch sáng tác mà tôi cũng sẽ vẫn làm nhưng đó là một khoảng khác trong tôi.
Nhiều lúc tôi cảm thấy bản thân mình dường như đứng bên ngoài cái hàng rào ấy, xa xôi và lặng lẽ quan sát. Cái cảm giác muốn được vứt bỏ, cào xước hay che đậy… dường như để được thoả mãn một cảm giác chối bỏ và sau đó để lại trên bề mặt những mảnh gỗ dấu vết mới của những cảm giác mới trong những điều đã cũ.
Nguồn mẹ.
* Vì sao thời gian trước đây, chị quan tâm nhiều hơn tới sắp đặt, video art… mà không phải là tranh?
Tôi nghĩ ở từng thời điểm người ta sẽ làm những điều cần phải làm thích hợp với thời điểm đó. Có một thời gian tôi thích thú và muốn được tìm tòi thể nghiệm với video art và sắp đặt, tất nhiên là tôi vẫn vẽ nhưng cảm giác về độ chín của một triển lãm tranh thì tôi chưa cảm nhận được. Khi mình không thỏa mãn ý tưởng của mình bằng hình thức này thì mình lựa chọn một cách biểu đạt khác. Mỗi loại hình có một ưu thế khác nhau.
* Chị đã làm bao nhiêu lâu cho bộ tranh này? Cảm xúc của chị trong quá trình thực hiện?
Với bộ tranh khắc trên gỗ tôi sắp triển lãm, tất cả thời gian làm việc trong khoảng 4 tháng liên tục. Khi làm bộ tranh này là thời điểm mà tôi gặp rất nhiều những bế tắc trong cuộc sống và những cảm xúc trong lòng đầy nghẹn và chồng chất. Cảm giác muốn được trút bỏ, muốn được đào bới đi… mà với chất liêụ tổng hợp quen thuộc không làm tôi thoả mãn và tôi đã lưạ chọn gỗ và sắp đặt để biểu đạt. Có thể trong thời gian tới, tôi sẽ làm triển lãm tổng hợp tất cả những chất liệu mà tôi đã thử nghiệm trong thời gian qua.
* Xin cảm ơn chị!