Hoài niệm lớn trong tập ký họa nhỏ

Tôi tình cờ gặp ông trong một chiều mưa rừng Thiên An mướt xanh vườn Bội Trân Galery xứ Huế. Ngạc nhiên khi nhìn thấy, trên gương mặt phảng phất nét hào hoa lấm bụi trường chinh một thời kháng chiến, đôi mắt khép mở nhân gian gần 80 năm của lão họa sỹ Lưu Ly, vẫn tinh anh những sắc màu ký ức dậy lên qua từng trang giấy mỏng, ố vàng thời gian. Tập giấy mỏng bristol, bìa xám mùn đất, hư hao ấy là một báu vật của lão họa sỹ Lưu Ly bởi nó ân tình bao nhiêu hoài niệm gắn liền với những tác phẩm ký họa của các danh họa, thuở họ chưa thành danh nhưng lòng dạ đã giang hồ vượt qua mọi gian nan chiến tranh, mà mơ màng một cõi phụng sự nàng nghệ thuật .

3 BÚT DANH LẠ CỦA MỘT HỌA SỸ TÀI DANH
Gương mặt thanh tú. Đôi mắt trong sáng đến đắm đuối. Mái tóc bồng bềnh thi ca. Áo len cổ trái tim lãng mạn ôm lấy khuôn ngực trai trẻ. Đó là chân dung tự họa của SIPI vẽ bằng bút sắt, mực tàu ngày 12/3/48. Bên góc trái có lời đề tặng, nét chữ nền nã như gương mặt, mê muội rằng “thân ái tặng anh Việt Hồ tấm tranh Sipi tự họa, khi Sipi xa anh, anh phải nhớ đến hắn, cầu cho hắn luôn luôn mạnh khỏe để phụng sự nàng nghệ thuật”.

 
Chân dung tự họa của Bùi Xuân Phái ký tên SIPI

Và đây nữa, dù nét chữ không còn dáng nền nã, nhưng vẫn giang hồ một bút pháp lãng mạn trong sắc màu tư duy: SIPI tĩnh tọa, chàng đang mãi tìm một lý thuyết để… Lang Bang! Lại là Sipi! “Hắn” ngồi đó như một sự im lặng dữ dội giữa cánh chim non mơ ước hòa bình trước mặt, đối chọi với bầy máy bay quần đảo bầu trời sau lưng. Áo khoác lạnh, quần hồng đỏ như một nghệ sỹ chèo, khuôn mặt xa xăm, cả thân người rực vàng ánh lửa, soi tìm một mảnh tương lai nào đó đang phiêu dạt. Tự xưng là SIPI nhưng với bức chân dung này, “hắn’ lại ký là Lang Bang!
Lại thêm một ký họa, không phải tự họa, mà đây là khuôn mặt ông Việt Hồ hiền hậu dưới vầng trán quắc thước do Lang Thang vẽ chì màu năm 48! Vẫn là “hắn- Sipi” vì nét bút, gam màu xa vắng chân thành không lẫn vào đâu được!
SIPI! Lang Bang! Lang Thang! Chàng là ai mà dám công khai một miền mê phụng sự nàng nghệ thuật trong cảnh chiến tranh lửa khói? Chàng là ai mà vẫn gương mặt thơ trai, lừng lững một chân dung trên nền giấy mỏng, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng vẫn ánh lên bao niềm tin và cầu nguyện cho tâm trí với nghệ thuật đến vậy? Bao nhiêu thăng trầm thân phận thời đại, Chàng bây giờ còn hay mất nơi chân trời góc bể và liệu có được hiện thực hóa ước mơ “phụng sự “ và được “nàng nghệ thuật” ban phước lành hay không?
– Hắn, hay là chàng SiPi, chàng Lang Bang, chàng Lang Thang ấy, anh biết là ai không?- Lão họa sỹ Lưu Ly nhìn thấy ánh mắt tò mò của tôi, từng lời giải thích, như hồ là mưa từ quá khứ khẽ khót qua rừng thông Thiên An- Chàng ấy mất rồi! Chàng ấy là anh Phái! Bùi Xuân Phái đấy!
– Bùi Xuân Phái?- Tôi ngập ngừng.
– Vâng! Anh Phái vẽ đấy!

 
Chân dung tự họa của Bùi Xuân Phái ký tên SIPI

Cũng như anh, 60 năm trước tôi hỏi vì sao có SIPI, vì sao lại Lang Bang, Lang Thang. Anh Phái bảo tôi, Sipi là gọi tắt cái tên hiệu máy bay Speed Fire của bọn Pháp. Trên trời có Speed Fire rực lửa thì dưới đất Sipi Phái cũng cháy bỏng không kém! Còn Lang Bang hay Lang Thang, là bởi những tháng năm đầu kháng chiến, anh Phái và chúng tôi nay đây mai đó, lang thang qua nhiều vùng đất lang bang thuộc chiến khu 3.
Ngoài các bức ký họa có bút tích, lão họa sỹ Lưu Ly còn chỉ cho tôi những bức tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái vẽ không đề bút danh về họa sỹ Hoàng Lập Ngôn với quán café Bồ Câu, họa sỹ Hoàng Tích Chù… Đặc biệt có một bức phác thảo 3 gương mặt của nhạc sỹ Văn Cao. Gương mặt tác giả quốc ca Việt Nam phân thân thành 3 tâm trạng luân hồi trên trang giấy: Văn Cao ưu tư, nghiêm nghị. Văn Cao vui tươi, mắt môi phím nhạc. Văn Cao chìm đắm sáng tác.
Có lẽ, đây là một trong những bức ký họa đặc biệt nhất về một nhạc sỹ đặc biệt do một họa sỹ đặc biệt vẽ! Và đối ứng với 3 gương mặt của Văn Cao, là 3 khuôn mặt của Regnaut được biểu hiện bằng 3… thiếu nữ khoả thân trong một bức tranh khác của một họa sỹ theo trường phái lập thể- họa sỹ Tạ Tỵ!

NHƯ VỆT MÁU GỬI VÀO TƯƠNG LAI

 
Bùi Xuân Phái vẽ 3 gương mặt Văn Cao

Theo lời của lão họa sỹ Lưu Ly, sau khi nhìn thấy ký họa 3 gương mặt Văn Cao của Bùi Xuân Phái, họa sỹ Tạ Tỵ liền vẽ bức ký họa 3 khuôn mặt của Regnaut để trả lời bạn! Bức tranh được vẽ vào tháng 11/1948 bằng bút chì than miêu tả chân dung 3 thiếu nữ dáng hình đậm đà Tây phương đứng khoác tay nhau. Trong thời buổi chiến tranh, kỷ luật hà khắc, tất cả đều phục vụ tiền tuyến, việc họa sỹ Tạ Tỵ vẽ tranh khỏa thân, quả nhiên là một điều hiếm hoi, nếu không nói là liều lĩnh!
Ngoài tranh khỏa thân, Tạ Tỵ còn xuất hiện qua một số chân dung vẽ ông Việt Hồ và họa sỹ Lưu Ly với những gương mặt góc cạnh, tinh giản, hàm chứa nhiều điểm nhìn của một môn đệ của trường phái lập thể.
Góp mặt trong tập ký họa này, nhạc sỹ Văn Cao cũng có một bức chân dung ký họa ông Việt Hồ tại phố Me trên đường lên Tam Đảo với nét bút gồ ghề, gai góc bằng mực xanh phản ánh hình ảnh và tâm trạng của một người lính nghệ sỹ trong hoàn cảnh kháng chiến. Ký họa về ông Việt Hồ, còn một tác phẩm rất chân phương, như chụp ảnh chân dung của họa sỹ Tô Ngọc Vân thực hiện tại Lỗ Từ năm 1947.
Cùng với các họa sỹ bậc thầy Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ, trong tập ký họa của lão họa sỹ Lưu Ly có cả tác phẩm của họa sỹ Lê Quốc Lập, Lưu Ly và một họa sỹ ký tên Khôi. Ngày đó, những họa sỹ Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ, Tô Ngọc Vân, Văn Cao… chỉ mới trên dưới 30 tuổi, danh chưa thành, công chưa toại, nhưng với niềm đam mê nghệ thuật, họ đã có những bức ký họa chứa đựng bao nhiêu trăn trở, thể hiện bản lĩnh tự do của một nghệ sỹ. Ký họa, cũng như truyện ngắn, cô đọng những thi ảnh bùng lên trong phút chốc cảm xúc, người họa sỹ trong khoảnh khắc chớp lấy và phóng túng “họa lại” cái thần thái của đối tượng được vẽ hòa quyện với tâm thức của người vẽ.

 
Chân dung Việt Hồ của Tạ Tỵ vẽ

Tinh thần phản kháng chiến tranh, đau đớn trước chiến tranh, và lãng mạn tình yêu cuộc sống, không chỉ phản ánh qua ký họa, mà còn day dứt mấy vần thơ được (hình như là họa sỹ tên Khôi) lưu bút như những vệt máu chẳng bao giờ nguôi ngoai ánh lửa buồn năm tháng.

Một vài vệt đỏ máu
thấm giấy gửi cho ai
hiện tại đang chiến đấu
hay gửi về tương lai

Chiến thắng vì những ai?
Tương lai ơi! Tương lai
đếm xem: bao giọt máu
loang rỏ thấm ngày mai
( Khôi- rút trong tập Đỏ Máu 24/7/1950)
Tôi chạnh lòng và lấy làm cảm kích trước những tấm lòng khí khái, những góc khuất âm thầm mà dữ dội máu và nước mắt của những nghệ sỹ tiền chiến. Những vần thơ, những bức tranh ký họa lang bang này, nếu lỡ may rơi vào tay ai không lòng chia sẻ, không chừng sẽ có một “nghi án văn nghệ’ trong cái thời “rải rác biên cương mồ viễn xứ/ chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” như Quang Dũng tráng ca trong Tây Tiến.

SỰ RA ĐỜI VÀ NƠI TRỞ VỀ CỦA TẬP KÝ HỌA

 
Chân dung tự họa của Bùi Xuân Phái, ký tên Lang Bang

Nhân vật Việt Hồ trong nhiều bức ký họa, chính là ông Trần Văn Minh, Trưởng đoàn kịch bình dân thuộc Nha bình dân học vụ, anh cả của họa sỹ Lưu Ly. Ngày chia tay Hà Nội để lê la theo gánh kịch của người anh cả Việt Hồ, ông cụ thân sinh, vốn là một họa sỹ đã trao tặng Lưu Ly một cuốn vở giấy bristol, bìa xám cứng mùn đất. Tập vở ấy, thay vì viết nhật ký, lại trở thành một tập ký họa cho các họa sỹ là thành viên của đoàn kịch như Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ và các họa sỹ bạn bè trình diễn sắc màu tâm tư nghệ thuật.
Biết Lưu Ly đam mê hội họa, một đêm trăng thu ở làng Đào Xá, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã rủ Lưu Ly, dọc theo dòng sông Đáy, đến thôn Phù Lưu Chanh tham gia lớp học hội họa thu đông 49. Lớp học có khoảng 30 học viên do các thầy Lương Xuân Nhị, Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái dạy cấp tốc những kiến thức cơ bản về chuyên ngành hội họa. Lớp học tuy ngắn, chỉ 3 tháng, nhưng chất lượng làm vì thầy giỏi, trò tâm huyết học.
– Tôi nhớ anh Phái vẽ chân dung tự họa trong một chiều mưa ở làng Đào Xá-chợ Đại gần chùa Hương, anh ngồi trong mưa, ngóng vào hòa bình và chiến tranh- Lão họa sỹ Lưu Ly nhung nhớ-  Nơi anh ở là một ngôi nhà, xung quanh thưng chiếu dùng làm treo tranh. Ngày đó, hầu hết ở nhiều cuộc triễn lãm, chúng tôi dùng chiếu làm vách treo tranh đấy chứ lấy đâu ra phòng ốc mà triễn lãm. Anh Phái còn bảo, vẽ tranh, vẽ luôn cái móc như ở bức ký họa anh Việt Hồ là không cần treo mà vẫn cảm giác là tranh được treo lên tường ngắm nghía! Còn bút vẽ, chúng tôi dùng ống đạn, đập dẹp, kẹp lấy lông đuôi bò đuôi trâu làm thành bút vẽ nên nhiều nơi chúng tôi đi qua, đuôi trâu đuôi bò ngắn lại do bị cắt!

 
Chân dung Lưu Ly do Lê Quốc Lập vẽ tặng

Sau khi kết thúc lớp học được xem là lớp hội họa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ấy, Lưu Ly chuyển sang công tác địch vận, chuyên in ấn tài liệu, truyền đơn ở liên khu 3. Và trong bao lần công tác vào sinh ra tử, họa sỹ Lưu Ly không bao giờ rời tập ký họa lưu bút các bậc họa sỹ đàn anh.
– Thuở ấy, những hôm trời mưa lạnh, thân hình phải mặc áo giấy lót bên trong cho ấm thân hình, tôi cũng cất giữ tập ký họa này vào nơi ấm áp nhất. Còn khi ra mưa, nói thật với anh- Lão họa sỹ Lưu Ly kể với tôi- thà thân xác mình dầm mưa chịu rét chứ nhất định phải bảo vệ cho kỳ được mấy trang giấy mỏng này đấy!
Hết thời kháng chiến, một lần nữa họa sỹ Lưu Ly lại chuyển ngành công tác. Ông phụ trách một xưởng chế tác sơn mài của Bộ công thương nhưng ngày đêm vẫn không xa tập ký họa. Không còn cảnh mưa rét, nhưng nguy cơ bị tan ra do độ ẩm cao là điều có thể nên họa sỹ Lưu Ly, rang gao nếp thơm, bỏ vào ni lon, ủ nguyên cả tập ký họa như thể ủ nóng trái tim mình.
Chao ôi! Người vẽ đã can trường lãng mạn, người gìn giữ cũng kiên trì đam mê lắm thay! Nghệ thuật tồn tại, không chỉ nhờ tài năng của nghệ sỹ, mà còn bởi tấm lòng của thiên hạ!  60 năm trôi qua, trải qua bao nhiêu thăng trầm, tập ký họa nhỏ nhoi, sờn gáy, mờ bóng giấy này đã thành một báu vật của họa sỹ Lưu Ly vì với ông, mỗi bức tranh ký họa mộc mạc này, là một nỗi hoài niệm lớn mà các họa sỹ bậc thầy đã dành và ông đã may mắn có trong đời!

 
Chủ quán Hoàng Lập Ngôn do Bùi Xuân Phái vẽ

60 năm trôi qua, Lưu Ly chàng học viên lớp hội họa thu đông năm nào đã là một lão họa sỹ gần 80 tuổi trước mắt tôi. Con người và thời gian đổi thay, nhưng 19 bức ký họa bản gốc vẫn rõ ràng từng nét họa, gam màu, phảng phất mùi vị lịch sử và hơi thở của những tác giả góp mặt.
Sau bao nhiêu năm trường kỳ lưu giữ, giờ đây lão họa sỹ Lưu Ly quyết định chuyển giao tập ký họa cho chị Bội Trân, chủ nhân Bội Trân Galery trên đồi Thiên An mướt xanh mùa thu Huế. Thật là duyên cơ, lớp học hội họa thu đông ngày đó, do họa sỹ  Thân Trọng Sự – một người Huế đứng ra tổ chức và 60 năm sau, qua bao nhiêu bước đường, tập ký họa liên quan mật thiết đến lớp học ấy lại đến với một người Huế, là nữ họa sỹ Bội Trân, người mà lão họa sỹ Lưu Ly gửi gắm và tin rằng, chị sẽ tiếp bước cuộc hành trình lưu giữ và giới thiệu nó với mọi người.

Bài và ảnh của Văn Cầm Hải

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)