Hoang vắng thần linh

Có một thời kỳ chúng ta xóa bỏ mê tín dị đoan mà theo đó chúng ta triệt tiêu luôn cả môi trường diễn xướng của cồng chiêng và vì thế thanh niên đã không còn cơ hội học đánh chiêng. Có một thời chúng ta khuyến khích thanh niên gò lại chiêng theo hàng âm thanh châu Âu, gọi là chiêng cải tiến để đánh nhạc hiện đại, để rồi khi quay lại đã không còn đánh được những bài chiêng dân tộc nữa. Những lời tự vấn này là của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Vân (Hội thảo thực trạng không gian văn hóa cồng chiêng, Daklak tháng 11.2007).

Trong sáu trang tóm tắt, sau đó là hai mươi bốn trang của bộ hồ sơ mà Viện Văn hóa – Thông tin tổ chức soạn thảo trình UNESCO (để được xét công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể nhân loại), cồng chiêng được mặc nhiên công nhận dưới hình thức là những nhạc cụ được chế tác chủ yếu bằng đồng. Nhận định đó thật ra không sai, tuy chưa đầy đủ về mặt lịch sử, nhưng có thể đó là một quan điểm về giá trị di sản, và cũng có thể là một chọn lựa để thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản này.

Đối với các dân tộc sống trên dải Trường Sơn, cồng chiêng là một khái niệm rất rộng về những loại nhạc cụ chủ yếu thuộc bộ gõ được chế tác từ nhiều loại vật liệu khác nhau như tre, nứa, gỗ, đá… với những tên gọi riêng theo từng tộc người như cing, chưng, goong… được ghi nhận là đã xuất hiện trước thời đại Đồng thau và Sắt sớm. Chẳng hạn người Êđê có cing kram (chiêng tre), cing kok (chiêng gỗ) và cả cing angina (chiêng gió) tồn tại song song với cing k’nah (chiêng đồng). Tộc người M’Nông lại còn có nhiều hơn nữa những loại cồng chiêng không phải bằng đồng mà tiêu biểu như cưng  đưng (chiêng ống), cưng cuôi (chiêng chén, bát), cưng ôh (chiêng thổi) goong lũ (cồng đá). Người J’Rai thì lại phổ biến với bộ chiêng được làm từ cây nứa có tên gọi là cing đing. Nói chung những bộ cồng chiêng kể trên thường có cách chế tác đơn giản, chỉnh âm dễ dàng bằng cách chuốt một vài đường dao. Điểm khác biệt cơ bản là môi trường diễn xướng của các bộ cồng chiêng làm bằng tre, nứa, gỗ, đá tương đối rộng rãi, không chịu sự ràng buộc bởi các tập tục kiêng cữ, tín ngưỡng như chiêng đồng. Nói cách khác, ngày xưa chiêng đồng không đơn thuần là một loại nhạc cụ được sử dụng trong một số lễ hội truyền thống của các tộc người Tây Nguyên. Nếu như bộ chiêng tre của người Êđê được sử dụng thường xuyên trên rẫy trong suốt một mùa lúa thì chiêng đồng của tộc người này chỉ có hai trường hợp được đưa ra khỏi buôn là lễ Cúng bến nước và lễ Bỏ mả. Tất nhiên còn có một lý do khác là giá trị vật chất của một cái chiêng đồng rất cao (có khi ngang giá với một con voi), cho nên chủ nhân của nó không thể tùy tiện sử dụng trong những lễ hội thiếu những nghi thức long trọng. Nhưng về cơ bản, với tư cách là một vật thiêng, một phương tiện trao đổi với thần linh và để kết nối cộng đồng trong một trạng huống cụ thể nào đó, chiêng đồng trở thành một bài toán cực kỳ nan giải trước yêu cầu bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực của loại nhạc cụ đã trở thành di sản này.

Vì lý do gì chiêng đồng trở nên một vật thiêng, trong khi điều đó lại không thấy thể hiện ở các loại cồng chiêng được làm từ các loại vật liệu khác, mặc dù chiêng đồng xuất hiện muộn hơn ?

Báo cáo kết quả khai quật di chỉ Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) do Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Khoa học Xã hội VN) phối hợp với Sở VH – TT tỉnh Kon Tum thực hiện bắt đầu từ năm 2001 đã đưa ra một nhận định “cực hot” : Trên hữu ngạn sông Sê San cách đây từ một ngàn rưỡi đến ba ngàn năm, vùng này đã từng là một trung tâm luyện kim đúc đồng của Tây Nguyên. Và quan trọng hơn, trung tâm này có quan hệ kỹ thuật với những trung tâm luyện kim đúc đồng khác, trước hết là với Đông Sơn (Thanh Hóa). Nằm dưới cốt 510 mét, các di vật tìm được gồm khuôn đúc và xỉ đồng ở lớp dưới, các lò luyện sắt ở hai lớp trên. Kết quả phân tích cho thấy người Lung Leng khi luyện sắt có hàm lượng cao (72%) đã biết phối liệu với các chất trợ dung. Điều này phù hợp với thực tế ở một số vùng cư dân bản địa Bắc Tây Nguyên, mặc dù ở một số tộc người không có truyền thống nghề đúc đồng nhưng họ vẫn biết để cái chiêng có âm sắc thanh, mịn màng và có độ vang xa, cần thiết phải pha trộn với một tỷ lệ nào đó giữa hổn hợp đồng đỏ, đồng đen hoặc vàng. Riêng loại chiêng có pha đồng đen của người Tà Ôi được coi là vật quý gia bảo.
Trong một số mộ táng thuộc di chỉ vùng lòng hồ thủy điện Pleikrông cũng thuộc phạm vi di chỉ Lung Leng, vật chôn theo gồm các vật dụng bằng đồng hoặc sắt như rìu, dao, vòng kiểu Đông Sơn bên cạnh bình gốm hình con tiện, văn ấn mép sò, tô ánh chì kiểu Sa Huỳnh. Điều này chứng tỏ thời kỳ đó đã có sự giao lưu giữa cư dân Tây Nguyên với hai trung tâm văn minh lớn lúc đó ở đồng bằng.
Tóm lại có thể hình dung như thế này : lần đầu tiên tiếp cận với kỹ thuật đúc đồng, những cư dân Tây Nguyên ở Thời đại Kim khí cách đây ít nhất một ngàn năm trăm năm đã thật sự bị “sốc” bởi một loại nhạc cụ có thể đánh cho một tiếng vang xa khắp xứ, đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người (Sử thi – khan Dam San). Chiêng đồng đã tạo ra một thứ thanh âm mà trước đó các loại chiêng được làm từ tre, nứa, gỗ, đá không làm sao có được. Đối với những tộc người đa thần giáo, một loại nhạc cụ như thế có lẽ phải do thần linh ban tặng mà thôi. Hơn nữa, trống đồng do những di dân Đông Sơn mang vào Tây Nguyên thời đó vẫn giữ nguyên ý nghĩa của một linh vật trong các lễ hội, hiệu lệnh xuất trận trong các cuộc chinh chiến. Điều đó không thể không tác động đến tư duy sử dụng nhạc cụ của các tộc người Tây Nguyên.
Thực tế lịch sử đã khẳng định như thế: di sản cồng chiêng Tây Nguyên hiện nay là kết quả của một quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa của các tộc người Tây Nguyên với các dân tộc Kinh, Lào, Campuchia, Chămpa. Trong đó có những giá trị quá khứ (bao gồm cả ý nghĩa của các loại vật liệu chế tác ban đầu) được giữ nguyên, những giá trị tinh thần biến đổi (không tùy tiện mang cồng chiêng đánh khắp nơi chẳng hạn) và cả những giá trị được bổ sung, sáng tạo mới. Dù thế nào thì cồng chiêng Tây Nguyên chỉ có ý nghĩa là những di sản sống trong điều kiện nó thỏa mãn nhu cầu tâm linh của những người đã làm ra và sử dụng nó.
 

Đối với những ý kiến cho rằng cồng chiêng Tây Nguyên đơn giản chỉ là những nhạc cụ cổ truyền như tất cả các loại nhạc cụ cổ truyền khác, chẳng có yếu tố thần linh nào cả và đến một lúc nào đó đã hết vai trò lịch sử, buộc phải chấp nhận quy luật đào thải nếu không có những cải tiến kịp thời. Ý kiến này sẽ không sai nếu loại bỏ môi trường diễn xướng của cồng chiêng, bao gồm không gian tự nhiên và tập tục tổ chức các nghi lễ tạ ơn thần linh. Không còn môi trường diễn xướng, cồng chiêng thuần túy chỉ là bộ gõ cơ bản có thang năm âm – ngũ cung mà nếu muốn cứ việc “lên dây”, bổ sung dàn chiêng cho đủ bảy nốt theo hệ thống âm nhạc phương Tây. Và khổ thay cho cồng chiêng Tây Nguyên, người ta đã làm như thế thật. Ở hầu hết các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, sau khi đã “mạnh dạn” tăng thêm số lượng cồng chiêng cho bè đệm và bè giai điệu, người ta lại tiếp tục tăng thêm nốt cho bè hoặc tổ giai điệu. Kết quả là loại chiêng cải tiến này được người Tây Nguyên đặt cho những cái tên mĩa mai như chiêng thanh niên, chiêng trẻ em và thậm chí là chiêng ma. Chưa thỏa mãn, người ta lại có sáng kiến treo cồng chiêng lên một cái giá để cho một hoặc hai người đánh. Nhạc sĩ Măng Ngọc, nguyên hiệu trưởng Trường trung học VH – NT Gia Lai đã ví cách chơi này là đánh cồng chiêng mà nghe như đánh máng heo.
Môi trường diễn xướng của cồng chiêng đã bị hủy hoại như thế nào, có lẽ chỉ cần nhìn qua thực trạng làng quê xã Êa Bông (huyện Krông Ana, Daklak) qua lời kể của chính một người trong cuộc là Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, giảng viên Đại học Tây Nguyên. Hiện nay rừng đầu nguồn của Êa Bông đã bị phá trụi hoàn toàn. Bến nước (hay còn gọi là nguồn nước ngọt) của 9 buôn người Êđê , được coi là nơi trú ngụ của thần linh và là địa điểm tổ chức lễ Cúng bến nước, đã biến mất. Các khu mộ địa, nơi tổ chức lễ Bỏ mả, bị lấn chiếm bởi các rẫy cà phê đến mức không còn đủ mặt bằng để thực hiện các nghi lễ tang ma. Trong khi đó thì vai trò của các già làng, chủ buôn, chủ bến nước cũng như những người còn hiểu biết những luật tục cổ chưa bao giờ được chính quyền địa phương coi trọng.
UNESCO chấp nhận chiêng đồng có thể vì họ nhận ra yếu tố thần linh không thể thiếu trong loại nhạc cụ này. Nếu đúng như thế thì lời giải cho bài toán bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực của loại nhạc cụ đã trở thành di sản này sẽ là: hãy giữ gìn và phát triển những tộc người Tây Nguyên đa thần giáo. Nếu không, những nỗ lực khác là vô nghĩa.

Đỗ Phước Tiến

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)