Hội An: Xây dựng hiện đại “cạnh tranh” cùng di sản?
2/3 quỹ đất của thành phố Hội Anh và vùng phụ cận đang được gấp rút đưa vào kế hoạch xây dựng mới, trong thời hạn ngắn là 4 năm, dài là 19 năm trước mắt.
Theo Dự án điều chỉnh nói trên, cơ cấu đô thị mới sẽ gồm năm hợp phần: Khu vực hạt nhân lịch sử và tâm thức, bao gồm khu phố cổ và vùng phụ cận bán kính từ 1 đến 1,2 km; Khu vực vành đai chuyển tiếp được mệnh danh là “lá phổi xanh” điều tiết về sinh thái, tiêu úng cho thành phố; Khu vực vành đai dự trữ phát triển là “vùng đệm” giữa đô thị với các vùng lân cận; Các trục, hành lang kết nối trung tâm đô thị cổ với trung tâm đô thị mới; và được quan tâm nhất là khu vực vành đai phát triển, bao gồm các khu đô thị (KĐT) mới Biển An Bàng, Bờ Nam sông Thu Bồn, Thanh Hà.
Nhìn tương quan trên bản đồ quy hoạch, vành đai phát triển chiếm gần 30% tổng quỹ đất. Đây là con số thoạt tiên tưởng chừng đảm bảo phát triển bền vững trong tương quan chung. Nhưng thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề: Việc xây dựng KĐT mới bên bờ sông dẫn đến phải kè bờ, làm yếu lưu lượng dòng chảy vùng hạ lưu, ảnh hưởng tới thoát lũ thượng nguồn, đó là chưa kể tới việc xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp vốn là điều hiếm khi được thực hiện đúng quy trình ở các công trình đô thị trong nước.
Mặc dầu có sự thống kê khảo sát các lĩnh vực môi trường, thủy văn, con người, nhà ở, các hoạt động kinh tế, văn hóa, hành chính tại địa phương và công trình xây dựng phục vụ, Dự án vẫn đưa ra một số nhận định nước đôi, mà thực chất là chủ trương xây dựng “hoành tráng”:
Sông ở Hội An rất phong phú. Nó đủ nhỏ để tạo lập không gian thân thiện hai bờ phố, đủ rộng để làm khoảng đệm lý tưởng phát triển các khu dịch vụ cao cấp hoành tráng nhưng không làm tổn hại đến không gian phố cổ,… tất cả là yếu tố xanh quý giá. Có những cái nhìn bi quan từ bên ngoài về sông Hội An trong mùa lũ, thế nhưng, nếu những đợt nước dâng không quá cao thì nó không khác gì một lễ hội, nó thay đổi nhịp sống phố thị, nó hàn gắn thêm tình làng nghĩa xóm, nước dâng đem phù sa cho các vùng đất nông nghiệp, tiêu trừ sâu bọ.
(Trang 8, 9 chương II, Các điều kiện tự nhiên và hiện trạng, phần 1. 2. 1 Địa hình đồng bằng, Thuyết minh Dự án)
Nhà thơ Phùng Tấn Đông, một cư dân từ nhiều đời của Hội An, cũng là thành viên của Tổ Tư vấn Kiến trúc thành phố cho biết:
“Phương án kiến trúc và xây dựng các KĐT mới ở vùng vành đai phát triển của Hội An hiện tại đang là vấn đề gây tranh cãi gay gắt, sẽ còn phải mất nhiều thời giờ và công sức để bàn bạc và thống nhất, để có được bộ quy chuẩn đầy đủ, hợp lý và cập nhật cho thiết kế kiến trúc và xây dựng đặc thù của địa phương. Một số phương án của KĐT mới vừa rồi trình UBND thành phố xét duyệt, đưa ra Tổ Tư vấn, thấy rõ những chênh lệch so với quy định: Nhà đầu tư đưa ra thiết kế chung cư tới 10 tầng, trong khi đó theo quy định ban hành của UBND TP, công trình nhà ở nằm ngoài các vùng di tích cũng không được vượt quá 4 tầng.
Điều chúng tôi băn khoăn, trong khi Thành phố đã chủ trương dành không gian bờ biển thông thoáng làm tài sản chung cho người dân, không cho phép xây cất các công trình quá gần bờ biển, cũng như chủ trương giữ gìn không gian, sự đa dạng sinh thái cho dải làng xóm truyền thống ven sông, thì các KĐT mới vẫn có nguy cơ không đảm bảo quy trình xây dựng nghiêm ngặt đáp ứng các tiêu chí này. Bờ biển Cửa Đại ngày càng bị xâm lấn và thu hẹp bởi đủ các loại công trình.
Hội An cho đến giữa thế kỷ XX bao gồm khu vực tả và hữu ngạn sông Hoài (nhánh hạ lưu của sông Thu Bồn). Cảng Hội An là nơi trú đậu giao thương quốc tế sầm uất, thuyền bè có thể theo dòng sông vào sâu trong đất liền buôn bán. Hội An hiện tại cũng đã hình thành nhiều khu giãn dân, quy hoạch theo lối nhà vườn như Tân An, Cẩm Nam, Cẩm Phô… theo nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống người dân. Về căn bản, cảnh quan thành phố vẫn hài hòa, xanh tươi như ấn tượng không thay đổi trong lòng du khách bây lâu nay. |
Theo thiết kế, các KĐT mới cũng có hơi hướm quan tâm đến vấn đề sinh thái: có công viên biển, dành diện tích cho cây xanh, có không gian thư giãn… Nhưng nó chắc chắn làm mất đi ngôi chợ làng truyền thống, ngôi nhà cổ ba gian hai chái và những sinh hoạt biển đã tồn tại từ ngàn đời như lễ Cầu ngư, lễ Lăng Ông… Người dân chài được bố trí đền bù, tái định cư tại KĐT mới, làm sao có thể ở nhà cao tầng và hàng sáng đi thang máy xuống lấy thuyền đi biển? Người dân biển có được hưởng lợi gì từ các công trình mới? Tại sao phải định đoạt lại cuộc đời người dân ngay trên chính mảnh đất của họ?
Ngoài ra, các vùng di tích xếp loại 2, 3, dù ít quan trọng hơn, nhưng vẫn mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc đáo, vẫn đang bị quản lý như những công trình xây dựng, theo quy định về xây dựng. Như vậy, mỗi lần tu sửa là một lần người ta tùy tiện thêm bớt các hạng mục, đến nỗi không còn có thể nhận ra di tích nữa…”
Ông Phạm Phú Song Toàn, Trưởng Điều phối môi trường và phát triển dự án KĐT Biển An Bàng, một trong các KĐT tương lai của Hội An, khẳng định, “Dự án của chúng tôi phải trải qua quá trình khảo sát kỹ lưỡng về nguồn nước, đời sống cư dân, thảm thực vật địa phương, các di tích cổ cần bảo vệ. Dự án chủ trương phát triển chính thảm thực vật vốn có của địa phương để tạo cảnh quan đặc thù, độc đáo, gần gũi.” Ông cũng cho biết, có những mục tiêu sẽ được duy trì trong suốt quá trình thực hiện cho tới khi hoàn tất, như cải thiện các vấn đề vệ sinh môi trường; cải thiện cảnh quan đẹp ở những vùng dân cư địa phương sẵn có; phát triển kinh tế hộ gia đình trong các cụm cư dân; truyền thông và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ giá trị văn hóa cho người dân.
Về các dự án KĐT mới, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa TP Hội An, cho rằng một số khu vực trong quy hoạch các KĐT mới, như Cẩm An, An Bàng, Cửa Đại và vùng sông Cổ Cò là vùng đất khá trẻ nên mật độ di tích không nhiều nhưng không phải là không có, chẳng hạn như trường hợp di tích Lăng Ông rất cổ xưa nằm trong khu đất được quy hoạch dành cho KĐT Biển An Bàng. “Trong dự án trình UBND TP, các nhà đầu tư, thiết kế đề xuất phương án tháo dỡ và di dời Lăng Ông tới khu vực khác nhường chỗ cho con đường mới. Nhưng phía chuyên môn chúng tôi dứt khoát bác bỏ đề xuất này. Con đường có trước hay Lăng Ông có trước? Tất nhiên con đường phải chịu “quy hoạch” và phải nhường bước cái có trước. Nếu di dời Lăng Ông đi nơi khác, có còn bảo tồn được đó đúng là Lăng Ông hay không? Chưa kể việc không thể di chuyển được không gian văn hóa của cư dân. Không còn lễ hội thì Lăng Ông tồn tại ở nơi khác, như kiểu món đồ giả cổ, phỏng có ý nghĩa gì? Nhưng chúng tôi biết đây là vấn đề liên quan tới mức độ nhận thức của người lập dự án mà thôi. Họ chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản.”
Và mặc dù ông Phạm Phú Song Toàn khẳng định, “Cho đến bây giờ, tôi hoàn toàn tin tưởng vào những gì chúng tôi đang thực hiện. Nếu có điều gì không đúng với những mục tiêu ban đầu, tôi sẽ rút lui khỏi công việc” nhưng với kinh nghiệm của người làm công tác bảo tồn di sản, ông Nguyễn Chí Trung, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, vẫn tỏ ra lo ngại rằng, trong quá trình thi công, bất chấp những quy định, phương án đã được phê duyệt, người ta vẫn có thể xâm phạm các công trình di sản và một khi việc vi phạm xảy ra thì có kỷ luật cũng không khắc phục được.