Hội thảo bàn tròn: Ý thức nữ và nhà văn

Tất cả những người tham gia cuộc chơi này đều có chung đặc điểm: nữ và viết văn. Nhưng ngoài điều đó ra họ khác nhau trên mọi phương diện, kể cả tuổi tác: Có người trên năm mươi, có người mới đôi mươi, có người trên dưới ba mươi. Mọi người đều trả lời trực tiếp bằng Email những câu hỏi giống nhau mà không hề biết người khác nói gì. Chúng tôi đặt họ vào chung một bàn tròn để độc giả tiện theo dõi.

Chị có quan tâm đến giới tính trong sáng tạo văn chương không? Vì sao và như thế nào?
Thiên Ngân: Tôi chưa có ý thức lắm về vấn đề này.
Trần Thùy Mai: Thực tình là khi cầm bút tôi không nghĩ gì đến chuyện mình là phụ nữ. Nhưng khi đọc lại những gì đã viết tôi nghĩ rằng giới tính có ảnh hưởng nhiều đến cách viết cũng như cách nhìn nhận ngoại giới của mình.
Ngô Thị Hạnh: Trong sáng tạo văn chương, giới tính là điều rất quan trọng và chi phối rất nhiều đến cách thể hiện trong văn chương. Khi những con chữ mang nặng tình yêu thương và niềm khao khát, thì đương nhiên những con chữ ấy thể hiện giới tính của người cầm bút. Tôi là nữ, nên tôi có cảm quan của người nữ làm thơ, đề tài về chính con người tôi luôn được khai thác một cách mãnh liệt. Như “thay lời tựa” tập thơ “Rơi ngược” tôi viết: “Người phụ nữ vào tuổi hai lăm/ chợt thấy mình mỏng manh tựa sóng”

Ngô Thị Hạnh đã xuất bản Vang vọng (2004), Hòn bi vỡ (2004), Ba cô Mèo cài hoa phượng (2006), Rơi ngược (2006)  Thiên Ngân đã in  Những phố dài ướt mưa ( 2005), Hai chiếc  xe khóa chặt vào nhau (2006), Cặp vòng mây (2006), Ngôi nhà mặt trời (2008), giải nhất Chân dung Tuổi mới lớn.

Song Phạm: Thực sự không quan tâm. Vì thấy không cần thiết. Theo tôi, chỉ có văn chương  hay và văn chương dở, văn chương rung động lòng người và văn chương cằn cỗi, cũ mòn; văn chương khiến người ta suy  nghĩ ra sao, hành động thế nào…

Thanh Nguyên: Có chứ! Bởi thí dụ đơn giản là ngay khi viết về chuyện mà hầu như ai cũng viết: tình yêu (chẳng hạn) thì ta đã (vô tình hoặc cố ý) đụng chạm đến vấn đề giới tính. Mọi thương nhớ, giận hờn, trách móc, tiếc nuối… đều gợi cho người đọc những cảm giác (đã, đang hoặc sẽ có) gần gũi với một ai đó của riêng mình. Không tính đến việc rắp tâm mượn chuyện giới tính làm yếu tố câu khách, khó có thể viết về cuộc sống mà lại không có những trường đoạn về tình yêu. Người viết  nào cũng phải làm điều này giống như hễ muốn nấu thành cơm thì gạo ấy ắt phải có nước! Nhất là thơ- cho nên mọi thời mọi chỗ đã có hẳn mảng “thơ tình” và lực lượng tín đồ hùng hậu. Khác chăng là cách thể hiện của từng tác giả có tạo được sự rung động, đồng cảm, chia sẻ của (một hoặc nhiều)  người đọc không. Tôi thì tôi chọn cách nhắc đến giới tính nhẹ nhàng và ẩn dụ- ví dụ tôi nghĩ đó là thuộc tính của thơ làm thành nét khác biệt của thơ so với văn xuôi. Và dĩ nhiên đó chỉ là quan niệm riêng (hơi cổ lỗ?) trong rất nhiều quan niệm hiện đại, thời thượng khác.

Thanh Xuân: Về mặt ý thức, tôi nghĩ, không có khái niệm phân biệt giới trong văn chương nhưng thực tế xã hội và lịch sử để lại một “di sản” nặng nề và bất bình đẳng giới. Phụ nữ được cho là thế giới thứ 2-“Second sex”, nghĩa là xã hội đó đàn ông thống trị, họ “bị dạy” rằng phụ nữ là phái yếu. Từ lúc nào, họ là người phải được/bị che chở. Sau, là đến cách gọi, ví dụ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chứ có ai gọi nhà văn nam Nguyễn Huy Thiệp(!); thật ra, châu Âu cũng không hiếm hoi lắm đâu, cũng tình trạng lắm. Ví dụ, ở Pháp có những nghề nghiệp từ nhà tư tưởng (penseur), giáo sư (professeur), người cứu nạn (sauveteur), cho đến tên bịp bợm (imposteur) không có từ giống cái, mà chỉ có từ giống đực dùng chung; hay như những chuyện cũ rích kiểu người đàn bà phải mang họ chồng, trong các bức ảnh gia đình, người đàn ông gia trưởng luôn ngồi chẳng hạn.


Trần Thuỳ Mai với nhiều tác phẩm đạt Giải thưởng hội Nhà Văn Việt Nam 2002, Văn học Cố Đô năm 2004, Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2003…

Tuy nhiên, may mắn lắm, người đàn bà mới giữ được tính nữ trọn vẹn trong văn chương của mình, phần lớn, tôi cho là họ có thể nói nhiều về tình yêu, và tình yêu nam nữ là đề tài mà họ nói hay nhất trong những tác phẩm của họ, dù họ có cố tình chen vào đó vô số thứ khác. Họ có một cái ám thị chung là đàn ông trong tác phẩm của họ luôn hèn, xấu, đáng ngờ, phụ bạc (cười), tôi e đó là một sự đề kháng. Cá nhân tôi, không nỗ lực để thể hiện tính nữ trong văn chương, mà nó mặc nhiên “được có” đặc quyền đó.
Trần Lê Sơn Ý: Thành thật mà nói, tôi không quan tâm đến giới tính trong chuyện văn chương. Tôi cho rằng sáng tạo nghệ thuật không phân biệt bất cứ cái gì, kể cả giới tính. Nó vượt qua các giới hạn.
Hồng Hạnh: Tôi có quan tâm đến giới tính trong sáng tạo văn chương. Lý do: 1/ Văn chương phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, cảm xúc của người sáng tác và chắc chắn giới tính có ảnh hưởng đến tác phẩm văn chương. Nữ giới sẽ có lối nghĩ/ lối cảm/ tư duy khác với nam giới và họ sẽ thể hiện sự khác biệt đó trong sáng tác của mình. 2/ Văn chương với nữ giới còn là một phương tiện để họ chống lại những bất công giới tính mà họ gặp phải trong thực tại xã hội.
Tôi luôn cố gắng để tạo ra những nhân vật nữ khát khao và đấu tranh với những con người trong xã hội/ cộng đồng còn hạn chế nhận thức bình đẳng giới ở xung quanh mình, để có được quyền sống đích thực, có được nữ quyền
Lưu Thị Lương: Khi nào viết truyện cho trẻ em thì tôi có quan tâm đến giới tính. Vì giới tính là điều bí mật, gây tò mò kinh khủng. Học sinh trung học phổ thông coi web đen nhiều cỡ nào không biết, nhưng trong bài giảng mà nghe đả động tới chuyện này là tỉnh ngủ liền, chúng kêu thét lên vì khoái chí hoặc vì xấu hổ. Tôi viết để chúng thấy chuyện giới tính là chuyện đàng hoàng. Nếu mình không biết thì mình không phải là người đàng hoàng.

Hồng Hạnh, tác giả Bài học đầu tiên (2005), giải nhất Văn học tuổi hai mươi lần III, Hương Sen (2007), giải nhất Truyện ngắn mini đề tài du lịch…    Nguyệt Phạm, tác giả tập thơ Mắt giấy (2008), Dự báo phi thời tiết (chung với 4 tác giả khác – 2005)

Nguyệt Phạm: Thường thì những điều tôi viết là những vấn đề, xúc cảm, tình cảm của người phụ nữ, có lẽ bởi vì tôi là phụ nữ nên viết về nữ giới gần gũi và tự nhiên hơn. Và điều đó đến từ vô thức, thực sự tôi không ý thức về chuyện đó.
Yến Linh: Tôi thường viết về những đề tài ập đến với mình, có khi là nỗi trăn trở, có khi là những tâm trạng đang chiếm hữu tôi mà tôi không tài nào thoát ra được. Lúc ấy, với tôi, viết đơn giản là việc chia sẻ với một tôi khác, cứu vớt tình người đang có nguy cơ hao mòn đi từng chút một trong con người mình trước những biến động của cuộc sống. Vì vậy, tôi không chủ đích chọn cho mình vấn đề giới tính trong sáng tạo.
 
Nữ có là đề tài / đối tượng sáng tác chị chọn có ý thức? Điều gì chị bận tâm nhất trong khai thác đề tài nữ và tạo dựng nhân vật nữ?
Trần Thùy Mai: Có. Thường tôi chỉ bắt đầu viết khi nhân vật nữ trung tâm của truyện được hình thành trong tâm trí tôi, với nét đặc thù tính cách của cô ta. Điều tôi bận tâm nhất, chính là bức chân dung riêng biệt của cô ấy, với tôi đấy là điều quan trọng nhất trong tác phẩm.
Yến Linh: Mỗi khi viết, tôi hoàn toàn không hề bắt mình nghĩ rằng, nếu viết câu chuyện này thì đôi mắt nhân vật là đôi mắt của người phụ nữ. Tuy nhiên, thật kỳ lạ là tôi lại làm tất cả những thứ mà mình không hề ý thức trước đó. Tôi thường viết về nỗi đau của những người phụ nữ tôi gặp thoáng qua trong cuộc đời mình, nỗi đau của những người phụ nữ thân thuộc quanh mình. Có lẽ một phần, tôi sống trong thế giới mà người phụ nữ là chủ đạo, đã tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp đối với nỗi đau nhiều khi đến mức tưởng không còn có thể vượt qua được của họ nên những vấn đề đó đã ăn sâu bén rễ vào vô thức tôi, bộc phát ra bên ngoài vào lúc tôi không hề ý thức.
Viết về đề tài nữ, khai thác tâm lý nhân vật là một điều khó. Phụ nữ luôn có nhiều vấn đề về cuộc sống, tình yêu, gia đình, sự nghiệp… nhưng theo tôi, vấn đề quan trọng nhất thuộc về nội tâm – thứ nội tâm mỏng manh, dễ bị tổn thương, cô đơn và tự nhốt mình trong nỗi hoang mang, nhiều khi rất vô cớ. Chính nó là căn nguyên cho tất cả các vấn đề khác. Bởi vậy, nhiều khi, nếu mình không phải đã ở trong hoàn cảnh đó, tâm trạng đó giống như nhân vật mình thì rất khó để diễn tả hết ra được.
Lưu Thị Lương: Phụ nữ khổ, tôi nói khổ. Phụ nữ đẹp, tôi nói đẹp, không thêm bớt. Tôi chỉ muốn nhân vật của mình như cô Tấm, dứt khoát phải được sống sung sướng cả vật chất lẫn tinh thần, vì tới giờ này phụ nữ vẫn chưa hết khổ.

Trần Lê Sơn Ý , tác giả tập thơ Cơn ngạt thở tình cờ (2007), chung kết giải Lá Trầu (2007), tặng thưởng hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh (2008).

Song Phạm: Tôi làm báo và làm thơ. Với báo chí tôi chọn ngẫu nhiên:
Nhân vật mình thích và có nhiều cái để tôi khai thác
Nhân vật nổi trội trong cộng đồng, được độc giả quan tâm.
Với thơ, đối tượng tôi chọn trước tiên là… mình, là cái tôi, cái phóng chiếu, khúc xạ của chính mình, sau đó mới đến các đối tượng mà tôi thực sự quan tâm, rung động…
Điều tôi bận tâm khi viết về nhân vật nữ? Hình như chẳng bận tâm gì. À, mà có, tôi bận tâm bài báo/bài thơ/nhân vật của mình có hay hay không. Tôi luôn thích và muốn nhân vật của tôi mạnh mẽ, chứ không ủy mị, ướt át, “nhi nữ thường tình” như số đông vẫn nghĩ, vẫn chờ nó diễn ra như thế, như thế… Ví dụ, tôi mừng khi nhân vật của tôi bảo: “Kinh khủng đấy, nhưng khóc hả, dễ gì!”; hơi thất vọng khi nhân vật của tôi bảo: “Có chảy nước mắt chút đỉnh”; và bực bội khi nhân vật thổ lộ: “Nước mắt đầm đìa, sụp đổ…”. Đó là các nhân vật báo chí. Còn trong thơ, nhân vật nữ tôi tôn thờ là mẹ. Mẹ tôi sừng sững trong thơ tôi, ngay cả khi không còn…
Thiên Ngân: Tôi dùng nhân vật NAM làm đối tượng sáng tạo có ý thức để mở rộng những giới hạn về mặt xã hội mà chắc chắn mình sẽ vấp phải khi khai thác một nhân vật nữ.
Tôi công nhận vì mình còn trẻ, thiếu trải nghiệm cho nên vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ gia đình và xã hội trong những quan niệm, chuẩn mực về giới nữ. Tôi chưa (dám) có ý định thoát ra khỏi nó.


Yến Linh đã xuất bản Dù thế nào Adam cũng sinh trước Eva (2006), Mọi người đều đặc biệt (2007), Tôi vẫn chỉ là con nít (2008), Ngày thôi không chờ đợi  (2008)…

Lưu Thị Lương sinh sống ở TP. HCM bằng nghề dạy học, viết truyện ngắn, làm thơ về người lớn, thanh niên thiếu nữ, thiếu niên, nhi đồng…

Trần Lê Sơn Ý: Có thể trong vô thức tôi có nhu cầu bày tỏ mình, một người nữ. Nhưng cho đến nay, tôi chưa bao giờ viết về người nữ một cách có chủ ý. Tuy nhiên trong đời sống, tôi rất quan tâm đến những người nữ. Giới tính đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của họ, giá trị của họ, cách họ chịu đựng, cách họ vượt qua mọi điều kể cả cách những người đàn ông nhìn nhận, đánh giá họ… Ở họ, luôn luôn có rất nhiều giai tầng mà có khi cả đời người ta vẫn không khám phá nổi. 
Hồng Hạnh: Tôi có chọn nữ là đề tài/ đối tượng sáng tác một cách có ý thức. Trong quyển tiểu thuyết sắp xuất bản vào tháng 2/2009 mang tên là “Quái vật” của mình, tôi đã cố tình xây dựng một nhân vật nữ dễ bị tổn thương, mong manh và yêu cuộc sống một cách cuồng nhiệt đằng sau bề ngoài của một người lập dị, khác thường vì có 3 con mắt và 2 linh hồn.
– Điều tôi bận tâm nhất trong khai thác đề tài nữ và tạo dựng nhân vật nữ là làm thế nào để không bị trùng lặp (vì có khá nhiều nhân vật nữ trong văn chương), không làm cho nhân vật mình “căng cứng” và “khuôn sáo” để tuyên truyền cho nữ quyền một cách oang oang. Nói cách khác, tôi muốn nhân vật nữ của mình là nữ/ và nói về nữ quyền một cách tự nhiên nhất, như chính bản thể của con người chứ không phải do tác giả áp đặt và gán ghép cho nhân vật những mong muốn triết lý của mình.
Thanh Nguyên: Dường như hồi trẻ (khoảng 20 năm trước) tôi không hề lưu ý đến vấn đề này. Tôi luôn đặt mình vào vị trí thuận tiện nhất để có thể mô tả được cảm nhận sự việc sự vật mà mình muốn bày tỏ. Có khi chỉ là nói thay cho người khác… Do vậy, giới tính lúc ấy không phải chuyện để bận tậm. Dần dà theo thời gian trưởng thành, tôi ý thức ngày càng rõ giới tính (trước là của mình và sau đó là của chung nữ giới) kèm theo là những cung bậc riêng của giới mà ta lại không mượn lợi thế của sáng tác để phân tích, giải tỏa phần nội tâm vốn sâu sắc nhưng ưa che giấu của phái nữ (theo truyền thống Á Đông). Các nhân vật nữ của tôi ngoài chính tác giả còn lại hầu hết là mô tả tâm thức, tâm cảnh của những người nữ quanh tôi. Nghiệm lại, đó cũng chỉ là những trắc ẩn hiền lành hoặc giả chăng tôi đã hiền lành hóa những trắc ẩn ấy. Bởi dù khắc nghiệt thế nào, họ (những nhân vật nữ của tôi) vẫn tìm cách lý giải để có thể sống sót mà vượt qua  mọi cám cảnh, một cách hiền lành nhất… để trở thành vài nét đẹp cho cuộc đời vốn dĩ ít khi yên ả; trở thành vài lời khuyên cho người đọc nào đấy đang có chung tâm trạng, cần sự sử chia. Nhân vật nữ của tôi luôn tha thứ, có lẽ vì tôi vốn rất thương yêu những người đàn ông thân thuộc của mình: ba tôi, chồng tôi và các con trai tôi (và dĩ nhiên tôi đã luôn luôn tha thứ cho mọi lỗi lầm của họ!)
Thanh Xuân: Một thói quen tâm lý, khi đọc một tác phẩm, thường được biết trước đấy là tác giả nữ hay nam, sau đấy cứ định dạng giới tính cho nhân vật chính, thường là “Tôi”.
Tôi nói về tính thể hiện trong văn chương, theo xu hướng hiện đại càng lúc càng tăng dần như hiện nay, nhân vật nữ luôn tỏ ra mình có cá tính bất thường, mạnh mẽ một cách hay ho, cư xử gan dạ đến phi logic, có những thói xấu kinh điển là dành cho đàn ông như: ngang tàng, nhiều người tình, nốc rượu say xỉn như điên, tình chung chạ một đêm. Nói chung, như vậy, họ vô tình đánh mất nữ tính và vì thế là một gạch đầu dòng để chẳng bao giờ có được nữ quyền (nếu họ muốn tìm). Đó là thiển nghĩ, để tôi hiểu rằng, đừng đi giành lấy cái mình vừa chối bỏ, huống chi những chi-tiết-tính-nữ ấy, như đã nói là một đặc quyền.


Thanh Nguyên, tác giả các tập Khúc gọi tình, Hát thơ, và thơ in chung trong các tập Thành phố tháng tư, Quán bạn, Thơ, Giải thưởng thơ hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh (2008).

Song Phạm đã in Tôi uống bầu trời trong ly nước nhỏ (2007), và in chung thơ truyện trong Thời tôi đang sống (2008) và nhiều tuyển tập thơ, văn từ 1994 đến 2005.

Và, chỉ khi cái đẹp là một ngụ ngôn và phương tiện, thì có thể xấu. Còn lại, không cần phải giải thích, người nữ trong tác phẩm tôi luôn luôn là sự đẹp. Phụ nữ là một thực thể đẹp – đương nhiên là tôi không chỉ nói về hình thức. “Cô ấy rất đẹp”, chứ không như “Anh ấy rất đẹp trai”!
Nguyệt Phạm: Viết về nữ giới như là một nhu cầu của tôi và khi suy nghĩ về nhân vật phụ nữ tôi thích đó là một người tự do, chủ động, thông minh và nhạy cảm.
Ngô Thị Hạnh: Tôi làm thơ, nên tôi quan tâm nhiều đến cảm xúc trước những sự kiện, trước những nhân vật hơn là quan tâm đến việc “ý thức chọn đề tài”. Cảm xúc chi phối đề tài hay chủ đề trong thơ tôi. Và đương nhiên, cảm xúc về nữ giới trong tôi luôn vượt trội, bởi cuộc đời là một hành trình ngắn ngủi để khám phá chính bản thân mình, học hiểu về mình là điều tôi khao khát. Tôi quan tâm đến làn da của mình khi nó tiếp xúc với không khí; tôi quan tâm đến ánh mắt của mình khi nó nhìn một chàng trai đẹp hay một người đàn ông nhiều kinh nghiệm; tôi quan tâm đến hơi thở gấp toàn thân mình khi nó tiếp xúc với thiên nhiên hay tiếp xúc với đàn ông… nhưng để thể hiện những điều đó bằng ngôn ngữ của thơ ca thì tôi có nhiều cách thể hiện khác nhau.“Em vẫn nằm trên sóng/ biết sóng sẽ nhận chìm mình bằng nguồn nước mặn mồ côi/ Em vẫn nằm trên sóng/ để đau nỗi đau của người đàn bà khi chối bỏ tình yêu…”.
Và từ khám phá chính bản thân mình, tôi hiểu về những người phụ nữ quanh tôi: bạn gái, chị, mẹ và bà… những con người bị phụ thuộc vào quá nhiều thứ để đến nỗi đánh mất mình vì người khác lúc nào cũng không biết. Nếu cùng quan niệm rằng, món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm, thì người phụ nữ suốt đời chất ngất nợ nần, tôi cũng không nằm ngoài vòng xoay ấy.

Ý thức mình là nữ có chi phối sự sáng tạo nghệ thuật của chị không? Như thế nào?
Lưu Thị Lương: Không. Phụ nữ là con người. Con người sáng tạo, suy tư, buồn vui giận khổ và có nhu cầu tâm sự. Tôi chỉ là người kể lại thôi. 
Hồng Hạnh: Có! Tôi luôn ý thức về điều đó. Và tôi muốn viết những tác phẩm có giá trị để chứng minh rằng phụ nữ cũng có thể viết văn được, viết hay và viết những điều lớn lao hơn bản thân giới tính, bản thân mình và những hạn định, định kiến mà xã hội nghĩ về nữ giới, văn giới nghĩ về những người viết là phụ nữ.
Thiên Ngân: Có. Ý thức mình là nữ luôn làm tôi cảm thấy bức bối trong quá trình sáng tạo. Tôi không chỉ là một tác giả nữ, tôi còn là một người nữ của gia đình và xã hội, bởi vậy tôi thấy mình cần phải hành xử trong khuôn khổ theo những quan niệm, chuẩn mực đã nói ở trên. Nhưng văn chương đúng nghĩa cần thật hơn như thế.
Tôi thừa nhận ý thức NỮ là giới hạn của chính bản thân tôi trong sáng tác, biến tôi thành kẻ chỉ biết nói những điều “an toàn”. Tôi nghĩ tôi sẽ phải-thay-đổi, nếu còn muốn tiếp tục với sáng tạo nghệ thuật.
Trần Thùy Mai: Tôi nghĩ là có, mặc dù ý thức ấy chắc chắn là tiềm tàng trong bản thể của người cầm bút chứ không hiện ra rõ rệt trên bề mặt ý thức. Ví dụ, khi ngẫm nghĩ kỹ lại, tôi nhận ra mình thường ngại không viết về những gì dung tục quá , hoặc trần trụi quá; có thể điều đó xuất phát từ xu hướng duy mỹ của phái tính nữ. Tất nhiên tôi biết sự trần trụi không phải là không đẹp, nhưng lúc cần thể hiện nó trên trang viết, tôi thường nhận ra mình phải cố gắng để “vượt qua chính mình”.
Ngô Thị Hạnh: Tôi hoàn toàn không bị chi phối vì ý thức mình là nữ, thậm chí điều này giúp tôi hoàn thành tác phẩm một cách tự tin hơn. Kiến thức thì mênh mông, học đến bao giờ cho hết, tôi học từ chính con người nữ giới của mình trước những tương quan của các mối quan hệ cũng đủ mất quá nhiều thời gian rồi. Bởi với tôi, người phụ nữ có rất nhiều rắc rối và nhiều mâu thuẫn khó tháo gỡ để được an nhàn.
Song Phạm: Không có chi phối nào cả.
Thanh Nguyên: Ý thức mình là nữ vừa lợi vừa hại. Lợi là tôi biết mình nên viết điều gì; biết chọn cách thể hiện phù hợp điều ấy; biết nhịn thở đi tiếp hay dừng lại để vươn thở; nhất là biết: cạnh bên văn chương còn có gia đình.
Hại là không còn toàn tâm toàn ý cho một số mộng mơ hồi trẻ tuổi; thiếu đặc trưng cần thiết cho người sáng tác – tạm gọi là “tính nghệ sĩ”; có vẻ nội trợ trong mắt một số văn hữu và độc giả (?).
Đã phân biệt rạch ròi lợi, hại. Hẳn hạn hiểu nếu phải chọn, tôi đành chọn vế nào… Dù sao tôi vẫn viết khi còn viết được.
Trần Lê Sơn Ý: Tôi có ý thức mình là nữ, khi tôi viết điều gì đó cho mình. Còn cảm giác luôn luôn muốn vượt qua những hạn định, những định kiến… tôi nghĩ chẳng phải của riêng những người nữ làm văn chương.
Thanh Xuân: Vì bản thân tôi cũng chưa thấy điều gì bất bình đẳng ảnh hưởng đến mức phải viết một cách có ý thức về điều này. Nó có, là một sự tự nhiên có điều kiện. Vì sao? Là một người viết, phải cố gắng thì thấu đáo rằng, tác phẩm lấy ra từ người, là nhân văn, mang đậm tính cá nhân, ta vô tình đem cái sự trải nghiệm theo độ tuổi, những va vấp, thất thoát đời mình và nhật ký hóa, tự truyện hóa nó mang tên tác phẩm. Ta không thể giỏi khi chưa phân thân và… đa nhân cách. Nói vậy, để cũng thấy, hiếm thấy nhà văn/thơ nam nào có đại từ nhân xưng khác với giới tính của họ.
Nhìn chung, tính-nam mới là cái chi phối người viết nữ, và ngược lại.
Yến Linh: Trong các sáng tác của tôi, các nhân vật chiếm số lượng nhiều là nữ. Trong nhân vật mình vừa xây dựng, tôi hiểu được họ, và tôi cảm thông, ao ước, hòa mình vào trong họ, nói những vấn đề cả “mình” và họ cùng trăn trở. Tôi nghĩ, mình chỉ có thể làm tốt được những thứ mình thông thuộc, hiểu rõ, còn không, nó sẽ không đi đến tận cùng cái đích mà mình muốn hướng đến.
Nguyệt Phạm: Ý thức mình là nữ không chi phối sự sáng tạo nghệ thuật của tôi. Khi sáng tác, tôi không nghĩ gì ngoài những cảm nhận của mình, cảm nhận của nhân vật, đặt mình vào nhân vật và cứ thế mà đi. Đến khi đọc lại tôi thấy chỗ nào không hợp lý thì chỉnh sửa chứ hoàn toàn không áp đặt nhân vật.

Chị hiểu như thế nào đối với những từ “nữ quyền”, “đàn bà”, “nữ tính”, “giới tính”, “dục tính”?
Nguyệt Phạm: – Nữ quyền: là quyền lợi của người phụ nữ và nó đòi hỏi phải công bằng giữa nữ giới và nam giới.
Đàn bà: chỉ là để phân biệt giới tính (đàn bà đàn ông),
Nữ tính: một người nào đó mềm mỏng, dịu dàng, đối lập với nam tính
Giới tính: Đặc điểm phân biệt nam với nữ
Dục tính: Những đòi hỏi về quan hệ tình dục của cơ thể.
Ngô Thị Hạnh: Tất cả những từ đó chỉ mang tính tương đối, ý nghĩa đằng sau những từ ấy mà người ta cảm nhận được mới quan trọng. Tôi đặc biệt hay dùng từ “đàn bà” trong thơ. “Người đàn bà gánh dòng sông đi về phía biển”,“Người đàn bà chỉ hướng về tình yêu”, “Người đàn bà soi gương trong đêm”, “Người đàn bà hoang thai”,…
Thiên Ngân: Trong những từ trên, trừ từ “giới tính”, tôi đều có những ý hiểu rất mù mờ nên phải tra Từ điển những từ còn lại. Vậy bây giờ tôi hiểu chúng theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt.
Hồng Hạnh: Mỗi từ có giá trị của nó, như là những gì mà Từ điển tiếng Việt đã định nghĩa. Trong văn chương, tùy bản lĩnh/ tài năng/ mong muốn của mỗi tác giả mà sự phân định này có rõ ràng hay không. Ví dụ: văn chương nữ quyền sẽ khác văn chương đàn bà, một cây bút có lối viết đầy nữ tính không phải là một cây viết chuyên về giới tính và viết về giới tính hoàn toàn không có nghĩa là viết về dục tính hoặc khơi gợi dục tính của người đọc khi đọc tác phẩm của mình.
Trần Lê Sơn Ý: Tôi có phải trả lời lần lượt những từ này không? Tôi nghĩ bản thân của những từ này hoàn toàn trung tính, mang ý nghĩa trung tính. Vấn đề là người dùng muốn chúng nó mang một ý nghĩa như thế nào. Riêng mình, tôi không thích sự phân biệt. Nếu có ai đó đang đòi xác lập một điều gì đó như là bình đẳng giới, nữ quyền, đàn bà… thì tự họ đang làm nên một sự phân biệt mới trên nền phân biệt cũ…

Thanh Xuân sắp in Ý thức buổi sáng, đã in chung thơ trong Gói mây trong áo (2003), Chân trời cỏ nắng (2003), Mây bay ngang và bay qua (2003), Dự báo phi thời tiết (2005), Truyện ngắn 8x (2006), giải nhất Chân dung tuổi mới lớn, giải ba Bút Mới.

Trần Thùy Mai: Theo tôi: Nữ quyền: Quyền được bình đẳng về mọi cơ hội với nam giới.
Đàn bà: Tức là tôi và những bạn cùng giới tính nữ như tôi?
Giới tính: Là cái làm cho đàn ông là đàn ông và đàn bà là đàn bà.
Dục tính: Là cái làm cho đàn ông và đàn bà thu hút nhau rồi sinh con đẻ cháu, là cái làm cơ sở cho những gì chúng tôi thường viết: tình yêu, tình dục, đam mê, thăng hoa và sa ngã, vân vân…
Yến Linh: Gần đây vấn đề “nữ quyền” đang được nhắc đến nhiều ở nước ta, cả trong xã hội và trong văn chương nhưng hình như chữ “nữ” ấy vẫn chưa được có “quyền” nói ra những điều mình muốn nói, khát khao những điều mình muốn. Còn về “đàn bà” ư? Tôi thường nghe người ta nói “đồ đàn bà” với ý khinh miệt, như đúng cách phân chia sắc thái tình cảm của từ ấy trong từ điển. Hy vọng lúc nào đó, Từ điển mình sẽ ghi về sắc thái tình cảm của từ này theo một cách khác. (Cười)
Thanh Nguyên: Có lẽ “nữ quyền” là quyền được làm “đàn bà”. Đã là “đàn bà” ắt phải có “nữ tính”. Đã mang “nữ tính” thì chuyện đối mặt với “dục tính” (là một đặc tính của “giới tính”) là chuyện giải thích được hoàn toàn bằng sinh học, không mới mẻ hay đáng xấu hổ gì. Nếu mang vào văn chương để phân tích, trình bày, khai thác cũng là chuyện mà rất, rất nhiều tác giả (toàn cầu) đã viết, thậm chí đã thành công (theo nhận xét riêng tôi, những tác phẩm đúng nghĩa thành công còn phải có yếu tố: hoặc lồng ghép, hoặc chủ ý đả động đến thân phận con người, tính nhân bản… chứ không chỉ cố ý khai thác “giới tính” hay “dục tính” đơn thuần). Ở nước ta, có chút bất lợi là do vươn ra từ một xứ sở Á Đông, nên, như mọi người đều biết, vấn đề này hãy còn là con đường vá víu, gập ghềnh và cần tự hoàn thiện (một cách thẳng thắn) từng ngày. Tín hiệu tốt là chỉ qua vài năm hội nhập, đây không còn là vấn đề “cấm kị” thái quá như trước nữa.
Song Phạm: Nghe có vẻ hơi kỳ cục, nhưng tôi không thích ngày 8 tháng 3. Khi tôi hỏi ở chỗ bà có ngày Quốc tế phụ nữ không? Bà bạn tôi người Canada bảo: Ở đất nước tôi ngày nào cũng là ngày của phụ nữ cả.
Tôi thấy mấy hình dung từ kể trên (nữ quyền, nữ tính…) thường xuất hiện và với mật độ thường xuyên ở các bài viết hoặc sáng tác của đàn ông. Ngoài những từ kể trên, tôi còn không thích cả từ “vùng lên”.
Lưu Thị Lương: Nữ quyền nghe xưa lắc mà lại kì kì vì tôi bị ảnh hưởng bài giảng tác phẩm Số Đỏ của ông Vũ Trọng Phụng suốt hơn chục năm nay. Trong đó có chi tiết tiệm may Âu hóa thiết kế một mẫu áo tên là Nữ quyền, mà ai nấy nhìn thấy cũng xấu hổ.
Đàn bà nghe cụ thể nhưng nếu vào miệng của đàn ông thì họ phun ra với vẻ coi thường.
Nữ tính nghe hơi sáo rỗng.
Giới tính là sự phân biệt nam nữ rất hấp dẫn trẻ con tuổi mới lớn, và để đàn ông đàn bà có cái mà hấp dẫn lẫn nhau.
Dục tính nghe có vẻ bạo động, lành ít dữ nhiều.
Thanh Xuân: Nữ quyền, theo đúng nghĩa là giành quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội cho phụ nữ. Ở VN, không có những vấn đề bất bình đẳng lớn giữa nam và nữ, nên thật ra, những từ như nữ quyền chỉ là một khái niệm gây náo động, nó không phải là một hành vi đúng với tên gọi của nó, và chưa ai làm gì ra tấm ra món đúng nghĩa là giành lấy cái của mình. Có chăng, Hồ Xuân Hương và hơi hướm ăn theo.
Còn lại, viết về tính dục chỉ hay là khi nó phải thuyết phục về mặt mỹ học, sau đó mới nói đến khía cạnh xã hội học hay chính trị (hàm ngôn, ẩn dụ vào nó). Tính dục là một phương diện quá lớn trong đời sống con người. Không cần phải hiểu về Freud mới nhận ra điều đó, cho nên, người ta có thể quy giản phụ nữ là một sinh vật tình dục. Vì nhiều lẽ, họ không có xung năng nào khác, vì giáo dục kém, thể chất yếu đuối, xã hội đàn ông trị, bị trở thành khái niệm mặc nhiên là thế giới thứ 2. Tôi đang nói một cái nhìn tập trung vào những nước Á Đông, nơi mà họ đã trở thành công cụ tình dục hơn ở đâu hết: không phải ngoài đường phố, trong các ổ mại dâm, mà sau những cánh cửa sang trọng, tung hê hoành tráng, lực lượng nguy nga.
Sắc đẹp lên ngôi, hay tính dục nữ lên ngôi, được ngụy trang bằng sắc đẹp. Đôi khi, chúng ta phải ngạc nhiên rằng vì sao VN cứ nhấn mạnh vào các cuộc thi sắc đẹp, có lẽ ý/tiềm thức chiếm đoạt nào đó, lâu dần thành mốt. Tức là đẹp để nhiều người nhìn ngắm, công nhận. Giờ đây, còn nhiều không những thiếu nữ chăm chú chỉn chu nhan sắc mình để lát nữa đi gặp người yêu? Họ trang điểm là để ra giữa phố, nơi đông người?
“Đồng bào nữ” chúng ta quả là khốn khổ, không có nhan sắc cũng chết, mà có nhan sắc thì sẽ chết theo một kiểu khác. Có lẽ phải có văn hóa và một bản lĩnh đến độ nào đó thì mới có thể thoát ra được hoàn cảnh đầy cạm bẫy này.

Chị cảm thấy sao khi được/bị nhấn mạnh là nhà văn (thơ) nữ?
Song Phạm: Tôi thấy… bình thường khi được gọi là nhà thơ nữ, thậm chí coi thường cái “nhấn mạnh” đó.
Thanh Nguyên: Thật tốt và may mắn về điều này (được gọi là nhà thơ nữ). Tôi cũng muốn người đọc nhận ra mình là một tác giả nữ qua tác phẩm – bởi nhờ vậy, biết đâu đồng thời họ cũng sẽ nhận ra tính chân thật trong tác phẩm của tôi (có lẽ) chân thật hơn chăng?
Thanh Xuân: Tôi nhớ đến câu nói của Simone de Beauvoir – nhà văn Pháp là người đại diện hàng đầu của chủ nghĩa hiện sinh, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng; được gọi là người làm thay đổi đời sống chính trị và trí tuệ của giới phụ nữ phương Tây thế kỷ XX. Bà cho rằng “one is not born a woman, but becomes one”- bỏ qua nghĩa trực tiếp, tôi nghĩ, một người không sinh ra để làm phụ nữ, mà đó là một khái-niệm-lớn phải nỗ lực để trở thành (cười).
Trần Lê Sơn Ý: Bình thường. Họ đang gọi đúng tên sự vật như nó là. Vấn đề chỉ là nhà văn/nhà thơ nữ được nhấn mạnh hay là ám chỉ điều gì, như thế nào. Ví dụ, nhà văn nữ thường được ám chỉ như những người viết có đề tài nhỏ hẹp, quanh quẩn trong tình yêu, gia đình, không vượt khỏi những giới hạn… Tôi sẽ hỏi lại, còn gì lớn lao hơn con người (bất kể là nữ hay nam).
Lưu Thị Lương: Thấy không thích khi bị gọi là nhà văn nữ. Nghe cứ tưởng như mình bị sống trong thời nữ nhẹ nam nặng.
Thiên Ngân: À cá nhân tôi thì chưa được dùng từ nhà văn để nhắc đến, mà cũng chưa từng bị/được nhấn mạnh như thế. Nhưng tôi thấy chuyện nhấn mạnh này là một chuyện rất mắc cười (xin lỗi những ai đã từng nhấn mạnh). Cứ làm như nữ mà làm nhà văn/ nhà thơ thì phải “vượt lên số phận” lắm vậy!
Nguyệt Phạm: Đơn giản chỉ là một người phụ nữ làm thơ, tuy nhiên, chẳng ai dùng nam nhà thơ (nhà văn) điều đó cho thấy người ta còn gọi như thế có nghĩ là một người phụ nữ làm văn (thơ) vẫn còn là cái gì đó chưa quen thuộc, chưa tất nhiên.
Trần Thùy Mai: Tôi cảm thấy vui vì được giới thiệu là nhà văn nữ. Thêm một từ “nữ”, không hạ thấp cũng không nâng cao vị thế của một nhà văn , chỉ đơn giản là gọi chính xác hơn về mình: Một nhà văn đàn bà.
Ngô Thị Hạnh: Tùy theo cách nhấn mạnh, hay người nhấn mạnh mà mình cảm thấy như thế nào. Khi đi giao lưu với sinh viên ở các trường đại học, tôi rất vui khi các bạn ấy gọi “chị nhà thơ ơi”.
Hồng Hạnh: Tôi nghĩ là mình sẽ cảm thấy khó chịu vì đọc được trong sự nhấn mạnh đó (dường như là) một sự phân biệt giới tính. Tốt nhất, hãy giới thiệu tôi là một nhà văn. Chỉ vậy thôi. Còn nếu không, hãy nói tôi là nhà văn chuyên viết về phụ nữ (chẳng hạn thế). Nhưng cũng khá may mắn cho tôi là chưa bị/ được ai nhấn mạnh mình là nhà văn nữ. Tôi cảm thấy may mắn vì điều đó và mong rằng đừng có cây bút nữ nào bị nhấn mạnh chữ “nữ” với hàm ý có sự phân biệt giới tính trong đó. Cũng có thể vì tôi nhạy cảm quá. Với tôi, chỉ có nhà văn và không phải nhà văn, chỉ có tác phẩm hay và tác phẩm dở chứ không có tác phẩm của nam hay nữ.
Yến Linh: Thú thật là rất ít khi có ai đó gọi tôi là … nhà văn. (Cười) Và tôi thấy cảm ơn rất nhiều khi người ta không ngộ nhận về mình như vậy. Tôi nghĩ, những gì mình làm chưa xứng đáng với danh xưng ấy. Nhưng nếu lỡ sau này có ai đó gọi mình là “nữ nhà văn”, tôi cũng sẽ không thấy khó chịu. Chỉ có điều, tôi thấy hơi thắc mắc, tại sao gọi là “nữ nhà văn” ? Để phân biệt giới tính chăng? Hay trong văn chương, chỗ đứng dành cho phụ nữ cũng bị phân biệt?                             

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)