Jean-Philippe Rameau: Newton của âm nhạc

Trong lịch sử âm nhạc cổ điển thế giới, không hiếm trường hợp nhà soạn nhạc xuất sắc lại ít được biết đến, dù khởi xướng cả cuộc cách mạng về lý thuyết âm nhạc. Một trong những trường hợp đó là Jean-Philippe Rameau (1683-1764) – người được The Telegragh mệnh danh là “nhà soạn nhạc vĩ đại nhưng chưa bao giờ được nghe”.

Nhà soạn nhạc Jean-Philippe Rameau và nhà văn kiêm triết gia Voltaire. Nguồn:voltairefoundation

Cách ví von của The Telegragh có vẻ hơi quá nhưng sự thực là ít ai biết về Jean-Philippe Rameau, ngoại trừ các nhà soạn nhạc, ví dụ Claude Debussy hay Camille Saint-Saëns đều đánh giá rất cao “thiên tài ẩn dật” này. Họ cho rằng, Rameau là hiện thân của truyền thống âm nhạc Pháp với “sự dịu dàng tinh tế, quyến rũ… mà không có sự giả bộ sâu sắc kiểu Đức”. Và trong cuốn “The Cambridge History of Western Music Theory” của nhà nghiên cứu Thomas Christensen, Rameau đã được gọi là “Newton của âm nhạc”, một cách ghi nhận những đóng góp lớn lao cho lý thuyết âm nhạc của ông.

Đi ngược xu hướng

 

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, nếu thực sự quyến rũ, trong sáng và tinh tế thì tại sao âm nhạc của Rameau lại ít được biết đến? Sự thật là Rameau là hiện thân của thứ âm nhạc “thiểu số”, ông đứng đâu đó giữa những cái tên phổ biến như J.S Bach và Handel – hai người khổng lồ giai đoạn cuối thời kỳ Baroque. Và nếu được hỏi tên những nhà soạn nhạc Pháp được yêu thích nhất, phần lớn mọi người đều liệt kê những cái tên khác, Berlioz, Ravel hay chính Debussy. 

Song nhìn lại lịch sử âm nhạc, không ai có thể phủ nhận rằng Jean-Philippe Rameau là một nhà soạn nhạc huyền thoại đã biến đổi bộ mặt của opera Pháp. Sống vào thời đại mà nhạc sĩ nổi tiếng nhất ở Tây Ban Nha lại là một người Ý (Domenico Scarlatti) và nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất ở Anh lại là một người Đức (Handel), Rameau đã đi ngược lại xu hướng thịnh hành là sáng tác các aria đầy chất phô diễn giọng hát cho những ngôi sao thể hiện với mức thù lao cao ngất để tập trung sự sáng tạo vào vẻ đẹp nội tại của âm nhạc. “Tôi che giấu nghệ thuật bằng nghệ thuật” là câu châm ngôn của ông. Sự khao khát kết hợp mọi hình thức nghệ thuật vào một tác phẩm âm nhạc ở quy mô lớn của Rameau rút cục đã dẫn đường cho những cải cách opera nhiều năm sau của Gluck, và nhất là của Wagner.

Khi xem xét tầm quan trọng của Rameau, thật đáng ngạc nhiên khi chúng ta biết ít đến thế về cuộc sống cá nhân của ông. Ông hết sức cao và gầy,“giống ma hơn là người”, “cằm nhọn, không có bụng và đôi chân như ống sáo” là lời người cùng thời mô tả về ông. Những người biết ông thời thơ ấu nhớ về một con người hướng ngoại tuy nhiên thật trớ trêu là cùng với thời gian, trong khi âm nhạc vẫn giữ được sự rạng rỡ và sức sống mãnh liệt của thời niên thiếu thì ông lại trở nên lãnh đạm và đi sâu vào nội tâm hơn khi dành hết tâm sức để soạn nhạc và viết các chuyên luận học thuật. Một người bạn thân đã nói: “Trái tim và tâm hồn ông ở trong cây đàn harpsichord; một khi đã đóng nắp đàn lại thì ông lặng lẽ như thể không có ở nhà.”

Rameau có tiếng là cẩn thận với tiền bạc. Sau khi tích lũy được một gia tài nhỏ, đến lúc qua đời ông chỉ sở hữu vài bộ quần áo, một đôi giày cũ mòn và một cây đàn harpsichord cần đại tu. Tuy nhiên, ông đã chu cấp cho gia đình mình một cách hào phóng – ông lập một khoản tiền cho con gái khi cô gia nhập dòng tu – và giúp đỡ một số nhạc sĩ triển vọng mà đáng chú ý nhất là Claude-Bénigne Balbastre. Trên tất cả, niềm tin của ông về sức mạnh của âm nhạc –“ngôn ngữ của trái tim” như theo cách gọi của ông – vẫn là tuyệt đối. Niềm tin tuyệt đối này đem đến cho ông vô số những kẻ thù, trong đó có cả những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội.

Rameau thuộc nhóm những nhà soạn nhạc chín muộn như Bruckner và Franck – những người viết ra rất ít tác phẩm thật sự quan trọng trước tuổi 40. Mặc dù ông biết chơi đàn harpsichord trước khi biết đọc hay biết viết và được cha tích cực khích lệ (cùng 10 người anh chị em ruột), Jean-Philippe đã ghi danh vào một trường dòng Tên với mục đích tối hậu là trở thành luật sư. Tuy nhiên, trái tim ông chưa bao giờ thực sự ở đó và rốt cuộc ông bị đuổi học. Cuối cùng sau khi nhận được “lời chúc phúc lấy âm nhạc làm sự nghiệp” từ cha mẹ, ông tìm đường tới Milan với ý định bù đắp cho thời gian đã mất. Rameau chỉ ở Ý vài tháng trước khi trở lại Pháp và gia nhập một đoàn opera lưu diễn với vai trò nghệ sĩ violin. Vẫn còn ham xê dịch nên ông chấp nhận một loạt các vị trí nghệ sĩ đàn ống nối tiếp nhau khá nhanh ở quanh Paris và các tỉnh, bao gồm 5 tháng ở Avignon, 4 năm ở Clermont, 4 năm ở Dijon và 2 năm ở Lyons. Trong suốt thời gian đó, ông đã trau chuốt kỹ thuật sáng tác của mình và vào năm 1706, ông cho ra đời tập tác phẩm clavecin thứ nhất, tác phẩm đầu tiên của ông được in ấn.

Tuy nhiên, rốt cuộc chỉ sau khi Rameau định cư ở Paris vào năm 1722 thì sự nghiệp của ông mới khởi đầu một cách nghiêm túc. Cùng năm đó ông xuất bản Traité De L’harmonie (Luận về hòa âm) và nhờ nó mà ngay lập tức được đồng nghiệp kính trọng và ngưỡng mộ. Trong hai trăm năm tiếp theo, tài liệu này đã trực tiếp định hình lý thuyết âm nhạc trong truyền thống phương Tây.

Trong khi đó, các tập tác phẩm cho đàn harpsichord của ông với những tiêu đề đặc sắc như La Villageoise (Cô thôn nữ), La Joyeuse (Cô gái vui vẻ), Les Cyclopes (Những gã khổng lồ một mắt) và La Triomphante (Cô gái hân hoan) đều trở nên thịnh hành. Niềm hạnh phúc mới tìm được của ông được nhân lên khi vào năm 1726, ông kết hôn với Marie-Louise Mangot, cô học trò tài năng của mình và sau đó sinh cho ông bốn đứa con.

Không phải mọi chuyện đều diễn ra thuận buồm xuôi gió. Rameau đã cố gắng nhiều lần để giành được vị trí nghệ sĩ đàn ống ở thủ đô nước Pháp, nhưng rốt cuộc phải thừa nhận thất bại vào năm 1727 trước nghệ sĩ bậc thầy Louis-Claude Daquin trong cuộc tranh giành vị trí tại nhà thờ St Paul.

Thị phi và luận chiến âm nhạc

Một cảnh trong vở Hippolyte Et Aricie. Nguồn: The Telegragh

Thất bại trong sự nghiệp này khiến Rameau tập trung vào nghiên cứu lý luận âm nhạc – phần đóng góp lớn của ông vào lịch sử âm nhạc phương Tây. Nhưng thật không ngờ, ở lĩnh vực này ông tiếp tục nhận thất bại. Như bị xát muối vào vết thương, cuốn chuyên luận thứ hai mang tính tiên phong của ông, Nouveau Système De Musique Théorique (Hệ thống lý thuyết âm nhạc mới, 1726) đã bị các nhà lý luận truyền thống gạt bỏ một cách khinh miệt. Nó sẽ mở đầu cho một loạt những cuộc luận chiến âm nhạc sẽ ám ảnh phần còn lại trong sự nghiệp của Rameau.

Rameau đã 50 tuổi khi cho ra đời vở opera đầu tay, Hippolyte Et Aricie vào năm 1733. Sự gấp gáp đầy kịch tính và sự chú ý chưa từng có tới chi tiết dàn nhạc cùng những hiệu quả màu sắc của nó đã gây xúc động. Ngay lập tức chiến tuyến được vạch ra giữa những người kiên định ủng hộ truyền thống đã được Lully thiết lập cùng sự cân bằng và dè dặt kiểu Pháp một cách hiển nhiên của nó và những người ưa thích sự đam mê và xúc cảm mãnh liệt của Rameau. Cuộc chiến lên tới đỉnh cao khi những người thuộc phái Lully miệt thị Rameau khi gọi âm nhạc của ông là “kệch cỡm, đầy ứ âm thanh nghịch tai và ồn ào,  thừa mứa trong phối khí”.

Ngày nay người ta khó mà hiểu được những ồn ào như thế nhưng vào thời đó, câu chuyện của ông na ná như những cơn bão phản đối buổi công diễn lần đầu đầy tai tiếng tại Paris của The Rite Of Spring (Lễ bái xuân) của Stravinsky. Theo thời gian, cơn giận dữ mới dần dần lắng xuống.

Giữa năm 1735 và 1753 Rameau phục vụ nhà tài phiệt giàu có La Pouplinière ở cương vị Maître de musique (nhạc sư). Đây là một sự bổ nhiệm đáng mơ ước, vì nó không chỉ tạo cho ông cơ hội để giao thiệp với giới tinh hoa Paris gồm các nhà văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ và thậm chí cả với nhân vật khét tiếng phóng đãng Giacomo Casanova (!) tại các cơ ngơi khác nhau của La Pouplinière mà còn tạo cho ông mối liên hệ trực tiếp với triều đình Pháp.

Ông trở thành nhà soạn nhạc thính phòng của đức vua vào năm 1745, cùng năm đó ông được mời soạn vở ballet hài La Princesse De Navarre (Quận chúa Navarre) với sự cộng tác của nhà văn kiêm triết gia vĩ đại Voltaire. Nhóm cộng tác này cũng sáng tác vở opera-ballet Les Surprises De L’amour (Những điều ngạc nhiên trong tình yêu) cho nhà hát Théâtre des Petits-Cabinets của quý bà Pompadour vào năm 1748. Cũng trong năm đó, cùng với Louis de Cahusac – tác giả kịch bản yêu thích của mình, ông đã soạn vở opera Zaïs mà trong đó, khúc overture nổi bật đã mô tả sự hình thành thế giới với những tiếng xào xạc trong bầu khí quyển, những cơn xoáy lốc bùng nổ và tiếng trống ầm ầm rung chuyển.

Có vị trí vững chãi tại triều đình và danh tiếng cao xa, Rameau ở đỉnh cao sự nghiệp khi vào ngày 22/4/1749, ông cho ra mắt vở pastorale-héroïque1 ba màn Naïs. Là một sự hợp tác nữa với Cathusac, nó được soạn nhân dịp kỉ niệm một năm ngày kí hiệp ước Aix-la-Chapelle. Câu chuyện giàu liên tưởng về tình yêu của một nàng tiên cá dành cho một người lạ (Neptune ngụy trang), đắm chìm trong những thú vui đơn giản của cuộc đời cùng một đội ngũ đông đảo những người khổng lồ, nam thần, nữ thần, thần gió, thần biển, tiên cá và người chăn cừu. Tác phẩm đột phá này đã gây ra một làn sóng hoài cổ hướng về lý tưởng Arcadia trong giới thượng lưu Paris và sau đó đã nhanh chóng lan rộng tới mọi môn nghệ thuật.

Đúng lúc dường như chẳng có gì bất ổn thì Rameau lại thấy mình vô tình bị cuốn vào cuộc tranh luận mới. Năm 1752, một đoàn opera lưu diễn đã dàn dựng vở La Serva Padrona của Pergolesi ở Paris và sự kiện này như một cú sét đánh thẳng vào sân khấu âm nhạc. Giờ đây, đến lượt Rameau bị những nhân vật tiếng tăm như Rousseau và Diderot tuyên bố là lỗi thời mặc dù ông vẫn còn một vài đồng minh quyền lực, trong đó có Voltaire trung thành – người đã say sưa tuyên bố rằng “Rameau đã tạo ra nghệ thuật mới cho âm nhạc”, và cả chính đức vua.

Với 12 năm còn lại của cuộc đời và khả năng sáng tạo đã suy giảm, Rameau rất hối tiếc vì đã không dành nhiều thời gian hơn trong quãng đầu sự nghiệp để sáng tác thay vì cống hiến cho các chuyên luận lý thuyết – chính ông cũng kinh ngạc vì mình chỉ soạn có nửa tá tác phẩm độc tấu đàn phím từ năm 1782.

Có vẻ như tác phẩm cuối cùng của ông được biểu diễn là Les Paladins, một vở ballet hài công diễn lần đầu vào tháng 2/1760. Dù sức khỏe không tốt nhưng Rameau vẫn tích cực hoạt động gần như đến cuối đời. Ông giành được một chức vụ nhàn nhã được trả lương cao (hầu phòng của đức vua) cho người con trai cả Claude-François, và được phong quý tộc chỉ bốn tháng trước khi qua đời tại Paris vì một cơn sốt vào ngày 12/09/1764. Ông được chôn cất tại St Eustache, Ile de France, và mặc dù một bức tượng bán thân bằng đồng cùng tấm bia mộ bằng đá cẩm thạch đỏ đã được Société de la Compositeurs de Musique (Hiệp hội nhà soạn nhạc) dựng lên ở đó vào năm 1883 để tưởng nhớ ông nhưng vị trí chính xác nơi ông được chôn cất vẫn là điều bí ẩn. 1

Ngọc Anh tổng hợp

Nguồn: https://www.telegraph.co.uk/culture/music/proms/10971031/Rameau-the-greatest-composer-youve-never-heard-of.html
http://www.classicfm.com/composers/jean-philippe-rameau/guides/great-composers-jean-philippe-rameau/
http://www.musicacademyonline.com/composer/biographies.php?bid=38

1. Pastorale héroïque: một thể loại opera-ballet Pháp thời kỳ Baroque.

 

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)