Joep Beving – Nghệ sĩ piano tỏa sáng từ căn bếp

Những bản thu ngay tại căn bếp của Joep Beving đã giúp anh vụt trở thành ngôi sao khi chúng cán mốc hơn 85 triệu lượt tải về trên ứng dụng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới Spotify. Bỗng chốc, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano nghiệp dư 41 tuổi người Hà Lan được hãng thu âm danh tiếng Deutsche Grammophon mời ký hợp đồng và các nhà tổ chức hòa nhạc mời mọc trình diễn.


Ngoại hình giống một gã khổng lồ nhưng cách Joep Beving chơi nhạc lại hết sức dịu dàng. Kể từ khi trở nên nổi tiếng, anh đã được mời biểu diễn ở Hà Lan, Đức và mới đây nhất là ở Anh hồi trung tuần tháng Năm vừa qua.

Người ta bảo rằng bạn cần có ba yếu tố để thành công trong âm nhạc – tài năng, thời điểm và sự may mắn. Thêm một chút gì đó dễ gây chú ý về ngoại hình nữa. Joep Beving có đầy đủ cả bốn yếu tố nói trên. Với chiều cao 1m85 cùng mái tóc hoang dã và chòm râu để rủ, nghệ sĩ piano người Hà Lan trông giống như một gã khổng lồ thân thiện bước ra từ cuốn truyện thần tiên dành cho trẻ em. Nhưng cách anh chơi nhạc – mộc mạc, ám ảnh, u sầu – khiến anh nổi bật lên như một gã khổng lồ dịu dàng nhất với những giai điệu mong manh làm lắng dịu lòng người.

Âm nhạc của Joep là liều thuốc giải độc cho thế giới nhiều bấp bênh và lo sợ. “Nó là những thứ khá cảm xúc,” Joep đồng tình. “Tôi gọi nó là ‘thứ âm nhạc đơn giản dành cho những cảm xúc phức tạp’. Nó là thứ âm nhạc làm nổi bật những hình ảnh, thứ âm nhạc tạo ra không gian để người nghe lấp đầy khoảng trống bằng trí tưởng tượng của chính họ.”

Là con trai một thầy giáo, Joep (phát âm là “Yoop”) đam mê âm nhạc từ thuở nhỏ. 14 tuổi, anh đã thành lập ban nhạc và có buổi biểu diễn ra mắt tại liên hoan nhạc jazz ở thị trấn mình sinh sống. Rồi Joep theo học tại nhạc viện, nhưng một chấn thương ở cổ tay buộc anh phải bỏ dở việc học piano sau một năm. Thay vào đó, anh tập trung vào việc giành tấm bằng trong ngành chính sách và quản trị công.

Song sức thu hút của âm nhạc quá mạnh mẽ. “Nó luôn ở trong trái tim tôi,” anh nói, “và sẽ luôn là như vậy.” Anh đã có mười năm làm việc cho một công ty chuyên sản xuất nhạc quảng cáo. “Nhưng tôi luôn có một mối quan hệ vừa yêu vừa ghét với nghề quảng cáo – tôi chưa bao giờ thấy thoải mái khi dùng âm nhạc để bán cho mọi người thứ mà họ không cần.”

Thời gian rảnh rỗi, anh chơi nhạc jazz trên cây đàn phím và cũng thử sáng tác ở thể loại electronica1 với dự án độc diễn I Are Giant. Song anh thừa nhận rằng: “Đó không phải là tôi. Tôi đã không tìm thấy giọng điệu của mình”.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ chuyến đi tới Cannes để dự Lions Festival – giải Oscar của giới quảng cáo – và khi anh chơi một trong những tác phẩm của mình trên cây đại dương cầm tại khách sạn anh ở thì… người nghe bắt đầu khóc. “Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến âm nhạc của mình tác động đến tình cảm của người nghe như thế nào.”

Được khích lệ bởi điều này, Joep đã tổ chức một bữa tiệc tối dành cho những người bạn thân tại nhà riêng ở Amsterdam và chơi cho họ nghe các tác phẩm của mình trên cây đàn piano mà người bà quá cố để lại cho anh vào năm 2009. “Đây là lần đầu tiên bạn bè nghe tôi chơi thứ nhạc mà họ nghĩ là nên du hành ra ngoài phạm vi phòng khách nhà tôi. Điều đó thôi thúc tôi theo đuổi giấc mơ làm một album độc tấu với cây đàn của mình.”

Một tháng sau, một người bạn thân bất ngờ qua đời và Joep đã sáng tác một bản nhạc cho tang lễ của bạn mình. “Tôi đã trình diễn nó lần đầu tiên trong lễ hỏa táng cậu ấy. Sau đó, mọi người khuyến khích tôi thu âm nó để làm kỷ niệm.”

Được bạn bè khuyến khích, Joep đã viết thêm một số giai điệu và lần lượt thu âm chúng trong vòng ba tháng tiếp theo trong căn bếp nhà mình vào ban đêm, khi bạn gái anh và hai con gái nhỏ đang ngủ. Kết quả là album đầu tay Solipsism (Duy ngã) ra đời.

Sau khi bị hãng thu âm duy nhất mà anh tiếp cận từ chối, Joep quyết định trả tiền để in 1.500 đĩa than với phần thiết kế mỹ thuật của Rahi Rezvani (cũng là người làm video tuyệt vời cho bản “The Light She Brings”). Joep đã tổ chức ra mắt album và trình diễn các bản nhạc trong đó lần đầu vào tháng 3/2015 tại studio của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng ở Amsterdam là Hans Ubbink.

Album Solipsism nhanh chóng được bán hết, phần lớn là cho bạn bè, và các bản nhạc trong album ngay lập tức vươn lên vị trí hàng đầu trên dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify, trong đó giai điệu “The Light She Brings” được đưa vào danh sách “Peaceful Piano” vốn có đông đảo người hâm mộ. Chẳng bao lâu sau, Solipsism tiếp tục gây sốt với một giai điệu khác, “Sleeping Lotus” (Hoa sen thiếp ngủ) mà giờ đây đã cán mốc 20 triệu lượt nghe. Với thành công to lớn trên thế giới mạng, Joep được mời tới biểu diễn trong một chương trình truyền hình của Hà Lan vào giờ cao điểm. Ngày hôm sau, album của anh đã loại nhóm nhạc One Direction của Ireland ra khỏi vị trí hàng đầu trên bảng xếp hạng. “Rồi ít ngày sau đó, nữ ca sĩ Adele trở lại – còn tôi thì trở thành quá vãng,” anh cười. Nhưng đến lúc đó anh đã kịp để lại dấu ấn của mình.

Các nhà tổ chức hòa nhạc bắt đầu bao vây anh để mời mọc trình diễn, trong đó có cả một chương trình độc tấu danh giá tại phòng hòa nhạc nổi tiếng Concertgebouw ở Amsterdam. Album của anh cũng tìm được đường tới Berlin khi một người bạn mở nhạc của anh ở tiệm bar do cô làm chủ “vào lúc 2h sáng” và tình cờ, một trong những con cú đêm hôm đó lại là Christian Badzura, người thiết kế các danh mục thu âm mới của hãng Deutsche Grammophon.

Badzura nhớ lại: “Vào lúc 2 giờ sáng, tôi tình cờ nghe bản thu âm đó. Tôi bị thôi miên. Nó đã biến đổi toàn bộ khung cảnh… Tôi đến gặp người bạn của Beving và nói, ‘Tôi cần gặp Joep: nhạc của anh ấy thật tuyệt vời,’ mà không hề biết rằng Beving đã là một gã khổng lồ trong không gian kĩ thuật số.”

Badzura cũng khẳng định, với 85 triệu lượt nghe, Joep Beving là “một trong những nghệ sĩ dương cầm đương thời được nghe nhiều nhất trên thế giới”. “Nó chứng tỏ rằng nếu bạn sáng tác giỏi thì bạn có cơ hội kết nối với mọi người ngay lập tức. [Chất lượng] âm nhạc mới là quyết định – trong thế giới âm nhạc trực tuyến cũng như trong các kênh bán hàng truyền thống… Đối với âm nhạc cổ điển, đây thật sự là một con số ấn tượng. Nhiều nghệ sĩ piano chơi nhạc Chopin hay Beethoven có thể tích lũy con số người nghe rất lớn. Song với một người chỉ chơi sáng tác của chính mình thì đây là trường hợp tuyệt đỉnh.”

Badzura cho rằng chất mộc mạc lồ lộ của âm nhạc Beving để dành “rất nhiều không gian cho trí tưởng tượng và tâm trí phiêu bồng. Thứ âm nhạc này cho bạn cơ hội sống chậm lại, thưởng thức và lắng nghe giai điệu một lần nữa. Chỉ là một cây piano đứng. Không cần bất cứ thiết bị điện tử hay sự phối khí nào khác. Điều đó khiến nó thực sự đặc biệt.” Sau khi liên lạc trực tuyến, họ gặp nhau trong thời gian Joep biểu diễn tại Christophori Piano Salon ở Berlin và tiếp theo là việc ký kết hợp đồng thu âm album Prehension (Sự thấu hiểu) giữa Beving và Deutsche Grammophon – album này đã được phát hành vào tháng Tư vừa qua. Là sự tiếp nối tự nhiên của Solipsism, Prehension tiếp tục các chủ đề âm nhạc với những triết lý mà Joep đã xác định trong sáng tác của mình. “Tôi chống lại sự lố bịch trong những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta, mà ở đó bạn cảm thấy mình vô nghĩa và bất lực tới nỗi bạn tự lánh xa khỏi thực tại và con người bởi không thể nào nắm bắt được chúng. Tôi chỉ viết những điều tôi nghĩ là đẹp, xóa đi rất nhiều nốt nhạc, kể chuyện qua cây đàn của mình, cố gắng đưa mọi người đến gần nhau bằng cái gì đó giản đơn, chân thật và đẹp đẽ.”

Các sáng tác trong album thứ hai có tiêu đề như “A Heartfelt Silence” (Sự im lặng chân thành). Beving nói rằng, dù âm nhạc của anh sử dụng “từ vựng cổ điển” nhưng nó nhằm nhiều hơn vào các thính giả nhạc pop. “Nó thư thái, dễ nghe… thứ âm nhạc tâm trạng để mọi người bình tĩnh lại và cảm thấy được an ủi, giống như ở trong một chiếc bong bóng, được che chở.” Trong số những người ảnh hưởng đến Beving có Philip Glass, nhà soạn nhạc trường phái tối giản người Mỹ.

Hiện tại cổ tay Beving đã lành. Anh nói: “Nếu tôi không chơi [đàn] quá nhiều thì nó ổn. Âm nhạc tôi chơi không đòi hỏi kỹ thuật nâng cao.” Và giờ anh cũng đã có đủ tiền để từ bỏ công việc kiếm sống hằng ngày. Anh nói: “Để có thể nuôi gia đình và đến một studio mà viết nhạc là điều cực kỳ xa xỉ. Tôi đã không tính đến khả năng này và thật sự biết ơn những phát triển về công nghệ đã mở rộng thị trường âm nhạc và khiến nó trở nên dân chủ hơn.”

Ngọc Anh tổng hợp

Nguồn: http://www.deutschegrammophon.com/en/artist/beving/biography
https://www.theguardian.com/music/2017/may/13/joep-beving-dutch-pianist-spotify-star-solipsism
—–
1 Jazztronica: một thể loại nhạc điện tử đương đại.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)