Kawabata & bút pháp đẹp (Kỳ 2)

Để hình thành lối viết đẹp của mình, Kawabata Yasunari đã kết hợp những lưỡi dao mổ của nghệ thuật tiền phong phương Tây với thứ thuốc an thần của thẩm mỹ truyền thống Á Đông, nhằm tìm một nơi an trú cho mình giữa văn đàn và xã hội Nhật Bản trước và sau Thế chiến.

Minh họa bìa tác phẩm “Ngàn cánh hạc” của Kawabata Yasunari.

Trong bàn cờ của các bút pháp

Lối viết của Kawabata Yasunari được định hình trước hết bởi những chủ trương của trường phái Tân cảm giác, mà ông cùng bạn bè đồng chí hướng lập ra vào năm 1924. Tập hợp những cây bút trẻ của tạp chí Văn nghệ Thời đại (Bungei Jidai), phái này chủ trương phối hợp lý trí và cảm giác để khám phá thực tại, thông qua những công cụ đa dạng mà họ học hỏi từ các phái nghệ thuật tiền phong phương Tây như vị lai, Dada, siêu thực, biểu hiện…1,4 Lối viết này không đến từ lựa chọn thuần túy chủ quan của các cây bút trẻ, nó ít nhiều được định hình bởi lịch sử văn học Nhật Bản trong thời Meiji (1868-1912) và Taisho (1912-1926). Bút nhóm trẻ của Kawabata đã định hình mình bằng cách kế thừa và phản kháng những người đi trước.

Cuối thời Meiji, nhánh nghệ thuật vị nghệ thuật văn đàn Nhật Bản được định hình bởi cuộc đối đầu mang tính cấu trúc giữa chủ nghĩa tự nhiên (theo Zola, tập trung mô tả hiện thực trần trụi) với chủ nghĩa duy mỹ (theo Baudelaire, hoài cổ, đi sâu khai thác thẩm mỹ và nhục cảm). Nghệ thuật vị nhân sinh cũng chớm hình thành vào năm 1910 với sự xuất hiện của phái Shirakaba (tập hợp các quý tộc theo chủ nghĩa nhân đạo). Sang thời Taisho, vị trí dẫn đầu trong nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh lần lượt nhường chỗ cho phái Tân hiện thực (chủ trương dùng lý trí để phân tích những vấn đề mà cả chủ nghĩa tự nhiên lẫn chủ nghĩa duy mỹ đều bỏ lỡ) và văn học vô sản (nở rộ do thất nghiệp gia tăng). Năm 1920, khi vừa đỗ vào khoa Văn Đại học Tokyo, sinh viên Kawabata cùng các bạn kế thừa tạp chí Shinshicho của phái Tân hiện thực, theo đúng truyền thống của tờ báo trường này. Chính trong thời kỳ viết cho Shinshicho, Kawabata đã được các cây bút thành danh của phái Tân hiện thực thừa nhận tài năng, và được Kikuchi Kan của nhóm này hỗ trợ về mặt kinh tế.2,3,4,5

Bản sắc của phái Tân cảm giác đã được định hình phần nào bởi vị thế mà họ kế thừa từ phái Tân hiện thực: đối đầu với văn học vô sản bằng chủ trương phi chính trị hóa văn học, và vượt qua cả phái duy mỹ lẫn phái tự nhiên bằng lý trí và sự áp dụng những lối viết phương Tây mới hơn.

Năm 1924, Kawabata cùng Yokomitsu Riichi – một thanh niên cũng cộng tác với Kikuchi Kan – thành lập trường phái Tân cảm giác. Như một điều tất yếu, bản sắc của phái Tân cảm giác đã được định hình phần nào bởi vị thế mà họ kế thừa từ phái Tân hiện thực: đối đầu với văn học vô sản bằng chủ trương phi chính trị hóa văn học, và vượt qua cả phái duy mỹ lẫn phái tự nhiên bằng lý trí và sự áp dụng những lối viết phương Tây mới hơn.1,4 Những nỗ lực Tây hóa ráo riết của họ vừa được định hình bởi vốn riêng của các thành viên (cả Akutagawa và Kikuchi của phái Tân hiện thực lẫn Yokomitsu và Kawabata của phái Tân cảm giác đều từng học chuyên ngành Văn học Anh ở cấp dự bị đại học hoặc đại học); vừa được thúc đẩy bởi những bước tiến mới của văn học dịch (như thơ tượng trưng, siêu thực Pháp được dịch bởi Horiguchi Daigaku). Mặt khác, cái gốc văn nhân của gia tộc Akutagawa và Kawabata cũng khiến cả phái Tân hiện thực lẫn Tân cảm giác chia sẻ khuynh hướng hoài cổ và yêu cái đẹp của phái duy mỹ. 

Chính thế đứng này đã khiến phái Tân cảm giác tìm cách kết hợp những lối viết mới của phương Tây với lối viết truyền thống của Á Đông. Chẳng hạn, trong một bài viết mang tính tuyên ngôn, Yokomitsu cho rằng một cây bút tân cảm giác sẽ “hòa nhập vào bên trong khách thể” được quan sát, rồi ghi lại những biểu tượng mà trực giác mình nảy ra, thay vì máy móc mô tả vẻ bề ngoài rườm rà của khách thể, như lối viết mà chủ nghĩa tự nhiên đã chọn. Trong phát biểu này, Yokomitsu đã kết hợp lý luận của chủ nghĩa tượng trưng Pháp với lối viết thơ haiku của Basho.6 Tương tự, trong diễn từ nhận giải Nobel viết năm 69 tuổi, Kawabata cho rằng với không khí yêu diễm (yoen), u huyền (yogen), dư tình (yojo) và các huyễn tưởng cảm giác (kankaku no genso), thơ waka trong Tân cổ Kim tập hồi thế kỷ 13 cũng chẳng khác gì thơ tượng trưng hiện đại.7 Đây là một phát hiện có sức nặng nhất định, nếu ta nhớ đến kết luận tương tự trong tuyên ngôn thơ của nhóm Xuân Thu Nhã Tập tại Việt Nam, và đến cái thực tế rằng nhiều nghệ sĩ tượng trưng phương Tây đã dễ dàng tìm nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Đông Á.

Kikuchi Kan (bìa trái), người đồng sáng lập phái Tân cảm giác cùng Kawabata Yasunari. Trong ảnh, ông chụp cùng các tác giả Nhật Bản khác (từ trái sang): Ryūnosuke Akutagawa, Mutō Chōzō, Nagami Tokutarō.

Để thấy rõ hai đặc điểm cơ bản của bút pháp Tân cảm giác – là sự kết hợp lối viết Đông-Tây và chủ trương nghệ thuật phi chính trị – hãy xem bộ phim thể nghiệm A Page Of Madness (1926), có cốt truyện được viết bởi Kawabata. Phim kể câu chuyện kỳ ảo về một thủy thủ già từng ngược đãi vợ và bỏ rơi đứa con, khiến vợ hóa điên, phải vào trại tâm thần để điều trị. Về già, ông hối hận, liền xin làm bảo vệ ở nhà thương điên để tiện chăm sóc vợ, rồi tình cờ biết con gái mình đang bị kỳ thị vì có một bà mẹ điên. Quá lo lắng về vấn đề này, ông dần chìm vào cõi mộng của những người điên trong nhà thương, để rồi cùng họ sống những giấc mơ song song với hiện thực. Trong giấc mơ mang tính “cách mạng”, ông cùng các bệnh nhân giết chết viện trưởng để đưa vợ bỏ trốn, nhưng rồi các bệnh nhân ép ông nhập cuộc với họ, và một bệnh nhân cưới con gái ông. Trong giấc mơ mang tính nghệ thuật, ông đeo mặt nạ kịch Noh cho tất cả bệnh nhân, khiến bệnh viện vụt biến thành một nơi đầy ắp những nụ cười hiền hòa, và mọi bệnh nhân nhờ đó đều hiền lành trở lại. Khi người bảo vệ tỉnh lại, ông thấy bệnh viện vẫn như cũ, bản thân mình còn mất quyền thăm vợ vì làm ăn tắc trách, và giấc mơ nghệ thuật dường như chỉ là một ảo tưởng viển vông. Nhưng lạ lùng thay, một bệnh nhân bỗng cúi chào ông khi gặp, dù trước đó hung dữ đến phi nhân tính. Dù nghệ thuật chỉ hư huyễn như một giấc mơ hay giả dối như mặt nạ kịch, nó vẫn dần mang lại nhân tính bằng cách chỉ cho người ta những cốt truyện khác, những khả thể khác của đời sống, nơi họ có quyền lựa chọn sự tử tế thay vì một vòng xoáy đảo điên. Bộ phim vừa là tuyên ngôn giàu sức thuyết phục của những người chủ trương nghệ thuật phi chính trị, vừa là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai lối viết Đông-Tây, giữa kịch Noh cổ và bộ môn nghệ thuật mới nhất.

Dao mổ và thuốc an thần

Sau sự kiện Mãn Châu năm 1931, chính quyền quân phiệt đàn áp thẳng tay văn học vô sản, khiến khuynh hướng này gần như tan rã. Do chủ trương bảo tồn thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản và từng công kích văn học vô sản, Kawabata và Yokomitsu được chỉ định vào Bungei Kondan Kai, một hội cố vấn nghệ thuật cho Phòng Công an Bộ Nội vụ. Vì mất đi cả đối trọng lẫn tư thế của một nhóm nghệ thuật tiền phong, phái Tân cảm giác sớm tan rã, mỗi thành viên đi một con đường riêng. Khi Thế chiến II bắt đầu, làn sóng bài ngoại và chính trị hóa văn chương khiến việc đọc và thử nghiệm những lối viết mới từ phương Tây càng thêm khó thực hiện. Bối cảnh này có lẽ đã góp phần khiến Kawabata nghiêng dần về thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản sau khi phái Tân cảm giác tan. Mặt khác, khi đối mặt với những biến động trong và sau Thế chiến II, ông cũng có khuynh hướng tìm nơi an trú trong thẩm mỹ truyền thống, vốn gắn liền với tuổi thơ ông và xa lạ với những tham vọng đảo điên của thời hiện đại. Sau này ông viết: “Trong thời chiến, dưới ánh đèn dầu leo lét, tôi tiếp tục đọc Truyện kể Genji… Tôi đọc ngay cả khi ngồi trên tàu điện đi qua vùng vừa bị ném bom và lấy làm ngạc nhiên là thế giới của tiểu thuyết không tương thích với thế giới xung quanh, và còn ngạc nhiên hơn khi thấy tâm hồn mình hòa hợp với tác phẩm văn học được sáng tác cả nghìn năm trước”.1 Về già, khi đọc điếu văn trước mộ của những người bạn từng chung chiến tuyến Tân cảm giác, ông nói rằng “Tôi sẽ tiếp sống với hồn thiêng của sông núi Nhật Bản”; và đã thực hiện lời hứa đó một cách xuất sắc bằng công cuộc bảo tồn và giới thiệu văn hóa trong Ngàn Cánh Hạc, Đẹp Và Buồn, Cố Đô, Bồ Công Anh8 Đọc Cố Đô, ta biết cuộc bảo tồn đó không chỉ xuất phát từ tâm thế hoài cổ cá nhân, mà còn là một phản ứng tự vệ của văn hóa Nhật trước chủ nghĩa tiêu thụ và nguy cơ vong bản thời hậu chiến.

Bộ phim A Page Of Madness (1926) vừa là tuyên ngôn giàu sức thuyết phục của những người chủ trương nghệ thuật phi chính trị, vừa là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai lối viết Đông-Tây, giữa kịch Noh cổ và bộ môn nghệ thuật mới nhất.

Dù vậy, trong mọi tác phẩm sau Thế chiến, Kawabata vẫn giữ nguyên thói quen khám phá cảm giác và thực tại bằng việc kết hợp lối viết Đông-Tây. Ông dùng các bút pháp phương Tây như những con dao mổ để cắt sâu vào tâm thức con người; nhằm nhận ra tính hư rỗng của thiết chế, ngôn ngữ, suy nghĩ, ký ức và cái tôi; tìm kiếm cái logic giữa các thành tố làm nên những vật rỗng này; và mô tả chúng trên mặt giấy. Như kỳ trước đã đề cập, Kawabata thường xuyên dùng phân tâm học để dàn dựng và mô tả tâm lý nhân vật thông qua những giấc mơ, những liên tưởng, những hành vi lặp đi lặp lại, hoặc thậm chí là chứng liệt dương. Trong tiểu thuyết Hồ, chân dung những người phụ nữ trong đời Gimpei chồng lên nhau trong mặt gương của hồ nước, cửa kính và những giấc mơ; khiến cảm giác đau đớn vì mất mẹ của anh chuyển di qua những người chị, người tình và mục tiêu bám đuôi sau này, để rồi được thanh tẩy khi anh nhìn thấy nỗi buồn của cô gái trong sáng mà mình đang đeo bám. Trong Những Người Đẹp Say Ngủ, Kawabata dùng lối viết dòng ý thức để khám phá cùng lúc vô số ham muốn, hoài niệm, tình thương, ác ý và cảm giác tội lỗi mà nhân vật khởi nên khi chứng kiến cùng một hiện tượng kỳ dị: một nhà nghỉ kín, nơi những ông già sắp khuất được khỏa thân nằm ngủ một cách vô hại cạnh những thiếu nữ trinh nguyên bị đánh thuốc mê. Dịch vụ này là một tội ác, một niềm an ủi cho người già, một nghệ thuật thưởng thức cái đẹp thuần túy (và vô nhân), hay chỉ là một cuộc mua bán bình thường của thời đại tiêu thụ? Hoặc phải chăng, mọi thứ luân lý có thể dùng trong tình huống này đều lộ ra vẻ hư rỗng, tùy tiện, nhất là khi đối mặt với sự im lặng của cái chết chắc chắn sắp đến? 

Song song với bộ dao mổ ngoại nhập, Kawabata đã dùng các giá trị thẩm mỹ truyền thống của Nhật Bản như một thang thuốc an thần cho thời đại và cho bản thân. Công thức của thang thuốc này, được ông liệt kê trong diễn từ Nobel, cho thấy nó là một loạt các thủ pháp giúp người viết điều chỉnh tự ngã nhằm đạt đến trạng thái “Hòa”, và cảm nhận cái đẹp thông qua nó. Trước hết, người viết có thể đưa bản thân vào trạng thái buồn của thẩm mỹ aware (bi ai) trong dòng văn học nữ tính thời Heian – tức trạng thái mà ý muốn cá nhân không thỏa mãn được, vì vậy cái tôi phải giảm đi. Cũng có thể tìm hiệu ứng tương tự trong vẻ bất cân xứng, bất toàn và vô thường của thẩm mỹ wabi, mà ta thấy nơi hòn đá thô mộc trong vườn thiền hoặc nhành hoa khô trong môn hoa đạo. Rồi người viết tìm đến vẻ cô tịch của hoàng hôn, đồng hoang hay tiếng dế trong thẩm mỹ sabi – thẩm mỹ của cái chết và giấc ngủ, nơi dục năng sống được thay thế bằng sự nghỉ ngơi khi hòa tan vào cảnh quan. Đó là những bước chuẩn bị phù hợp để đạt được một cái tâm rỗng không, không chứa vọng tưởng, như trạng thái đã cho phép nhà thơ, nhà sư Saigyo cảm nhận cái đẹp. Khi tâm đã rỗng, người viết có thể dễ dàng thể nhập vào hoa đào mùa xuân, chim cu mùa hạ, trăng mùa thu và tuyết mùa đông – tức những cái đẹp mỏng manh, u buồn, thôi thúc người ta giảm nhẹ tự ngã, để rồi lặp lại vòng quay với thẩm mỹ aware, wabi và sabi. Cuộc thể nhập này cũng giúp người viết tái cấu trúc mình theo cấu trúc của hoa và trăng, từ đó đạt được một cảm giác sống có tính phi nhị nguyên, vượt ngoài lý luận. Lạc thú, hay cảm giác đẹp, sẽ sinh ra từ sự xóa bỏ làn ranh ly cách giữa cái tôi với ngoại giới, và giữa những mảnh cái tôi đang mâu thuẫn nhau. Đó là thứ cảm giác nhẹ bẫng, vô mong cầu như thoáng thấy Niết-bàn, như được trở lại tử cung, một tử cung giả lập được tạo bằng các ký hiệu kết nối các mảnh nội tâm con người với nhau, với vũ trụ vật lý của trăng sao cỏ cây và vũ trụ văn hóa của kinh kệ điển tích.

Để đưa thẩm mỹ Nhật vào tác phẩm, Kawabata đã liên tục ghi chép vẻ đẹp của thiên nhiên và các môn nghệ thuật Nhật Bản, thậm chí du hành để ghi chép như Saigyo và Basho. Ông đã dựng những khung nhân vật vững chắc để tổ chức các ghi chép đa dạng thành một cốt truyện, và đây cũng là một kinh nghiệm đáng phân tích trong dịp khác. □

——

Chú thích:

1https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/336984/CVv258S42022080.pdf 

2 https://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/18-Shoyo.htm 

3 http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/21-Shirakaba.htm

4 http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/24-Vanxuoi-Showa.htm

5 http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/Thoi-thanh-xuan-cua-Kawabata.htm 

6 http://chimviet.free.fr/baivo/nguyennamtran/NNT_BaSho_BacDaiSuHaiKu/NNT_BaSho_BacDaiSuHaiKu.pdf 

7 http://chimvie3.free.fr/81/nguyennamtran/NNT_KawabataYasunari_DienTuNobel_081a.htm 

8 http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/23-Tanizaki-Kawabata.htm

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)