Khi khoa học góp phần khám phá thế giới màu sắc của Van Gogh

Công nghệ X - quang huỳnh quang đã giúp khám phá ra những màu sắc trước nay vốn chưa từng được phát hiện trong hai bức tranh Phòng ngủ (Bedroom) của Van Gogh, qua đó cho phép người ta hình dung đầy đủ hơn về những năm tháng u ám đã phủ bóng xuống các kiệt tác hội họa của ông và làm thay đổi cách nhận định từ trước đến nay của các nhà phê bình nghệ thuật về giai đoạn cuối cuộc đời Van Gogh.


Bức tranh “Hoa hướng dương” (Sunflower). Nguồn: Vangoghmuseum

Những bức họa bạc màu thời gian

Phiên bản đầu tiên của bức Phòng ngủ được vẽ và hoàn thành vào năm 1988, năm ông chuyển đến Arles và vẫn đang duy trì tình bạn tốt đẹp với Paul Gauguin. Khi đó, để chào đón Gauguin, Van Gogh dành hàng tuần để trang trí các bức tường của căn phòng ngủ, thậm chí sau khi trang trí xong, ông phải ngủ vùi tới hai ngày liền – một bức thư Van Gogh gửi cho người em trai Theo của ông đã cho thấy điều đó. Sau đó, Van Gogh kết thúc tình bạn với Gauguin bằng một cuộc tranh cãi nảy lửa dẫn đến thảm họa tự cắt tai của mình1.

Bức tranh Phòng ngủ đầu tiên này giống bức Quán cà phê đêm (Night Cafe) và những bức tranh đầy màu sắc, tươi sáng khác được vẽ tại thời điểm đó. Van Gogh mô tả điều đó trong thư gửi cho người em trai: “Anh đã vẽ những bức tường màu tím nhạt, nền nhà vạch kẻ ô. Chiếc giường và những cái ghế bằng gỗ có màu vàng như bơ tươi; ga giường và những chiếc gối màu xanh nhẹ của chanh cốm. Chiếc khăn phủ giường màu đỏ tươi. Cửa sổ màu xanh. Chậu rửa mặt màu nâu vàng, bình nước màu xanh da trời. Cửa ra vào màu tử đinh hương. Tất cả như thế đó!”.

Nhưng khi bức tranh Phòng ngủ thứ nhất được trưng bày tại một triển lãm ở Chicago, người ta nhận thấy những bức tường có màu tím mờ u ám hơn, nội thất màu nâu, một căn phòng với màu sắc nhạt hơn những gì Van Gogh mô tả trong thư. Các nhà khoa học về bảo tồn phân tích bức tranh và nhận thấy màu sắc của bức tranh thứ nhất này đã bị thay đổi theo thời gian và không khớp với những gì được Van Gogh viết trong thư.

Phiên bản thứ hai của bức Phòng ngủ, được vẽ ngay sau khi Gauguin đến Arles với Van Gogh, u tối hơn so với bản đầu tiên, bức tường màu tím sẫm hơn, đồ nội thất gỗ có hai màu tương phản là nâu và be, các ô dưới sàn có tông màu đỏ tối. Francesca Casadio, nhà khoa học về bảo tồn cho biết, đầu tiên Van Gogh có ý định vẽ bức tranh này theo trường phái tranh khắc gỗ kiểu Nhật Bản nhưng khi bắt tay vào vẽ thì tinh thần của ông bị suy sụp. Van Gogh vẽ phiên bản thứ hai này vào năm 1889, sau một thời gian nằm viện và có thể tâm trạng u tối ấy đã được phản ánh trong bức tranh này của ông.

Công nghệ giúp giải đáp: tím hồng ấm áp chứ không phải màu xanh băng giá

Như vậy, cho đến nay, màu sắc trong các bức tranh không khớp với các mô tả của Van Gogh lúc sinh thời và các nhà khoa học về bảo tồn thực sự không thể biết chính xác rằng bên dưới lớp màu đã bạc theo thời gian kia, trước đây Van Gogh đã vẽ màu gì, tâm trạng của ông ra sao. Và màu sắc thực sự của chúng, dẫu chỉ có một vài khác biệt vô cùng nhỏ bé so với bức tranh mà chúng ta đang thấy hiện nay, không những mang lại cảm nhận thị giác nghệ thuật khác đi, mà còn giúp hiểu được những xúc cảm tâm hồn của Van Gogh.


Bức tranh Phòng ngủ trong thực tế (trái) và sau khi đã được hiển thị lại nhờ công nghệ mới (phải). Nguồn: pri.org

Nhưng rất khó để tìm ra màu sắc thật sự của các bức tranh Phòng ngủ bởi vì bức thứ nhất đã bị nước làm hỏng (trong nhiều bức thư của mình, Van Gogh cũng đề cập tới điều này), bức thứ hai bị dính màu và cả hai bức đều đã bạc màu theo thời gian. Chỉ khi sử dụng công nghệ X – quang huỳnh quang, các nhà nghiên cứu mới xác định được những màu gốc của các bức tranh. Cụ thể, khi tia X chiếu vào các phân tử bột màu (tới tận lớp trong cùng) của bức tranh, các phân tử bột màu đó sẽ hấp thụ năng lượng và phát ra các tia bức xạ với bước sóng đặc trưng khác nhau. Mỗi bước sóng đặc trưng cho một màu. Ví dụ: bước sóng 622-780 nm tương ứng với màu đỏ, 597 – 577 nm tương ứng với màu vàng2.

Sau đó, các nhà khoa học sẽ sử dụng một thiết bị ghi màu để quan sát và nghiên cứu màu sắc mà X – quang huỳnh quang phát hiện ra (hàng loạt màu tương ứng với các bước sóng đặc trưng như ví dụ ở trên). Như vậy, về cơ bản, công nghệ X – quang huỳnh quang sẽ giúp cho nhà khoa học xác định chính xác các màu sắc nguyên bản mà họa sĩ đã sử dụng từ hàng trăm năm trước đây. Các nhà khoa học phát hiện, Van Gogh đã sử dụng màu tím ấm áp và thậm chí còn có cả những hạt màu màu hồng ẩn sâu dưới lớp tranh đã bạc màu và có gam xanh lạnh giá như lâu nay nhìn thấy.

Màu sắc được phác họa lại từ các phiên bản bức tranh Phòng ngủ thứ nhất và thứ hai này cho thấy màu tím hồng ấm áp và tinh thần cởi mở chứ không phải màu xanh “băng giá” như trên bức tranh đã bạc theo thời gian mà chúng ta đang thấy hiện nay. Rõ ràng, công nghệ này không chỉ khám phá màu sắc thật sự của các bức tranh của Van Gogh mà còn giúp hiểu được phần nào thế giới tâm hồn của Van Gogh tại thời điểm đó, có thể, lúc đó ông đã không quá u ám như lâu nay người ta từng nghĩ.

Sau này, Gauguin và Van Gogh đều không hòa giải mà giữ một nguyên tắc “im lặng và ngầm hiểu” giữa những người đàn ông. Gaugin đã trở về Pháp và năm 1891 đến Tahiti, nơi ông định cư đến cuối đời và vẽ những bức tranh tràn đầy màu sắc rực rỡ. Van Gogh sau đó vào bệnh viện tâm thần, vẫn tiếp tục vẽ bức Đêm đầy sao (Starry Night), Hoa hướng dương (Sun flowers), rồi càng trở nên trầm cảm nặng và tự bắn vào mình năm 1890.

Căn phòng ngủ trong bức tranh đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và vừa được quảng cáo cho thuê vào đầu tháng 2 năm 2015.

Bảo Như tổng hợp

Nguồn:

https://www.theguardian.com/artanddesign/2016/feb/15/science-van-gogh-bedroom-colors-paintings

http://www.pri.org/stories/2016-03-20/walls-van-gogh-s-iconic-bedroom-were-never-meant-be-blue

http://www.seeker.com/x-rays-reveal-new-van-gogh-1765700705.html

———

Chú thích:
1 Về chi tiết Van Gogh tự cắt tai: Từ trước đến nay, người ta vẫn tin rằng Van Gogh tự cắt tai của mình sau khi tranh cãi với Gauguin. Năm 2009, Maverick, một nhà sử học nghệ thuật đưa ra giả thiết cho rằng Gauguin mới chính là người vô tình dùng kiếm chém đứt tai trái của Van Gogh. Nhưng đến 2016, bảo tàng Van Gogh đã đưa ra bằng chứng mới nhất: trong một bức thư của tiến sĩ Felix Rey – người điều trị cho Van Gogh đã khẳng định rằng họa sĩ đã tự cắt đứt tai của mình (chứ không phải chỉ cắt dái tai) bằng một con dao cạo. Nguồn: https://www.theguardian.com/artanddesign/jonathanjonesblog/2016/jul/12/vincent-van-gogh-truth-about-ear-exhibition-on-verge-of-insanity-amsterda
 2 http://www.physlink.com/education/askexperts/ae2.cfm 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)