Khi văn chương vinh danh khoa học (Kỳ 3)

Từ Zola, xin bắt qua Goethe với cuốn tiểu thuyết có cái tên khó nghe: "Những đồng điệu lựa chọn" (1809). Có lẽ, muốn văn hoa hơn, nên dịch "Đồng điệu tương tầm" hoặc "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Nhưng đang nói chuyện khoa học chính xác, lẽ nào lạc qua bóng bẩy văn hoa?

Có gì dính dáng giữa hai ông? Khoa học! Hơn Zola, Goethe không phải chỉ là nhà văn, nhà thơ, ông còn là nhà khoa học: một năm sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết vừa nói, ông viết một nghiên cứu “Khảo luận về màu sắc” (1810), khoa học đàng hoàng có thua ai. Với máu khoa học trong người, ông cũng áp dụng phương pháp quan sát và thí nghiệm vào tiểu thuyết, sử dụng nhân vật như nhà khoa học sử dụng axít và kiềm, cũng để xác minh giả thuyết, kiểm chứng định luật của thiên nhiên. Nhưng trước khi nói chuyện về khoa học khô khan, tưởng nên tóm tắt nội dung cuốn truyện để… thư giãn, vì đây là chuyện tình ướt át, diễn ra trong giới thượng lưu thơm tho, thanh lịch, giữa khung cảnh thơ mộng của một lâu đài mênh mông, trù phú.

    Mở đầu truyện là hai nhân vật, bá tước Edouard và vợ, Charlotte, sống với nhau hạnh phúc trong lâu đài. Cả hai đều đứng tuổi, chậm lấy nhau vì trước đó hai bên đều phải lấy người không vừa ý. Hạnh phúc đến với họ khi cả hai đều được trả lại tự do, kẻ chết chồng người chết vợ. Họ có tất cả để hạnh phúc: tình yêu, lâu đài, của cải. Họ yêu nhau, hai người yêu nhau.

    Thế nhưng, sắp có một người thứ ba đến ở với gia đình. Ông không có tên, cuốn truyện gọi ông là “ông đại úy”, bạn thân của Edouard, học rộng, biết nhiều, nhưng cô đơn, nghèo túng. Thương bạn, chủ nhà mời ông đến ở chung, nhân tiện cùng nhau mở mang, khai khẩn, tô điểm cho lâu đài. Vốn là người sáng suốt, lúc đầu Charlotte không đồng ý. Bà nói: Chúng ta đang hạnh phúc, sao bỗng dưng lại để cho người thứ ba xen vào đời sống riêng tư, biết chuyện gì sẽ xảy ra? Sau, vì chồng nài nỉ, bà đành bằng lòng, với điều kiện là Edouard cũng nhận cho một cô cháu gái mồ côi đến ở chung. Từ một cặp, bây giờ dân số trong lâu đài tăng lên thành bốn. Chuyện gì xảy ra? Chàng Edouard mê tít cô gái xinh đẹp 17 tuổi ngay khi vừa chạm mắt. Dù kín đáo, cô Odile (Ottilie trong tiếng Đức) cũng cảm thấy bị ông chủ nhà thu hút mãnh liệt. Hay thật, dường như hai người sinh ra là để thu hút nhau. Về phần Charlotte, tuy lý trí nhiều hơn nhưng sóng tình vẫn xiêu, vẫn thích được gần ông đại úy. Con người mới đến này sao mà có những tính nết, suy nghĩ giống mình! Bốn người chung sống êm ả, ban ngày đi dạo, mở mang vườn tược, ban đêm chuyện trò, thảo luận, đọc sách, vẽ, đàn. Thanh bình ở bên ngoài, rạo rực ở bên trong, trái tim mở ra, nhận những tình cảm mới càng ngày càng thắm thiết.

    Ở đầu truyện, Charlotte là một thiếu phụ nghiêm trang, thận trọng, tự chủ, có ý thức về bổn phận và ý muốn làm tròn bổn phận. Dần dần, việc gì phải đến thì đến thôi, không hôm ấy thì hôm khác. Vậy thì hôm ấy, hai người chèo thuyền dạo trên hồ. Charlotte đang buồn vì ông đại úy sắp rời lâu đài ra mặt trận, Âu châu lúc ấy không thiếu chiến tranh. Buổi chiều cô quạnh, hiu hắt, càng làm bà buồn hơn. “Chiếc thuyền xoay, mái chèo khua nhẹ trong nước, gió thổi làm rung mặt hồ, lau sậy rì rào bên bờ vắng, sao trên trời bắt đầu nhấp nhánh, tất cả đượm một vẽ bí ẩn trong lặng yên của vũ trụ. Charlotte có cảm tưởng bạn mình đang đưa mình đi xa, thật xa, để đặt nàng xuống đất và bỏ mặc nàng một mình. Nàng cảm thấy cảm động lạ kỳ, nhưng không khóc được”. Không ngăn được cảm xúc, bà bảo ông đại úy ngừng chèo và đưa bà lên bờ. Ông đại úy quá thạo nghề chèo nhưng lại không thạo nghề nước, thiếu kinh nghiệm về mức nước nông sâu, nên đâm thuyền vào chỗ cạn và thuyền mắc cạn. Đành xuống thuyền lội nước, và như vậy là đành phải ôm người đẹp trong tay bì bõm lên bờ. Charlotte thì cũng quá biết người đàn ông kia mạnh mẽ và thừa khéo léo để không làm mình rơi, nhưng cũng quàng tay vào cổ người kia bằng một cử chỉ chắc là vô tình bản năng. Dù lý trí có chỉ đạo ông đại úy đến mấy đi nữa, lúc ấy cũng khó chống lại cái quàng tay yếu đuối. Cho nên, trước khi đặt người thiếu phụ xuống cỏ, ông đại úy ôm chặt người đẹp, đặt một cái hôn trên môi nàng, rồi… quỳ xuống chân nàng xin lỗi. “Cái hôn mà bạn của nàng dám tặng cho nàng, và gần như được nàng trao trả, làm Charlotte trở lại với mình. Nàng siết chặt bàn tay của bạn, nhưng không đỡ bạn dậy. Cúi xuống gần chàng và đặt tay lên vai chàng, nàng thốt lên: “chúng ta không thể ngăn cấm giây phút này ghi khắc lịch sử trong đời chúng ta…”

    Ấy là chút chi tiết về cặp Charlotte. Cũng xin kể chút chi tiết về cặp Odile. Cặp này thì chẳng cần phải lôi thôi dàn trận để chống lại lý trí. Edouard là anh chàng đam mê, và cô Odile thì quá đẹp, quá trẻ, quá dễ thương. Chàng thổi sáo thì nàng đệm dương cầm, chàng thổi sai thì nàng khéo léo đàn theo cho đúng. Nàng học cả chữ viết của chàng, học thầm kín, cho đến khi viết hệt chữ chàng, khiến chàng khám phá ra nỗi lòng thầm kín nơi cô con gái. “Vậy là em yêu tôi, chàng reo lên, em yêu tôi!” Hai người rơi vào tay nhau, không biết ai rơi trước.

    Mở đầu truyện, chàng Edouard và nàng Charlotte yêu nhau nồng nàn. Chàng sốt ruột đợi nàng chấm dứt góa bụa để cùng chắp cánh bay vào hạnh phúc. Vậy mà bây giờ chàng mừng rỡ thấy nàng bâng khuâng tim mới, lại còn tìm cách đẩy nàng vào tay ông đại úy, mong được ly dị với vợ để chắp cánh mới với cô cháu trẻ son.

    Vậy là ông đại úy phải đi. Charlotte đề nghị cô cháu cũng phải về lại trường cũ, ở nội trú. Nhưng Edouard đời nào chịu! Thay vì nàng đi thì chàng đề nghị chàng sẽ đi, cũng làm chiến tranh, hết chiến tranh sẽ về. Một ngày đó, cô gái không thấy bóng ông chủ nhà trong lâu đài nữa; buổi tối, ba cái khăn ăn đặt trên bàn chỉ còn hai. Cô thương nhớ, đau khổ, mất hy vọng, héo hon. Nhưng trong lâu đài bỗng có sự lạ: Charlotte có thai! Mà lại có thai với chồng! Cái thai làm tiêu tan giấc mộng của Odile. “Chúng ta là hai, nhưng chúng ta không thể chia hai”, cô gửi cô đơn như thế vào nhật ký. Lâu đài xuất hiện một cái nôi. Rồi lâu đài xuất hiện một đứa bé. Đứa bé mà Odile bồng bế, nuôi dưỡng. Hòn máu của Charlotte và Edouard! Làm sao Odile tách rời được một hôn nhân mà hòn máu bỗng làm dính chặt?

    Từ mặt trận, Edouard trở về. Đứa con chẳng làm chàng gần vợ hơn. Đam mê vẫn cháy bỏng. Đến độ anh chàng van nài ông đại úy thuyết phục giục giã vợ ly dị. “Tôi biết anh yêu Charlotte. Hãy nhận nàng từ tay tôi. Mang Odile lại cho tôi. Chúng ta sẽ là những người hạnh phúc nhất trên trái đất này”. Chàng lẻn vào lâu đài bằng một con đường kín. Odile đang ngồi dưới bóng cây, đứa bé đang ngủ. Đôi uyên ương quấn quýt nhau, quên cả thời gian. Ngày tắt dần, mặt trời khuất sau non, trải dài bóng cây trên cỏ. Chết rồi chàng ơi, Odile sực tỉnh. Trời tối rồi mà Charlotte không thấy con về, thiếp phải chia tay chàng thôi, thiếp nhảy xuống chiếc thuyền này nhé, chèo về nhanh hơn. Thuyền tròng trành, tay thiếp run, tim thiếp đập, thiếp vô ý sẩy mái chèo, thuyền nghiêng, đứa bé rơi xuống nước.

    Phần sau của cuốn truyện tả tâm trạng của Odile, từ hối hận đến dày vò, từ héo mòn đến tàn tạ, ốm đau, nhịn đói, chết. Tất cả hoa trong lâu đài đều được hái hết để phủ lên quan tài, như thử mùa đông vừa đến, làm rụng hết hoa. Từ sáng sớm, quan tài được đưa ra khỏi lâu đài, nắp hòm mở ra, mặt trời vừa mọc chiếu ánh hồng trên gương mặt thiên thần.

    Odile chết thì Edouard làm sao sống nốt được. Charlotte chôn hai người trong một mồ chung. “Và như vậy, hai người tình nằm cạnh nhau. Thanh bình vờn bay trên nơi ở cuối cùng của họ. Từ nóc nhà thờ, hình ảnh an lành của thiên thần nhìn xuống họ. Và êm ả biết bao khi họ cùng nhau thức dậy, một ngày nào đó”.

    Kể lể dông dài chuyện tình giữa bốn nhân vật này như vậy để làm gì? Đâu là khoa học trong chuyện? Ấy, khoa học quá đi chứ, khoa học từ cái tên khó nghe của cuốn tiểu thuyết. Goethe mượn tên đó từ một cuốn sách của một nhà hóa học Thụy Điển, Tornberg Bergman, xuất bản bằng tiếng la tinh năm 1775 và dịch ra tiếng Đức năm 1782 dưới nhan đề “Die Wahlverwandtschaften”, tạm dịch theo bản tiếng Pháp là “Những đồng điệu chọn lựa”. Tại sao lại có hóa học ở đây? Tại vì trong lịch sử hóa học có thuyết mang tên ấy (les affinités électives) thịnh hành hồi thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, và hãy còn chiếm một vị thế quan trọng trong những công trình nghiên cứu của Berthollet và Laplace. Sách của Bergman có một câu về thuyết ấy như sau: “Cho A là một chất mà những chất khác a, b, c… lôi kéo: giả sử A trộn lẫn với c đến mức hòa tan (Ac) và giả sử ta thêm b vào mà c tách ra thì ta nói rằng A lôi kéo b mạnh hơn c hoặc nói rằng b có một sức thu hút lựa chọn mạnh hơn c. Cuối cùng, giả sử ta thêm a vào mà Ab rời nhau ra và b bị tống đi còn a thì chiếm vị trí của b thì ta nói sức thu hút của a mạnh hơn sức thu hút của b, và như vậy, chuỗi a, b, c… là sắp đúng theo thứ tự thu hút của những lực chọn lựa trong ba chất ấy”.

    Ông đại úy trong truyện trình bày thuyết ấy cho Edouard và Charlotte nghe say mê trong suốt chương 4. Khi ấy, Odile chưa tới ở trong lâu đài. Ông giản lược hơn, giản lược đến mức độc giả tối dạ nhất cũng hiểu và đoán trước được câu chuyện: “Các bạn hãy thử tưởng tượng giữa A và B có một kết hợp bền chặt đến nỗi dù bao nhiêu thử thách, trù dập, cũng không làm chúng rời nhau được; rồi các bạn hãy thử tưởng tượng C và D cũng khăng khít với nhau tương tự như vậy; bây giờ các bạn đặt hai cặp ấy bên nhau: A sẽ đi đến với D, C sẽ đi đến với B mà ta chẳng có thể nói được cái nào đã từ bỏ cái kia trước, cái nào đã kết hợp với nhau trước cái kia”.

    Vốn là người học rộng biết nhiều, ông đại úy bắt qua ngôn ngữ hóa học: “Cái mà ta gọi là đá vôi (CaCO¬2 – carbonate de calcium) là một thứ đất calcaire ít nhiều tinh khiết có thấm một thứ acide tinh tế mà ta biết dưới dạng khí (H2CO3 – acide carbonique). Nếu ta nhúng một miếng đá ấy vào trong acide sulfurique pha loãng (H2SO4) thì acide đó sẽ chiếm lấy vôi và tạo thành với vôi một chất gọi là sulfate de calcium (CaSO4). Trái lại, chất acide tinh tế dưới dạng khí nói trên được phóng thích. Như vậy, ta thấy có một sự tách ra và một sự tạo thành của một hỗn hợp mới, khiến ta có thể dùng từ “đồng điệu chọn lựa”, bởi vì sự việc đã xảy ra như tuồng một trong những thành phần thích một thành phần khác, lựa chọn một thành phần khác để kết tụ”.

    Kẻ ngoại đạo khoa học viết bài này rất sợ mình dịch không chuẩn, lại pha trộn chữ Tây với chữ ta, khó nghe. Nhưng cái lý thuyết hóa học này là nòng cốt của cuốn truyện, làm sao bỏ qua được. Cho nên đành phải tiếp tục gắng sức nói thêm. Nhà khoa học Etienne-François Geoffroy long trọng trình bày thuyết đó tại Paris năm 1718 trước Hàn Lâm Viện. Ông nói : “Trong hóa học, người ta quan sát được một số tương quan giữa những chất khác nhau khiến chúng kết tụ dễ dàng với nhau. Những tương quan đó có mức độ của chúng và định luật của chúng. Người ta quan sát các mức độ khác nhau đó và thấy rằng, trong nhiều chất lẫn lộn với nhau và có tính kết hợp cùng nhau, một trong những thành phần luôn luôn kết hợp một cách lựa chọn với một thành phần nào đó so với tất cả các thành phần khác”.

    Rõ hơn, “mỗi khi hai chất nào có khuynh hướng đến với nhau và đã cùng nhau kết hợp rồi, mà nếu có một chất thứ ba có tương quan nhiều hơn với một trong hai chất kia thì nó kết hợp ngay với chất ấy và bỏ rơi chất kia”.

    Ôi, hóa học sao mà lãng mạn thế! Các vật vô tri kia, chúng mày có tâm hồn cả hay sao? Chúng mày cũng thế, tình yêu nào cũng là tình đầu? Chúng mày cũng biết cưới nhau rồi ly dị? Này, anh sắt, thả anh vào một dung dịch acide vitriolique có chất bạc hoặc chất đồng: chẳng phải vì chị axít có đồng điệu nhiều hơn với anh nên phải lòng anh ngay lập tức và lập tức quát anh đồng hoặc anh bạc kia phải cuốn gói ra đi?

    Hình như thuyết đồng điệu ấy không được thịnh hành nữa trong hóa học từ lúc Lavoisier đưa ra những khám phá mới. Nhưng có hề chi. Chuyện đáng nói là Goethe đã làm thuyết ấy sống động trong văn chương. Các nhân vật trong tiểu thuyết hành động, thương yêu, ăn nói, hút nhau vào, đẩy nhau ra y như các hóa chất, và Goethe điều khiển các nhân vật, tạo ra các hoàn cảnh, y như một nhà hóa học quan sát, thí nghiệm, chứng minh giả thuyết. Lâu đài trong truyện là phòng thí nghiệm, ông đại úy là xướng ngôn viên của một định luật áp dụng cho cả người, áp dụng cho cả ông.

    Luật ấy, không ai cưỡng lại được. Edouard lao vào Odile, bất kể đúng sai. Đúng sai, Charlotte biết, nhưng rốt cuộc chấp nhận ly dị. Ở châu Âu thời ấy, nhà thờ mạnh thế kia, cấm ly dị nhường ấy, hôn nhân thiêng liêng nhường kia, lại là xã hội quý tộc, bá tước hẳn hoi chứ có phải phu mỏ đâu, mà cũng đành giơ tay đầu hàng trước luật thiên nhiên của hóa chất. Vì luật là tất yếu, luật là luật. Viết trái với thiên nhiên là nói láo, nhà văn không được dối trá, Emile Zola đã tuyên ngôn như vậy rồi. Cho nên Charlotte cũng phải cúi đầu, áp dụng luật. Bà nói với ông đại úy: “Đáng lẽ em phải chấp nhận như vậy sớm hơn… Có những sự việc mà số mệnh nhất quyết bảo phải tuân theo. Lý trí và đức hạnh, bổn phận và những gì thiêng liêng muốn chặn đường số mệnh cũng vô ích thôi: một việc phải làm, số mệnh cho là đúng, ta cho là không đúng, chính số mệnh quyết định cuối cùng và ta chỉ bàn cãi cho vui… Chẳng phải chính em đã xem Odile và Edouard như là cặp tình nhân hợp nhau nhất đấy sao? Chẳng phải chính em đã tìm cách làm họ gần nhau?”

    Edouard là anh chàng sống đúng với luật của hóa chất nhất. Không những thế, anh chàng còn linh cảm trước cả những chuyện sẽ xảy ra. Khi ông đại úy diễn giảng thuyết đồng điệu lựa chọn, khi ấy Odile chưa đến, anh chàng đã nói đùa với vợ: “Em, Charlotte, em là A, và anh là B của em, bởi vì anh chỉ lệ thuộc em và anh theo em như B theo A. C thì rõ ràng là ông đại úy, người đang cuỗm mất em khỏi anh. Vậy thì, để em khỏi lẩn trốn vào phân vân, người ta phải công bình đem đến một D, và đó là cô nàng Odile đáng mến mà em không thể cứ ngăn cản mãi không cho đến”.

    Trước đó, anh chàng còn nói: “Luật đồng điệu chỉ lý thú khi nó gây ra ly dị”. Rồi đùa: “Danh dự của các ông hóa học gia là được tặng cho cái tên nghệ sĩ của chia rẽ”. Khi đó, Charlotte còn đính chính: “Kết hợp là một nghệ thuật lớn hơn, xứng đáng hơn. Cả thế giới chào đón, trong mỗi lĩnh vực, một nghệ sĩ của kết hợp”. Công việc bình thường của nhà hóa học là phân tích và tổng hợp, là tách và nối. Cuốn truyện không làm khác. Nhân vật hút nhau và rời nhau. Hôn nhân và ly dị. Người hay vật đều thế. Ông đại úy bình luận: “Các hóa chất tưởng là bất động, vậy mà bên trong luôn luôn sẵn sàng tư thế để hành động. Phải quan sát với thiện cảm chúng nó tìm nhau như thế nào, lôi kéo nhau như thế nào, ôm nhau, hủy hoại nhau, thẩm thấu nhau, ăn thịt nhau như thế nào, để rồi tái hiện, gắn kết nhau đến tận cùng sâu thẳm, dưới một hình thức mới, khác hẳn, bất ngờ. Lúc đó, và chỉ lúc đó, người ta mới gán cho chúng một cuộc đời vĩnh cửu, người ta nói chúng có đầu óc và lý lẽ”.

    Thế đấy, vật hay người đều thế cả, trong thiên nhiên. “Khi ta quan sát trong thiên nhiên để xem cái gì tự đến với ta, trước hết ta để ý rằng tất cả đều được thu hút bởi chính ta”. Đó là lời ông đại úy. Đó là lý thuyết về lực hút của cái giống nhau bởi cái giống nhau. Edouard cho ví dụ: “như nước, như dầu, như thủy ngân, mỗi thứ kết hợp với mỗi thứ thành một đồng thể của nó, một sự khăng khít chặt chẽ giữa các thành phần trong đó. Các thành phần ấy chỉ từ khước đồng thể khi bị bắt buộc hay bị hướng dẫn một cách khác. Một khi ảnh hưởng bên ngoài bị triệt tiêu, chúng tức khắc tái hợp thành một”. Hai giọt nước gặp nhau thành một, hay đó là Edouard với Odile?

    Có hai chi tiết trong cuốn truyện làm nổi bật thêm lý thuyết đồng điệu lựa chọn. Chi tiết thứ nhất là đứa con của Charlotte và Edouard. Hai người này hết thu hút nhau nhưng tình cờ của một đêm mưa gió đưa đến một giọt máu. Thế nhưng, lạ lùng thay, đứa con vừa có nét của ông đại úy, vừa có nét của cô Odile! Người này trong tay người kia, A trong tay B, nhưng dù thế đi nữa, A vẫn nghĩ mình đang ân ái với C và B cùng tâm trạng ấy với D. Vắng mặt vẫn hút nhau trong tâm tưởng! Chi tiết thứ hai là cho đến chết B vẫn nằm bên cạnh D và cùng nhau chờ một ngày nào đó sẽ thức dậy BD với mặt trời.

    Goethe viết tiểu thuyết để vinh danh một lý thuyết hóa học. Ông thổi linh hồn vào các hóa chất để biến chúng thành người. Zola cũng vậy: ông viết tiểu thuyết để thổi linh hồn của khoa học vào văn chương. Nhưng nếu khoa học đã gợi hứng cho văn chương như vậy, phải chăng vì trong khoa học đã có sẳn một cuốn tiểu thuyết đầy chàng và nàng? Đầy rượu và định mệnh? Đầy con người như thần thánh và đầy con người như những cơ quan sinh lý?

Hết

Chú thích:

Hai tài liệu chính (ngoài các tài liệu khác) được dùng để viết bài này là:

– Emile Zola: Le roman expérimental, 1880.

– Bernard Joly: “Les affinités électives” de Goethe: entre science et littérature, Methodos, Savoirs et Textes, n° 6, 2006.

Xin chép lại nguyên văn câu viết của Zola về “nhân vật của chúng tôi…”: “Notre héros, écrit Zola, n’est plus le pur esprit, l’homme abstrait du 18è siècle. Il est le sujet physiologique de notre science actuelle, un être qui est composé d’organes et qui trempe dans un milieu dont il est pénétré à chaque heure” (Journal Petite Lune, avril 1879).

Những câu trích Anatole France là lấy từ Anatole France, La Terre, La vie littéraire, Le Temps, http://fr.wikisource.org/wiki/La_Terre_%28Anatole_France%29

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)