Khoan dung thế hệ và văn hóa nghệ thuật

Trong xã hội nông nghiệp và công nghiệp sơ khai thế hệ chỉ là khái niệm trong gia tộc và mâu thuẫn thế hệ chủ yếu diễn ra ở đó. (Nó từng là cảm hứng cho tiểu thuyết gia đình từ Tào Thuyết Cần tới Thomas Mann). Một điểm mới của xã hội hiện đại là: Thế hệ không chỉ đo bằng quan hệ cụ-ông bà-bố mẹ-con cái mà bằng sự xuất hiện các lớp người đồng tuế “khác trước” sinh ra do mọi thứ đều đã đổi thay! Thế hệ trở thành khái niệm xã hội.

Các ký hiệu 7x-8x-9x cho thấy người ta ước lệ cứ 10 năm là một thế hệ “khác”. Và các thế hệ sau mang tính quốc tế cao hơn thế hệ trước. Các cô cậu 17 tuổi ở VN “gần gũi” các bạn đồng lứa Teen ở Mỹ và Hàn Quốc… hơn anh chị, cha chú U40 người Việt không phải là chuyện lạ. Nước ta có 7000 cụ trên 100 tuổi vậy ta có 10 thế hệ cùng chung sống. Giữa mỗi thế hệ ấy là một hố ngăn cách- Generation Gap- hố sau sâu, rộng hơn hố trước!
Chính sự vũ bão của CNH và HĐH đã làm phì đại các hố ngăn cách, đến mức các Gap này trở thành Icon của xã hội hiện đại. Điều kiện sống thay đổi, các quan niệm về quyền, tiền tài, danh vọng, thành công thất bại, sự giải trí và cảm giác hạnh phúc, cơ hội và rủi ro, thang chuẩn đạo đức và thẩm mỹ, sự lập nhóm, cộng đồng quyền lợi, sở thích… tất cả những gì “làm nên” một nhân cách đều thay đổi làm cho thế hệ này khó hiểu và mâu thuẫn có khi gay gắt với thế hệ kia.
Các xã hội đều trải qua các khủng hoảng mà một nguyên nhân là các hố ngăn cách này. Song sự khác biệt giữa các thế hệ cũng là một động lực phát triển, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo. (Ở đây là văn hóa nghệ thuật, nơi mà cả sự hưởng thụ tiêu dùng cũng mang tính sáng tạo, chủ động và cá nhân). Những khác biệt thế hệ gây ra nhiều phiền toái, mâu thuẫn song cũng làm cho đời sống xã hội thêm phong phú, nhiều màu sắc và đa thanh hơn.

 
Tranh: Lý Trần Quỳnh Giang

Trong văn hóa nghệ thuật thế kỷ 20 mỗi cuộc “cách mạng” đều gắn chặt với một đợt “chuyển giao thế hệ” và tạo ra một hố ngăn cách mới bằng cách sinh ra một hay vài trào lưu mới. Con người của thập niên sau luôn khác trước nhiều hơn. Phái Hậu ấn tượng gần phái Ấn tượng trước nó hơn là phái Biểu hiện hay Dã thú sau nó. Đến lượt mình phái Lập thể lại gần Cézanne hơn phái Trừu tượng hay Siêu thực. Picasso nhận ông này là thầy mình nhưng nhất định không chấp nhận hội họa trừu tượng. Các họa sĩ trừu tượng tôn thờ Picasso mà không thể chấp nhận Pop Art… Gần đây hội họa hay điện ảnh Trung Quốc cũng gắn với các hố ngăn cách thế hệ ngày càng lớn. Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca… đã làm ra một thứ điện ảnh Trung Hoa hoàn toàn khác trước. Các họa sĩ Mao Pop nổi đình đám gần như đứt cầu hoàn toàn với truyền thống quốc họa vốn được tôn thờ, sùng bài cho tới tận Ngô Quán Trung, Trương Đại Quan… Ở Việt Nam hội họa hiện thực XHCN từng muốn phủ nhận mỹ thuật Đông Dương; phê phán nó là tiểu tư sản, thiếu sức chiến đấu. Rồi hội họa Đổi mới gần như “khắc phục” hoàn toàn dòng hiện thực XHCN trước nó và từng bị “chửi” là phản động, mất gốc, lai căng hay “ăn phải bả” đế quốc. Những môn mỹ thuật đương đại, Installation, Performance, Video, Multimedia… du nhập giữa những năm 90 đến lượt mình cũng bị đả phá y hệt như vậy! Các thế hệ họa sĩ gần như không nhìn mặt nhau, làm ngơ nếu không công khai tẩy chay. Có thể thấy các chuẩn thẩm mỹ, các quan niệm, tiêu chí và cách thức làm nghệ thuật của các thế hệ này là không thể dung hòa với nhau. Trên mọi lĩnh vực văn hóa từ điện ảnh, truyền hình, thơ văn tới sân khấu, thời trang, ca nhạc… ít nhiều đều vậy. Các Gap thế hệ là một nguyên nhân căn bản của mọi mâu thuẫn dù dư luận và giới phê bình thường muốn “đánh trống lảng” vì sợ mất đoàn kết! Việc trao các giải thưởng của chính quyền, chấm giải của các ban giám khảo, phân bổ tiền tài trợ, đấu thầu dự án, các luồng bình giá tác giả, tác phẩm, phê phán hay ca ngợi một hiện tượng… thường đầy ắp các mâu thuẫn thế hệ. Các sự cố, hiện tượng văn nghệ từ việc “cấm hở hang” đối với sân khấu, “ca từ gây sốc” trong ca nhạc tới chuyện đồng tính, tình dục, tự do ngôn luận trong thơ hay họa… đều bị “nhiễm độc” bởi mâu thuẫn thế hệ. Từ cơ quan, từ đơn vị nghệ thuật ra tới ngoài xã hội xung đột thế hệ gây ra các sự cố làm đau đầu nhà quản lý và phân liệt giới sáng tác cũng như công chúng. Ta thường né tránh mâu thuẫn thế hệ khi nhìn nhận và giải quyết vấn đề vì không nhìn ra mặt tích cực và sự cần thiết của các mâu thuẫn đó mà chỉ sợ sự phân liệt làm mất sự “đoàn kết” (rất hình thức giả tạo…) Trong khi đó, chính sự phân liệt, “bất cộng đới chung” của các thế hệ mới tạo ra các đột biến đưa văn hóa nghệ thuật phát triển hợp với thời đại. Và công chúng có bị phân liệt thì văn hóa nghệ thuật mới “tiến hóa” được. Ràng buộc tất cả trong một lưới bùng nhùng của các quan hệ quản lý để “đoàn kết, nhất trí, đồng thuận” trong văn hóa nghệ thuật là tự lừa và tự hại mình. Điều này tạo ra mảnh đất cho cơ hội và tham nhũng hoành hành. Nạn “lão làng”, “cây đa cây đề”, quan phương, thâm niên hơn tài năng… tràn lan. “Đoàn kết, nhất trí, đồng thuận”  áp đặt các “chuẩn” của một hay hai thế hệ cho tất cả các thế hệ khác, thậm chí lấy sự đồng thuận đa số đè nén thiểu số trong văn hóa nghệ thuật là phản tự nhiên và tạo rào cản đối với văn hóa nghệ thuật.
Mỗi xã hội, thời đại luôn có nền văn hóa nghệ thuật riêng của mình. Và phải chăng tính phong phú, cá nhân, giàu mâu thuẫn của văn hóa văn nghệ luôn đối nghịch, không thể dung hòa với bất kỳ sự lãnh đạo, quản lý hay định hướng nào? Sự thực là ta đang lúng túng trong lãnh đạo và quản trị lĩnh vực nhạy cảm nhất này của xã hội một phần do thiếu sự khoan dung thế hệ không thấy cái hay, cái cần, cái tốt, cái đẹp, cái phong phú do các mâu thuẫn mang lại. Quản trị một hệ thống “nhất trí, đồng thuận, đơn nhất và tuyền tính” (thực chất là đơn điệu và vô vị) hay quản trị một hệ phức hợp, đầy mâu thuẫn thú vị và ích lợi hơn? Nếu có sự khoan dung thế hệ (và nhiều thứ khoan dung khác nữa) ta sẽ chọn phương án sau: thú vị và ích lợi hơn. Sự lãnh đạo, quản trị cần nhất trí đồng thuận nhưng đối tượng được lãnh đạo, định hướng, quản trị lại cần phải là phức hợp giàu mâu thuẫn, phi tuyến tính, không đồng nhất, đồng thuận bao giờ. Đó là cái biện chứng hiện thực và triết lý lãnh đạo mà ta cần chấp nhận, vươn tới trong “thời kỳ mới”!
Tôi tin rằng sự khoan dung thế hệ trong sáng tạo/sản xuất-quản trị/phân phối và-tiêu dùng/thưởng thức sẽ góp phần mang lại cho xã hội ta một nền văn hóa nghệ thuật phong phú, hài hòa, giàu bản sắc.

Ảnh trên cùng: Bên kia của thiên nhiên- Sơn dầu- Phạm Minh Tuấn

Nguyễn Bỉnh Quân

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)