Không có gì…
Trước tiên là không có ai, dù là có rất nhiều người, nhiều ban bệ từ trên xuống dưới: Cục di sản (Bộ VHTTDL), SởVHTTDL Hà Nội, Huyện Chương Mỹ, xã Tiên Phương; từ Cục trưởng Cục di sản đến ông Trưởng ban quản lý di tích Chùa Trăm gian. Tóm lại đầy đủ hết nhưng vẫn không có ai, không ai chịu nhận trách nhiệm, không ai làm việc nên nhà tổ, gác khánh, tam cấp bị phá đi để làm mới là đúng rồi.
Không có ai còn được hiểu thế này: vẫn có vài ba người biết nhưng bé cổ thấp họng nên biết việc phá chùa là sai, phá di sản là sai và dù mở miệng kêu ca cũng không ai quan tâm, không ai thèm nghe.
Có rất nhiều người, nhưng toàn là người vô cảm, không có ai có cảm cả. Nên mới xây bệ tượng bằng xi măng cốt thép để bịt hết những tác phẩm nghệ thuật bằng đất nung 500 năm tuổi đi, mới dùng sơn công nghiệp sơn phết lòa loẹt lên những bức Thập điện Diêm Vương, mới thay toàn bộ bậc đá 1000 tuổi được đẽo gọt bằng tay bằng những phiến đá cắt bằng máy.
Đâu phải chỉ có “vụ Chùa Trăm Gian”. Đình Ngu Nhuế (Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên) bị dỡ ra, chuyển sang chỗ khác, sai lệch, mất mát các chi tiết kiến trúc cổ trong quá trình thi công. Rồi vụ con tầu đắm ở Quảng Ngãi, có chính quyền (Công an, dân phòng) mà có cũng như không. Ngư dân vẫn thoải mái ngụp lặn lấy đi hết cổ vật. Với cái đà di sản như cha chung không ai khóc thế này thì sẽ đến ngày không còn gì. Chân dung một quốc gia chính là những di sản văn hóa của quốc gia đó. Chả chóng thì chầy sẽ đến ngày “không có gì … “
Sau khi Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng sáp nhập, tôi rủ mấy người bạn nước ngoài đến xem, thật hài hước, thật buồn cười, đương nhiên vừa cười vừa buồn. Chuyện thế này: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lời kêu gọi của Bác Hồ (năm 1966) có thể coi như slogan của cả dân tộc, bảo tàng lịch sử “viết” câu đó bằng nhựa mầu, dán lên trên bức tường của gian trưng bày hình ảnh giai đoạn chống Mỹ. Rất nhiều cán bộ nhân viên hàng ngày cần mẫn làm việc 8 tiếng nhưng không ai buồn để ý, vài ba chữ và dấu của câu đó rơi rụng mất từ bao giờ nhưng cũng không ai biết, thậm chí biết, thậm chí nhìn thấy cũng không ai muốn sửa lại. Đúng là không có ai, không có gì và buồn hơn nữa, thê thảm và nhếch nhác hơn nữa là một dự án nhiều nghìn tỷ đang được đề nghị duyệt để xây Bảo tàng lịch sử Quốc gia mới. Có lẽ người ta chỉ thích hình thức, thích làm to thôi, chứ còn những di sản quốc gia như đình chùa, cổ vật họ còn chả coi ra gì,chả quý trọng gì, họ ngang nhiên phá thì nói thế nào nhỉ, chả nhẽ lại bảo họ là những người theo “chủ nghĩa không có gì quý…”.