Không phải là môn học thờ cúng
Đối mặt với vấn đề lưu truyền học, có ba thái độ, ba lựa chọn căn bản.
Thứ nhất, là thái độ thờ cúng. Thái độ này nhắm tới thần thánh hóa quá khứ, điều vô cùng phổ biến trong các xã hội thủ cựu. Ông Khổng Tử chỉ mơ ước, và dày công thực thi, để mong phục hồi được lễ lạt của nhà Chu đời đời trước đó nữa. “Thuật nhi bất tác”, bắt chước lại, càng nguyên xi càng tốt, không thay đổi gì hết, là lý tưởng Khổng giáo. Thái độ này ăn sâu vào trong dân cư, thành các đầm lầy tập tục, làm con người bị tê liệt, không nhấc nổi mình lên khỏi những bóng đè của thói quen. Đơn giản là vì người ta khỏi phải nghĩ ngợi, cứ lề cũ mà đi, và tầng lớp bề trên thì an nhàn hưởng lợi, chỉ giáo.
Thứ hai, là thái độ hư vô. Thái độ này bất chấp mọi di sản, “cũ, là sọt rác”. Thái độ này, dưới cái vỏ phản-thờ cúng, thực ra là một lối thờ cúng khác, bất cần hiểu biết. Cách mạng văn hóa ở Trung Hoa những năm 1960 là một trường hợp điển hình.
Thứ ba, là thái độ học hỏi. Thái độ này tôn trọng các di sản, bảo dưỡng chúng, nhưng giữ một khoảng cách tỉnh táo, đòi hỏi việc nghiên cứu từ tốn, điềm tĩnh, đàng hoàng, dài lâu các di sản, để tìm hiểu các giá trị của chúng, cả mặt tích cực và mặt tiêu cực có thể, trong tổng thể lịch sử tiến hóa. Từ đó con người có nhiều nền tảng để lựa chọn, và phát triển thành đạt tiếp thêm lên, và sự phát triển thành đạt tiếp thêm lên ấy đến lượt nó lại được tiếp tục lưu truyền với thái độ học hỏi. Vòng xoáy duy dưỡng và phát triển này là cốt lõi của nền văn minh vì con người.
Thái độ thứ ba – thái độ học hỏi – đang ngày càng được phát huy trong các xã hội cởi mở, nó cho phép tạo dựng dần một nền văn hóa khoa học và nhân văn cho đời sống của con người. Nhờ đó, con người thoát dần ra khỏi sự hoang dã tinh thần, và tiến về phía ánh sáng của lý trí và lòng nhân hậu.
Thái độ thứ ba này là thái độ mà tôi muốn nói về lưu truyền học.
Đọc thêm:
Lưu truyền học
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=7963&CategoryID=41