Không trải nghiệm nào là vô ích

Sau Hồ Quý Ly đề cập đến những vấn đề tư tưởng Nho giáo và Mẫu thượng ngàn dành riêng cho đạo Mẫu, nhà văn lão thành Nguyễn Xuân Khánh vừa cho ra mắt tác phẩm mới nhất về đạo Phật, mà theo ông là “dùng toàn bộ chất liệu của cuộc đời mình” để viết nên. Ông có cuộc trả lời phỏng vấn với Tia Sáng chung quanh cuốn tiểu thuyết mới và các quan niệm của ông về nghề viết.

Phóng viên: Hai cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của ông là Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn đều rất thành công, đã được tái bản đến 10 lần với số lượng hàng vạn bản. Khi viết Đội gạo lên chùa*, ông có nghĩ đến số lượng độc giả lớn của mình và những kì vọng của họ không?

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Đội gạo lên chùa bao hàm nhiều vấn đề diễn ra trong hơn 50 năm, có thể nói là gồm ba cuốn tiểu thuyết kết nối lại với nhau. Ngay từ đầu tôi đã xác định không thể viết ngắn, và sẽ viết theo lối cổ điển, không cách tân kĩ thuật. Những người thích cách tân có thể sẽ ít quan tâm đến cuốn sách này. Dù không đổi mới về lối viết, tôi tin là cuốn sách vẫn gợi ra nhiều điều mới mẻ, động chạm đến tâm thức văn hóa Việt.

Tuy nhiên, viết xong Đội gạo lên chùa, tôi vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng trong lòng vì mình chỉ là một người ngoại đạo đối với Phật học, sự am hiểu có thể chưa đến nơi đến chốn chăng.

Chỉ trong vòng 10 năm, ông đã cho ra mắt ba cuốn tiểu thuyết với sức nặng đáng ngạc nhiên theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Ông có thể nói một chút về quá trình sáng tác của mình?

Trước tiên, tôi là người có khát vọng viết về những vấn đề của văn hóa Việt. Từ những năm 60 tôi đã nghiên cứu về đạo Phật và các vấn đề liên quan. Tôi đọc rất nhiều sách, đi thăm hầu khắp các chùa chiền miền Bắc. Tôi cũng rất mê văn hóa làng. Mặc dù sống ở thành phố nhưng tôi tin rằng những trải nghiệm quan trọng nhất của tôi là ở quê nội, một ngôi làng nhỏ ngoại thành Hà Nội, nơi tôi vẫn thường xuyên được về chơi.

Theo tôi, mỗi người viết văn nên có một vùng riêng để quan sát, từ con người đến cảnh vật. Tuy nhiên, tôi không có thói quen ghi chép vì tin rằng những gì xứng đáng còn lại sẽ không bị “tiêu ma” theo thời gian.

Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, tôi viết trong khoảng bốn năm, gần như liên tục. Tôi viết tay, chừng ba – bốn tiếng mỗi ngày. Nhưng hành vi viết không chỉ giới hạn khi ngồi viết, suy nghĩ về tác phẩm mới là quan trọng. Nghĩ đã chín thì khi viết chỉ còn là việc dàn các ý nghĩ ra trang giấy. Những lúc cảm thấy chán nản hay bế tắc, tôi thường dừng lại, đi đâu đó một chuyến rồi lại quay về viết.

Ông có thể nói một chút về nhân vật làm ông ám ảnh nhất trong tác phẩm mới này? Cuốn sách có nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết lạ lùng đan cài vào nhau. Ông có nghĩ nhà văn phải là nhà biên niên về thời đại mình, để những câu chuyện như vậy không rơi vào quên lãng?

Đội gạo lên chùa là bức tranh kì lạ về số phận những con người ở làng Sọ, một làng quê nhỏ bé êm đềm, đã trải qua hai cuộc chiến tranh, và những biến động lớn lao khác. Không gian làng Sọ tưởng như chật mà rất rộng, là nơi diễn ra không thiếu một tấn kịch nào trong những thời khắc đặc biệt của lịch sử.

Nhân vật chính, sư cụ mang pháp danh Vô Úy (không sợ hãi), cũng là nhân vật thể hiện rõ nhất tư tưởng lòng từ bi có thể không thay đổi được thế gian ở thời mạt pháp, nhưng không có nó thì tất cả sẽ sụp đổ.

Có một người khiến tôi bị ám ảnh là cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, tức cụ Thiều Chửu, tác giả của bộ Hán Việt Tự điển nổi tiếng. Cụ Thiều Chửu chưa ngày nào được đi học, chỉ được bà nội dạy chữ Hán và Quốc ngữ. Sau đó nhờ tự học mà cụ sớm tinh thông Tứ Thư Ngũ Kinh, về sau thạo cả tiếng Pháp, tiếng Anh, đặc biệt am hiểu Hán học, Phật học và còn là một lương y. Cụ từng dẫn đoàn tăng ni và trẻ mồ côi lên Thái Nguyên tăng gia sản xuất, đóng góp cho kháng chiến chống Pháp. Là một trong những người sáng lập ra Hội truyền bá Quốc ngữ, tới đâu cụ cũng mở trường dạy chữ. Cụ khước từ làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ Cách mạng lâm thời để nguyện một đời làm Phật sự, vậy mà trong cải cách ruộng đất, cụ lại bị quy là địa chủ và bị đấu tố. Trước nỗi oan khuất quá lớn, sau khi viết bức thư tuyệt mệnh gửi Hồ Chủ tịch, cụ đã gieo mình xuống sông Cầu tự vẫn. Tôi vẫn tin, bức thư của cụ đã góp một phần không nhỏ dẫn đến việc sửa sai sau đó.

Con người uyên bác và trong sáng ấy giống như một vị Bồ Tát giữa cõi đời này. Cuộc đời cụ là nguyên mẫu để tôi xây dựng nhân vật thiền sư Vô Úy.

Viết Đội gạo lên chùa, tôi không chỉ sử dụng hiểu biết của mình ở một mảng nhỏ hiện thực mà huy động toàn bộ cuộc đời mình vào đó, từ kinh nghiệm sống đến những điều học được từ sách vở. Có những chi tiết mà nhà sử học không thể ghi lại, chỉ nắm bắt được qua tác phẩm văn học mà thôi. Khi viết, tôi thật sự nhận thấy không trải nghiệm nào của mình là vô ích cả.

Tuy Phật giáo là tâm điểm của Đội gạo lên chùa nhưng ông vẫn dành những trang viết đặc biệt cho các nhân vật nữ tràn trề nữ tính cả trong tình yêu và tâm linh như bà Nấm, cô Rêu… Có phải ông muốn tìm kiếm một mẫu hình mang bản sắc chung của người nữ qua các tiểu thuyết của mình?

Thời thơ ấu ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc đời sáng tác của nhà văn. Tôi mồ côi cha từ năm 6 tuổi, nhưng may mắn được sống trong sự yêu thương của những người phụ nữ hết sức dịu dàng, thánh thiện là mẹ tôi, rồi các bác, các dì, các chị… những người mà chồng của họ đều đã đi Lào hoặc đi Tân thế giới để kiếm sống cả rồi… Từ nhỏ tôi đã cảm nhận được, và càng về sau càng hiểu rõ phẩm hạnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Bóng dáng của họ đi theo tôi suốt cuộc đời. Vẻ đẹp cũng như sức mạnh của nữ tính, của sự hiền hòa, từ bi là những điều tôi luôn cố gắng thể hiện qua các tác phẩm của mình.

Trong tiểu thuyết này ông đề cập nhiều đến việc lựa chọn Phật giáo như một lối sống. Điều đó liệu có quá khó khăn trong thời đại hiện nay?

“Kiếp người chẳng qua như những con đom đóm. Vầng trăng kia là ánh sáng của Phật, tỏa chiếu khắp nhân gian. Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát sáng. Ánh sáng ấy nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng.”

Nguyễn Xuân KhánhĐội gạo lên chùa

Trong thời hiện đại xô bồ, đạo Phật có nhiều điểm tích cực. Khi con người đã quá mệt mỏi với các “đại tự sự”, Phật giáo chỉ đường cho chúng ta tìm kiếm một lối sống hạnh phúc thông qua sự bình an trong bản thể. Ngay nhiều nhà khoa học giờ đây cũng quay sang nghiên cứu đạo Phật.

Vua Lý Nhân Tông có câu nói về thiền sư Vạn Hạnh: “Vạn Hạnh dung tam tế”. “Tam tế” ở đây tôi hiểu là ba cõi quá khứ, hiện tại, tương lai; nhưng tôi cũng còn hiểu là sư Vạn Hạnh đã dung hòa được cả tư tưởng của Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo, vì thế ông mới có đóng góp lớn để mở ra triều đại thịnh trị của nhà Lý. Trong văn hóa Lý-Trần, đạo Phật tạo nên sự từ ái, sức mạnh tiềm ẩn, nhưng Nho giáo mới tạo ra sức mạnh giúp tổ chức xã hội quy củ. Kết hợp Nho-Lão-Phật sẽ tạo nên được sự phát triển cân bằng cho xã hội. Trong tiểu thuyết của tôi có chi tiết sư Vô Úy truyền dạy lòng tư bi cho một con mãnh hổ nên lại thành ra tước đoạt mất đường sống của nó trong thế giới hoang dã. Có thể hiểu đó như một yếu tố tiêu cực của đạo Phật, quá từ bi và quá đề cao sự tự giác ở từng con người.

Nếu có thể, ông muốn viết thêm điều gì trong Đội gạo lên chùa? Cuối cùng, niềm vui lớn nhất mà việc viết văn đem lại cho ông là gì?

Tôi có đam mê tự nhiên với văn học. Năm 9-10 tuổi tôi đã đọc hết các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn, năm 16 tuổi đã tập viết tiểu thuyết. Thời Tây chiếm đóng, tôi đang học Đại học Y. Tôi bỏ dở để đi bộ đội, ngoài lòng yêu nước, căm thù giặc thì động lực chính là vì tôi tin rằng để theo đuổi việc viết văn, cần phải được trải nghiệm.

Tôi viết xong Đội gạo lên chùa nhưng vẫn còn nhiều điều canh cánh, muốn khai thác sâu hơn nhiều nhân vật. Đó là tâm trạng hết sức mâu thuẫn, một mặt muốn có thêm thời gian để hoàn thiện tác phẩm, một mặt lại nóng lòng muốn đứa con tinh thần của mình xuất hiện trước bạn đọc.

Viết là công việc vất vả nhưng đem lại sự thỏa mãn trong tâm hồn. Viết hiện tồn trong toàn bộ cuộc sống của một nhà văn, chứ không chỉ ở những lúc đối diện với trang giấy.

* NXB Phụ nữ ấn hành tháng 6/2011, 868 trang

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)