Khúc ngoặt của tình yêu

Thế giới kỹ thuật phát triển ngày một nhanh, thói quen của chúng ta cũng thay đổi theo đáng kể.


Có những công việc, rất quen thuộc ngày xưa, nay gần như không thấy.

Chẳng hạn như nghe đài.

Thủa còn đi học cấp 1-2, nghe đài hằng ngày. Bây giờ, ít nhất ở thành phố, không mấy ai nghe đài nữa, người ta xem ti vi, hay đọc bản tin trên mạng, rồi xem hay nghe qua luôn đường link.

Những năm 70, dĩ nhiên chẳng có mạng, và cũng chẳng có ai biết cái máy tính mặt mũi thế nào (chỉ nghe nói là nó rất đẹp, sáng bóng như nồi nhôm, rất thông thái, và dĩ nhiên do Liên Xô chế tạo). Ti vi thì phố nào giàu có một hai cái, trẻ con xúm đông trước cửa xem nhờ. Phố nào nghèo thì sang phố giàu mà xem. Duy có cái đài, thì nhiều nhà có.

Gọi chung là đài, nhưng bọn này kích thước to nhỏ rất chi khác nhau. Từ chú đài bán dẫn bé tí của Trung Quốc treo lủng lẳng trên ghi đông xe đạp đến cô Videoton đến từ Hungary to như nửa cái tủ lạnh. Tuy to nhỏ khác nhau, nhưng công dụng thì lại đồng nhất, tức là kêu, nếu có điện. Ngoài ra chúng không làm gì khác. Cái bọn đài mà biết chạy băng cát-sét hay quay đĩa, là chuyện về sau.

Có đài rồi, điện cũng đã về, thì nghe gì?

Câu trả lời, có một dạo, đã đồng loạt xuất hiện trên hầu hết các bản tin của các tổ dân phố, viết nắn nót bằng phấn trắng trên cái bảng đen đầu phố

Nghe đài đọc báo của ta

Đừng nghe đài địch ba hoa nói càn.

Đài của ta, tức là đài tiếng nói Việt Nam. Đài địch, chắc ám chỉ BBC và các dạng tương tự. Nghe BBC buổi tối là nét rất Hà Nội. Người lớn hay nghe vì nó nhiều thông tin, trẻ con thì là do có đọc truyện Thuỷ Hử. Nghe BBC phải dò sóng khá công phu, chỉnh đi chỉnh lại lúc lâu cho nó đỡ nhiễu lạo xạo. Sau đó vặn thật nhỏ, không hàng xóm nghe thấy. Hàng xóm, dĩ nhiên cũng đang lúi húi dò sóng. Sáng ra, hai nhà nhìn nhau với một thái độ hơi phảng chút tự kiêu nhưng đồng thời cũng vô cùng thận trọng. Thế rồi, gần 40 năm trôi đi, ngay cả chương trình phát thanh của BBC tiếng Việt nay cũng đã đi vào dĩ vãng.

Theo đánh giá của các thính giả nhí của khu Trương Hán Siêu-Trần Quốc Toản, chương trình của đài tiếng nói Việt Nam cũng không tệ. Hoặc giả điện thường chỉ có vào buổi tối là lúc chương trình khá phong phú. 7 giờ tối thứ bảy là “Câu chuyện cảnh giác” dài nửa tiếng bắt đầu bằng một cái nhạc hiệu rất độc đáo. Câu chuyện thường như sau. Từ 7 giờ đến chừng 7 giờ 25, nhân vật xấu, gián điệp hay buôn lậu, tuỳ theo từng thời kỳ, thì thào bàn bạc hoặc trong rừng sâu hoặc trong quán cà phê, hoặc từ trong rừng ra đến quán cà phê, rặt những âm mưu hiểm hóc, và cười hí hí nghe rất hoạt kê. Nhưng chỉ trong vòng năm phút cho đến cuối chương trình, chúng không bao giờ thoát khỏi tai mắt nhân dân và bị các anh công an tóm gọn. Các nhân vật phản diện, diễn xuất rất đa dạng và nhập vai. Đoạn cuối những năm 70 đầu 80, có một diễn viên kịch mình không nhớ tên, tuần nào cũng vào vai điệp viên Hoa Nam tình báo cục. Cái đoạn tóm gọn, thường do đúng một anh buổi nào cũng đọc, giọng rất nghiêm trang.

“Tiếng thơ” cũng phát muộn, đại loại lúc mọi người sắp đi ngủ. Giữa trưa hay có ca nhạc nước ngoài, chỉ độ 15 phút, giao hưởng và ABBA lẫn cả vào nhau. Quãng trưa trưa còn có chương trình chuyện cổ tích cho bọn mẫu giáo mặc quần thủng đít, do cô Chinh Lam phụ trách, bọn nhóc lên kể chuyện với nhau và hát véo von. “Đại đội trưởng của tôi”, hình như vào ngày chủ nhật (?). Ngoài ra còn nhiều chương trình khác, không dành cho trẻ con…

Những buổi tối mùa đông, như có phép màu, tự dưng có điện, đèn bật sáng, tiếng đài vang lên, ấm cả căn phòng của đôi bạn trẻ.

Giọng cô phát thanh viên mềm mại

“… da mịn, hồng hào, là biểu hiện của sức khoẻ sung mãn, sinh đẻ tốt…”

Nàng bất giác đưa tay lên má đỏ hây hây

– Kể như da em cũng hồng và mịn anh nhỉ?

Chàng âu yếm cúi xuống

– Đúng rồi, hay là, chúng mình…

Cô phát thanh viên

– Bây giờ là 8giờ 15, chương trình đặc biệt về cây trồng và vật nuôi dành cho bà con xã viên đến đây là hết!

Tác giả